bài 31 :

tHÁNH THỂ VÀ ƠN GỌI PHỤC VỤ

 

Khai mẠc

§     Đặt Mình Thánh Chúa.

§     Hát kính Thánh Thể : “Con thờ lạy”.

§     Lời nguyện của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con đến với Chúa, để được lắng nghe Lời Chúa dạy bảo và suy niệm giáo huấn của Hội Thánh.

Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng niềm tin và lòng mến vì biết rằng Cha trên trời hằng yêu thương, muốn cho hết mọi người nên thánh, và đã mời gọi nhiều người nam nữ dấn thân phục vụ Hội Thánh làm dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện.

Xin dạy chúng con biết bước theo Chúa, sống nghèo khó, vâng phục và khiêm tốn để phụng sự Thiên Chúa trên hết mọi sự và phục vụ anh chị em như chính Chúa đã nêu gương. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

§     Hát : “Thờ lạy Chúa”.

LỜi Chúa – suy niỆm – cẦu nguyỆn

§     Bài đọc I : Is 42,1-7

§     Suy niệm 1

“Đây là người tôi trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người” (Mt 12,18 ; x. Is 42,1-4). Chủ đề về người tôi tớ phục vụ mời gọi chúng ta trở về nguồn cội của ơn gọi Kitô hữu, về câu chuyện của Đấng đầu tiên được Chúa Cha kêu gọi, Đức Giêsu, Con của Ngài, là “người tôi tớ” của Thiên Chúa, được các ngôn sứ tiên báo là Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn từ khi còn trong dạ mẹ (x. Is 49,1-6), người Con yêu dấu mà Thiên Chúa nâng đỡ và hài lòng (x. Is 42,1-9), Ngài đã đặt thần khí trong Người và trao ban quyền năng (x. Is 49,5), và là Đấng Ngài sẽ nâng cao (x. Is 52,13 – 53,12).

Bản văn linh ứng đề ra một ý nghĩa rất tích cực cho từ “tôi tớ”, điều đó thật hiển nhiên. Trong văn hóa của ngày hôm nay, người phục vụ được xem như hạng người thấp kém ; nhưng trong lịch sử thánh, người tôi tớ là người được Thiên Chúa kêu gọi để chu toàn công cuộc cứu độ và cứu chuộc đặc biệt. Người tôi tớ biết rằng tất cả những gì mình có, đều là bởi nhận lãnh. Như một hệ quả, người ấy cũng cảm thấy mình được mời gọi ra đi chia sẻ cho người khác điều mình đã nhận lãnh.

Trong Kinh Thánh, phục vụ luôn gắên liền với một lời mời gọi đặc biệt đến từ Thiên Chúa. Vì thế, nó diễn tả sự hoàn thành lớn lao nhất của phẩm giá một thụ tạo, cũng như nhắc lại chiều kích huyền nhiệm của ơn gọi mà Thiên Chúa đặt để nơi mình. Cũng xảy ra như thế trong cuộc đời Đức Giêsu, Người tôi tớ trung thành đã được mời gọi thực hiện công trình cứu chuộc phổ quát.

Trong Kinh Thánh, có một liên hệ chặt chẽ và hiển nhiên giữa phục vụ và cứu chuộc, cũng như giữa phục vụ và đau khổ, giữa người Tôi TớCon Chiên của Thiên Chúa. Đấng Mêsia là người Tôi Tớ đau khổ đã vác trên vai gánh nặng của tội lỗi nhân loại. Người là con chiên “bị đem đi giết” (Is 53,7), để đền thay cho những tội lỗi mà nhân loại đã phạm, và vì thế đem lại cho nhân loại sự phục vụ mà nó cần hơn hết. Người Tôi Tớ là Con Chiên “bị ngược đãi và chịu cực hình, nhưng chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53,7), vì thế tỏ bày một quyền năng phi thường : quyền năng không phải chống lại sự dữ bằng sự dữ, nhưng đáp lại sự dữ bằng sự lành.

