Ngày 17.09.2006

XUNG ÐỘT

Mc 8:27-35

 

Mở đầu Kỷ Nguyên Thứ Ba, vào đúng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay, 12 tháng 03 năm 2000, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin Thiên Chúa và nhân loại tha thứ những tội lỗi Giáo hội đã làm cho thế giới suốt hai kỷ nguyên qua.  Người nhìn nhận đôi khi Giáo hội đã phản bội Tin Mừng khi dùng bạo lực để phục vụ chân lý, đã phạm tội “chống lại nhân phẩm phụ nữ và chia rẽ nhân loại,” và không luôn luôn liên đới với những người nghèo và người bị áp bức.[1]

Hình ảnh ÐGH sám hối vì tội lỗi Giáo hội đã làm cho cả thế giới và Giáo hội sững sờ đến kinh ngạc.  Trong suốt lịch sử và truyền thống Giáo hội, chưa hề thấy một vị Giáo Hoàng nào làm được một cử chỉ như thế.  Dám hỏi hàng Giáo Phẩm Việt nam có ai dám làm điều đó chưa, trong khi suốt hơn bốn trăm năm đồng hành với dân tộc, chắc chắn Giaó Hội Việt nam không thể tránh được những lầm lỗi ?  Biết bao những ngộ nhận và ác cảm với Giáo hội vẫn chưa được khai thông.  Ngay sau cuộc sám hối của ÐGH Gioan Phaolô II, người ta đã chờ đợi.  Nhưng tới nay, vẫn không có một cử chỉ đẹp nào từ phía Giáo hội Việt nam. 

Trong khi đó, ngày 30 tháng 9 năm 1997, nhớ lại thái độ thụ động của Giáo hội Pháp hồi thế chiến thứ hai và trách nhiệm đối với người Do thái, các Giám mục Pháp đã công bố bản “Tuyên Ngôn Sám Hối” với những lời lẽ chân thành và đau đớn như sau : “Chúng tôi thú nhận tội lỗi này.  Chúng tôi xin Thiên Chúa thứ tha, và xin dân tộc Do thái lắng nghe những lời hối hận của chúng tôi.”[2]  Tại sao ÐGH Gioan Phaolô II và Hàng Giám Mục Pháp đã làm được cử chỉ vô cùng ngoạn mục đó ?  Vì các ngài đã theo sát gót Ðấng đã từng quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ.   Hành động thống hối đó chứng tỏ sự hiểu biết và yêu mến Chúa nơi các ngài cao tới mức nào.  Nếu không hiểu biết, không thể theo Chúa.   

Ngày xưa, các tông đồ hăm hở bước theo Chúa.  Nhưng đến một lúc muốn củng cố bước chân các ngài,  Chúa đã không ngần ngại tra vấn các ông về hình ảnh và căn tính đích thực của Chúa.  Phải chăng cách đặt vấn đề chứng tỏ Chúa sống lệ thuộc dư luận ?   Thực tế, cách đặt vấn đề đó cho ta có cảm tưởng Chúa muốn phân biệt dư luận “bên ngoài” của quần chúng và niềm tin từ “bên trong” của các môn đệ.

Sau khi Chúa tra vấn, Phêrô trả lời ngay : “Thày là Ðấng Kitô.”[3]  Nhưng ông nói không đúng lúc.  Phải đợi đến lúc xuất hiện trước Thượng Hội Ðồng, khi nắm chắc cái chết, Chúa mới hiên ngang trả lời cho vị Thượng Tế Người là Ðức Kitô, Con Ðấng Ðáng Chúc Tụng.[4]  Phêrô không sai lầm.  Nhưng Chúa đọc được những gì đang diễn ra trong đáy lòng ông.  Bởi vậy, vừa nói xong, không những ông không được khen thưởng, mà còn bị Chúa “sửa lưng” và “cấm ngặt.”   

Cuộc xung đột tư tưởng giữa Chúa và Phêrô bắt đầu.  Phêrô quá trần tục đến nỗi không hiểu nổi ý định của Thiên Chúa.  Bằng chứng, ông đã ngăn cản khi Thày tự xưng là Con Người với một viễn ảnh vô cùng đen tối.  Ngược với hình ảnh “Ðấng Kitô” trong đầu Phêrô và truyền thống Do thái, “Con Người” mới là hình ảnh trung thực nhất diễn tả căn tính và sứ mạng của Chúa.   Nếu là “Con Người,” chắc chắn Người sẽ có một số phận vô cùng bi đát, chứ không oai hùng như giấc mơ Thiên Sai (Nhà Vua, Ngôn Sứ hay Tư Tế, Người Ðược Xức Dầu) có ảnh hưởng lớn tới tương lai Tuyển dân.[5]   Ông Phêrô cố ngăn cản Thày thực hiện sứ mệnh Con Người.   Ðến đây, Người có hành động quyết liệt và giáng cho ông một đòn chí tử.  Tại sao tôn xưng Chúa là Ðấng Kitô và ngăn cản Thày khỏi rơi vào bể khổ lại là một tội lỗi giống Satan ?  Không hiểu tại sao Thày lại có lời lẽ quá cứng rắn như thế.

