BẤT  ÐỒNG  HAY  BẤT  HÒA

(Mc 12:28b-34)

 

Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ nhất vừa kết thúc ngày 22 tháng 10 năm 2006 tại Thái lan.  Chủ đề của Ðại Hội là “Kể chuyện về Chúa Giêsu.”   Bắt đầu từ ngày 18 tháng 10, hằng trăm đại biểu đã hào hứng kể những câu truyện rất thú vị và thực tế trên bước đường làm chứng và sống Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo mênh mông khắp Á Châu.  Ðây là một cuộc gặp gỡ để lại nhiều ảnh hưởng sâu rộng.  Một cuộc gặp  gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa, tôn giáo, xã hội.  Qua những trao đổi giữa các chứng nhân từ những miền văn hóa khác nhau, một sứ điệp đầy tình thương và hy vọng đã vang lên.  Phải chăng đó là một cuộc đối thoại  và gặp gỡ êm thắm, phản ánh cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và kinh sư trong Tin mừng Mátcô hôm nay ?

Cứ nhìn vào cuộc đối thoại rất ôn hòa và bổ ích giữa Chúa Giêsu và vị kinh sư sẽ thấy những yếu tố cần thiết cho cuộc đối thoại đạt kết quả. Có những điểm gặp gỡ rất lý thú.  Nhưng cũng có những điểm mới lạ rút ra từ truyền thống lâu đời, đến nỗi vị kinh sư phải thốt lên : “Thưa Thày, hay lắm, Thày nói rất đúng.”[1]  Kinh sư phải nhìn nhận cái nhìn tuyệt vời của Chúa về giới răn quan trọng nhất.   Nếu không có thiện chí, chắc chắn ông không thể chấp nhận dễ dàng như vậy.  Thiện chí đó bắt nguồn từ sự khôn ngoan khiến ông gần Nước Thiên Chúa.[2]   

Thái độ hai bên cũng rất đáng chú ý.  Hai bên đều thuộc lòng truyền thống và lề luật, nên đồng ý với nhau rất nhanh về giới răn quan trọng nhất.  Hai bên rất tôn trọng nhau.  Chúa Giêsu cũng công nhận và tôn trọng giá trị đích thực của người đối thoại. Hiếm có cuộc đối thoại nào êm thắm như đoạn Tin Mừng Mátcô hôm nay.  Tóm lại, bản văn Tin Mừng nguyên thủy, tức bản Mátcô, nhẹ nhàng hơn hai Tin Mừng Mathêu và Luca nhiều.  Tuy thế, thánh Mátcô cũng không giấu nổi sự thật về bộ mặt đối phương : “Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.”[3] 

Cùng một nội dung câu truyện như thế, nhưng hai Tin Mừng Mathêu và Luca trình bày trong một khung cảnh căng thẳng hơn nhiều.  Cả hai đều cho thấy rõ mối xung khắc giữa Chúa và nhóm Pharisêu.  Người hỏi không có thiện chí.  Họ hỏi “để thử Người.”[4]  Khác với Tin Mừng Mátcô, Tin Mừng Luca cho thấy các người thông luật trở nên cường điệu hơn vì “muốn chứng tỏ mình có lý.”   Họ đặt một câu hỏi hắc búa và thực tế : “Ai là người thân cận của chúng tôi ?”[5]  Dĩ nhiên ở đây Chúa không thể dựa vào một điểm chung là Kinh Thánh để trả lời dễ dàng.  Nhưng Người vận dụng một hình thức nhẹ nhàng để dẫn đối phương đến một kết luận hợp tình hợp lý.  Một hoạt cảnh rất sống động về “Người Samaritanô nhân hậu” đã lôi cuốn đối phương tới việc đồng thuận rất tự nhiên.  Kết thúc Chúa không dằn mặt, nhưng đặt câu hỏi để đối phương tự tìm câu trả lời.  Cuối cùng, đối phương phải im lặng để lắng nghe từ bên trong ý nghĩa sâu sắc về tình yêu  đối với người thân cận.   Thật là một cách đối thoại tuyệt vời và vô cùng hiệu quả ! 

