BÀI 4 :

THÁNH THỂ, HY TẾ THẬP GIÁ CỦA ĐỨC GIÊSU

 

I.             Khai mẠc

§     Đặt Mình Thánh Chúa

§     Hát kính Thánh Thể.

§     Lời nguyện mở đầu của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Chúa đang có mặt nơi đây và Chúa đang nhìn mỗi người chúng con. Chúa thấy hết những khiếm khuyết, yếu hèn của chúng con. Nhưng như xưa, Chúa đã tha thứ tất cả cho Phêrô, dù ông đã ba lần chối Chúa, thì cái nhìn của Chúa lúc này đối với chúng con cũng vẫn là cái nhìn yêu thương, tha thứ và đỡ nâng. Thật vậy, Chúa đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì tình yêu, và giờ  đây Chúa lại tiếp tục yêu  thương nuôi sống chúng con khi hiến mình nơi Bánh Thánh Thể. Một Tấm Bánh rất đỗi bé nhỏ nhưng lại chứa đựng một tình yêu vô cùng lớn lao ; một Tấm Bánh chịu nghiền nát ra để cho nhiều người được sống. Giờ đây, nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Chúa ban Thánh Thần Tình Yêu xuống trên chúng con, để chúng con can đảm bước theo Chúa trên con đường phục vụ yêu thương, hầu chúng con thực sự trở thành những chứng nhân của Chúa.

I.             LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :

§     Hát : “Lắng nghe Lời Chúa”

§     Lời Chúa : Ga 13,1-15.

§     suy niệm 1 :

Thập Giá khởi đi từ phục vụ.

“… nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy thắt lưng mà lau”.

Trước khi ăn người ta thường hay rửa tay, đây là phép vệ sinh tối thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành vi phục vụ, một thái độ khiêm hạ của Đức Giêsu Kitô, người mà các môn đệ gọi là Thầy, là Chúa.

Điều đó cho thấy, chính vì yêu thương những kẻ thuộc về mình đến cùng, mà Đức Giêsu đã không ngần ngại hạ mình làm một công việc của người đầy tớ, đó là rửa chân cho các môn đệ. Theo tục lệ của người Do Thái lúc bấy giờ, rửa chân là công việc của một đầy tớ, hay một nô lệ làm cho chủ của mình. Thế mà Đức Giêsu là Thầy, là Chủ, lại đi rửa chân cho các môn đệ. Quả thật, đây là một hành vi không thể hiểu theo suy nghĩ bình thường. Và hơn nữa, Đức Giêsu không chỉ rửa chân cho một hay hai môn đệ mà Ngài yêu quí, nhưng lại rửa chân cho “các môn đệ” nghĩa là cho Phêrô, kẻ sẽ chối Ngài và cả Giuđa, kẻ mà Ngài biết sẽ bán đứng Ngài.

Như thế, đối với Đức Giêsu, một tình yêu “đến cùng” là tình yêu dẫn đến sự phục vụ cách nhưng không và trọn vẹn cho người mình yêu, cho dù đó là kẻ làm cho mình phải khổ, làm cho mình  phải chịu thiệt thòi, oan ức.

“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).

Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ không thích mình phục vụ cho người khác, đó chính là bản chất yếu hèn nhưng lại đầy tham vọng của con người : kiêu căng và thích thống trị. Không biết có liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh “thâm căn” ấy của con người, cũng như không biết có ai thực sự đủ bản lãnh để chiến thắng nó ! Phần chúng ta, chúng ta xác tín rằng, chỉ có Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là đến để phục vụ mới trị được căn bệnh kiêu căng và thích thống trị đó nơi con người. Và như thế, với cái chết của Ngài, Chúa Giêsu đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của Ngài hai chữ phục vụ và yêu thương. Phục vụ trở nên dấu chỉ để cho nhân loại nhận ra ai là người môn đệ đích thực của Đức Kitô, Đấng đã phục vụ cho đến chết và là cái chết trên thập giá.

§     Hát : “Đâu có tình yêu thương”

§     Lời Chúa : 1Cr 11,23-26.

§     Suy niệm 2 :

“Và phục vụ cho đến chết”.

