Ngày 23.07.2006

TÌNH BƠ 

Mc 6:30-34

 

Chúa nhật vừa qua, thay cha xứ, tôi chủ tọa phiên họp Hội đồng Mục vụ.  Anh trưởng ban sinh hoạt giới trẻ trình bày rất hấp dẫn về kế hoạch sinh hoạt và quy tụ bạn trẻ trong giáo xứ.  Mọi người say sưa lắng nghe.  Tôi lên tiếng : “Xin các bạn lưu ý một thực tế : khi sinh hoạt giới trẻ, nhiều người cho rằng truyền thụ đức tin cho giới trẻ là điều quan trọng duy nhất.  Nếu giới trẻ chỉ hiểu giáo lý bằng tiếng Anh, chúng ta sẽ thất bại, nếu dạy bằng tiếng Việt.”  Anh trưởng ban phản pháo : “Từ nãy đến giờ con có nói gì về tiếng Anh hay tiếng Việt gì đâu.  Con chỉ muốn tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu của giới trẻ thôi.”  Tôi đáp lại : “Ðúng vậy !  Nhưng khi hướng dẫn giới trẻ, nếu chỉ tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu giới trẻ, mà không nêu lên được đường hướng, tôi sợ giới trẻ không biết đi về đâu.  Không phải vô tình Giáo hội Hoa kỳ chấp nhận cho thành lập giáo xứ Việt nam trên đất Mỹ.  Không thể coi nhẹ yếu tố văn hóa dân tộc trong việc duy trì và bảo vệ đức tin.  Trong tình thế hiện nay, tôi không kỳ vọng dạy giáo lý bằng tiếng Việt một trăm phần trăm.  Nhưng nếu nói tiếng Mỹ một trăm phần trăm như hiện nay cũng không ổn.  Nếu không sáng suốt, chúng ta có thể đi xa ý hướng ban đầu, đánh mất căn tính giáo xứ Việt Nam và tạo nên hai lớp giáo dân không thể nói truyện và làm việc được với nhau. ”

Lãnh đạo không phải là chạy theo thị hiếu quần chúng.  Không phải vì “chạnh lòng thương,” (Mc 6:34) mà Chúa mù quáng đến nỗi không còn phân biệt những nhu cầu muôn mặt của họ.  Cần một hướng sống chứ không cần tìm thỏa mãn những nhu cầu tầm thường.  Nhưng làm sao có thể tìm được một đường hướng tốt đẹp, nếu không “lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6:31.32) ?  Rút vào nơi hoang vắng không phải để khoe khoang thành tích (bệnh thành tích đã thịnh hành rất sớm và kết thúc rất trễ nơi các tông đồ !).  Như mọi người, các môn đệ cũng có những nhu cầu tự nhiên như “nghỉ ngơi” hay “ăn uống.” (x. Mc 6:31)    Nhưng khác mọi người, họ cần rút  vào nơi hoang vắng,  để múc lấy sức mạnh và ánh sáng từ Chúa Cha.   Sở dĩ Chúa Giêsu và các tông đồ hấp dẫn quần chúng (x. Mc 6:33.34) và thành công quá mức (x. Mc 6:30), vì các ngài đã biết tìm đến nơi vắng vẻ để tăng cường nội lực. 

Ðó là thời gian “dưỡng quân” vô cùng cần thiết.cho công cuộc cứu độ muôn dân.  Nếu không có thời khắc quý báu này, làm sao các môn đệ có thể học biết tại sao “Ðức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.” (Mc 6:34)   Dần dần con mắt môn đệ mới bừng sáng trước nguyên nhân sâu xa của lượng hải hà đó : “Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”  (Mc 6:34) !   Qua lịch sử đau thương của dân tộc, Chúa cho các môn đệ thấy rõ chính “những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác.” (Gr 23:1)   Họ cắm đầu vào lợi lộc vật chất.  Họ lo vắt hết sữa và xả thịt chiên.  Tự bản chất, họ là phường trộm cướp suốt ngày tìm mưu tính kế sát hại đoàn chiên (x. Ga 10:1.8.10).  Họ là những hạng lãnh đạo mất tinh thần.  Vô phương hướng.  Vô tổ chức.  Bè phái.  Kiêu căng.   Hợm hĩnh.  Bởi thế, đoàn chiên mới lạc lõng bơ vơ.  Trước tình cảnh , làm sao Chúa không chạnh lòng thương cho được chứ ?!

Nhưng nếu vì quá yêu thương, Chúa Giêsu và các tông đồ lăn xả vào đám đông, còn đâu thời giờ Chúa huấn luyện họ thành “các mục tử để lãnh đạo” ( Gr 23:4) đoàn chiên theo đúng “kế hoạch yêu thương” (Ep 1:9) của Thiên Chúa ?   “Kế hoạch yêu thương” này dần dần được mạc khải qua những nét vĩ đại của tình yêu khi thấy Thày “chạnh lòng thương” dân chúng.   Như vậy, “nơi thanh vắng” người môn đệ đón nhận cả chân lý lẫn tình yêu để có đủ khả năng “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34) về Nước Thiên Chúa.   Vào “nơi hoang vắng” không phải để xa rời quần chúng, nhưng để thấy rõ những vấn đề của họ và biết cách diễn tả tình yêu đối với họ.  Nhờ thế, người môn đệ mới có thể “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô.” (Ep 1:10)   Mục đích cuối cùng là làm cho nhân loại  “hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất” và “liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2:16.18) 

Một phương hướng cao sâu như thế, thử hỏi vào “nơi thanh vắng” tới bao giờ mới có thể quán triệt được ?   Xét lại, tôi thấy mình đã dành thời giờ quá ít trong “nơi thanh vắng” để suy tư, cầu nguyện.  Lúc nào tôi cũng bận bịu với đám đông.  Cuối tuần, tôi lo chạy hết đám tiệc này đến bữa nhậu kia.  Trong tuần, tôi xoay sở với đủ mọi thứ giấy tờ và điện thư.  Suốt ngày “cắt gián” đủ mọi thứ kinh kệ, thông cáo, tin tức v.v.  Tôi quay cuồng trong mục vụ ở Mỹ.  Làm gì còn thời giờ đọc sách !  Năm này sang tháng khác, chỉ cần một cuốn sách soạn bài giảng đủ chuẩn bị món ăn tinh thần nuôi dưỡng đoàn chiên.  Ai cũng sợ vì tôi là người chỉ đọc một sách !   Không ngờ có “con chiên” dám phê bình bài giảng tôi thiếu chất lượng, vì không dành thời giờ soạn bài.  Tôi có dư lý lẽ biện bác.  Không cần suy nghĩ, tôi “gân cổ” cãi ngay : “Mỗi người giảng một cách.  Không nên lấy khuôn mẫu của người khác mà quàng lên đầu lên cổ tôi, bắt tôi phải theo.”  Thực tế, tôi không trầm lắng đủ để thấy rõ vấn đề.  Thay vì hướng dẫn đoàn chiên theo Mục tử nhân lành, tôi lại bị chính họ lèo lái theo những xu hướng và nhu cầu thời đại. Hoàn toàn bế tắc.  Làm sao tìm được lối thoát bây giờ ?! 

Ðầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng.  Tài năng chỉ có hạn.  Nhưng mắc bệnh “thành tích” trầm trọng, nên tôi hay thích phóng đại mọi “công trình” của mình .  Gặp đám đông bao giờ tôi cũng thích khoe khoang mọi việc tôi đã làm “cho Chúa.”  Ðám đông càng lớn càng có dịp mọi người  biết đến tôi.  Tội gì không chụp ngay cơ hội vô cùng hiếm có và quý giá đó !   Nếu không, đợi tới lúc nào mọi người mới biết đến tôi ?!

Trước cơn gào thét của đoàn chiên, tôi không hề rung động. Con tim thành chai đá trước những khổ thống của đoàn chiên.  Cuối cùng là tình bơ vơ.  Tôi không thể hiểu tại sao “Ðức Giêsu chạnh lòng thương đám đông” tầm thường như vậy.  Dù có dư phương tiện, tôi vẫn không bao giờ mở rộng bàn tay.  Cứ cho mãi, tôi lấy gì trang trải cuộc sống ?  Tôi đang lo tích trữ tiền của cho những năm tháng hưu dưỡng của tôi đây.  Tôi không lo thì ai sẽ lo cho tôi bây giờ ? Không những không cho người nghèo, tôi còn tìm mọi cách ngăn cản người khác làm việc bác ái.  Trên tòa giảng, trang web hay báo chí, tôi vạch ra những lý do mạnh mẽ cho mọi người thấy làm việc bác ái mãi sẽ cạn kiệt và mỏi mệt.  Không ngờ có nhiều người đồng ý với tôi.  Thế là từ nay,  ai lăm le vác giỏ sang xin Mỹ xin xỏ cũng phải dè chừng tôi.  Sống chết mặc bay !  Không cần “chạnh lòng thương” ai cả !  Từ nay, tuyệt đối “an toàn trên xa lộ,” tôi phóng thẳng một mạch tới Thiên đàng !  Sẽ có rất nhiều “con chiên” theo tôi . . .

Lạy Chúa, xin hãy biến  con tim chai đá của con thành con tim bằng thịt.  Xin cho con biết “chạnh lòng thương” như Chúa !  Xin Chúa  mau cứu lấy đoàn chiên của Chúa khỏi bao nhiêu mục tử đang làm đoàn chiên tan tác.  Xin cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Việt nam hôm nay biết noi gương Chúa “hy sinh thân mình để phá đổ bức tương ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2:14) giữa các phe nhóm và “thiết lập hòa bình” (Ep 2:15) thực sự trên quê hương yêu dấu của con.  Chỉ Mục Tử tối cao và toàn năng như Chúa mới có thể giải thoát chúng con mà thôi ! Xin đừng để chúng con thất vọng vì đã tin vào Chúa.  Amen...

dzuize@gmail.com

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 

 

 


Mục Lục