Ngày 26.05.2006

VƯỢT CẠN

Ga 16:20-23a

 

Từ kinh nghiệm sâu xa về cuộc sống thôn dã, Ðức Giêsu đã tài tình tạo nên những dụ ngôn vô cùng ý nghĩa về Nước Trời.  Nhưng Người đã lấy kinh nghiệm ở đâu để so sánh niềm vui của các môn đệ với người phụ nữ sau khi vượt cạn ?  Sau khi sinh con, người phụ nữ chan chứa niềm vui vì đã sinh ra một con người (x. Ga 16:21).  Một mầm sống mới đã vươn lên.  Một nhân phẩm đã thành hình.  Một chủ nhân vũ trụ đã xuất hiện.

Khi so sánh như thế, phải chăng Ðức Giêsu muốn nói thời gian hiện tại là lúc người môn đệ đang cưu mang.  Những ngày Thày xa vắng là thời gian thử thách.  Ðau khổ không phải là con đường dẫn tới diệt vong hay thất vọng.  Trái lại, đó là dấu chỉ môn đệ đang thai nghén một giá trị tuyệt vời.  Giá trị đó phát xuất từ một niềm hy vọng sẽ gặp lại Thày.  Nhưng cuộc gặp gỡ sau cùng làm sao có được nếu người môn đệ không gặp gỡ Thày mỗi ngày ?   Cuộc gặp gỡ đó diễn ra ở đâu ?

Nếu không chia sẻ với Thày trong những gian nan khốn khó, Thày cũng không xuất hiện với người môn đệ trong niềm vui phục sinh.  Thày sẽ gặp gỡ các môn đệ để ban cho họ một niềm vui tuyệt vời.  Thế gian không thể hiểu và cảm nhận được niềm vui đó.  Niềm vui trần gian bắt nguồn từ những đam mê hay tham vọng.  Niềm vui này thường để lại tâm hồn nhiều khoảng trống và cay đắng.  Ðức Huy đã mô tả sâu sắc sự thật trái ngược giữa thực tế và tâm hồn :

“Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi
một mình tôi về, nhiều lần ướt mi
chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai
xóa tan màn đêm u tối
cho tôi biến đổi tâm hồn
thành một người mới” (Và Con Tim Đã Vui Trở Lại)

 

Sau những ngày dằn vặt trong đêm tối, Ðức Huy đã bắt gặp niềm vui đích thực là chính Ðức Giêsu.  Chỉ có Thày mới là niềm vui “không ai lấy mất được.” (Ga 17:23)  Chỉ  tình yêu Thày mới bất biến và vĩnh cửu.  Không tình yêu nào có thể đem lại niềm vui lớn lao, sâu đậm, mãnh liệt và ngọt ngào như tình yêu Thày.  Tình yêu Thày là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là giá người môn đệ phải trả bằng đau khổ hay mạng sống của mình.  Không có tình yêu nào đòi người ta phải hy sinh và đau khổ như tình yêu Thiên Chúa.

Tuy thế, nếu gặp gỡ Thày trong sâu thẳm tâm hồn và cuộc sống, người môn đệ sẽ tìm thấy niềm vui ngay giữa những đau khổ hôm nay.  Ðau khổ và ngay cả cái chết cũng không thể tách họ ra khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Ðức Kitô Giêsu (x. Rm 8:35.39).  Nói khác, dù gặp hoàn cảnh trắc trở tới đâu, họ vẫn tràn ngập niềm vui, vì Thiên Chúa không bao giờ rời xa họ nửa bước. 

Niềm vui ấy là niềm vui giải thoát, do chính chân lý là Ðức Giêsu.  Chỉ có chân lý này mới mở mắt cho người môn đệ nhìn thấy mặt trái cuộc đời.  Từ đó, họ mới có thể rũ bỏ tham sân si đang bám đầy tâm hồn và giăng mắc khắp nơi.  Nhờ tình yêu và chân lý ấy, họ càng đi sâu vào cuộc hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Con, một cuộc hiệp nhất vô cùng cần thiết cho một xã hội đang phân hóa về mọi mặt.   

Xin Chúa Thánh Thần hãy đem Giáo hội Việt Nam vào chân lý toàn vẹn và tình yêu sung mãn của Chúa để Giáo hội Việt Nam trở nên dấu chỉ hiệp nhất (x. Ga 17:23) giữa một xã hội đầy phân hóa hôm nay.

lm.đỗ lực,op

 

 


Mục Lục