Tình yêu đến cùng của Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhưng còn tiến xa hơn, với việc Ngài lấy chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta. Thánh Phaolô thuật lại : “Chúa Giêsu trong đêm bị trao nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán : Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là mình Ta, Ta sẽ nộp vì các con. Chén này là Chén Tân Ước trong Máu Ta”. Và Mình, Máu Đức Giêsu không những đã thực sự trở nên của ăn, của uống cho linh hồn chúng ta, mà còn là Máu của Giao Ước Mới, đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Như thế, chính vì Ngài không muốn chúng ta phải chết, mà Ngài đã chấp nhận đổ máu mình ra, chấp nhận cái chết. Tất cả chỉ vì Ngài muốn chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).

Ngài sẵn sàng chịu nghiền nát để trở nên Tấm Bánh Hằng Sống, nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả đời sau.

Tình yêu đích thực đòi hỏi tận tuỵ hy sinh như bà mẹ đối với đứa con thơ. Bí tích Thánh Thể là tình yêu vượt xa hơn thế nữa, hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của nhân loại phàm hèn. Chẳng có người nào có thể ban chính thân mình một cách tuyệt hảo như Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Ngài trao hiến cho nhân loại chính Mình Máu Ngài, nghĩa là tất cả con người của Ngài, tất cả những gì thâm sâu nhất, quí giá nhất có nơi Ngài : lòng mến, sự khôn ngoan và nhất là chính Tình Yêu và Sự Sống của Cha Ngài, cũng là Cha của chúng ta.

§     Hát : “Người ta cứ dấu này”

Đứng trứơc tình yêu nhiệm mầu của Đức Giêsu, một tình yêu “đến cùng”, đến mức trao ban chính Mình Ngài làm của ăn cho chúng ta, có lẽ tâm tình đầu tiên đến với mỗi người chúng ta phải là tâm tình tạ ơn hết lòng đối với Thiên Chúa. Mặt khác, khi trao ban tình yêu của Ngài cho từng người chúng ta, Đức Giêsu cũng muốn chúng ta biết loan truyền tình yêu đó cho mọi người, qua đời sống phục vụ, yêu thương cho đến cùng, như lời Ngài dạy : “các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.

Thực vậy, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta luôn được kêu gọi ra đi phục vụ tha nhân, phục vụ thế giới. Thánh Thể không đóng khung trong nhà thờ. Thánh Thể vươn tới gia đình, xã hội, trường học, chợ búa, nơi làm việc, công xưởng, bất cứ nơi nào có con người hiện diện để thánh hoá họ, mang đến cho họ hạnh phúc và bình an.

II.          CẦu nguyỆn :

§     Cầu nguyện riêng.

§     Cầu nguyện chung :

Bí tích Thánh Thể là nguồn lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người Kitô hữu. Với tâm tình yêu mến Bí tích kỳ diệu này, chúng ta cùng sốt sắng cầu xin :

- Lạy Chúa, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là chóp đỉnh của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội. Xin Chúa cho mỗi chúng con hiểu được tầm quan trọng của Bí tích này trong đời sống đức tin của mình.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

- Lạy Chúa, trên thế giới ngày nay, sự chênh lệch giữa người giàu kẻ nghèo, giữa các quốc gia hùng mạnh và các nước đang phát triển ngày càng rộng lớn. Xin Chúa cho nhân loại chúng con biết quảng đại chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

- Lạy Chúa, nghèo đói, lạc hậu, dốt nát là những kẻ thù đáng sợ của nhân loại. Xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng con biết noi gương phục vụ của Chúa, tích cực cộng tác với những người thành tâm thiện chí, để mọi người cuối cùng có thể sống xứng đáng, đúng với nhân phẩm của mình.

- Lạy Chúa, Chúa đã tự hiến làm của ăn, của uống cho mỗi người chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị tốt tâm hồn mỗi khi đến cử hành Thánh Thể, hầu xứng đáng nên một với Chúa.

§     Kết thúc : Kinh lạy Cha.

III.        Phép lành Mình Thánh Chúa.

§       Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

§       Hát : “Này con là đá” – “Đây nhiệm tích”.

§       Phép lành Mình Thánh Chúa.

IV.       Bế mạc :

§                  Hát kết thúc : “Kinh hòa bình”.

 


Trở về trang Mục Lục