GIỜ THÁNH

Ngày Kim Khánh Giáo Phận

24,27/11/1960 – 2010

 

Khai mạc

1.      Đặt Mình Thánh Chúa. Hát kính Thánh Thể.

2.      Lời nguyện mở đầu.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin và thờ lạy Chúa, chúng con vui mừng đến dâng lời tri ân cảm tạ vì hồng ân sự sống Chúa đã thương ban. Chúng con biết Chúa yêu thương chúng con và muốn cho chúng con được sống trong tình yêu thương.

Lạy Chúa, trong những ngày này, Giáo Hội Việt Nam đang hân hoan cử hành Đại Hội Dân Chúa và Gia đình Giáo phận thân yêu chúng con chuẩn bị mừng Kim Khánh ngày được thiết lập, chúng con xin đến bên Chúa với niềm vui cử hành Năm Thánh, để nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa mà dâng lên Cha trên trời những tâm tình chân thành của những người con.

Nguyện xin Chúa ban Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng con trong giờ phút này.

 Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện

3.      Hát Lắng nghe Lời Chúa

4.      Bài đọc I : Cl 3,14-17

Trích thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côlôsê

Anh em thân mến, Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.

Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

5.      Suy niệm 1 (ngồi). Về lời mời gọi nên thánh (KTHGD 16)

Trong tông huấn kitô-hữu giáo dân ngày 30/12/1988 cố Giáo hoàng đáng kính Gioan-Phaolô II viết :

Công Đồng Vatican II đã diễn tả rõ ràng về lời mời gọi mọi người nên thánh. Có thể khẳng định rằng đó là định hướng chính yếu đã được Công Đồng ấn định cho các con cái nam nữ của Giáo Hội, một Công Đồng được triệu tập để canh tân đời sống Kitô-giáo phù hợp với Tin Mừng (x. GH 39–42). Định hướng này không đơn thuần là một sự khuyên nhủ luân lý, nhưng là một đòi hỏi không thể tránh né trong mầu nhiệm Giáo Hội : Giáo Hội là Cây Nho được tuyển chọn, nhờ đó các cành được sống và tăng trưởng do chính nhựa sống thánh thiện và thánh hóa của Đức Kitô ; Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm trong đó các chi thể tham dự cùng một đời sống thánh thiện với thủ lãnh là Đức Kitô ; Giáo Hội là Hiền Thê yêu quý của Chúa Giêsu, Đấng đã tự phó mình để thánh hóa Giáo Hội (x. Ep 5,25 tt). Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa bản tính nhân loại của Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria, cũng là Thánh Thần đang cư ngụ và hoạt động trong Giáo Hội để thông ban cho Giáo Hội sự thánh thiện của Con Thiên Chúa làm người.

Ngày nay, hơn lúc nào hết, mọi kitô-hữu phải cấp bách trở về với con đường canh tân theo Tin Mừng, quảng đại đáp lại lời kêu gọi của thánh Tông Đồ là "sống thánh thiện trong cách ăn nết ở" (1 Pr 1,15). Năm 1985, tức hai mươi năm sau khi kết thúc Công Đồng, Thượng-hội-đồng khóa ngọai lệ đã nhấn mạnh thật đúng lúc về sự cấp bách này : "Vì Giáo Hội trong Đức Kitô là một mầu nhiệm, nên phải coi Giáo Hội như một dấu chỉ và một phương tiện nên thánh. Trong những giai đọan khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội, các thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và căn nguyên của việc canh tân. Ngày nay chúng ta rất cần có những vị thánh ; chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban cho những vị thánh".

Trong Giáo Hội, tất cả mọi người, chính vì là phần tử của Giáo Hội, nên lãnh nhận và vì vậy tham dự vào ơn gọi chung là nên thánh. Không hề có sự khác biệt nào so với các thành phần khác của Giáo Hội, các giáo dân đương nhiên được mời gọi nên thánh : "Tất cả các kitô-hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô-giáo và tiến đến sự trọn lành đức Ái" (GH 40) ; "Mọi kitô-hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình" (GH 42).

Ơn gọi nên thánh có gốc rễ trong bí tích Thánh Tẩy và được khơi lại nhờ các bí tích khác ; chủ yếu là bí tích Thánh Thể : được mặc lấy Đức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần, các kitô-hữu là "những vị thánh", nhờ đấy, họ có năng cách và nỗ lực bày tỏ sự thánh thiện của hữu thể trong sự thánh thiện của mọi hoạt động của họ. Thánh Phaolô không ngừng khuyên các kitô-hữu sống "xứng đáng là các thánh" (Ep 5,3).

Đời sống theo Thần Khí, mà hoa trái là sự thánh hóa (Rm 6,22 ; x. Gl 5,22) khơi lên nơi tất cả và từng người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy khát vọng và đòi hỏi phải nối gót và noi gương Đức Giêsu-Kitô, qua việc đón nhận các Mối phúc thật của Ngài, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, đói khát sự công chính, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ các anh em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ.

