GIÁC  NGỘ

( Ga 18:33b-37)

 

Cuộc đời lắm khi đầy giới hạn và bế tắc.  Ðức Phật đã đưa ra Bát Chánh Ðạo giúp con người giải thoát tới Niết Bàn.  Bát Chánh Ðạo làm cho con người sáng suốt và khôn ngoan, thoát cảnh vô minh.  Kết quả con người sẽ sống bình an, hiểu biết và giác ngộ, tức là nhập niết bàn, hay trạng thái hạnh phúc và bình an hoàn toàn.

Rõ ràng con đường giác ngộ của Ðức Phật đã gặp con đường giải thoát của Ðức Kitô.  Trong khi Ðức Phật dùng Bát Chánh Ðạo, Ðức Giêsu lại công bố Bát Phúc.  Bát Phúc không nằm trong phạm vi những bổn phận quy định hành vi con người như Bát Chánh Ðạo.  Cả hai đều nhằm tiêu diệt một kẻ thù truyền kiếp của con người, đó là sự vô minh.  Thật vậy, Ðức Phật dùng chính kiến, chính tư duy, chính định, chính ngôn v.v. để dìu dắt con người thoát vòng vô minh.  Ðức Giêsu cũng nói : “Chân lý sẽ giải thoát anh em.”[1]  Ðức Phật chủ trương dục vọng là nguyên nhân đau khổ và chết chóc.  Ðức Giêsu cũng thấy dục vọng trong lòng người phát sinh mọi điều xấu xa.[2]  Trong khi Ðức Phật kêu gọi chính tinh tấn để diệt dục, Ðức Giêsu nói sự thật sẽ giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi, nguyên nhân sinh mọi đau khổ và chết chóc.  Bởi vậy, có lẽ cả hai đều muốn lấy chân lý hay tri thức để khai quang lòng người, nơi phát xuất mọi tội lỗi. 

Vấn đề của Chúa vượt ngoài phạm vi luân lý.   Chân lý về con người và vũ trụ chỉ là một phần.  Chân lý còn bao trùm cả thế giới Thiên Chúa nữa.  Không những sinh ra để làm chứng cho chân lý,[3]  Ðức Giêsu còn mạc khải chân lý về Thiên Chúa và con người.  Một khi biết rõ chân lý, không những con người được giải thoát, mà còn có sức mạnh vạn năng.  Quả thế, chân lý là đối tượng của lý trí, nhưng nhất là của đức tin.  Nhiều lần Ðức Giêsu nói về sức mạnh đức tin có thể chuyển núi dời non, chữa lành bệnh tật, khu trừ ma quỷ v.v. 

Tự bản thân, không những là chân lý, Ðức Giêsu còn là con đường dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa và tha nhân.  Con đường sẽ dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu. “Ðức Giêsu Kitô là con đường chính mở ra cho Giáo hội”[4] thấy sự thật giải thoát và hồng ân cứu độ.  Nếu Người không làm người và sống giữa chúng ta, chắc chắn nhân loại không thể tìm thấy con đường đến với Thiên Chúa, tha nhân và vũ trụ.  Người sẵn sàng biến thành trung gian để nối kết con người với Thiên Chúa và với nhau.  Từ đó, bông hoa hòa giải đã nở rộ giữa những tương quan chiều dọc và chiều ngang.  

Ðức Giêsu dùng hành động để mạc khải Người chính là chân lý giải thoát. Bởi thế, sau khi nói về sức mạnh chân lý, Người tự xưng là Người Con có quyền giải phóng và đem lại tự do thực sự cho nhân loại.[5]  Khi con người đã được giải thoát và tự do, họ trở thành con cái Thiên Chúa, tức là “những người đứng về phía sự thật.”[6]  Ðúng hơn, họ không thuộc về trần gian, mặc dù còn sống trong trần gian.  Chính ân sủng đã biến họ trở thành những công dân thực thụ của Nước Trời, dưới quyền một thủ lãnh duy nhất hay vua muôn vua, tức là Ðức Giêsu Kitô. Chính vì thế, Chúa mới khẳng khái quả quyết : “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”[7]

Trong Nước Thiên Chúa, chỉ có tình yêu và chân lý.  Ðúng hơn, chỉ có một chân lý duy nhất : “Thiên Chúa là tình yêu.”[8]  Trong Vương quốc Thiên Chúa, con người sẽ được mời tham dự bữa tiệc cánh chung.  Ðây là lúc niềm vui bùng phát vì giao ước trong Máu Ðức Giêsu đã hòa giải mọi người với Thiên Chúa.  Muốn được thế, họ phải tình nguyện gìm mình vào máu Người.  Họ phải sẵn sàng hy sinh bản thân để hòa giải muôn người.  Tình yêu là dấu chỉ những người đang sống trong Nước Thiên Chúa.  Ðó cũng là giới răn quan trọng nhất và đòi nỗ lực nhiều nhất.   

Thánh Phaolô quả quyết : “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”[9]   Ðó là những nét vĩ đại, cao quý và thực tế nhất của Nước Thiên Chúa.  Nước Trời là phần thưởng đầu tiên và sau cùng trong Bát Phúc.[10]  Ðược nhận vào Nước Trời những ai đã sống đạo đức và tranh đấu cho công bình xã hội.  Ðây cũng là điểm mạnh nhất trong cảnh phán xét chung, đặc biệt đối với Tin Mừng Mathêu.[11]  Có một liên hệ mật thiết giữa cánh chung (Nước Trời) và đạo đức.  Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, đúng như lời Chúa Giêsu đã quả quyết : “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”[12] Tuy thế, con người vẫn có thể kiếm thấy dấu chỉ Nước Trời đang hiện diện phần nào nơi Giáo hội, trong tâm hồn, giữa cộng đoàn những người công chính. 

