03.04.06

THÂN EM NHƯ TẤM LỤA ÐÀO

Ga 8:1-11

 

Mấy ngày cuối tuần qua, tôi đi giảng cho thiếu nhi tại xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam tại Arlington, Fortworth, Hoa kỳ.  Tôi chỉ giảng trong một căn phòng nhỏ với bốn năm chục thiếu nhi.  Nhưng ngoài kia, cha Nguyễn Tường Luân, DCCT,  quy tụ rất đông giáo dân trong nhà thờ.  Chúa nhật vừa qua, trời nắng như thiêu, vậy mà số xe đậu chật cứng trong sân nhà thờ.  Cha Luân có lối giảng hấp dẫn và một đời sống lạ thường.  Cha không ăn uống gì trong thời gian giảng tĩnh tâm, chỉ uống nước lã.  Nhưng hấp dẫn nhất là lễ chữa lành.  Chúa Thánh Linh tác động trên người bệnh.  Sau khi được linh mục và cộng đoàn đặt tay và cầu nguyện, bệnh nhân không cưỡng lại và té xỉu.

Tôi tự hỏi : tại sao giáo dân Việt nam lại thích “phép lạ” như vậy nhỉ ?  Nếu có một cuộc tĩnh tâm thuần túy không đi kèm các “phép lạ,” liệu họ có tuôn đến đông như vậy không ?  Dù sao, qua những thánh lễ “chữa lành” đó, dân Chúa cũng tăng thêm lòng sốt sắng vì như đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lòng thương xót Chúa trải dài suốt lịch sử cứu độ.  Thiên Chúa đã xuất hiện kịp thời để cứu bà Susanna ngày xưa.  Sự can thiệp của Thiên Chúa trong trường hợp bà Susanna như một phép lạ.  Phép lạ thực hiện qua cậu bé Ðanien. 

Hôm nay, người phụ nữ ngoại tình được giải thoát trong sinh hoạt trong đời thường giữa làng xóm. Không phải từ một cậu bé, nhưng từ một Thiên Chúa làm người.  Ðức Giêsu dùng sự khôn ngoan để mạc khải lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Nếu không được Thiên Chúa thương xót, chắc chắn người phụ nữ ngoại tình hôm nay đã trở thành mồi ngon cho những người “đạo đức” theo luật Môsê rồi.

Thật vô cùng khó khăn khi đụng đầu với những lực lượng thù nghịch.  Lúc nào họ cũng hăm he gài bẫy bắt Ðức Giêsu.  Trường hợp bà Susanna tương đối không khó lắm.  Nhưng  người phụ nữ ngoại tình này không phải là một người bị hàm oan.  Nàng phạm tội thật.  Người ta không chờ đợi Chúa minh oan cho nàng.  Nhưng họ cố ý thử xem Chúa có dám phạm luật Môsê trong trường hợp nghiêm trọng này không.  Nếu xử đúng luật, chắc chắn nàng phải bị chết vùi dưới những trận “mưa” đá khủng khiếp. Nghĩ đến đây, Chúa rùng mình sởn ốc.  Thực tình Chúa không muốn xử “ác” với nàng, nhưng cũng không muốn vượt qua luật Môsê, vì chính Người đã dạy phải tuân giữ cả những điều nhỏ nhất.  Tha “bừa” cho nàng thì còn đâu là lễ nghĩa gia phong ? 

Sau khi đưa bằng chứng cụ thể và sốt dẻo, các kinh sư và người Pharisêu ra vẻ tôn trọng lập trường của vị sáng lập đạo mới : “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (Ga 8:5)  Hình thức câu hỏi có vẻ mở. Nhưng thực ra, Ðức Giêsu đứng trước một câu hỏi đóng.  Chỉ có thể trả lời có hay không mà thôi. Thày có đồng ý với Môsê hay không ?   Trả lời có hay không đều chết.  Tiến thối lưỡng nan !

Nhưng Ðức Giêsu đã lợi dụng kẽ hở như sợi tóc và lách qua một cách “ngon lành.”  Tuy ngồi xuống và cắm cúi viết, nhưng thực tình Người đang nhìn thẳng vào tâm hồn từng người chung quanh.  Áp lực càng gia tăng, Người càng thấy rõ ý đồ đen tối của những người chỉ thấy cái rác trong mắt người khác, nhưng  không thấy cái xà ngang trong mắt mình .  Trước bao nhiêu áp lực ồn ào, Người vẫn “tỉnh ” như không có chuyện gì xảy ra.  Nhưng thực tình Người đã thấy vấn đề.  Chỉ cần một câu hỏi nặng ký cũng đủ “đánh gục” tất cả những toan tính nhỏ nhen của lòng dạ người đời.  Họ tưởng chỉ cần bắn một phát được hai con chim.  Ai dè chính họ lại bị trúng thương. 

  Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy cái xà trong mắt con . . . !  

                                                          lm giuse đỗ vân lực, op

 

 

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            


Mục Lục