CUỘC VẬN  HÀNH CUỐI CÙNG

(Lc 1:39-45)

 

Ðời là cuộc gặp gỡ.  Tương quan muôn mặt đã tạo nên biết bao kỳ công trong cuộc đời.  Nhưng có cuộc gặp  gỡ nào âm thầm và ảnh hưởng sâu đậm bằng cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Elizabeth hôm nay ?   Cuộc gặp gỡ xác định vị thế và tạo nên mối tương giao đẹp vô cùng giữa Cựu Ước và Tân Uớc.

Sau bao thế hệ xúng xính trong các phẩm phục với các nghi lễ sát tế chiên bò, tất cả dân Chúa vẫn không tiến tới mục tiêu nào.  Thân xác loài vật trở thành vô nghĩa.  Mọi sự đều dậm chân tại chỗ.  Cần một cuộc vận hành mạnh mẽ và quyết liệt mới có thể tìm thấy điểm nối đất trời.

Việc gì phải đến đã đến.  Cần một thân xác có giá trị tuyệt đối.  Ðúng hơn, cần một con người, một nhân vị để thực hiện một công trình lớn lao và đầy ý nghĩa.  Nếu không, Thiên Chúa không cứu độ nhân loại.  Vì thế, Chúa “đã tạo ... một thân thể”[1] để làm một “hy lễ và hiến tế”[2] đích thực.  Thiên Chúa có thể tìm thấy nơi đây một “lễ toàn thiêu và lễ xá tội.”[3]  Thân thể đó chính là Ðức Kitô đã đi  vào trần gian.  Ðiều quan trọng nhất không phải là thay thế của lễ, nhưng là ý hướng và bản chất của lễ.  “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói : ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.’”[4]   Thánh Ý Thiên Chúa đã biến thân xác Ðức Giêsu thành một của lễ tuyệt vời và đem lại một sức mạnh vượt xa những của lễ chiên bò trong Cựu ước. 

Một cuộc vận hành vô cùng lớn lao diễn ra khi  “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta.”[5]  Cuộc vận hành cuối cùng đã đem lại một ý nghĩa và  giá trị tuyệt đối cũng như hồng phúc sung mãn vì đúng theo thánh ý Chúa Cha.  Vâng theo Thánh Ý, Ðức Giêsu đã làm người để hiến thân và nộp mình chịu chết cho muôn dân.  Ðây là một  hành vi khiêm tốn vô tiền khoáng hậu.  Không phải chỉ bỏ một ngai vàng đầy quyền lực hay một kho tàng vô cùng phong phú, nhưng Người còn “khước từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” để giúp chúng ta nên giống Người.   Ðó là bằng chứng hùng hồn về tấm lòng vô cùng quảng đại của Thiên Chúa. 

Nhờ đó, chúng ta nhớ mình đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, giống ở tấm lòng quảng đại.  Khả năng yêu thương nơi mỗi người là dấu ấn của Tạo Hóa.  Ðó là một cơ may, nhưng cũng là một thách đố, vì lòng quảng đại không tự phát.  Lòng bác ái không xây dựng một lần rồi thôi.  Trái lại, cần phải học hỏi không ngừng mới có thể yêu thương và quảng đại.  Bài học  yêu thương đó có thể tìm được trong biến cố Ngôi Lời Nhập thể.  Nơi đây chúng ta gặp gỡ vị tôn sư và được dạy cách thức cho đi, hy sinh và quên mình.

Bài học đó nổi bật khi Mẹ Maria thăm viếng nhà ông bà Giacaria và Êlizabeth.  Ðược Chúa hoàn toàn chiếm đoạt và cư ngụ, Mẹ đã có thể đón trước nhu cầu tha nhân.  Mới nghe tin thiên thần báo về biến cố gia đình ông bà, không đợi ông bà Giacaria lên tiếng, Mẹ đã mau chóng lên đường giúp đỡ chị họ mang thai lúc tuổi xế bóng.  Hòa chung một nhịp với Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ minh họa tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa qua cuộc thăm viếng đó.  Không có Mẹ, chúng ta khó biết được Ngôi Lời đã hy sinh tới mức nào. Nhờ Ngôi Lời hiện diện và Thánh Linh thúc đẩy, Mẹ đã lên đường.  Bước đi của Mẹ như vẽ ra trước mắt mọi người con đường Ngôi Hai từ trời xuống thế.   

Khi vừa gặp Mẹ Maria, bà Êlizabeth đã ca ngợi và chúc tụng Mẹ và Quả Phúc trong lòng Mẹ là Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  Khác với quả cây biết lành biết dữ,[6] Quả Phúc Mẹ hái cho nhân loại hôm nay hoàn toàn là kết quả việc Mẹ vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa.  Ngày xưa, vì Evà bất tuân, quả cây biết lành biết dữ trở thành đại họa.  Thay thế quả cây ấy, Quả Phúc của Mẹ đã tác phúc cho toàn thể vũ trụ.  Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên đón nhận được hồng ân từ Quả Phúc ấy.   Sự hiện diện của Mẹ thật vô cùng cần thiết và ý nghĩa cho nhà Giacaria.  Vì nhờ Mẹ, Gioan đã cảm nhận sự hiện diện của Ðấng Cực Thánh là Chúa Giêsu Kitô.