Ðể giúp con người đạt tới cứu cánh cuộc đời, Giáo hội hiện diện như một con đường dẫn họ tới Nước Trời. Nước Thiên Chúa trở thành khuôn mẫu và lý tưởng cho cả Giáo hội và nước trần thế.  “Bởi vậy, Nước Thiên Chúa là đỉnh cao lời giảng của Chúa Giêsu, có giá trị cao nhất, và là mục đích lịch sử hướng tới.”[13]  Giáo hội như người đầy tớ phục vụ Nước Trời và là bí tích tiên khởi về Nước Trời.  Dù hoàn hảo tới mấy, Giáo hội không phải là Nước Trời hay thiên đàng.   Bởi vậy, “Giáo hội càng đáng tin cậy hơn khi ít nói về chính mình và ngày càng thuyết giảng nhiều hơn về Chúa Kitô chịu đóng đinh (1 Cr 2:2) và làm chứng cho Chúa bằng đời sống.”[14] 

Nước Trời toàn vẹn vẫn là đỉnh cao của niềm hy vọng nơi các tín hữu.  Niềm hy vọng đó bắt nguồn từ một niềm tin vững chắc vào tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Phục Sinh.  Mầu nhiệm Vượt Qua là chìa khóa mở vào thế giới tương lai.  Ðức Kitô là nền tảng và cứu cánh của nhân loại, lịch sử và vạn vật.[15]  “Nhờ ánh sáng mầu nhiệm của Ðức Kitô, mọi người có thể thoáng thấy thiên đàng trên mặt đất, tìm thấy Thiên Chúa trong nhân loại, và khám phá điều thánh thiêng trong thực tại trần thế.”[16]  Từ đó, con người có thể đóng góp vào công trình của Thiên Chúa và hoàn thành sứ mệnh cuộc đời. 

Thực ra, Nước Thiên Chúa là một ân huệ thuần túy, nhưng cũng chỉ đến với những nguy cơ khôn lường.  Nếu con người không cộng tác, Nước Thiên Chúa cũng không thể trở thành sứ điệp loan báo hòa bình và đem lại niềm vui cho muôn người.  Cộng tác đó bắt đầu từ việc đích thân gặp gỡ Ðấng “đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi.”[17]  Nói khác, cần phải sám hối để trở về với Người.  Sám hối có nghĩa là vui lòng chấp nhận Ðức Giêsu làm trung tâm của toàn thể cuộc sống.  Nhờ đó, chúng ta sẽ bắt mọi sự quy phục Chúa và Tin mừng của Người.[18]

Như thế, con người được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô.  Chúa không làm vua một mình.  Khi bước vào Nước Thiên Chúa, Người đã muốn chia sẻ vương quyền cho chúng ta.  Ðúng hơn, khi được thanh tẩy, Kitô hữu đã trở nên một với Ðức Kitô, nên cũng được tham dự vào vương quyền của Người.  Nhưng vương quyền đó chỉ thể hiện nơi việc phục vụ mà thôi. Bởi thế, càng phục vụ thực sự, Kitô hữu càng tham dự sâu xa vào quyền bính của Người.  Khi đến trần gian, Chúa đã phục vụ đến nỗi hy sinh tất cả mạng sống.  Muốn bước theo Người, Kitô hữu cũng phải xả thân hoạt động cho nhân loại để công lý, hòa bình, tự do và tôn trọng nhân quyền mau hiện hữu trên mặt đất. Có thế, mới sớm thấy ngày thực hiện toàn bộ kế hoạch cứu độ sau cùng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.

Lạy Chúa, mọi cuộc canh tân và cách mạng phải bắt đầu từ một khuôn mẫu là Nước Trời.   Xin Chúa vui lòng nhìn đến quê hương yêu dấu của chúng con đang đau khổ và bế tắc về nhiều phương diện.  Xin mở rộng tâm hồn và nối dài những cánh tay phục vụ để  dân tộc chúng con sớm hưởng tự do, hạnh phúc, bình an và ơn cứu độ.  Amen.

 

đỗ lực,

dzuize@gmail.com

 

 



[1] Ga 8:32

[2] Mt 15:19.

[3] Ga 18:37.

[4] Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, 1979, số 13.

[5] x. Ga 8:36.

[6] Ga 18:37.

[7] Ga 18:36.

[8] 1 Ga 4:16.

[9] Rm 14:17.

[10] Mt 5:3, 10.

[11] Mt 25:31-46, nhất là những câu 34-36.

[12] Ga 18:36.

[13] New Catholic Encyclopedia, 2nd ed. by Thomson & Gale, Kingdom of God, B. T. Viviano, Farmington Hills : The Gale Group, Inc.,2003 : 173.

[14] Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới Khóa Bất Thường năm 1985.

[15] Gaudium et Spes, số 45, 10, 25, 2, 25.

[16] Encylopedia of Catholicism, ed. ByMcBrien, R. P., Jesus Christ, Lane, D. A., New York : Harper Collin, 1995: 705.

[17] Gl 2:20.

[18] Dictionary of Fundamental Theology, ed. by Latourelle R. & Fisichella R., Kingdom of God, Fuellenbach, J., New York : Crossroad, 1995 : 590.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà