Ngày 08.10.2006

 

HÔN NHÂN HAY NGÔN SỨ

(Mc 10:2-16)

 

Ngày nay nhiều người Công giáo vẫn ly dị, dù đã làm phép cưới đàng hoàng ở nhà thờ.  Thấy vậy, nhiều người đặt vấn đề về hiệu lực của bí tích hôn phối ? Họ không cần làm phép cưới nữa.  Chỉ cần tình yêu thôi.   Ðám cưới hay không, có khác gì nhau ?  Bí tích chẳng còn ý nghĩa và giá trị gì nữa !  Lễ nghi, giấy tờ v.v. chỉ là hình thức. 

Suy cho cùng, vấn đề không nằm ở chỗ đó. Vấn đề sâu xa hơn nhiều.  Ðức tin còn hay không ?  Còn tới mức nào ?    Có nên đánh giá hôn nhân dựa trên những hiện tượng tiêu cực không ?

Ðánh giá thấp bí tích hôn phối như thế, không phải vì người ta nhìn thấy vô số đổ vỡ nơi những cặp vợ chồng sống ngoài “phép đạo.”  Ðúng hơn, họ chỉ muốn biện minh cho thái độ và lối sống tự do của mình thôi.

Nếu nhìn đúng đắn, ai cũng phải nhận “có một nét thánh thiêng và đạo đức nào đó nơi cuộc kết hiệp tự nhiên giữa người nam và người nữ.”  Thực vậy, cuộc kết hiệp đó phát xuất từ nguồn gốc thánh thiêng,[1] đưa đến việc sinh dưỡng con cái cho Thiên Chúa, và cuối cùng đưa đôi phối ngẫu vào cuộc hiệp thông với Thiên Chúa.[2]

Nếu không có con mắt đức tin, không thể nhìn thấy hôn nhân như một “giao ước.”[3]   Nếu là một giao ước, hôn nhân sẽ mang nét thánh thiêng như giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Tình yêu hôn nhân diễn tả đặc biệt qua giao ước Thiên Chúa thiết lập với tuyển dân qua Abraham (St 17:1-2) và Môsê (Xh 19:5).[4]

  Hơn nữa, bí tích giao ước hôn nhân phát xuất từ giao ước Chúa Giêsu thiết lập trên thánh giá và canh tân trong bí tích Thánh thể.[5]  Hôn nhân Kitô giáo “đặc biệt vững chắc vì là một bí tích”[6] và “giao ước mới của Chúa Giêsu hiện diện năng động trong chính hôn nhân.”[7] Vì thế, “Giao Ước của Chúa không những gợi hứng cho đời sống hôn nhân, mà còn can dự vào đời sống đó, bơm sinh lực vào cuộc đời của các người phối ngẫu.  Giao ước đó còn “nhào luyện” tình yêu họ từ bên trong.  Họ yêu nhau không những như Ðức Kitô đã yêu, nhưng một cách huyền nhiệm, yêu với chính tình yêu của Ðức Kitô, vì Người ban Thần Khí cho họ ...”[8] 

Dĩ nhiên, như thế không có nghĩa, sau khi đưa nhau tới nhà thờ làm lễ cưới, người ta có thể “ăn no ngủ kỹ,” không cần cố gắng phấn đấu nữa.  Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người đã phải trải qua một quá trình phấn đấu rất cam go mới hoàn thành được.  Chúa Giêsu cũng đã trả giá bằng chính mạng sống, mới có thể thiết lập và duy trì nổi giao ước giữa Người và Giáo hội.

Ðiểm độc đáo của giao ước hôn nhân Kitô giáo chói sáng nhờ việc Ðức Giêsu kết hiệp Thiên Chúa với dân Người trong một cuộc hiệp thông duy nhất.  Cuộc hiệp thông này sẽ biến thành Nước Trời vĩnh hằng.  Giao ước mới mang tính thể chất, chứ không chỉ chia sẻ đời sống thần linh của Chúa Giêsu và kết hiệp với Người trong những hành vi nhân linh.  Sau cùng, giao ước mới giúp họ chia sẻ với Chúa trong cuộc sống thể xác phục sinh nữa.[9]  Như thế, tình yêu Thiên Chúa đã nhập thể trong thực tại thể lý của đời sống hôn nhân.

Sở dĩ được nâng lên hàng bí tích, vì hôn nhân là dấu chỉ sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Kitô và Giáo hội.[10]  Cuộc kết hiệp này chiếu sáng ý hướng cánh chung trong bí tích hôn phối.  Hôn nhân tham dự vào cuộc hiệp thông vĩnh hằng.  Ngay nơi trần gian, họ đã nếm trước hạnh phúc Nước Trời.  Nếu không, họ không đủ khả năng vượt qua những thử thách trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.  Chính Ðức Giêsu đã phải chết để nâng hôn nhân lên hàng bí tích.[11]  Cũng thế, vợ chồng phải hy sinh cho nhau mới thể hiện được tất cả tính chất bí tích của hôn nhân, mầu nhiệm hiệp thông giữa Chúa Giêsu và Hội thánh.

