Ngày 10.09.2006

KHI NGÔN SỨ CÂM ÐIẾC

Mc 7:31-37

 

Tuần qua một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho một gia đình tại làng Fatima, Houston, Texas, Hoa kỳ.  Ðịnh mệnh đã cướp đi người mẹ trong gia đình ấy.  Hoàn cảnh thật khó khăn.  Gia đình thuộc loại nghèo nhất làng. 

Tuy thế, khi còn sống bà đã làm một điều cả chồng con cũng không biết.  Nhiều lần bà đã vay tiền người khác để giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam.  Nhiều lần bà vay cả hai trăm đô.  Sau đó, bà làm việc để trả nợ dần.  Tại sao bà làm như thế ?  Bà có phải là người bình thường hay không ?  Thực tế, bà bình thường.  Sống đạo rất sốt sắng.  Ðức tin rất mạnh.  Như thế, Lời Chúa đã biến bà thành ngôn sứ làm chứng cho Tin Mừng bằng hành động bác ái.  Nói khác, bà không phải là người câm điếc trước Lời Chúa. 

Bà góa trong Tin Mừng được Chúa ca ngợi vì đã cho tất cả những gì bà có.[1]  Còn người phụ nữ Fatima đó đã cho cả những cái mình không có.  Cả hai đều là người nghèo, nhưng đã trở nên những người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Thiên Chúa hứa cho những ai yêu mến Người.[2]  Nếu đức tin không phong phú, họ đã không tạo được một môi trường để Chúa Thánh Linh hoạt động cho Nước Trời.

Nước Trời luôn là chủ đề chính trong mọi lời giảng của Chúa Giêsu (trong số120 lần, có tới 90 lần từ chính miệng Chúa).  Nước Trời chính là quyền lực Thiên Chúa. Bởi thế,  trong phép lạ hôm nay,[3] nếu có đức tin, người ta không thể không nhìn thấy quyền lực Thiên Chúa đang hoạt động trên thế giới.  Chúa hiện diện như một huyền nhiệm Nước Trời và như hồng ân tuyệt vời cho những ai yêu mến Người.[4]  Sống trong nguồn hồng ân đó, con người sẽ hoàn toàn hạnh phúc.  Hạnh phúc như người câm và điếc hôm nay.  Anh được trả lại quyền làm người và sống như mọi người.

Chỉ Chúa Giêsu mới có thể làm cho anh thấy Nước Trời đang hiện diện.  Ðúng hơn, “Chúa Giêsu là Nước Trời, không chỉ nhờ thân xác hiện diện, nhưng nhờ Thánh Linh như quyền lực tỏa sáng từ trái tim Người.  Khi hành động với Thần Khí đầy ắp,  Người bẻ gẫy xiềng xích ma quỷ trói buộc con người, Nước Thiên Chúa trở thành thực tại, Thiên Chúa nắm trong tay quyền điều khiển thế giới này.  Nên nhớ, Nước Thiên Chúa là một biến cố, chứ không phải là một thiên thể.  Hành động, lời nói, đau khổ của Chúa Giêsu đập tan quyền lực   nặng nề đang tha hóa con người trong cuộc sống.”[5]  Bởi vậy, phép lạ Chúa làm hôm nay quả là một sự giải thoát hoàn toàn cho anh câm điếc.  Ðó là một biến cố có tính cách quyết định cho cả cuộc đời anh.  

Như thế, Chúa đã rao giảng Nước Trời cho anh và mọi người.  Nhưng không phải chỉ có thế.  Qua những phép lạ hay những dấu chỉ về Vương quyền Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn muốn quy tụ mọi người chung quanh mình.  Nhất là trong mầu nhiệm Vượt qua vĩ đại – chết trên thập giá và Phục sinh – Người muốn làm cho Nước Thiên Chúa trị đến và loan báo cho mọi người, nhất là người hèn mọn và tội lỗi.[6]  Bởi đó, khi chữa người câm điếc, Chúa loan báo : Nước Trời đang mặc lấy chiều kích không gian và thời gian.  Ðó cũng là niềm hy vọng cánh chung đang sôi trào trong con tim Kitô hữu.[7] 

Ngay bây giờ niềm hy vọng đó đã hiện thực, vì lời hứa đã trở thành hiện tại.  Niềm hy vọng đã mang mầm mống tương lai trong chính mình.[8]  “Trong niềm hy vọng chúng ta được cứu độ.”[9]   Chúa đang đến rồi trong mọi biến cố lớn nhỏ hôm nay.  Bởi thế, sống trong niềm tin, Kitô hữu không có quyền thất vọng.  Họ luôn cầu xin cho Nước Cha trị đến trần gian.  Nói khác, họ khát vọng sống trong một thế giới tràn ngập sự công chính, bình an và tự do của con cái Chúa.

Làm sao có thể sống trong một thế giới như thế, nếu Chúa Giêsu không dấn thân trong đau khổ và tranh đấu cho những người nghèo hèn nhất.  Còn ai nghèo hèn bằng anh chàng câm điếc ?  Anh hoàn toàn mất khả năng tham dự vào sinh hoạt cao quý nhất của xã hội con người.  Nhưng anh đã được cứu chỉ vì Chúa yêu anh vô điều kiện.  Người đã đưa anh ra khỏi đám đông để săn sóc riêng cho anh.  Tình yêu hiện thân cụ thể nơi Ðức Giêsu Kitô nhập thể và nhập thế.  Như thế, Ðức Giêsu đã làm cho mọi người nghiệm thấy rõ  Thiên Chúa hiện diện và hành động trong việc con người quan tâm săn sóc cho nhau.[10] 

Nhìn những người đau khổ chung quanh, chúng ta thấy gì ?  Có dấu chỉ nào cho thấy Nước Thiên Chúa hiện diện chưa ?  Nước Thiên Chúa chỉ hiện thực khi nào con người được chữa lành, được giải thoát khỏi những hệ thống quyền lực đàn áp hay vô nhân đạo.[11]  Chúa Giêsu không vô tình đứng nhìn con người bị nghiền nát dưới những bộ máy xã hội khổng lồ bất công.  Trái lại, Người đã xắn tay áo đi cứu tất cả những ai đang chìm trong bóng tối thần chết. 

Giữa lúc đó, chẳng lẽ người môn đệ lại ung dung nhìn Thày mình mà tìm kiếm và tận hưởng quyền lợi cho mình và Giáo hội của mình ?   Thái độ “bình chân như vại” hay “giả điếc làm ngơ” trước những bất công hôm nay không thể biện minh bằng một thứ tương lai đầy ắp quyền lợi và bình an giả tạo.  Làm sao có thể yên tâm với một số những hoạt động bác ái trong khi xã hội còn tràn ngập bất công.  Bác ái chỉ xoa dịu.  Nhưng công lý mới thực sự là phương thuốc chữa trị tận gốc.  Tranh đấu và sống theo công lý không phải dễ.  Công lý đụng tới quyền lợi con người và tập thể.  Nhưng không có công lý, Nước Thiên Chúa không thể hiện diện.  Bình an và hạnh phúc cũng vắng bóng.[12]   Sự thật đang bị giam cầm.

Giữa một xã hội đầy bất công hôm nay, nhiều người không được nghe và nói sự thật.  Câm điếc làm sao biết sự thật ?  Công lý qua ngả nào ?  Chàng Rể Giêsu đã đến, nhưng Hiền thê Giáo hội đang ngủ say.  Có ai dám đánh thức không ?

 

Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con làm ngôn sứ của Chúa.  Nhưng chúng con đang câm điếc, làm sao có thể làm chứng cho chân lý ?  Làm sao  tranh đấu cho công bình ?   Xin Chúa sai Thần Khí  đến giải thoát chúng con khỏi mọi cơ chế bất công để Nước Chúa mau trị đến.   Amen.

 

lm đỗ vân lực, op. 

dzuize@gmail.com



[1] x. Lc 21:2-4; Mc 12:42-44.

[2] x. Gc 2:5.

[3] x. Mc 7:31-37 : Chúa Giêsu chữa người vừa câm vừa điếc.

[4] Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Kingdom of God, Regis Martin, tr. 363.

[5] Joseph Ratzinger, Eschatology, tr. 34-35.

[6] x. Giáo Lý Công Giáo, số 542, 543-545.

[7] x. Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Kingdom of God, Regis Martin, tr. 363.

[8] Joseph Ratzinger, Eschatology, tr. 44-45.

[9] Rm 8:24.

[10] Edward Schillebeeckx, Jesus, New York : Crossroad, 1981, tr. 153.

[11] Elisabeth Schussler Fiorenza, In Memory of Her, New York : Crossroad, 1985, tr. 123.

[12]x. Rm 14:17.


Mục Lục