Từ tư tưởng đến hành động, hai Thày trò đều không gặp nhau.   Thày luôn theo sát nút ý muốn Thiên Chúa.  Không ai hiểu Thiên Chúa bằng Thày.  Thiên Chúa muốn “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”[6]  Bởi đấy, sau khi Người bị lên án, cây Thập giá nặng nề đã đè bẹp Người xuống tận bùn đen.  Ðó là cách phục vụ lớn lao nhất và khó khăn nhất.  Con Thiên Chúa hủy mình ra không.  Ðến lúc gần bị hành hình, Người vẫn còn lớn tiếng kêu gọi tôi : “Hãy theo Thày !”[7] 

Dù thế, hôm nay Chúa Giêsu vẫn kêu gọi tôi từ bỏ chính mình.  Có bỏ mình mới có thể bước theo Thày.[9]   Mặc dù không bị cá nhân chủ nghĩa ảnh hưởng sâu xa, nhưng lại chìm ngập trong nền văn hóa và lối sống đầy tính ích kỷ, không biết tôi đã bước theo Thày cách nào và tới đâu rồi ?  Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết con đường nào dẫn tôi đến thành công, dù không phải bao giờ cũng thành công như tôi muốn.

Bao lâu chưa hiểu biết rõ về Chúa Giêsu, tôi chưa thể làm chứng cho Người và lôi cuốn mọi người theo Chúa.  Một cuộc sống chỉ lo hưởng thụ là bằng chứng tố cáo tôi chưa hiểu gì về Chúa Giêsu.  Khi đã chiếm được quyền bính và của cải, tôi cố sức giữ chặt và khai thác, mặc bao người đang đau khổ chung quanh.  Tôi tự mãn về công trạng và hưởng thụ những gì đã chiếm hữu và nhất định không chia sẻ cho ai.     Miệng tôi vẫn ca tụng và rao giảng Ðức Kitô, nhưng lòng tôi vẫn nghĩ như Phêrô !  Nếp sống hưởng thụ và tự mãn tố cáo tôi chưa hiểu Ðức Kitô là Con Người Ðau Khổ.   Những than thân trách phận suốt bao năm tháng là bằng chứng tôi chưa đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào chiến thắng cuối cùng Ðức Giêsu Phục sinh sẽ dành cho tôi.  Bao năm tháng đã trôi qua.  Thật là uổng phí !!!

Nhưng không phải chỉ có tôi.  “Tiếc thay, phải thú nhận rằng lỗi lầm của Phêrô vẫn được lập lại trong lịch sử.  Cũng thế, vào một lúc nào đó một số người trong Giáo hội, kể cả những Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô, đã hành xử như thể Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này và phải được quyết tâm chiến thắng (nếu cần cũng dùng vũ khí) trên kẻ thù, thay vì chịu đau khổ và tử đạo.”[10]   Nhìn vào Giáo Hội Việt nam hôm nay, chúng ta thấy gì ?  Có lẽ GHVN đang sống như một Nước Thiên Chúa đã đạt tới mức hoàn hảo.  Không bao giờ  sai lầm.  Chẳng cần ai góp ý hay sửa sai.  Như thế, vô tình đã mắc vào cạm bẫy thế gian.  Dựa trên quyền bính để khẳng quyết giá trị và chỗ đứng Giáo hội.  Nếu thế làm sao có thể lôi kéo mọi người ra khỏi cơn lốc thời đại ?  Thế gian đang dùng mọi phương tiện truyền thông, phim ảnh, tiểu thuyết, phong tục và những thông tin kỳ lạ để trình bày một Ðức Giêsu theo quan niệm Phêrô.  Phim truyện “Giải Mã Da Vinci Code” chỉ là ấn bản mới nhất trong một chuỗi dài những nỗ lực của Satan hôm nay.[11]

Hơn lúc nào, trước khi dấn thân phục vụ để rao giảng Chúa Kitô[12], GHVN hãy trả lời câu hỏi Chúa đã đặt ra cho Phêrô và các tông đồ : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”[13]  Từ chỗ xác tín đúng đắn mới  phục vụ đắc lực và rao giảng hiệu quả được.  Nếu không, ngay cả sự hiện hữu của chúng ta cũng vô nghĩa, chứ đừng nói chi đến việc phục vụ.  Ðúng như thánh Hillary Poitiers nói khi mới gia nhập Ðạo : “Trước khi biết Chúa, con không hiện hữu.”

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa là ai.  Giữa những thử thách hôm nay, xin cho con luôn đứng vững và tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Phục sinh.  Nhờ đó, con sẽ được thánh hóa, dấn thân làm chứng, xây dựng một xã hội tự do, công bình và hòa bình.  Lạy Chúa, xin hãy đến !   Amen.

 

lm giuse đỗ vân lực, op

dzuize@gmail.com

 



[1] x. www.findarticles.com ngày 15/09/2006.

[2] www.sacredheart.edu

[3] Mc 8:29.

[4] x. Mc 11:61 tt.

[5] x. Harper’s Bible Dictionary, ed Paul J. Achtemeier & Associates, Harper & Row, Publishers, San Francisco, 1985.

[6] Mt 20:28; Mc 10:45.

[7] Ga 21:19; Lc. 5:27; Mc 2:14;  Mt 9:9.

[8] Theo Thánh Phanxicô Assisi.

[9] x. Mc 8:34

[10] Linh mục Cantalamessa : Zenit 15.09.2006.

[11] x. Linh mục Cantalamessa : Zenit 15.09.2006

[12] Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam : Thư Mục Vụ Năm 2006 : Sống Ðạo Hôm Nay.

[13] Mc 8:29.


Mục Lục