ChẦu thánh THỂ

Thứ Năm Tuần Thánh 2016

Khai mẠc GIỜ CHẦU

1. Lời nguyện mở đầu (quỳ)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Năm xưa, sau khi cùng các tông đồ ăn Bữa Tiệc Ly, Chúa đã đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Giết-sê-ma-ni và nói: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện”. Rồi Chúa đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Chúa nói với các ông : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (x. Mt 26,36-38). Chúa đã cầu nguyện cùng Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Giờ đây, bên Thánh Thể Chúa, chúng con đang được Chúa mời gọi đến với Chúa để được Chúa yêu thương và dạy dỗ cho biết sống đạo làm con cái, xin cho chúng con ngoan ngoãn khi lắng nghe và suy niệm lời Chúa, được thêm hiểu biết, yêu mến và bước theo Chúa trên đường cứu thế.

2. Hát “Lắng nghe Lời Chúa” (đứng)

LẮNG NGHE LỜI CHÚA – SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

3. Phúc Âm: Ga 15,9-17 (đứng)

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

4. Suy niệm 1. Thánh Thể và Giáo Hội (ngồi)

Trong Tông thư Bữa Tiệc của Chúa (Domini Cenae, 4) ngày 24.02.1980, Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã viết :

Nhờ Công Đồng Vatican II, chúng ta đã ý thức rõ rệt chân lý sau đây : cũng như Hội Thánh “thực hiện bí tích Thánh Thể” thì “bí tích Thánh Thể xây dựng” Hội Thánh. Chân lý này gắn liền mật thiết với mầu nhiệm ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Hội Thánh đã được thiết lập, như cộng đoàn mới của Dân Thiên Chúa, trong cộng đoàn tông đồ của Nhóm Mười Hai là những người, trong Bữa Tiệc Ly, đã trở nên thông phần Mình và Máu Chúa dưới hình bánh và rượu. Chúa Kitô nói với họ : “Các con hãy cầm lấy mà ăn”, “Các con hãy cầm lấy mà uống”. Khi tuân theo lệnh truyền của Người, lần đầu tiên họ đã đi vào sự thông hiệp bí tích với Con Thiên Chúa, một sự thông hiệp làm bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu. Từ giây phút đó trở đi và mãi cho đến tận thế, Hội Thánh được xây dựng bởi cùng một sự thông hiệp với Con Thiên Chúa, làm bảo chứng cho cuộc Vượt Qua vĩnh cửu.

Thưa Anh em khả kính và thân mến trong hàng Giám Mục, trong tư cách là thầy dạy và người bảo vệ chân lý cứu độ về mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta phải luôn chú tâm đến ý nghĩa và chiều kích của việc gặp gỡ Đức Kitô trên bình diện bí tích và sự thân mật với Người. Thật vậy, đó là những điều tạo nên bản chất của việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Ý nghĩa của chân lý được trình bày trên đây không giảm thiểu, trái lại còn làm cho người ta dễ hiểu tại sao trong thái độ tạ ơn, những người thông phần vào hy lễ của Đức Kitô lại được xích lại gần nhau một cách thiêng liêng và được hiệp thông với nhau ; chính hy lễ của Đức Kitô, qua việc hiệp lễ, trở thành một bữa tiệc đối với họ. Sự xích lại và hiệp thông với nhau, mà nguyên mẫu là sự thông hiệp của các tông đồ chung quanh Chúa Kitô trong bữa Tiệc Ly, diễn tả và thực hiện Giáo Hội.

Nhưng Hội Thánh không chỉ được thực hiện nhờ sự hiệp thông giữa những con người với nhau, trong kinh nghiệm huynh đệ do bàn tiệc Thánh Thể tạo nên. Hội Thánh còn được hiện thực khi, trong sự kết hợp và hiệp thông huynh đệ này, chúng ta cử hành hy lễ thập giá của Chúa Kitô, khi chúng ta loan báo “cái chết của Chúa cho tới ngày Người đến”, sau đó, khi đã được bước vào mầu nhiệm cứu độ, với tư cách là một cộng đoàn, chúng ta cùng tiến đến bàn tiệc của Chúa để được nuôi dưỡng cách bí tích bằng các hoa trái của hy lễ đền tội này. Trong lúc hiệp lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Kitô ; và sự hiệp thông của chúng ta với Người quả là quà tặng và hồng ân cho mỗi người, mang lại hiệu quả là liên kết chúng ta trong Người trong sự hiệp thông với Thân Thể Người là Hội Thánh.

Với đức tin và tinh thần như thế, Hội Thánh mới có thể được xây dựng, một Giáo Hội bắt nguồn từ Thánh Thể và đạt tới đỉnh cao của mình trong Thánh Thể, theo lối diễn tả của Công Đồng Vatican II mà ai cũng biết. Cũng nhờ Công Đồng, chân lý này một lần nữa được nhấn mạnh cách mới mẻ, phải luôn là đề tài suy niệm và giảng dạy của chúng ta. Mỗi hoạt động mục vụ phải thấm nhuần chân lý đó, chúng ta phải lấy chân lý đó làm lương thực cho chính mình và cho các linh mục cộng tác với chúng ta, và cuối cùng cho toàn thể các cộng đoàn đã được trao phó cho chúng ta.

Như vậy, tương quan mật thiết giữa sức sống thiêng liêng và tông đồ của Hội Thánh với mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ tỏ hiện từng bước một theo nghĩa sâu xa và dưới mọi khía cạnh của mầu nhiệm đó.

5. Đọc chung Tv 135/135 Ca mừng Vượt Qua. Người xướng đọc từng câu và cộng đoàn đáp chung “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. (đứng)

1 Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

2 Hãy tạ ơn Thần các thần,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

3 Hãy tạ ơn Chúa các chúa,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

4 Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

5 Tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

6 Trải mặt đất này trên làn nước bao la,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

7 Người làm ra những đèn trời to lớn,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

8 Cho thái dương điều khiển ban ngày,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

9 Đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

10 Người sát hại các con đầu lòng Ai-cập,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

11 Dang cánh tay uy quyền mạnh mẽ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

12 Dẫn Ít-ra-en ra khỏi xứ này,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

13 Nước Biển Đỏ, Chúa phân làm hai khối,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

14 Đưa Ít-ra-en lối giữa băng qua,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

15 Xô xuống biển Pha-ra-ô cùng binh tướng,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

16 Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

17 Sát hại bao lãnh chúa hùng cường,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

18 Tiêu diệt những quân vương hiển hách,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

19 Vua Xi-khon của dân tộc A-mô-ri,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

20 Và vua Ốc miền Ba-san nữa,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

21 Người chiếm đất họ, ban làm gia sản,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

22 Gia sản cho tôi tớ Người là Ít-ra-en,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

23 Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

24 Gỡ ta thoát khỏi tay thù địch,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

25 Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

26 Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

6. Tùy nghi, thinh lặng. (ngồi)

7. Đọc chung kinh cầu cho các linh mục (quỳ)

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhìn đến Đức Ki-tô Con Chúa là Vị Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, và vì yêu qúy Người mà thương xót giữ gìn các linh mục của Chúa.

Lạy Thiên Chúa giầu lòng thương xót, xin nhớ đến các linh mục, bởi các ngài cũng chỉ là tạo vật đầy yếu đuối thấp hèn ; xin Chúa hằng khơi dậy nơi tâm hồn các ngài hồng ân đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh ; xin gìn giữ các ngài thật gần Chúa để kẻ thù không lấn át được và cũng để các ngài biết bảo vệ toàn vẹn sự trong sáng của ơn gọi cao cả trong chức Linh Mục.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con khẩn cầu cho các linh mục là những vị trung tín và nhiệt tâm cũng như những vị bất tín và nguội lạnh, những vị đang làm việc nơi đây vì Danh Chúa và lợi ích các linh hồn, cũng như những vị đang miệt mài trong các vùng đất truyền giáo xa xôi, những vị đang bị tấn công bởi cám dỗ, nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề, những vị trẻ tuổi và già cả, những vị đau yếu và đang hấp hối ; cách riêng chúng con nhớ đến những vị đã góp phần đào tạo chúng con và những vị đã cử hành các bí tích cho chúng con hưởng nhờ. – Xin cho các ngài được đầy tràn sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ đó ơn Chúa được trao ban cho con người trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giê-su dịu hiền khiêm nhường, xin gìn giữ các linh mục gần Thánh Tâm Chúa và xin chúc phúc dồi dào cho các ngài bây giờ và mãi mãi. Amen.

