GIỜ THÁNH

NGÀY GIẢNG VIÊN GIÁO LÝ GIÁO PHẬN ĐÀLẠT

26.7.2005

THÁNH THỂ - HIẾN TẾ TÌNH YÊU

 

- Đặt MTC - hát.

1. LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy và tôn vinh Chúa, vì Chúa quy tụ chúng con thành Giáo Hội, thành những kẻ tin vào Chúa chung quanh bàn tiệc Thánh Thể. Chúng con tạ ơn Chúa, vì sức sống của chúng con là chính Chúa, vì ‘nguồn gốc và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu’ là chính Thánh Thể Chúa.

Chúng con muốn bắt chước lễ dâng của Chân phúc Anrê Phú Yên, bổn mạng Giáo lý viên, một thầy giảng của thế kỷ 17 đã sống nhờ Thánh Thể Chúa mà đem hết nhiệt tâm giảng dạy giáo lý cho người đương thời biết đáp trả tình yêu của Chúa. Là những thế hệ đàn em tiếp nối truyền thống bất khuất của các giảng viên giáo lý đất Việt đầu tiên như Thầy giảng Anrê, chúng con ước mong được Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng để giúp nhiều người thêm lòng yêu mến Chúa qua việc học giáo lý.

Xin cho lòng mộ mến Thánh Thể Chúa được gia tăng trong khắp cả Giáo Hội, đặc biệt nơi các giáo lý viên, để mọi hoạt động của chúng con nhằm hoàn tất cuộc khổ nạn của Chúa còn thiếu sót nơi thân xác mỗi người chúng con.

(thinh lặng rồi hát : “Xin cho con biết lắng nghe”.)

2. CÔNG BỐ TIN MỪNG : Lc 22,14-16.19-20.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các tông đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông : “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Này là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”.

Đó là Lời Chúa.

3. SUY NIỆM 1 : ‘BẺ BÁNH’ LÀ ‘BẺ MÌNH’.

Ngày hôm nay, qua lời Truyền Phép của linh mục, bánh và rượu biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa ; đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy !”. Bởi đó, nhớ đến Chúa Giêsu, chúng ta phải làm việc mà Chúa đã làm khi xưa trong bàn tiệc ly và vẫn tiếp tục làm trong Giáo Hội khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Đó là mỗi kitô hữu chúng ta hãy hiến dâng thân mình làm lễ vật hy sinh như Chúa đã làm. Chúng ta là thân thể huyền nhiệm của Chúa thì hãy để cho Chúa dâng hiến Thân Mình của Ngài lên Chúa Cha làm lễ vật tạ tội cho nhân loại được ơn giao hoà. Bởi đó, mỗi khi tham dự thánh lễ là chúng ta cùng với Chúa Giêsu dâng lễ, và lễ vật cũng chính là thân mình của chúng ta, vì hết thảy chúng ta thuộc về Thân Thể huyền nhiệm của Chúa. Chúng ta là những chi thể và Chúa Kitô là Đầu nên không thể có sự phân ly, chia cắt giữa chúng ta và Chúa Kitô. Chúa Giêsu không thể tự hiến trọn vẹn nếu như vẫn còn một chi thể khác của Ngài chưa cùng Ngài hiến tế.

Chúa Giêsu muốn chúng ta làm việc đó và Ngài đã làm một hành vi biều trưng rất có ý nghĩa để dạy chúng ta phải hiến tế chính thân thể chúng ta. Đó là hành vi ‘bẻ bánh’, một cử chỉ rất đơn sơ, không chỉ có nghĩa chia sẻ để dễ chia phần, mà còn biểu thị hành vi sát tế. ‘Bẻ bánh’ là bẻ chính Thân Mình Ngài để dâng hiến cho Chúa Cha chính mạng sống của mình, để trao ban cho chúng ta Thịt Máu của Ngài làm của ăn thức uống thiêng liêng.

(Thinh lặng rồi hát : “Ta là bánh hằng sống”.)

4. CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho các Giáo lý viên chúng con, cũng như mọi Kitô hữu, biết đáp trả tình yêu tự hiến của Chúa, như vị thánh bổn mạng của chúng con đã đáp trả. Khi Chúa cúi xuống ‘bẻ bánh’, thì xin cho chúng con biết ‘bẻ mình’ trước những người mà chúng con gặp gỡ và phục vụ. Khi Chúa nói trong thánh lễ : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn !”, thì xin cho chúng con biết mau mắn trở thành “kẻ bị ăn” trong thánh lễ cuộc đời, chấp nhận cho anh chị em ‘ăn’ mình đi, đặc biệt là những người không chơi đẹp với chúng con. Ước gì ttong thánh lễ cuộc đời, chúng con như những hạt lúa miến bị răng thú dữ nghiền nát để trở thành tấm bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa (Inhatiô Antiôkia). Có rất nhiều răng nhọn đang sẵn sàng nghiền nát cuộc đời chúng con : như những dị nghị, trái ý, bất đồng, ghen tuông… của người anh chị em không mấy thiện cảm. Suy cho cùng, chúng con phải biết ơn những người này vì họ đã thi ân cho chúng con hơn cả những người chỉ biết tâng bốc chúng con. Đó là cơ hội để chúng con nói với họ : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn !”, như Chúa đã làm và đã dạy chúng con làm để tưởng nhớ đến Chúa.