Tới đây, chúng ta mới dừng lại ở hình thức đối thoại.  Nhưng yếu tố quyết định cuộc đối thoại là nội dung cuộc trao đổi hôm nay.  Câu hỏi xoay quanh điều răn quan trọng nhất.  Ðiều răn quan trọng nhất trong Lề Luật cũng là điều quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta : tình yêu.  Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là hai điều răn rất khác nhau, vì Thiên Chúa khác hẳn con người.   Nhưng hai điều răn quan trọng như nhau.  Hai điều răn lấy từ hai nơi khác nhau trong Kinh Thánh : sách Ðệ Nhị Luật (6:4-5) và Lêvi (19:18).  Chỉ trong tình yêu, Chúa mới có thể liên kết hai sứ điệp khác nhau thành một Lời duy nhất.  Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt vời cho cả hai giới răn đó.

Nước Thiên Chúa là vương quốc tình yêu.  Không yêu thương nhau, không thể xây dựng Nước Thiên Chúa.  Nhưng muốn yêu nhau, phải hiểu nhau.  Những khác biệt và mâu thuẫn rất cần thiết cho cuộc sống.  Phải vận dụng cả con tim lẫn khối óc mới có thể vượt qua những thách đố đó.  Ðối thoại là một phương tiện hữu hiệu nhất giúp con người vượt qua những khác biệt và mâu thuẫn.  Nhưng làm sao đối thoại nếu chỉ dựa trên tình cảm hay quyền bính, chứ không tình yêu ?

Cuộc đối thoại phải dựa trên cơ sở đức ái.  Có thể bất đồng nhưng không bất hòa.  Lịch sử nhân loại đã tốn bao xương máu và thời gian cũng chưa dẹp được những bất hòa.  Bất đồng còn có thể đối thoại được.  Bất hòa rất khó lòng tìm ra sự thật, vì luôn kèm theo tình cảm chủ quan.  Nghe một phần, nhưng cứ tưởng đã nắm bắt toàn thể sự thật.  Tình cảm có thể giết chết tình yêu.  Chỉ tình yêu mới có thể tạo môi  trường và điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại. Có lẽ vì nặng tình cảm, dân tộc chúng ta rất khó nhận ra biên giới giữa bất đồng và bất hòa. 

Tình cảm dễ làm cho con người đóng kín.  Trong khi đó, muốn đối thoại, cần phải cởi mở như Chúa Giêsu.  Người sẵn sàng lắng nghe những chất vấn, ẩn ức và khát vọng  của bất cứ ai, bất kể cả những người thấp kém, nghèo khổ và kẻ thù.  Khi đã giải đáp thỏa đáng, Người vẫn muốn tiếp tục đón nhận ý kiến người khác.  Chỉ có một tấm lòng “hiền lành và khiêm nhường” thật sự mới có một độ cởi mở lớn lao như thế.  Ðó là đặc tính nổi bật nhất của tình yêu. Bởi vậy, thánh Phaolô khuyên chúng ta : “Anh em cũng hãy mở rộng tấm lòng”[6] để lắng nghe và đón nhận quan điểm khác biệt của tha nhân. 

Mặc dù tình yêu Thiên Chúa là giới răn, nhưng trước hết đó là một lời mời gọi, một lời hứa, một niềm hy vọng.  Thiên Chúa là một.  Con người phải hoạt động tích cực mới có thể hòa hợp và hiệp nhất với nhau.  Muốn nên một với Thiên Chúa, trước hết con người phải hiệp nhất với nhau.  Bởi thế, trong khi kinh sư chỉ hỏi một điều răn quan trọng nhất, Chúa Giêsu đã trả lời hai.  Nhưng cả hai đều liên đới sâu xa và mật thiết với nhau trong một câu trả lời duy nhất.  Hai mà một.  Một mà hai.  Có thể tìm thấy Thiên Chúa trong anh em.  Ngược lại, có thể tìm thấy anh em trong Thiên Chúa.  Chỉ có đức tin mới cho chúng ta một cái nhìn như thế.  Cái nhìn đức tin đó là điều kiện đầu tiên vô cùng cần thiết cho cuộc đối thoại.  Chính vì yếu đức tin, nên chúng ta ít tôn trọng con người, ý kiến và lập trường của tha nhân.   Kết quả người ta có thể loại bỏ, phỉ báng, tiêu diệt đối phương để mình trở thành độc tôn.

