Ngày 24.09.2006

PHỤC VỤ

Mc 9:30-37

           

Ngày 17 tháng 9 năm 2006 vừa qua, Nữ tu Leonella Sgorbati đã bị ám sát khi đang phục vụ tại Somalia.  Toàn thân chị bị bắn bảy phát súng.  Chị đã trút hơi thở cuối cùng tại chính bệnh viện chị đang phục vụ.  Mặc dù được khuyên rời Somalia nhiều lần, chị vẫn cương quyết ở lại Làng SOS cùng với bốn chị Dòng Thừa Sai An Ủi để phục vụ người nghèo trong Bệnh viện SOS.  Giây phút cuối cùng, dù rất đau đớn, chị vẫn thốt lên:  “Tôi tha thứ, tôi tha thứ.”[1]  Ðó là tiếng vọng từ cây Thánh Giá cho nhân loại hôm nay.

Thật là một gương sáng tuyệt vời cho những ai đang phục vụ Ðức Kitô trong mọi người. Từ nay, phục vụ trở thành tiêu chuẩn đánh giá và xác định vị trí của người lãnh đạo.[2]  Ngay từ đầu, Giáo hội đã bước theo Thày Chí Thánh.  Ðiển hình là các phụ nữ đã theo giúp Chúa.  Các bà không màng địa vị, nhưng “đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa và các môn đệ.”[3]  Họ đã để lại một gương hy sinh lớn lao, không phải chỉ cho nữ giới, nhưng cho toàn thể  Giáo hội.

Trong khi đó, mặc dù bao năm tháng theo sát gót Ðức Giêsu, các môn đệ vẫn không thấu triệt đường lối Người.  Bằng chứng ngay khi Thày đang nói sự thật về thân phận đau khổ, các môn đệ vẫn “nhởn nhơ” và vô tư bàn chuyện chia chác miếng đỉnh chung.  Họ không hiểu mình đang theo ai và đang hướng về đâu.  Quyền trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng Nước Thiên Chúa cũng không thể xác định chỗ đứng của họ trong cộng đoàn.   Chỉ khiêm tốn mới tối cần cho người lãnh đạo Dân Chúa.   Ðịa vị càng cao, con người càng cần phải xả thân phục vụ.[4]   Nhưng làm sao phục vụ, nếu không khiêm tốn ?

Theo thánh nữ Têrêsa Avila,  khiêm tốn chỉ là “bước đi trong sự thật,” sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người.  Ðúng như thánh Âutinh nói : “Lạy Chúa, có biết chính mình, con mới biết được Chúa.”  Chỉ khi nào biết tin buồn của mình, con mới sẵn sàng, vui mừng và thoải mái đón nhận Tin Mừng của Chúa.[5]  Càng biết rõ mình, càng khám phá thấy rõ bộ mặt kẻ thù chống lại Tin Mừng là cái tôi.  Càng kiêu ngạo, càng chống báng và xa rời Thiên Chúa. 

Sống tự đắc như thế, con người sẽ chẳng cần ai, kể cả Thiên Chúa.  Bởi vậy, thánh Phêrô mới khuyên : “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”[6]  Một khi đã bị Thiên Chúa chống đối, con người còn làm được gì ?  Bởi vậy, chỉ có người khiêm tốn mới có thể đón nhận được những ơn cần thiết để phục vụ mọi người, nhất là những người đau khổ và nghèo đói.

Nhìn vào chính mình, tôi thấy thực tế chưa phục vụ được những người nghèo khổ, chỉ vì chưa đủ khiêm tốn.  Khiêm nhường là một ơn trọng đại nhất và cũng là bài học lớn nhất tôi phải cầu xin suốt đời mới thấu hiểu được.  Thực vậy, không hăng say cầu nguyện và học biết Chúa Kitô, tôi không thể sống khiêm nhường.   Của cải, tài năng, địa vị dễ khiến tôi kiêu ngạo.  Có khi tôi tư phụ về cả những điều mình không có.  Thật là lố bịch !