Chúng con nhớ đến Lời Chúa đã dạy : “Nếu thế gian ghét anh em, hãy nhớ là nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18) ; và chúng con liên tưởng ngay đến cái chết của thầy giảng Anrê đất Phú Yên. Nguyên do là vì thầy Inhaxu đã phê phán cách sống loạn luân của bà vương phi Tống Thị Toại với Chúa Thượng, nên đã bị bà căm ghét, và tìm dịp trả thù. Bà đã tìm được người đồng loã là ông ‘Nghè Bộ’, một người vốn có ác cảm với các Kitô hữu, để bịt miệng những ai muốn phơi bày sự thật. Thực ra, người bà Toại nhắm đến là thầy Inhaxu, chứ không phải là Anrê : “Nếu các ông muốn bắt thầy Inhaxu thì vô ích, vì thầy không có nhà. Còn bắt tôi thì rất dễ : tôi là giáo hữu, hơn nữa cũng là kẻ giảng. Tôi có cả hai tội mà các ông khép cho thầy Inhaxu để bắt thầy ấy”. Bọn lính định bắt cả những thầy đau ốm nếu như thầy Anrê không kịch liệt phản đối. Thế là thầy giảng Anrê có cơ hội hiến tế đời mình cho tình yêu, như lời ngài vẫn rao giảng : “Hỡi anh chị em, hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến chết. Không một điều gì có thể dập tắt lòng kính mến Chúa Giêsu trong trái tim chúng ta”.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con ý thức khi tham dự thánh lễ là chúng con hiệp ý với linh mục để dâng lễ, và của lễ là chính Chúa; còn trong suốt ngày sống, Chúa là người dâng, và chúng con là lễ vật.

(thinh lặng rồi hát : “Tôi thâm tín rằng”.)

5. SUY NIỆM 2 : HIẾN TẾ TÌNH YÊU.

Động cơ nào khiến Chúa Giêsu hiến ban thân mình mà không tìm ý riêng mình song chỉ muốn thánh ý Chúa Cha được vẹn tròn khi chấp nhận uống cạn ‘chén đắng’ ?

Tình yêu và chỉ có tình yêu mới có thể giải thích được hành vi hiến tế của Chúa Giêsu là ‘yêu đến cùng’, đến quên mình, đến chết trên thập giá. Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu, và yêu là quên mình để sống cho người khác (1 Ga 4,8). Chẳng lẽ Chúa Cha lại vui sướng khi thấy Con mình đi ngược lại bản chất yêu thương của Chúa, dù rằng làm như thế là tránh được cái chết thập giá đớn đau ! Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, và ‘vâng phục cho đến chết’ qua việc hiến cả thân mình để cứu chuộc chúng ta. Trong bữa ăn chiều thứ năm tuần thánh, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ tiên trưng, báo trước việc Ngài sẽ chết ngày hôm sau là lập phép Thánh Thể.

Khi Giáo Hội cử hành Thánh Thể thì không còn là Chúa Giêsu ở nhà tiệc ly năm xưa nữa, mà là Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã chết rồi đã sống lại và hiện đang sống đến muôn thuở muôn đời. Có thể nói có hai Thân Mình của Chúa Giêsu trên bàn thờ : Thân Mình thật của Ngài là Thân xác ‘được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria’ và đã Phục sinh, hiện diện thực sự dưới hình bánh và rượu; và Thân Thể huyền nhiệm của Ngài là Giáo Hội cũng hiện diện một cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Vì thế khi nói : “Này là Mình Ta”, thì trong cái Ta của Chúa có cái tôi nhỏ bé của toàn thể các Kitô hữu ; và thánh Phaolô gọi là “Chúa Kitô toàn thể”, khi ngài nói : “Tôi làm trọn những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô nơi thân xác tôi” (Cl 1,24).

Vì lẽ đó, cũng có thể nói có hai hiến vật trên bàn thờ : một hiến vật là bánh và rượu sẽ trở thành Mình và Máu Chúa; và một hiến vật khác là chính chúng ta sẽ trở thành nhiệm thể Chúa Kitô. Trong Kinh nguyện Thánh Thể của phụng vụ Giáo Hội cũng có hai ‘lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần’ : một lời khẩn cầu cho bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa; và một lời khẩn cầu sau Truyền Phép xin cho tất cả chúng ta ‘trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô’, ‘một hiến lễ muôn đời dâng hiến Cha’.

