Ngày 15.06.2006

BẰNG LÒNG ÐI EM

Mt 5:20-26

 

Hôm qua, có người hỏi tôi : “Tại sao các cha hiền quá ?!  Dan Brown và hãng Sony làm cả một cuốn phim xuyên tạc về Chúa, mà Giáo hội không phản ứng giống như Hồi giáo. Chỉ cần có vài bức tranh hí họa về Mahômét đã khiến bùng lên cả một phong trào chống đối dữ dội, khiến bao nhiêu người chết.  Vậy cả cuốn phim nhạo báng Chúa như thế, mà Giáo hội chẳng nói năng gì !”  Tôi mỉm cười, miên man nghĩ về Giáo hội thời Trung Cổ ... 

Giáo hội thế kỷ 21 không phải là Giáo hội thời Trung Cổ.  Nhưng không phải lúc nào Giáo hội cũng hiền lành.  Lịch sử chứng minh nhiều lần Giáo hội đã “phớt lờ” tiếng Chúa.  Nếu không, tại sao ÐGH Gioan Phaolô II phải lên tiếng xin lỗi thế giới ?  Chỉ Thiên Chúa bao giờ cũng nhân lành.  Càng ngày càng thấy rõ dung nhan hiền từ của Chúa hơn và càng nghe thấy tiếng Chúa rõ hơn, Giáo hội càng giống Chúa hơn. 

Dần dần, con người cũng như Giáo hội khám phá thấy chiều sâu thẳm của Lời Chúa ngay trong nội tâm.  Lời Chúa không tạo nên những con người chỉ biết sống “bằng mặt” chứ không “bằng lòng.”  Nếu ai muốn thực sự tôn thờ một thứ “đạo tại tâm,” xin hãy lắng nghe lời Chúa hôm nay.  Không thể thỏa mãn với sự công chính của các kinh sư và người Pharisêu.  Họ hãnh diện vì chu toàn những quy định khắt khe của lề luật.  Họ đã tốn công, mất thời giờ và tiền của để thực hiện và bảo vệ truyền thống cha ông.  Nhưng tất cả những thứ đó không tạo nổi một giá trị đích thực, vì chẳng đưa ai vào Nước Trời (x. Mt 5:20). 

Muốn vào Nước Trời, phải công chính hơn những người giữ đạo hình thức đó.  Chỉ có tình yêu mới xác định ai “ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu.” (Mt 5:20)   Chúa Giêsu đòi hỏi rất nhiều.  Chúa muốn cho con người nhìn sâu vào tận nội tâm và quan tâm tới những tương quan trong cuộc sống hàng ngày.  Người muốn tiêu diệt tận gốc tội ác như sát nhân, trộm cướp, ngoại tình v.v.  Trong tầm nhìn của Người, những giận dữ, mắng nhiếc, chửi rủa anh em cũng đáng lên án rồi.  Những việc xấu xa này thường xảy ra ngay giữa những người thân quen trong gia đình, họ hàng, bạn bè v.v.

Không thanh thỏa trong những mối quan hệ đó, con người không thể thờ phượng Thiên Chúa cho phải đạo.  Phải gồm hai chiều kích ngang dọc, tình yêu mới làm cho con người sống trọn vẹn.  Chúa nhìn thấu tận tâm hồn, chứ không dừng lại những nét tươi mát bên ngoài của lễ vật.   Bởi vậy, dù vô cùng cao trọng, việc thờ phượng cũng phải nhường bước cho tình yêu thương tha nhân.  Chỉ có tình yêu mới chiếm địa vị độc tôn.  Từ bệ phóng tình yêu, tôi mới có thể bay vút lên tới Chúa.

Nhưng lạy Chúa, Chúa dạy con khi sắp dâng lễ, nếu sực nhớ có chuyện bất bình với anh em, phải để lễ vật trước bàn thờ (x. Mt 5:23).  Còn bây giờ, khi đang dâng lễ, chính những lời thánh hiến lễ vật làm con chia trí, con phải làm gì ?   Làm sao con có thể cầu nguyện với những thứ “tinh hoa” ngổn ngang trên bàn thờ ?   Những thứ lời nguyện đầy “tinh hoa” xuất phát từ quyền lực ngất ngưởng tận mây xanh có bay lên tới Chúa không ?!  Với đủ thứ luật lệ và truyền thống “tinh hoa,” tại sao các kinh sư và người Pharisêu không tạo nổi sự công chính như Chúa muốn, lạy Chúa ?!

Lạy Chúa, xin cứu con !  Xin cho con luôn biết mình chỉ là “tôi tớ vô dụng” (Lc 17:10) trong vườn nho của Chúa !  Chúa mới là tất cả trong tất cả.   Xin Chúa hãy là tất cả cho con !  Xin cho con tìm thấy sự công chính tuyệt vời trong tình yêu anh em.  Xin cho con biết hy sinh tất cả để tìm đến người anh em đang đau khổ vì con.   Amen.

lm.đỗ lực,op


Mục Lục