Càng hiệp nhất sâu xa và bền vững, hôn nhân càng  “biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Ðấng Cứu Ðộ trong thế giới và bản  chất đích thực của Giáo hội qua tình yêu.”[12]  Do đó, hôn nhân là một chứng từ sống động nhất nói cho mọi người biết Thiên Chúa “yêu mến thế gian đến nỗi đã sai Con Một ...”[13]  Trong chiều hướng này, ÐGH Gioan Phaolô II đã hô hào : “Hỡi gia đình, hãy tin mình được gọi làm dấu chỉ chiếu sáng tình yêu Thiên Chúa.”[14]

Mục tiêu cao cả đó đã biến mất trong nhiều cuộc hôn nhân hôm nay. Con người quá ích kỷ.  Theo tác giả Elizabeth Marquardt, khắp thế giới, luật pháp và các kỹ thuật sinh sản có khuynh hướng định nghĩa lại tư cách làm cha mẹ qua những lối đặt quyền lợi người lớn trên nhu cầu trẻ em.  Hậu quả là ly dị  cha mẹ đơn chiếc gia tăng; càng ngày càng nhiều người hiến tặng trứng và tinh trùng ; phong trào ủng hộ hôn nhân đồng tính; và các dự án cho phép thụ thai bằng trứng và tinh trùng của những người hiến tặng để con cái có ba cha mẹ theo pháp lý.[15] 

Mọi bế tắc chỉ được khai thông khi con người biết mở rộng tâm hồn.  Không mở rộng tâm hồn, làm sao có thể chấp nhận và cộng tác với nhau ?  Trong một môi trường xã hội bon chen mãnh liệt hôm nay, nếu không tìm được sự nâng đỡ, tình bạn, tình yêu, mái ấm gia đình, con người không thể yên tâm xây dựng và phục vụ, nhất là những người nghèo khổ.  Nhưng làm sao có thể thực hiện tất cả những điều cao đẹp đó nếu không được Thiên Chúa trợ giúp đặc biệt qua bí tích hôn nhân ?  Sống đời hôn nhân, Kitô hữu đón nhận được ân sủng  để kiên cường sống trọn vẹn cam kết đời vợ chồng và hoàn thành cứu cánh đích thực của hôn nhân.[16]

Gia đình đổ vỡ kéo xã hội vào một khủng hoảng lớn.  Muốn canh tân xã hội, cần phải có hôn nhân như một phương tiện và nguồn phát sinh ân sủng. Thật vậy, “hôn nhân và gia đình là nền tảng cho một xã hội lành mạnh.”[17] 

Muốn xây dựng lại nền tảng đó, cần phải nêu cao vai trò ngôn sứ của hôn nhân trong gia đình.  Vợ chồng “không bị ràng buộc, nhưng được tô điểm, không bị cản trở nhưng được hỗ trợ bởi hôn ước bí tích”[18] để làm ngôn sứ từ trong gia đình đến ngoài xã hội.  Không những qua lối sống công bình, bác ái, phục vụ, tha thứ, nhưng còn nhờ những lời sự thật, họ là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất góp phần đào luyện con cái  thành các ngôn sứ tương lai.  Vai trò ngôn sứ tóm tắt tất cả sứ mệnh lớn lao của cuộc sống hôn nhân.  Chỉ khi ý thức được bản chất, vai trò và sứ mạng của mình, hôn nhân mới có thể hoàn thành trách nhiệm ngôn sứ mà thôi. 

Với vai trò ngôn sứ, hôn nhân đang thi hành công cuộc phúc âm hóa từ trong gia đình.  “Công bố Tin Mừng cần bắt đầu từ gia đình.”[19]  Con cái cần phải trở thành “những người lắng nghe Lời Chúa,” trước khi thành “những người chia sẻ Lời Chúa.”[20]  Muốn thế, như những thừa sai, cha mẹ phải nỗ lực gieo hạt giống Tin Mừng cho con cái.  Mùa màng tươi tốt sẽ trổ sinh trên toàn thế giới và Giáo hội . . .

Lạy Chúa, nhờ bí tích hôn phối, Chúa đã ban cho vợ chồng chúng con tràn đầy Thần Khí.  Hôm nay, xin Chúa tăng cường ân sủng để chúng con thi hành sứ mệnh ngôn sứ trong gia đình và ngoài xã hội.  Amen.

 

lm đỗ vân lực, op.

dzuize@gmail.com



[1] x. Mc 10:7-8; St 2:24.

[2] ÐGH Pio XI , Casti connubii, AAS 22 (1930) 570, pe, 208.80. 

[3] Gaudium et Spes, số 48.

[4] x. Cormac Burke, ‘Marriage Covenant’ trong Russell Shaw (ed.), Encyclopedia of Catholic Doctrine, tr. 409, Our Sunday Visitor Publishing Division : 1997.

[5] x. ÐGH Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, 57, AAS 74 (1982) 149-50, OR, 21-28 Dec. 1981, 11.

[6] Canon 1056.

[7] Germain Grisez, Living A Christian Life, vol. 2, Franciscan Press : 1993, tr. 607.

[8] ÐGH Gioan Phaolô II, Address to the “Equipes Notre-Dame” (23.09.1982), 2, Inseg. 5.3 (1982) 543-44, OR, 15.11.1982, 6.

[9] Germain Grisez, Living A Christian Life, vol. 2, Franciscan Press : 1993.

[10] x. Ep 5:32; DS 327/702.

[11] Canon 1055.1.

[12] Gaudium et Spes, số 48.

[13] Ga 3:16.

[14] ÐGH Gioan Phaolô II, Cuộc Gặp Gỡ Các Gia đình,  ngày 20.10.2001.

[15] Zenit 30.09.2006.

[16] x. Cormac Burke, ‘Marriage Covenant’ trong Russell Shaw (ed.), Encyclopedia of Catholic Doctrine, tr. 409, Our Sunday Visitor Publishing Division : 1997.

[17] Doyle, Dennis M., The Church Emerging from Vatican II, Twenty-Third Publications: 1992, tr. 290.

[18] ÐGH Pio XI , Casti connubii, AAS 22 (1930) 570, pe, 208.80. 

[19] Doyle, Dennis M., The Church Emerging from Vatican II, Twenty-Third Publications: 1992, tr. 304.

[20] ibid.


Mục Lục