Nhiều người trong chúng ta không biết đến ý nghĩa của chữ tha nhân.  Gặp một người khác với mình, họ liền dẹp bỏ.  Không bao giờ họ chấp nhận đối thoại.  Chẳng hạn, sau khi được đăng lên website ít giờ, bài viết “Ðâu Là Sức Mạnh Truyền Thông ?” đã bị vội vàng đưa lên rồi kéo xuống ngay.  Ðó không phải là trường hợp duy nhất.  Cách đây ít tháng, giữa cuộc khủng hoảng về bản dịch “Nghi Thức Thánh Lễ 2005,”đã thấy những diễn biến tương tự nơi một website khác.  Rõ ràng sự thật chỉ có một chiều.  Như vậy, làm sao đối thoại ?   Chúng tôi không buồn vì bài của mình bị dẹp bỏ, nhưng buồn vì thái độ của người mình không chấp nhận đối thoại. Dĩ nhiên, chủ website có toàn quyền chọn lựa.  Nhưng đó có phải là con đường tìm kiếm chân lý ? Chúng tôi không chủ trương mọi điều mình viết đều là chân lý.  Tự bản thân, chúng tôi luôn muốn học hỏi mọi người, kể cả con nít và những người thất học, nhất là những người thù ghét chúng tôi.  Thực sự, khi viết bài đó, chúng tôi không hề nhắm tới một trường hợp nào cụ thể. 

Vì quá nặng tình cảm, chúng ta thường có khuynh hướng quy ngã.  Chẳng hạn, trong bài “Từ Ðại Hội “Liên Hiệp Truyền Thông Công giáo Việt nam” ... tới bài viết của linh mục Ðỗ Lực,” tác giả Linh Giao đã viết : “ ... cả hàng giáo phẩm nữa còn đang sống trong mù lòa.”  Nghe qua ai cũng thấy một tâm trạng quá bức xúc vì những kinh nghiệm đau thương quá khứ.  Giả sử chúng tôi viết : CHỈ có giáo dân mới mù lòa và cần xin Chúa cho sáng mắt, thì một trăm phần trăm chúng tôi có lỗi.  Thực tế, khi viết “rất nhiều giáo dân Việt nam còn đang trong tình trạng mù lòa,” chúng tôi không có ý đứng về phía giáo sỹ để kêu gọi hay chỉ trích  giáo dân.  Chúng tôi chỉ muốn nói lên thực trạng giáo dân ít quan tâm tới việc trau giồi kiến thức để mở con mắt tinh thần trước những giá trị đích thực của ơn gọi và sứ mệnh Kitô hữu của mình mà thôi.  Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không thể đề cập mọi vấn đề. 

Tiếp theo, tác giả Giao Linh kêu gọi hàng giáo phẩm đi tiên phong và làm gương mẫu cho giáo dân.  Lý do tác giả đưa ra : “Hàng giáo phẩm không đi tiên phong, không làm gương mẫu cho giáo dân, làm sao tầng lớp giáo dân đơn thân độc mã đi được, trong khi hầu hết mọi phương tiện vận động đều nằm trong tay hàng giáo phẩm, từ chức vụ, quyền uy, thế giá, tài chánh, hành chánh. Tóm lại, hàng giáo phẩm hầu như nắm giữ độc quyền mọi chủ chốt, còn giáo dân chỉ là lớp thứ dân mà đa số các linh mục chỉ muốn họ thuộc thành phần "cầu nguyện, đóng tiền và vâng phục (mù quáng)."  Tại sao giáo dân phải lệ thuộc quá nhiều như vậy ?  Lịch sử Giáo hội cho thấy rất nhiều phong trào do giáo dân khởi xướng.  Hầu hết các dòng tu do các linh mục, chứ không do giám mục hay giáo hoàng lập nên.  Thực tế, tất cả đều tùy thuộc Chúa Thánh Linh, chứ không phải con người.  “Chúa Thánh Thần muốn thổi đâu thì thổi.”  Kinh nghiệm cho thấy Chúa Thánh Thần thường thổi từ dưới lên.  Thổi từ trên xuống thường bị vướng nhiều thứ mũ gậy lỉnh kỉnh lắm !