8. Suy niệm 2. Thánh Thể và đức ái (ngồi)

Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô viết tiếp trong Tông thư Bữa Tiệc của Chúa (số 5-6) : Việc tôn sùng Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống kitô-hữu. Thật vậy, nếu đời sống kitô-hữu được diễn tả trong việc chu toàn lệnh truyền cao cả, nghĩa là trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, tình yêu đó bắt nguồn từ chính bí tích thánh, thường được gọi là bí tích tình yêu.

Bí tích Thánh Thể nói lên ý nghĩa của đức ái, nhắc nhở và cụ thể hóa, đồng thời thực hiện đức ái. Mỗi lần chúng ta tham dự bí tích đó cách ý thức, một chiều kích vương giả của tình yêu khôn thấu mở ra trong tâm hồn chúng ta, tình yêu bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho loài người, và vẫn tiếp tục thực hiện, đúng như lời của Chúa Kitô : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc và tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).

Với hồng ân khôn lường và nhưng không mà đức ái đã bộc lộ trong hy tế cứu độ của Con Thiên Chúa mà Thánh Thể là dấu chỉ trường tồn cho hy lễ đó, chúng ta có một lời đáp trả sống động phát xuất tự tâm hồn. Không những chúng ta biết được tình thương, mà chính chúng ta còn bắt đầu yêu thương. Có thể nói chúng ta bước vào con đường của tình yêu, và thực hiện những bước tiến trên con đường này. Tình yêu xuất phát từ mầu nhiệm Thánh Thể hình thành trong chúng ta, phát triển, cắm rễ sâu và trở nên vững chắc trong ta nhờ mầu nhiệm đó.

Việc tôn sùng Thánh Thể là cách diễn tả tình yêu, một nét đặc thù và sâu thẳm nhất của ơn gọi kitô-hữu. Việc tôn sùng này xuất phát từ tình yêu và phục vụ tình yêu, đó là ơn gọi của chúng ta trong Chúa Giêsu-Kitô. Hình ảnh hoàn hảo về Thiên Chúa mà chúng ta đang mang trong mình, tương ứng với hình ảnh mà Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta ; hình ảnh đó là kết quả sống động của việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Nhờ đó, khi trở thành những người tôn thờ Chúa Cha “trong thần khí và chân lý” (Ga 4,23), chúng ta tăng trưởng trong sự kết hiệp ngày càng hoàn hảo với Chúa Kitô, ngày càng nên một với Người cách mật thiết hơn và – nếu có thể diễn tả – ngày càng liên đới với Người.

Giáo lý về mầu nhiệm Thánh Thể, dấu chứng của sự hiệp nhất và mối dây bác ái, được thánh Phaolô chỉ dạy (x. 1Cr 10,17), đã được đào sâu trong tác phẩm của nhiều vị thánh, có thể xem như những mẫu gương sống động cho việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta phải luôn giữ thực tại đó trước mắt mình, đồng thời không ngừng cố gắng làm sao cho thế hệ của chúng ta cũng đóng góp vào số các mẫu gương vĩ đại của quá khứ, những mẫu gương mới không kém phần sống động và hùng hồn, mà còn phản ánh được thời đại của chúng ta.

Ý nghĩa chính xác của Thánh Thể đã trở thành một trường học yêu thương hướng về tha nhân. Chúng ta biết lệnh truyền đích thực và toàn diện về tình yêu mà Chúa đã dạy : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Mầu nhiệm Thánh Thể giáo dục chúng ta sống tích cực tình yêu này. Quả vậy, mầu nhiệm Thánh Thể soi tỏ giá trị của mỗi con người, là anh em và chị em chúng ta, trước mặt Thiên Chúa, vì Chúa Kitô đã tự hiến chính mình cho mỗi người, dưới hình bánh và rượu. Nếu việc tôn sùng Thánh Thể có giá trị đích thực, thì sẽ làm nảy sinh trong chúng ta ý thức về nhân phẩm của mọi người. Ý thức phẩm giá này trở thành lý do sâu thẳm nhất cho tương quan của chúng ta với tha nhân.

Chúng ta phải nhạy cảm trước tất cả những đau khổ và khốn cùng của nhân loại, trước mọi nỗi bất công và sai trái, và phải tìm biện pháp chữa trị cách hữu hiệu. Chúng ta học khám và tôn trọng chân lý về con người nội tâm vì chính nội tâm của con người sẽ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Chúa Kitô đến ngự trong các tâm hồn và thăm viếng lương tâm các anh em chị em chúng ta. Nếu như chúng ta ý thức thực tại này và lấy thực tại đó làm đối tương suy tư, thì hình ảnh về mọi người và mỗi người sẽ thay đổi biết bao ! Ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân, yêu thương mọi người.

9. Hát “Đâu có tình yêu thương” (đứng)

10. Tùy nghi, thinh lặng. (ngồi)

11. Đọc chung kinh Đền tạ Trái Tim Chúa Giêsu (quỳ)

Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành, – Chúa đã yêu dấu loài người quá bội – mà loài người vô tình tệ bạc – lại còn kinh mạn dể duôi ; – nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa – hết lòng thờ phượng cung kính – cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ – hằng làm sỉ nhục Thánh Tâm Chúa hay thương dường ấy.

Song le chúng con nhớ lại : – xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy – thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, – xin Chúa thương xót thứ tha ; – chúng con sẵn lòng đền tội chúng con – cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi – hoặc bởi vô tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật – hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội – mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.

Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy – thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy, – lại dốc lòng đền riêng những tội này – như cách ăn ở buông tuồng mất nết – những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh – tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ – sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các thánh – những lời sỉ nhục phỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy – những điều ơ hờ khinh dể - cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí tích mến yêu ; – sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền – cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy.

Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy – ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá – mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày ; – lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ đồng trinh và các thánh cùng các kẻ lành – cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa.

Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa : – từ này về sau – nhờ ơn Chúa giúp – thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng – ăn ở thanh sạch – giữ luật E-van cho trọn – nhất là luật yêu người – cho được bù lại những tội chúng con cùng tội thiên hạ – đã phụ ơn bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy – lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa – cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa.

Lạy Chúa Giêsu cực khoan cực nhân – chúng con cậy vì lời Đức Nữ đồng trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu – xin Chúa nhậm lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa – cùng xin cho chúng con được ơn bền đỗ – giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời – cho ngày sau chúng con hết thảy được về Quê thật – là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Chúa Cha – và Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng – Amen.

12. Suy niệm 3. Niềm vui tuyệt vời khi trở nên khí cụ của lòng Chúa thương xót (ngồi)

Trong Sứ điệp Giới trẻ 2016 (số 3), Đức thánh cha Phanxicô nhắn nhủ người trẻ : Lời Chúa dạy chúng ta rằng “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Đó là lý do tại sao Mối Phúc thứ 5 nói rằng người xót thương được chúc phúc. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc và sung sướng khi chúng ta đi vào được cái “lô-gích” của Thiên Chúa là cho đi và yêu mến nhưng không, khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa yêu chúng ta vô cùng để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Ngài, không giới hạn. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu… Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4, 7-11).

Sau khi tóm tắt rất ngắn gọn về cách thức Thiên Chúa trao ban lòng thương xót của Ngài cho chúng ta, cha muốn đưa cho chúng con vài đề nghị để làm thế nào chúng ta có thể nên những khí cụ của lòng thương xót này cho người khác.

Cha nghĩ đến mẫu gương của Chân phước Pier Giorgio Frassati. Anh ấy nói, “Chúa Giêsu đến thăm tôi vào mỗi buổi sáng trong bí tích Thánh Thể, và tôi đáp lại sự thăm viếng ấy bằng cách thế đơn sơ mà tôi biết, thăm viếng người nghèo.” Pier Giorgio là một người trẻ hiểu được có lòng thương xót để đáp lại những người đang cần đến nhất nghĩa là gì. Anh trao cho họ nhiều hơn là những của vật chất. Anh đã cho đi chính mình bằng cách cho đi thời gian, lời nói và khả năng lắng nghe của mình. Anh phục vụ người nghèo rất lặng lẽ và khiêm tốn. Anh thực sự thi hành điều Tin mừng nói với chúng ta: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6,3-4). Hãy tưởng tượng xem, một ngày trước khi qua đời, khi anh đã bệnh nặng, anh vẫn đưa ra những hướng dẫn để làm thế nào giúp đỡ bạn bè của mình đang túng thiếu. Trong tang lễ của Pier Giorgio, gia đình và bạn bè đã sửng sốt vì sự hiện diện của rất nhiều người nghèo mà họ không hề biết. Họ đã được chàng thanh niên Pier Giorgio làm bạn và giúp đỡ.