Cần phải ý thức sâu xa về những giới hạn, thiếu thốn và tội lỗi của mình trước một Thiên Chúa toàn hảo và chí thánh, tôi mới biết mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và do đó mới nhiệt tình thi hành ý Chúa trong mọi sự.[7]  Có khiêm tốn mới nhận ra  mọi giá trị đều phát xuất từ Thiên Chúa.  Từ nhận định thực tế và sâu thẳm đó, tôi mới có thể dễ dàng quên mình cũng như quyền lợi và chức vị mà chia sẻ và phục vụ tha nhân.[8]

Có khiêm tốn mới có thể thấy được giá trị linh thiêng của cuộc sống con người và phẩm vị tha nhân.  Từ đó, mới có thể xây dựng một nền tảng luân lý cho xã hội.  Chính vì không đủ khiêm tốn, tôi không thể nhìn thấy giá trị đích thực của con người, và chỉ còn đòi hỏi những quyền lợi bất chính.  Tôi sẵn sàng hy sinh nhân mạng và nhân phẩm tha nhân cho những quyền lợi của mình.  Từ đó phát sinh những phong trào phá thai nhân danh nữ quyền.  Giá trị sự sống con người đang bị đe dọa vì những nhóm nhân bản, nghiên cứu tế bào gốc, đồng tính, án tử hình v.v. 

Nếu biết rõ về con người, tôi phải khiêm tốn nhìn nhận quyền Thiên Chúa trên cuộc sống.  Mỗi người là một giá trị cần được bảo vệ và phát triển. Từ chỗ khiêm tốn đó, tôi sẽ liên đới và đoàn kết với tha nhân để hoạt động ngăn ngừa xung đột, tránh chiến tranh và giải quyết mọi tranh chấp bằng những phương tiện hòa bình.

Rất nhiều vấn đề mới đang cần nhiều người tài năng giải quyết.  Tài năng thật sự không thiếu.  Nhưng vượt trên tài năng, cần có những con người khiêm tốn để nhìn thấy trách nhiệm liên đới với người khác trong công cuộc bảo vệ nhân phẩm và tạo lập một cộng đoàn lành mạnh.  Mỗi người đều có quyền sống, quyền làm việc, quyền được hưởng đồng lương xứng đáng và công bình, quyền tự do tư tưởng, báo chí, hội họp v.v.

Trong phạm vi xã hội rất cần đến sự hợp tác và liên đới trách nhiệm.  Trong thế giới nhỏ bé hôm nay, yêu tha nhân mang chiều kích toàn cầu.  Tôi trở thành những người gìn giữ anh chị em mình.  Nhưng làm sao có thể có cái nhìn và hành động cao đẹp đó, nếu ngay từ trong gia đình, tôi không đủ điều kiện giáo dục để trưởng thành về nhân cách.  Cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình hôm nay cho thấy con người không khiêm tốn đủ để nhìn nhận thấy giá trị và vai trò của nhau.  Nhưng đồng thời, cũng tố cáo xã hội ít hỗ trợ và nâng đỡ gia đình.  Trong khi đó, nhiều phong trào đang hoạt động mãnh liệt để hạ giá hôn nhân và gia đình.

Nếu sống khiêm tốn, tất nhiên không thể không nhìn thấy địa vị và hoàn cảnh những người kém may mắn hơn mình.  Nhiều người ngày nay không còn biết đến công ích và phúc lợi của mọi người, nhất là những người nghèo khổ.[9]  Con người ngày càng ích kỷ và hưởng thụ nhiều hơn.  Vấn đề ngày càng lớn và rất khó giải quyết.  Phục vụ đang mất dần ý nghĩa. 

 

Lạy Chúa, xin cho con biết rõ con là ai.  Nhờ đó con sẽ sống khiêm tốn hơn và chân thành hợp tác  với mọi người.  Amen.

 

lm đỗ vân lực, op.

dzuize@gmail.com



[1] Zenit 18.09.2006

[2] x. Mc 9:35.

[3] Lc 8:1-3.

[4] x. Mc 9:35.

[5] x. Giáo Lý Công Giáo, số 2540.

[6] 1 Pr 5:5.

[7] x. The New Dictionary of Catholic Spirituality, ed. Michael Downey, Humility, William Shannon, Minnesota : The Liturgical Press, 1993.

[8] Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. Russell Shaw, Humility, Our Sunday Visitor Publishing Division,  Indiana, 1997.

[9] x. Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, Hội Ðồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Libreria Editrice Vaticana, 2005.


Mục Lục