6.      Hát Hồng ân Thiên Chúa bao la (đứng).

7.      Lời cầu tạ ơn và sám hối (đứng).

Chúng ta cùng cảm tạ và ca ngợi Chúa Giêsu :

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa bóng đêm tội lỗi, nhưng Chúa đã mở mắt chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

đ/ Vì ân huệ này, chúng con ca ngợi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã làm ô danh Chúa, nhưng Chúa đã rộng tình thứ tha.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã không giữ lời thề với Chúa, nhưng Chúa đã tái lập giao ước với chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, chúng ocn gây chia rẽ, chúng con sống bất hòa, nhưng Chúa đã liên kết chúng con trong gia đình Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã chết vì phạm tội, nhưng Chúa đã chết để chúng con được sống muôn đời.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho Hội thánh mãi mãi là dân thánh, sống mầu nhiệm hiệp nhất của Một Chúa Ba Ngôi. Ước chi ở giữa thế giới này, Hội Thánh nên dấu chỉ sự thánh thiện, nên bí tích hiệp nhất và lợi khí xây dựng tình thương. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

8.      Tin Mừng (đứng). Mt 11,25-30

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo Thánh Matthêô

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

"Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa
Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng".

9.      Suy niệm 2 (ngồi). Hướng tới việc truyền giáo (KTHGD 35)

Giáo Hội nhận thấy và đang sống tình trạng cấp bách hiện nay là phải có một công cuộc Phúc-âm-hóa mới, nên không thể tránh né sứ vụ trường kỳ là mang Tin Mừng đến cho hàng triệu triệu người, nam cũng như nữ, chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc con người. Đây là công tác truyền giáo đặc trưng nhất mà Đức Giêsu đã và đang mỗi ngày trao phó cho Giáo Hội của Ngài.

Công việc của giáo dân, vả lại đã không bao giờ thiếu trong lãnh vực này, hiện nay luôn được coi là cần thiết và quý giá hơn cả. Thực vậy, lệnh truyền của Đức Kitô : "Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ" vẫn được rất nhiều giáo dân quảng đại hưởng ứng, sẵn sàng từ giã môi trường sống, công việc, quê hương xứ sở của mình, để đi đến những xứ truyền giáo, ít là trong một thời gian nhất định. Có những đôi vợ chồng kitô-hữu, noi gương Aquila và Priscilla (x. Cv 18 ; Rm 16,3 tt.), đang cống hiến một chứng từ đầy an ủi về tình yêu tha thiết đối với Đức Kitô và Giáo Hội bằng sự hiện diện tích cực của họ tại các xứ truyền giáo. Còn có một sự hiện diện truyền giáo đích thực khác của những người kitô-hữu, do những động lực khác nhau đang sống trong những nước hay những nơi mà Giáo Hội chưa được thiết lập, làm chứng niềm tin riêng của mình.

Nhưng ngày nay, Giáo Hội nhận thấy vấn đề truyền giáo có một tầm vóc lớn lao và nghiêm trọng đến nỗi chỉ có sự đảm nhận trách nhiệm thực sự liên đới giữa các thành phần trong Giáo Hội, cá nhân cũng như từng nhóm, mới hy vọng có được một giải đáp hiệu quả hơn.

Lời mời gọi của Công Đồng Vatican II gửi tới các Giáo Hội địa phương vẫn giữ nguyên giá trị của nó ; ngay cả hiện nay, lời mời gọi đó vẫn cần được đón nhận một cách rộng rãi và dứt khoát hơn : "Vì Giáo Hội địa phương có nhiệm vụ phản ánh Giáo Hội toàn cầu một cách hết sức hoàn hảo, nên cũng phải thành thực nhận định rằng mình cũng được sai tới những kẻ chưa tin Chúa Kitô" (TG 20).

... Trong giai đoạn mới này, việc huấn luyện không những hàng giáo sĩ địa phương mà cả bậc giáo dân trưởng thành và có trách nhiệm, trong các Giáo Hội trẻ, được coi như một yếu tố cốt yếu và cần thiết cho việc thiết lập Giáo Hội (TG 21). Như thế, chính các cộng đồng đã được Phúc-âm-hóa lại lao mình vào những miền đất mới để, đến lượt họ, đáp lại sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng đó.

… Muốn Phúc-âm-hóa các dân tộc, trước tiên cần có các tông đồ. Để được như vậy, mọi người chúng ta, bắt đầu từ những gia đình Kitô-giáo, phải nhận ra trách nhiệm của mình là cổ võ sự phát triển và trưởng thành của các ơn gọi linh mục, tu sĩ hay giáo dân, đặc biệt hướng tới việc truyền giáo, sử dụng mọi phương tiện, nhưng không bao giờ được quên phương tiện ưu đãi là cầu nguyện, như lời Chúa đã phán : "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9,37-38).

10.  Đọc chung Kinh truyền giáo.

Kết thúc

11.  Này con là Đá. Lời nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

12.  Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.

13.  Hát Kinh Hòa Bình kết thúc.

 


Trở về trang Mục Lục