Đó là sức mạnh dịu dàng của người Tôi Tớ, là người tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa và vì thế, được Thiên Chúa đặt làm “ánh sáng muôn dân” và đem đến ơn cứu độ (Is 49,5-6). Ơn gọi phục vụ vì thế luôn là ơn gọi thông phần cách đặc biệt vào sứ vụ cứu độ – một sự thông dự vào con đường thập giá của Đức Kitô.

§     Hát : “Tin Cậy Mến”.

§     Suy niệm 2 :

Đức Giêsu quả thật là mẫu gương hoàn hảo của “người tôi tớ” mà Kinh Thánh nói đến. Người là Đấng đã tự hủy hoàn toàn khi mặc lấy “thân phận của người tôi tớ” (Pl 2,7) và hiến mình trọn vẹn cho công việc của Chúa Cha (x. Lc 2,49), như người Con yêu dấu mà Chúa Cha rất mực hài lòng (x. Mt 17,5). Đức Giêsu đã đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và trao ban mạng sống để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Người đã rửa chân cho các môn đệ và tuân phục chương trình của Chúa Cha cho đến chết, chết trên Thánh giá (x. Pl 2,8). Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và đặt Người làm Chúa trên trời dưới đất (x. Pl 2,9-11).

Làm sao ta lại không đọc ra nơi cuộc đời của “Đức Giêsu tôi tớ”, câu chuyện của mọi ơn gọi, câu chuyện mà Thiên Chúa đã hoạch định cho tất cả những ai đi theo Con của Người. Ai muốn đi theo Đức Kitô thì không thể không đi trên con đường phục vụ, và là sự phục vụ cho đến tận cùng. Như Đức Kitô đã hoàn tất sứ mạng là Người Tôi Tớ qua cái chết tự hiến trên thập giá. Mọi ơn gọi trong Kitô giáo nói cho cùng đều hệ tại ở việc theo sát Đức Kitô, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, ngày một hơn. Thật vậy, ơn gọi linh mục, ơn gọi tu trì, cũng như chính ơn gọi Kitô hữu đều qui về việc quảng đại phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người.

Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó (Ga 12,26). Đức Giêsu, Người Tôi Tớ và Đức Chúa, cũng là Đấng kêu gọi. Người kêu gọi chúng ta nên giống Người, bởi vì chỉ qua phục vụ mà con người khám phá phẩm giá của chính mình và phẩm giá của người khác. Người mời gọi phục vụ như Người đã phục vụ. Chỉ khi các mối tương giao giữa con người được xây dựng trên sự phục vụ lẫn nhau thì chúng ta mới có thể hy vọng ở sự hình thành một thế giới mới, một nền văn minh đích thực của tình thương.

§     Hát : “Thánh Tâm Giêsu”.

§     Suy niệm 3 :

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong một sứ điệp, đã viết : “Tôi muốn, một cách nào đó, để Đức Giêsu dùng lời nói của tôi, mà đề nghị với người trẻ lý tưởng phục vụ, và giúp họ vượt thắng những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân và ảo tưởng có được hạnh phúc theo đường lối ấy. Dầu có một vài áp lực đối kháng, hiện diện trong não trạng của ngày hôm nay, trong tâm hồn của nhiều người trẻ có một khuynh hướng tự nhiên là mở lòng cho người khác, nhất là cho những người thiếu thốn nhất. Điều này biến họ nên quảng đại, biết đồng cảm, sẵn sàng quên mình nhằm đặt người khác lên trên những lợi ích của riêng mình”.

Phục vụ là một ơn gọi hoàn toàn tự nhiên, bởi vì con người tự bản tính là những người tôi tớ, chứ không là chủ của đời sống mình, và đến lượt mình cũng cần đến sự phục vụ của kẻ khác. Phục vụ tỏ lộ ra rằng, chúng ta thoát khỏi sự chiếm đoạt của cái tôi. Nó cũng chứng tỏ rằng, chúng ta có một trách nhiệm đối với người khác. Và phục vụ là một khả thể đối với mọi người, qua những cử chỉ xem ra nhỏ bé, nhưng trong thực tế, là vĩ đại nếu chúng được linh hoạt bởi một tình yêu chân thành. Người tôi tớ đích thật thì khiêm hạ và biết cách trở nên “vô dụng” (x. Lc 17,10). Họ không tìm kiếm những lợi lộc vị kỷ, nhưng hiến mình cho kẻ khác, khi cảm nghiệm niềm vui của tính nhưng không qua việc hiến tặng bản thân.

Đức Thánh Cha hy vọng ở những tâm hồn quảng đại, biết lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và tiếng kêu của tha nhân, và sẵn sàng dấn thân phục vụ. Đó là con đường mở ra dưới bao hình thức : từ các thừa tác vụ trong Giáo Hội cho đến các dịch vụ khác nhau trong xã hội. Khi bế mạc Đại Năm Thánh, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người  về “thời gian của một ‘sáng tạo’ mới trong đức ái” (ibid., 50). Nói khác đi, thời đại chúng ta đang cần đến những con tim nhạy cảm, biết sáng tạo những con đường mới trong việc phục vụ con người, trên mọi nẻo đường thế giới.

§     Hát “Giờ hồn con…”.

§     Tin Mừng : Mt 20,1-16

§     Suy niệm 4 :

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích về đoạn Tin Mừng này trong Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” với đề mục “Các ơn gọi khác nhau” một cách rất ý nghĩa. Ngài viết :

Theo dụ ngôn Tin Mừng, “gia chủ” mướn thợ làm vườn nho vào những giờ khác nhau trong ngày : có người lúc tảng sáng, người khác khoảng 9 giờ sáng, một số khác nữa độ 12 giờ trưa và 3 giờ chiều, những người cuối cùng vào lúc 5 giờ chiều (x. Mt 20,1 tt.). Chú giải đoạn dụ ngôn này, Thánh Grêgôriô Cả giải thích việc mời gọi vào những giờ khác nhau bằng cách nối kết với những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời : “Ta có thể áp dụng những giờ giấc khác nhau với những tuổi tác khác nhau của con người. Theo cách giải thích của chúng tôi, tảng sáng rõ ràng tượng trưng cho thời thơ ấu. Ba giờ sau đó tượng trưng cho thời thiếu niên : mặt trời lên cao có nghĩa là sự hăng say của tuổi trẻ tăng dần lên. Giờ thứ sáu, đó là tuổi thanh niên : mặt trời ở giữa bầu trời, vào tuổi này, sức mạnh đạt tới mức toàn vẹn. Tuổi già tượng trưng cho giờ thứ chín, bởi vì cũng như mặt trời từ đỉnh cao hạ thấp dần, thì vào tuổi này, lòng hăng say của tuổi trẻ bắt đầu giảm bớt. Giờ thứ mười một ám chỉ những người lớn tuổi... Vậy, các thợ làm vườn nho được kêu gọi vào những giờ khác nhau có nghĩa là người này được kêu gọi nên thánh vào thời thơ ấu, người khác vào tuổi thanh thiếu niên, người vào tuổi trưởng thành, và người khác nữa vào lúc tuổi đã xế chiều”.

Chúng ta có thể lấy lại phần chú giải của Thánh Grêgôriô Cả và mở rộng hơn nữa vào sự khác nhau lạ lùng của những người đang sống trong Giáo Hội, tất cả và từng người đều được mời gọi làm việc để Nước Thiên Chúa được hoàn thành, tùy theo sự khác biệt về ơn gọi và hoàn cảnh, về đoàn sủng và tác vụ. Đó là sự khác biệt không những về tuổi tác, nhưng còn về giới tính và khả năng, cũng như về ơn gọi và điều kiện sống : đó là sự khác biệt làm cho kho tàng phong phú của Giáo Hội thêm sống động và cụ thể hơn.

§     Hát : “Thánh Tâm  Chúa Giêsu”.

KẾt thúc

§     Hát : “Này con là đá”.

§     Lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

§     Hát “Đây nhiệm tích”.

§     Lời nguyện và Phép Lành Mình Thánh Chúa.

§     Hát : “Kinh hòa bình” để kết thúc.

       

       


Trở về trang Mục Lục