So với hàng giáo phẩm, linh mục là hàng giáo sỹ không có quyền hành và phương tiện nhiều.  Tự bản chất quyền hành để phục vụ.  Nhưng làm sao linh mục có thể làm mọi việc ?   Theo giáo luật, cha sở là có toàn quyền trong giáo xứ.  Toàn quyền nhưng có toàn năng không ?  Do đó, muốn phục vụ hữu hiệu, quyền hành phải được chia sẻ.  Nhưng không phải cứ chia sẻ là mọi việc đều êm thắm.  Quan trọng là con người có tin tưởng và tôn trọng lãnh vực hoạt động của nhau cũng như có dám đối thoại hay không ?  Không quan tâm tới những yếu tố đó, việc mục vụ rất khó thành công.  Bao giờ người giáo dân mới được tôn trọng và mời gọi đối thoại với linh mục thực sự ?

Trong đoạn  “... Viết về Giáo hội, họ chỉ nhắm triệt hạ hàng giáo phẩm và nâng cao giáo dân tới mức tuyệt đối,” chúng tôi đã “quá tay” khi viết chữ “tuyệt đối” ở đây, khiến tác giả Giao Linh nhận xét : “linh mục Lực tỏ ra gay gắt lên án một số anh em giáo dân “quá khích.”  Chúng tôi xin thành thực xin lỗi anh em.  Thực tình, chúng tôi chỉ muốn dùng chữ “tuyệt đối” theo nghĩa “quá mức” mà thôi.  Nhìn vào thực tế đại đa số giáo dân trình độ quá thấp, nên không ý thức và thi hành nổi sứ mệnh Kitô hữu trước những đòi hỏi khẩn cấp của thời đại.  Họ sẵn sàng hy sinh thời giờ và tiền bạcđể phục vụ giáo xứ, nhưng rất ngại ngùng bỏ thời giờ tham dự các lớp giáo lý và Thánh Kinh.

Trong hàng ngũ giáo dân, nhiều người có khả năng rất cao, nhất là những anh em đã từng sống một thời gian dài trong Nhà Chúa.  Ðây là một nguồn tài nguyên lớn lao đã bị bỏ quên và lãng phí.  Lỗi không hoàn toàn nằm ở phía những người đang nắm quyền trong Giáo hội.  Tuy nhiên, quyền hành và chức tước tới đâu cũng không thể coi thường anh em đó.  Anh em giáo dân cũng nên tìm một con đường đối thoại và hợp tác theo tinh thần bác ái của Chúa Kitô.  Cần có một cuộc cách mạng thực sự từ não trạng đến thái độ. 

Chúng tôi rất vui khi tác giả Giao Linh xác định dứt khoát : “Còn cá nhân chúng  tôi, chẳng khi nào chúng tôi đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối trong Giáo hội khi Giáo hội đi theo con đường phẩm trật.  Chúng tôi cũng chẳng nhắm triệt hạ hàng giáo phẩm, trừ khi có những vị sống chà đạp lên Giáo hội bằng cuộc sống vô luân, ham hố danh lợi, che đậy gian dối và làm ngơ cho tội ác hoành hành. Chúng tôi cũng chẳng mơ ước nâng cao giáo dân tới mức tuyệt đối, vì chúng tôi hiểu Giáo hội ban phát ơn thánh cho chúng tôi qua tay các linh mục. ”  Nếu đúng thế, tác giả không phải là đối tượng những lời nhận xét và phê bình của chúng tôi.  Tác giả cho thấy rõ thiện chí và ý thức rất cao về Giáo hội.  Từ căn bản này, chúng ta có thể gặp gỡ nhau để xây dựng nhiều lắm.  Ðây chính là lúc chúng ta cần tìm những điểm chung và tích cực để cùng nhau cộng tác.

Từ một quan sát thực tế, tác giả Giao Linh nêu thắc mắc “tại sao các tín hữu Tin Lành lại trổi vượt gấp nhiều lần các tín hữu Công giáo về Kinh Thánh và cầu nguyện?”  Rồi tác giả tự giải quyết vấn đề : “Câu hỏi rối rắm này cần cả hàng giáo sĩ lần giáo dân ngồi xuống cùng cầu nguyện với Chúa Thánh linh và mổ xẻ với nhau để tìm ra con đường sửa chữa và thăng tiến. Chẳng bên nào đơn phương giải quyết được!”  Thực ra, vấn đề không chỉ tùy thuộc mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân.  Vấn đề nằm sâu trong lối sống đạo hình thức của người Công giáo và văn hóa Việt nam, một nền văn hóa quá thực dụng và tình cảm.  Chính vì muốn rời xa lối sống đạo hình thức đó, anh em Tin Lành mới tìm cách sống thực Lời Chúa.  Chắc chắn Lời Chúa đã đem lại cho họ “thần khí và sự sống,” một giá trị cao vượt hơn của lễ toàn thiêu.

Cần mau lẹ tìm một đường hướng hoạt động truyền thông hơn là quy tụ tất cả thành một mối.   Quy tụ như thế rất dễ bị hiểu lầm là tập trung quyền lực để giết chết sáng kiến và thiện chí cá nhân.  Tập trung để kiểm soát và tiết kiệm chỉ là con đẻ của một đầu óc một chiều.  Vấn đề không đơn giản như thế !   Thời đại internet, cá nhân nào cũng có thể làm website, làm sao có thể cấm đoán và kiểm soát ?  Càng cố gắng tập trung quyền lực, càng bị xa lánh và thất bại.  Kinh nghiệm cho thấy Giáo hội càng tập trung quyền lực và kiểm soát, càng gặp nhiều khó khăn và cám dỗ.  Chúng ta đang sống trong một Giáo hội tôn trọng tự do và có sứ mệnh giải thoát nhân loại.  Khi tuyên bố về tự do tôn giáo, “Giáo hội cảm nhận rõ mình chỉ  có thể được tin cậy vì trung thực tuyệt đối và khiêm tốn nhìn nhận về quá khứ và hiện tại.  Một Giáo hội thú nhận tội lỗi và những thiếu sót của mình trước Nhan Thiên Chúa và nhân loại thì hấp dẫn hơn một Giáo hội háo thắng.  Một lời nhìn nhận mọi người có tự do tôn giáo, cùng với việc hoàn thành sứ mệnh giải thoát, kêu gọi những người thành tâm tìm kiếm chân lý giải thoát và cứu độ phải có lương tâm ngay thẳng hơn bao giờ.”[7]  Tự do tôn giáo hay tự do tư tưởng đều có một mẫu số chung và cùng một bản chất.

Lạy Chúa, con biết con còn thua Con Chúa trong cuộc đối thoại với tha nhân.  Xin cho con một tâm hồn cởi mở và ngay thẳng để  có thể đối thoại với mọi người.  Xin cho con gặp gỡ anh em con để cùng nhau xây dựng Nước Chúa trong cuộc đời vắn vỏi còn lại này.  Amen.

 

đỗ lực    dzuize@gmail.com



[1] Mc 12:32.

[2] x. Mc 12:34.

[3] Mc 12:34.

[4] Mt 22:35; Lc 10:25.

[5] Lc 10:29.

[6] 2 Cr 6:13.

[7] Commentary on the Catechism of the Catholic Church, ed. Michael J. Walsh, More than Law and Precept : Commandments 1 to 3), Bernhard Haring CSsR, The Liturgical Press : 1994, tr. 362.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà