Ngày 01.10.2006

NGỘP  THỞ

Mc 9:38-43.45.47-48

 

Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) đã gởi đến toàn thể Dân Chúa ở Việt Nam cũng như Hải ngoại Thư Mục Vụ Năm 2006 (TMV 2006) với chủ đề : “SỐNG ÐẠO HÔM NAY.”  Nội dung xoay quanh việc làm chứng từ trong gia đình đến ngoài xã hội.  Chứng từ khởi nguồn từ việc hoán cải  bản thân đến việc phục vụ và đối xử công bằng.  Tất cả nhằm kêu gọi mọi người “tôn trọng những quyền căn bản của con người.”[1]

Thật là một tiếng kêu khẩn thiết.  Ðã đến lúc Kitô hữu phải hành động để làm chứng.  Lý do vì  họ là ngôn sứ của Chúa giữa thời đại. Dù đồng ý hay không, mọi người đều thấy đây là cơ hội cần suy nghĩ. 

Với hết lòng quý mến và tôn trọng các vị chủ chăn, tôi hân hoan đón nhận những lời khuyên răn ấy.  Nhưng tự hỏi làm cách nào có thể thực hành những điều cao đẹp đó, nếu trước tiên tôi không hiểu ngôn sứ là gì.  Nếu là ngôn sứ, tôi có vai trò gì và phải làm gì ?  Làm sao một dân quèn như tôi lại có thể là phát ngôn viên của Chúa cho thời đại hôm nay ?  Thôi !  Tôi không dám đâu !  Việc đó phải dành cho các đấng bậc cao cấp trong Giáo hội chứ !

Nghĩ như thế là tôi đã vặn ngược kim đồng hồ mất rồi !  Ngay từ hồi còn lưu lạc trên sa mạc, Dân Chúa đã từng nghe Môsê nói : “Toàn dân ... đều là ngôn sứ, vì Ðức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ.”[2]  Không có những khẳng quyết đó, nhất định tôi vẫn cứ đinh ninh ngôn sứ không phải là phận vụ của tôi.  Tôi càng yên tâm khi Công Ðồng Vatican II tuyên bố mọi thành phần Giaó Hội đều chia sẻ chức vụ ngôn sứ của Ðức Kitô.[3]  Nhưng chức vụ và phận vụ ngôn sứ tiên vàn thuộc về các giám mục.[4] 

Như thế, dù là ngôn sứ, tôi cũng không thể nhân danh sứ mệnh đó mà coi thường phẩm trật Hội Thánh.  Không thể sống trong cảnh “cá đối bằng đầu.”  Nhưng cũng không thể nhân danh phẩm trật để coi thường mọi sứ ngôn. Vì được Thần Khí thúc đẩy, ngôn sứ nói ra những điều xây dựng cộng đoàn, chứ không vì và cho cá nhân.[5]   Ngôn sứ đích thực  không nói những điều nghịch với giáo huấn của Giáo hội về tín lý và luân lý.

Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta đừng dập tắt Thần Khí.[6]  Cũng như gió, Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi,[7] chứ không lệ thuộc cơ chế hay biên giới nào. Chính vì thế, cả Chúa Giêsu và Môsê đều cho thấy rõ sức mạnh vô biên của Thần Khí.[8] 

Chính Thần Khí là tác giả của mọi hồng ân và ân huệ trong cộng đoàn.[9]  Không có Thần Khí cũng chẳng có Giáo Hội và phẩm giá người Kitô hữu.  Thật vậy, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể.”[10]   Hơn nữa, phẩm giá cao cả của Kitô hữu còn tìm thấy nơi hình ảnh Thiên Chúa và tình bạn với Chúa Kitô,[11] Ðền Thờ Thiên Chúa.[12]  Ngày nay, phẩm giá Kitô hữu còn nổi bật khi Giáo hội được định nghĩa là Dân Thiên Chúa.[13]   

HÐGMVN kêu gọi Kitô hữu “tôn trọng quyền căn bản của con người.”  Nhưng bao năm qua, người giáo dân đã được tôn trọng tới mức nào ?  Họ là ngôn sứ nhưng tiếng nói lại bị bóp nghẹt !  Hơn nữa, họ không được chuẩn bị và không có cơ hội để thi hành vai trò ngôn sứ giữa lòng Giáo hội và thế giới.  Làm sao giáo dân “có điều kiện để sống xứng với phẩm vị của mình”[14] ?   Làm sao “xây dựng một cộng đoàn trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng”[15]  khi phẩm vị Kitô hữu bị chà đạp ?    Nhưng “sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương”[16] ?   Nhưng làm sao tìm được sự thật nếu không đối thoại ? 

Bao giờ GHVN trở thành cộng đoàn tình yêu để làm chứng cho Thiên Chúa giữa một xã hội băng hoại về nhiều mặt hôm nay ?    Bao lâu chưa đối thoại để tìm ra sự thật, bấy lâu không thể sống công bình.  Không công bình, lời chứng trở thành rỗng tuếch !  Ðó là lý do tại sao GHVN không tiến xa hơn được !

Từ ngày ban hành “Nghi Thức Thánh Lễ 2005,” GHVN trải qua một cơn sóng gió lớn.  Bình an không còn, vì công lý vắng bóng.  Công lý vắng bóng vì không có nỗ lực đối thoại để tìm kiếm sự thật.  Mấy tháng qua, thiên hạ chỉ thấy những lời qua tiếng lại thật ồn ào.  Cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu gặp gỡ đối thoại.  Giáo hội cơ chế đang đóng băng.  Lịch sử cũng cho thấy khi cơ chế và phẩm trật Giáo hội ổn định, ngôn sứ cũng biến dần khỏi xã hội.[17]

Nội bộ không ổn, làm sao tính đến chuyện làm chứng ?   Xã hội đang hướng về Giáo hội để tìm đường đến với sự thật.  Tất cả mọi cửa đều đóng, làm sao con người có thể  gặp gỡ và đối thoại ?  Nếu Giáo hội khép kín như thế, sự thật vô phương đến với Giáo hội.  Khi không biết lắng nghe nhau, chúng ta cũng không thể lắng nghe lời Chúa.  Chúa đã căn dặn : “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe”[18] Thiên Chúa và anh em.  Nếu chỉ nghe với một thái độ cao ngạo, không thể tìm ra sự thật.  Sẽ chỉ nghe thấy những gì muốn nghe. Nhưng nếu khiêm tốn, chúng ta có thể đối thoại và tìm ra sự thật.  Ðó là vai trò của Giáo hội Việt Nam hôm nay.  Nếu không, mọi hy vọng sẽ tiêu tan . . .

Xã hội bên ngoài đang kẹt cứng vì những bất công ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát.  Xã hội đang bất ổn vì tương quan chủ thợ quá chênh lệch. Tiếng thợ kêu không lọt tai ông chủ, nhưng đã “thấu đến tai Chúa các đạo binh.”[19] Những bất công tồn đọng và tăng tốc, vì sự thật ngày càng lu mờ.

Trước một xã hội đầy bất công như thế, nếu chỉ lo xây dựng cơ sở và làm việc bác ái, Giáo hội đã bỏ quên sứ mệnh chính yếu của mình.  Giáo hội là ngôn sứ công bố Lời Chúa cho nhân loại.  Không có sứ mệnh này, Giáo hội chẳng khác gì một công ty hay một tổ chức thương mại ngoài đời. 

Chưa bao giờ vai trò ngôn sứ quan trọng như hôm nay ! Theo Thánh Thomas, ngôn sứ là một đoàn sủng tri thức dùng để thông tri cho nhân loại những chân lý cần thiết cho việc cứu độ.[20]  Chính Lời Chúa mới bơm thần khí và sự sống cho xã hội đang dẫy chết.[21]  Chỉ có Lời Chúa mới đem lại bình an và sự sống cho xã hội.  Như thế, Lời Chúa cần hơn cơm bánh.  “Thời kỳ Giáo hội Sơ Khai, các ngôn sứ chú tâm tới việc hiểu biết Chúa Kitô hơn giao tiếp với thực tại xã hội bên ngoài.  Mục đích ngôn sứ là thiết lập một căn tính Kitô vững chắc để nắm vững truyền thống nòng cốt về đạo đức hầu có thể đối đầu với những thách đố của trần gian đầy bất trắc này.”[22]  Bởi đó, những năm đầu thời kỳ hậu  tông đồ, “yểm trợ cho các ngôn sứ quan trọng hơn quan tâm chăm sóc  người nghèo.”[23]

Như thế, từ đầu Giáo hội đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sự thật.  Nhưng sự thật không nằm sẵn trong sách vở.  Giáo hội không ngừng phấn đấu tìm kiếm và làm chứng cho sự thật ngang qua đối thoại.  Biết lắng nghe nhau còn quan trọng và cần thiết hơn làm việc bác ái. Ngay cả công cuộc bác ái  cũng cần sự thật.  Không có sự thật, bác ái mất hẳn động lực, ý nghĩa và giá trị.  Ðó là điều Chúa nhắm tới khi nói : “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô ...”[24]  Ðức Kitô mới là động lực và cứu cánh mọi hoạt động.  Bác ái không có sự thật chỉ tạo thêm bất công và bất ổn.  Mải mê hoạt động bác ái đến nỗi quên cả tìm kiếm sự thật là chìm ngập trong phương tiện mà đánh mất mục đích.  Các phương tiện như thân xác, chức quyền, của cải v.v.  có thể che mờ hay làm mất cứu cánh. [25]  Những phương tiện đó dễ làm chúng ta xa nhau và xa Thiên Chúa.  Xa Thiên Chúa, làm sao sống hạnh phúc ?  Xa anh em, còn có thể xây dựng gì cho nhau  ?!

Lạy Chúa, xin cho con biết tôn trọng người anh em như ngôn sứ Chúa  sai đến với con.  Xin cho con khám phá cách thức lắng nghe và đối thoại với nhau hầu có thể làm chứng cho Chúa giữa một xã hội đang vắng bóng sự thật hôm nay,  Amen

 

lm đỗ vân lực, op.

dzuize@gmail.com



[1] TMV 2006, số 7.

[2] Ds 11:29.

[3] x. LG,123.

[4] x. ibid.

[5] Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Prophecy, Jordan Aumann, O.P.; Our Sunday Visitor Publishing Division,  Indiana, 1997; x. 1Cr 14:22; 2Pr 1:21.

[6] x.1Tx 5:19.

[7] x. Ga 3:8.

[8] x. Mc 9:39-40; Ds 11:29

[9] x. 1Cr 12:4 -11

[10] 1Cr 12:13.

[11] x. Ga 15:15.

[12] 1Cr 3:16-17.

[13] LG 9; Cf. Acts 10:35; 1 Cor 11:25.

[14] TMV 2006, số 7.

[15] ibid.

[16] ibid.

[17] x. Encyclopedia of Catholicism, ed. Richard P. McBrien, Prophecy, Joseph Blenkinsopp, New York : HarperCollins, 1995.

[18] Lc 8:18.

[19] Gc 5:4.

[20] De Veritate, 12, 2; x. 1Cr 14:6.

[21] x. Ga 6:63.

[22] The New Dictionary of Theology, eds. Joseph A. Komonchak, Mary Collins, Dermot A. Lane, Prophecy, Dianne Bergant, CSA, Delaware : Michael Glazier, 1989,

[23] x. Theological Dictionary of the New Testament, Vol. VI, Eds. Gerhard Kittel, Gerhard Friedrich, trans. by Geoffrey W. Bromiley, Prophet, Friedrich, Michigan : Eemans, 1968 ; Did ., 13:1-7;

[24] Mc 9:41.

[25]x. Mc 9:47; Mt 19:22; Mc 10:22; Lc 18:23.


Mục Lục