Khi gặp bà Elizabeth, Mẹ Maria đã được ca ngợi là “có phúc vì đã tin Lời Chúa phán với em [Ðức Maria] sẽ thành tựu.”  Mẹ đã chia sẻ Quả Phúc đó với gia đình Giacaria, để từ nay chúng ta cũng thấy mình hạnh phúc khi thực sự sống trong sự hiện diện đầy hồng ân của Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu cùng với Mẹ Maria.  Cuộc gặp gỡ giữa Mẹ và bà Elizabeth mạc khải một chiều kích siêu nhiên năng động trong các mối liên hệ giữa con người hôm nay.  Chúa Giêsu trở thành trung tâm trong các mối liên hệ đó.  Mối liên hệ với Chúa có một tên gọi là đức tin.  Ðức tin không bất động hay tê cóng, nhưng luôn hoạt động để đưa con người về với Thiên Chúa. 

Nhìn vào trung tâm cuộc thăm viếng đó, chúng ta thấy Mẹ đã tin tưởng, phó thác, và hoàn toàn tín nhiệm vào Lời Thiên Chúa.  Mẹ đã tin một điều không thể tin, để thấy những việc không thể thực hiện đã xảy ra.   Chúa Thánh Linh đang kêu gọi chúng ta noi gương Mẹ tin tưởng và phó thác vào Lời Thiên Chúa.  Nếu nghe lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ được Chúa Thánh Linh ban cho niềm tin như Mẹ.   Nếu tin, chúng ta sẽ chứng kiến những việc ngoài sức tưởng tượng, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì không thể làm được.”  Nếu không có đức tin, ngay điều có thể xảy ra cũng không xảy ra được.  

Nhờ có đức tin sâu xa, Mẹ đã chứng kiến một biến cố vĩ đại vượt ngoài sức tưởng tượng ngay trong lòng và trong cuộc thăm viếng hôm nay.  Mẹ đã trả lời thiên thần : “Việc ấy xảy ra thế nào được ?”  Nhưng “việc ấy” vẫn xảy ra.  Thánh Linh thực hiện một biến cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử :  Con Thiên Chúa  Nhập Thể trong lòng Trinh Nữ Maria.  Nếu việc lớn lao như thế Thánh Linh còn làm được, thì những việc chúng ta đang cầu khẩn hôm nay cho Giáo Hội và xã hội, cá nhân và gia đình có đáng chi ?

Chỉ cần tin như Mẹ, chúng ta sẽ thấy những việc lớn lao trong lịch sử nhân loại và dân tộc.  Niềm tin phải trở thành động lực cho việc cầu nguyện và dấn thân hành động.  Từ niềm tin vào Lời Chúa, Mẹ đã cầu nguyện và lên đường.  Nếu không có niềm tin đó, cũng chẳng có những lời ca cảm tạ và chúc tụng từ tâm hồn Mẹ và bà Elizabeth.  Nếu không tin, cũng chẳng có cuộc thăm viếng hôm nay.  Ai sẽ lường được những gì xảy ra cho Gioan Tẩy Giả bây giờ và sau này ? 

Niềm tin nơi Mẹ ảnh hưởng sâu xa và mãnh liệt tới hiện tại và tương lai dân Chúa.  Tới tận bây giờ chúng ta vẫn thấy niềm tin của Mẹ là một lời mời gọi chúng ta nhập cuộc với Mẹ lên đường thăm viếng những người đang cần đến chúng ta.  Cũng như bà Elizabeth cần đến Mẹ, những người già yếu, nghèo khổ, bệnh tật cũng đang cần đến chúng ta. Biết bao người đang đói khát sự công chính, Lời Chúa, tình yêu.  Niềm tin của chúng ta tới đâu rồi ?  Nếu niềm tin đang sống động thật trong lòng ta, tại sao không lên đường ?  Thực tế có những điều không ai muốn thấy, nhưng vẫn xảy ra.  Càng sống càng thấy rõ “đức tin không hành động là đức tin chết.” 

Ðức tin đã chết thì chẳng còn gì tồn tại được.  Mọi lời nói, hành động, công trình và cả cuộc đời đều trở thành vô nghĩa.  Lời kinh cũng rỗng tuếch. Nghi lễ chỉ là những trò bịa đặt, lừa đảo.  Nếu có đức tin, quyền lực sẽ trở thành phương tiện phục vụ rất tốt.  Nếu không, quyền lực trở thành ách thống trị nặng nề và không chịu đựng nổi.  Không có thể đối thoại và đóng góp nữa.  Ðó là cơ hội cho người nắm quyền tự kiêu tự đại và rời xa quần chúng.  Nắm quyền là nắm được sự thật.  Không bao giờ có thể nhích gần anh em.  Cộng đoàn trở thành quán trọ hay sa mạc hoang vu ...

Lạy Chúa, xin cho con một niềm tin sống động như Mẹ để có thể cùng anh em dấn thân phục vụ muôn người.  Amen.

 

đỗ lực, 24.12.2006

dzuize@gmail.com

 

 

 

 



[1] Dt 10:5.

[2] ibid.

[3] ibid., 6.

[4] ibid., 7.

[5] Ga 1:14.

[6] x. St 2:9


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà