GIỜ THÁNH NGÀY GIA TRƯỞNG

LỄ THÁNH GIUSE 19.3.2009

MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC

GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO.

 

I. KHAI MẠC

1. Đặt Mình Thánh Chúa - Hát kính Thánh Thể.

2. Lời nguyện dẫn nhập :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con sấp mình thờ lạy Chúa ! Chúng con tụ họp nhau nơi đây trong tâm tình mừng lễ Thánh Cả Giuse, bổn mạng của giới gia trưởng. Chúng con muốn dành một chút thời gian cận kề bên Chúa để chiêm ngắm và học hỏi mẫu gương của Vị Cha Nuôi của Chúa, Đấng đã từng góp phần xây dựng cuộc sống của gia đình Nagiaret. Chính trong khung cảnh gia đình thánh thiện và hạnh phúc ấy, Chúa cũng muốn mời gọi chúng con nhìn vào đó như là mẫu mực cho đời sống gia đình của chúng con hôm nay. Điều này lại càng trở nên thiết thực hơn trong một hoàn cảnh xã hội mà những giá trị nền tảng của đời sống hôn nhân gia đình có nguy cơ bị lung lay tận gốc rễ ! Ước gì lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong lá thư Mục vụ năm nay về “Môi trường giáo dục gia đình Công giáo” thực sự tác động trên đời sống đạo của tất cả chúng con, để trong ánh sáng đức tin của Hội Thánh, chúng con biết sống làm sao để gia đình chúng con trở thành “trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng tương lai của một con người”. Để được như vậy, chúng con xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse, ban cho mỗi người gia trưởng chúng con ý thức được vị trí và vai trò của mình trong gia đình, dựa vào gương sáng của chính Thánh Cả Giuse, để chúng con có thể chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của chúng con trong việc giáo dục con cái ! Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, xin hãy dạy dỗ chúng con trong quyền năng và ân sủng của Chúa Thánh Thần, để Ngài soi sáng hướng dẫn chúng con trong ý định tốt lành của Thiên Chúa Cha khi giao cho chúng con đảm nhận vai trò trụ cột trong gia đình của chúng con.

Hát : Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con…

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :

1. Bài đọc 1 : Sáng thế 22,1-19

2. Suy niệm 1 :

Abraham, tổ phụ của đức tin.

Trong kho tàng đức tin của Hội Thánh , hình ảnh của ông Abraham là khởi đầu cho việc thiết lập mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Nhưng trước hết, chúng ta phải kể đến vai trò đó của ông như là một người cha trong gia đình để từ đó khám phá ra giá trị của Đức tin. Có thể nói gia đình và cả dòng dõi của ông được hình thành là nhờ niềm tin của ông nơi Thiên Chúa. Thật vậy, nếu không có lời hứa bởi niềm tin, làm sao ông có con nối dõi tông đường, có một vùng đất mầu mỡ làm quê hương xứ sở cho con cháu ông ? Niềm tin ấy khởi đầu từ việc ông đã vâng nghe theo lời Thiên Chúa phán : “hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Và rồi ông đã mau mắn thu xếp hành trang để lên đường mà không biết là mình sẽ đi đâu ? Trong suốt cuộc hành trình tiến về miền đất hứa, phải trải qua biết bao nhiêu là gian nan vất vả, nhưng lòng tin của Abraham qua đó lại càng được củng cố hơn nữa. Ông lại cho chúng ta thấy lòng tin tuyệt đối của ông đặt để nơi Thiên Chúa thật mạnh mẽ qua sự việc ông sẵn sàng sát tế đứa con duy nhất để làm lễ tế toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Từ đó, đời sống gia đình của ông và sau này là cả dòng tộc của ông chắc chắn chịu ảnh hưởng sâu đậm của một niềm tin nhờ đó đã khiến con cháu ông được Thiên Chúa chúc phúc.

3. Lời nguyện 1 :

Lạy Chúa Giêsu, nhờ vào lòng tin tuyệt đối đặt để nơi Thiên Chúa, Abraham đã trở thành tổ phụ của mọi tín hữu chúng con. Ông đã luôn tín thác cuộc đời mình trong sự chở che, nâng đỡ của Thiên chúa, vì ông tin rằng: không có gì Thiên Chúa không làm được. Xin cho mỗi người chúng con cũng luôn biết củng cố niềm tin của mình nơi Chúa là Đấng đã hết mực yêu thương chúng con, để chúng con là những người cha trong gia đình : luôn ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục, nuôi dưỡng con cái lớn lên và trưởng thành về mọi mặt, ngay trong chính môi trường của gia đình chúng con !

Hát :

4. Bài đọc 2 : Do Thái 12,5-13

5. Suy niệm 2 :

Thiên Chúa lấy tình Cha mà giáo dục :

Người kitô hữu chúng ta hôm nay có một niềm tin: Thiên Chúa là Cha chúng ta. Niềm tin ấy khởi đi từ niềm tin của Abraham, được thể hiện trong lịch sử dân Do Thái, và được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Bởi đó mà đoạn thư gửi tín hữu Do Thái mà chúng ta vừa nghe, dạy chúng ta hãy hướng tới Thiên Chúa đế nhận ra Thiên Chúa là Đấng luôn luôn lấy tình Cha mà giáo dục con cái mình. Có nhận ra điều này chúng ta mới có thể sống tâm tình là con cái trong gia đình của Thiên Chúa, đồng thời nhờ đó mà biết sống tư cách làm cha trong gia đình của chính mình.

Thật vậy, “Chúa có thương ai thì mới sửa dạy” (c.6). Cần phải nhìn giáo dục trong cái nhìn khởi đi từ Thiên Chúa Cha là “nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15) mới thấy hết được vai trò của những người cha trong việc giáo dục con cái ! Cần phải nhận ra ơn gọi của chúng ta là : sống “trong chân lý và tình yêu” (Ep 4,15) của Thiên Chúa mới có thể xác định tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin trong gia đình kitô giáo. Trước tiên, chính con người chúng ta cần phải được giáo dục, cần phải được chỉ dạy, cần phải được uốn nắn, cần phải được sửa sai mới có thể sống đúng với bậc sống của mình. Sau đó, đến lượt chúng ta truyền đạt “tinh thần” ấy cho các thế hệ tiếp nối chúng
ta ! Chỉ khi nào chúng ta đặt vấn đề giáo dục gia đình trong cái nhìn của đức tin như thế, chúng ta mới có thể nhận ra thế nào là tầm quan trọng của nó, qua lời kêu gọi của các Đức Giám Mục Việt Nam chúng ta. Thật vậy, thước đo của sự hoàn thiện đối với người kitô hữu chúng ta phải là sự thánh thiện ở nơi Thiên Chúa. Đó là khuôn mẫu của đời sống chúng ta ! Gạt để điều đó qua một bên, con người sẽ đi đến những lệch lạc khiến cho ngay cả cái nền tảng của hạnh phúc là đời sống gia đình bị lung lay đến tận gốc rễ vì đã mất đi những giá trị cơ bản là tính bền vững của hôn nhân gia đình và tình liên đới giữa các thành viên (Thư chung HĐGMVN 2008 số 10). Còn nếu con người vẫn còn biết để cho Thiên Chúa có một vị trí tối thượng trong đời sống gia đình của mình, thì gia đình của họ sẽ trở nên như một mái trường giáo dục đức tin,giáo dục tình yêu, giáo dục tình liên đới hiệp thông, giáo dục lương tâm và sự thật, giáo dục các đức tính nhân bản, trở thành những con người biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.

6. Cầu nguyện 2 :

Lạy Chúa Giêsu, chính nhờ Chúa mà chúng con biết được: chúng con có một người Cha trên trời hằng yêu thương chăm sóc và dạy dỗ chúng con. Đó là một chân lý mà nếu phủ nhận nó, mọi nền tảng giá trị trong đời sống con người chúng con sẽ bị lung lay và tan biến! Xin cho chúng con đừng bao giờ lãng quên chân lý ấy, nhờ đó, khi chúng con được sống trong tình phụ tử với Cha trên trời như thế nào, thì chúng con cũng biết lấy tình phụ tử chân thực mà chăm lo giáo dục con cái của chúng con như vậy.

Hát :

7. Bài đọc 3 : Luca 2,41-50

8. Suy niệm 3 :

Thánh Giuse,

mẫu mực của việc giáo dục trong môi trường gia đình.

Đoạn Tin mừng mà Thánh sử Luca vừa thuật lại phác họa lên cho chúng ta khung cảnh sống của Chúa Giêsu trong gia đình Nagiarét. Qua đó, chúng ta sẽ hình dung được một mái ấm gia đình mà nếp sống ấy có tầm ảnh hưởng nhất định trên đời sống và sứ mạng của Đấng Cứu Thế sau này. Trong gia đình ấy, dù các Thánh sử đã không ghi chép gì nhiều, nhưng có lẽ từng đó thôi cũng đủ để cho thấy sự cần thiết của một khung cảnh gia đình mà trong đó, Con Thiên Chúa đã được sinh ra và được chăm sóc chu đáo như thế nào lúc thiếu thời.

Xét theo bề ngoài, gia đình của Chúa Giêsu cũng được hình thành như bao gia đình khác. Thế nhưng, cũng như đức tin của Abraham đã làm nên dân tộc Israel như thế nào, thì gia đình Nagiarét cũng được xây nên nhờ niềm tin nơi Thiên Chúa của Thánh Giuse như vậy. Trong bối cảnh của ngày lễ mừng bổn mạng Giới gia trưởng hôm nay, chúng ta hãy hướng cái nhìn tới Đức tin của người gia trưởng trong gia đình Nagiarét là Thánh Cả Giuse. - Thật vậy, nếu không có lòng tin, khi thấy bạn đã đính hôn của mình mang thai, làm sao ông có thể chấp nhận ? Nếu không có niềm tin nơi Thiên Chúa, làm sao gia đình Nagiarét có thể hình thành để Đức Giêsu trở nên con của Bác thợ mộc cùng với Mẹ là Maria (x. Mc 6,3) ? Nếu không có niềm tin, liệu Giuse có thể duy trì một gia đình êm ấm khi mà mối quan hệ vợ chồng ngay từ đầu xem ra đã có vấn đề hay không ? Và còn biết bao nhiêu sự việc xảy ra trong đời sống gia đình thường ngày, điển hình như là biến cố Chúa Giêsu lạc mất tại Đền Thờ năm lên 12 tuổi mà thánh sử Luca vừa thuật lại cho chúng ta nghe. Sự tận tụy của cha mẹ làm sao không cảm thấy mủi lòng khi cất công tìm con mà lại được nghe một câu trả lời như vậy ? Quả thế, trong tất cả mọi sự, Thánh Giuse đã hoàn tất nhiệm vụ chăm sóc gia đình của mình trong đức tin, để rồi nhờ đó Đức Giêsu có thể hoàn tất sứ mạng của mình. Trong thân phận làm người, Chúa Giêsu đã học được những bài học căn bản đầu tiên về đời sống, về đức tin và về văn hoá ở đâu nếu không phải là ở nơi chính cha mẹ của mình ? Với đường lối giáo dục trong đức tin dựa vào sự vâng phục Thánh ý của Thiên Chúa, cha mẹ của Đức Giêsu đã góp một phần không nhỏ trong việc hoàn tất sứ mạng cứu thế mà Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi vị Ngôn Sứ thành Nararét sau này.

9. Cầu nguyện 3 :

Lạy Chúa Giêsu ! Khi xuống thế làm người như chúng con, Chúa đã chọn cho mình một người cha nuôi là Thánh Cả Giuse, để Ngài nên mẫu mực cho giới gia trưởng chúng con hôm nay trong việc giáo dục con cái. Xin cho chúng con khi mừng lễ Ngài là Bổn mạng của mọi gia trưởng, chúng con cũng biết noi gương Ngài, sống tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha ; nhờ đó chúng con cũng sẽ biết phải chu toàn bổn phận giáo dục con cái chúng con trong gia đình như thế nào, cho phù hợp với ánh sáng chân lý ơn cứu độ mà chúng con đã được nhận lãnh từ nơi Chúa.

III. PHÉP LÀNH THÁNH THỂ VÀ KẾT THÚC

1.     Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng

2.     Phép lành Mình Thánh Chúa.

3.     Hát kết thúc

 

 

 

 


Trở về trang Mục Lục