Cha luôn thích liên kết các Mối phúc với Tin Mừng thánh Mát-thêu chương 25, nơi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta các việc thực hành của lòng thương xót và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị phán xét trên những việc đó. Theo đó, cha đề nghị với chúng con tái khám phá những việc làm thương xót phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Chúng ta cũng không nên bỏ qua những việc làm thương xót thiêng liêng: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Như chúng ta có thể thấy, lòng thương xót không chỉ hàm ý một “người tốt” cũng không chỉ là tình cảm. Nó là thước đo tính chân chính của chúng ta như những môn đệ của Chúa Giêsu, và mức độ đáng tin cậy của chúng ta như là những Kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Nếu chúng con muốn cha nói thật cụ thể thì cha đề nghị rằng trong bảy tháng đầu năm 2016, chúng con chọn một việc thương xót phần xác và một việc thương xót thiêng liêng để thực hành mỗi tháng. Hãy tìm nguồn cảm hứng trong lời cầu nguyện của Thánh Faustina là một tông đồ khiêm tốn của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại chúng ta:

“Lạy Chúa, xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm hồn của tha nhân và giúp đỡ họ [...]

Xin hãy giúp con để tai con biết xót thương, nhờ đó, con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn đau và than van của họ [...].

Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời ủi an và tha thứ cho mọi người [...].

Lạy Chúa, xin hãy giúp con để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện [...];

xin cho chân con biết xót thương, nhờ đó, con mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân [...].

Xin hãy giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể chung chia mọi khổ đau của tha nhân” [...] (Nhật Ký, 163).

Thông điệp Lòng Chúa thương xót là một kế hoạch sống rất cụ thể vì nó bao gồm hành động. Một trong những công việc rõ nhất của lòng thương xót, và có lẽ khó khăn nhất để đưa vào thực hành là tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm chúng ta tổn thương hoặc những người khiến chúng ta xem họ như kẻ thù. “Đôi khi tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một khí cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù là điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc” (Dung Nhan Lòng Thương Xót, 9).

Cha gặp rất nhiều bạn trẻ nói rằng họ mệt mỏi với thế giới đầy chia rẽ này, với những cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ phe phái khác nhau và gây ra nhiều cuộc chiến tranh, trong đó một số viện lý do tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để thương xót những ai gây tổn thương cho chúng ta. Chúa Giêsu trên thánh giá cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Lòng thương xót là cách duy nhất để vượt thắng sự dữ. Công bằng là cần thiết, rất cần, nhưng tự nó lại không đủ. Công bằng và lòng thương xót phải song hành với nhau. Cha ước mong sao chúng ta có thể cùng nhau tham dự vào đoàn hợp xướng để cầu nguyện, từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, để xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót chúng ta và toàn thế giới!

13. Đọc chung kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lạy Chúa Giêsu Kitô, – Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, – và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. – Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa – và chúng con sẽ được cứu độ. – Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu – và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; – làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna – không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; – cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa, – và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải. – Xin cho chúng con được nghe – những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria, – như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con: – “Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”.

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, – Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài – trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót: – xin làm cho Hội Thánh – phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này. – Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa – cũng mặc lấy sự yếu đuối – để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc, – xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài – đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa – quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến – xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, – để Năm Thánh Lòng Thương Xót này – trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con; – và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, – có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, – công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức, – trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu, – nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, – xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin. – Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha – và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

KẾT THÚC

14. Hát Kinh Hòa Bình rồi thinh lặng giải tán hoặc tiếp tục chầu Mình Thánh Chúa.

 

Lm. Giuse Trần Liên

Gx. An Bình - Đalạt

Tuần Thánh 2016


Giờ Thánh & Cầu Nguyện Chung