Là những người tin vào Chúa Kitô chung quanh bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta hãy dâng mình làm lễ vật, nghĩa là dâng tất cả những gì làm nên cuộc sống thể lý của chúng ta, như thời giờ, sức khoẻ, năng lực, tình cảm vv., và dâng cả cái chết của mình cho Chúa, không nhất thiết phải là cái chết thể lý, không cứ phải tử đạo như Anrê Phú Yên, song là tất cả những gì đang dọn đường cho cái chết, đang cho chúng ta cảm nghiệm trước được nó qua những đau khổ, những trái ý trong cuộc sống.

(Thinh lặng rồi hát : “Thầy yêu chúng con”.)

6. CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin lỗi Chúa, vì đã biết bao lần chúng con tham dự thánh lễ, và biết bao lần chúng con rước Chúa ngự vào lòng, nhưng chúng con lại không ý thức được đặc ân vô cùng lớn lao đó nên đã không cùng với Chúa dâng hiến trọn cuộc sống làm lễ hy sinh.

Chúng con tạ ơn Chúa vì Chân phúc Anrê Phú Yên, Bổn Mạng của Giáo lý viên chúng con, đã biến cả cuộc đời rao giảng Tin Mừng và cả cái chết để làm lễ dâng kết hiệp với lễ dâng của Chúa qua bí tích Thánh Thể mà Thầy lãnh nhận mỗi ngày trong thánh lễ do cha Đắc Lộ cử hành. Chúng con nhận ra điều đó qua lời kêu gọi của Thầy trước khi bị tử hình : “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống …”.

Sở dĩ Thầy giảng Anrê Phú Yên mau mắn hiến dâng mạng sống vì Thầy cảm nghiệm sâu xa Lời Truyền Phép mà Cha Đắc Lộ đọc mỗi ngày : “Này là Mình Ta, hiến tế vì các con”, thì đến lượt Thầy, Thầy lại càng khao khát trở thành ‘tấm bánh bẻ ra’ cho nhiều người hưởng dùng. Thật vậy, Cha Đắc Lộ kể : “Sau khi bị kết án tử hình, Anrê hớn hở lạ lùng… Anh xưng tội, quỳ xuống cầu nguyện, vĩnh biệt mọi người, rồi nhanh nhẹn theo toán lính dẫn Thầy tới thửa đất cách thành chừng nửa dặm”. Dù phải mang gông nặng nề mà Thầy vẫn cố nhanh bước như muốn theo sát mẫu gương hiến tế của Chúa, đến nỗi cha Đắc Lộ, người có mặt trong cuộc hành quyết của Thầy, phải thú nhận rằng ngài không theo kịp bước chân của Thầy Anrê.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con dâng lời cảm tạ vì Thánh Thể Chúa đã biến đổi con người và đời sống của thầy giảng Anrê Phú Yên thành chi thể nhiệm mầu và đáng kính của Chúa. Xin cho chúng con biết hiến dâng cuộc đời và cái chết của mình như ‘tấm bánh bẻ ra’ cho thế giới, như ‘hiến lễ muôn đời dâng hiến Chúa Cha’.

7. ĐỌC KINH GIÁO LÝ VIÊN

Lạy Chúa Giêsu là Con Một tự lòng Chúa Cha / Chúa đã đến để mặc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những ai bé mọn / và đã thương cho con được dự phần vào sứ mạng rao giảng các mầu nhiệm ấy.

Xin Chúa ban cho con và cho mọi Giáo Lý Viên / Thánh Thần tình yêu và sự thật / để chúng con luôn kết hiệp với Chúa / và được Chúa dạy dỗ / Xin cho con được vững tin mọi điều Chúa mặc khải / và Hội Thánh truyền dạy / Xin cho con biết can đảm dạy điều con tin / và quảng đại thực hành điều con dạy / Xin ban cho con ánh sáng và tình yêu / để con trình bày Lời Chúa thật sáng sủa và sống động / Xin cho con biết quan tâm đến từng học sinh Chúa đã trao phó cho con / để con luôn yêu mến các em / cầu nguyện cho các em đến với Chúa.

Xin Chúa mở rộng cõi lòng các em / để các em hiểu biết và thực hành Lời Chúa / Xin cho gia đình các em biết quý trọng phần rỗi của con cái mình / luôn thúc đẩy các em đến với Chúa / và xin cho các em biết đem Chúa về lại với gia đình / Amen.

-          Hát : “Đây nhiệm tích”.

-          Lời nguyện

-          Phép lành MTC.

 

 

Ban Giáo Lý Giáo Phận Đàlạt


Trở về trang Mục Lục