CHỜ ANH, CHỜ TỚI BAO GIỜ ?!

(Lc 12:32-48)

 

Tháng ngày không đủ để đong đầy nỗi nhớ.  Cuối cùng chỉ còn niềm hy vọng, chứ chưa chắc đã là sự thật.

Mùa thu xưa ngập lối
Lá vàng bởi yêu anh
Mùa này lá còn xanh
Hy vọng còn em đợi.[1]

Nhưng có một cuộc hẹn chắc chắn sẽ thành sự thật.  Cuộc hẹn với Con Người !  Sau bao ngày xa vắng, cuộc hẹn có xoi mòn niềm tin nơi người đầy tớ trong dụ ngôn hôm nay không ?   Hình ảnh trái ngược nơi người đầy tớ thất tín càng làm nổi bật hình ảnh tươi đẹp nơi người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.  Niềm hy vọng chắc chắn sẽ biến thành sự thật nơi những người giữ vững niềm tin qua một hành trình lâu dài.

ÐIỂM HẸN

Tin Mừng Chúa Nhật trước trình bày một thần tượng trần gian bị sụp đổ.  Ðó là ông phú hộ ngu ngốc.   Tin Mừng tuần này trình bày một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.  Có lẽ ngất ngưởng trên cao, con người bị lóa mắt đến nỗi không thể thấy điểm hẹn lớn của cuộc đời ? Thực tế, không phải địa vị sẽ quy định thái độ. 

Ðiểm hẹn ở đây không phải là một điểm nào ngoài không gian hay thời gian.  Ðiểm hẹn là chính nơi mình đang sinh sống.  Chỉ cần ý thức “Con Người sẽ đến,” (Lc 12:40) tình hình sẽ biến đổi.  Chính thái độ tỉnh thức sẽ phân biệt và quyết định số phận hai hạng người đầy tớ.  Nhưng trước tiên, ai dám nhận mình là người đầy tớ ?  Làm chủ vẫn là khuynh hướng chung của mọi người.  Làm chủ có nhiều quyền hành, thanh thế và  phương tiện hơn.  Chỉ có người đầy tớ mới là vô sản và bất lực. 

Người đầy tớ đích thực bao giờ cũng nhớ tới ông chủ và sẵn sàng đón chờ ông chủ trở về.  Không những thế, anh ta còn mau mắn phục vụ.  Chủ về bất cứ giờ nào cũng đều thấy anh túc trực mở cửa.  Chủ không đi về theo một chương trình cố định.  Muốn phục vụ đúng tư cách một người đầy tớ tốt, cần phải cảnh giác về thời gian.  Thời gian sẽ quyết định mọi sự.  Chính thời gian đưa con người đến và đi ra khỏi cuộc đời.

Trong thời gian đợi chủ về, nhưng người đầy tớ phải làm gì ?  Dù lên tới chức quản gia, anh vẫn phải chu toàn mọi việc chủ giao phó.  Anh phải lo ổn định mọi việc trong nhà để mọi người yên tâm làm việc.  Có thế, anh mới là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.  Ðược tín nhiệm, anh được ông chủ giao tất cả tài sản.  Không còn phần thưởng nào lớn hơn !

Bên cạnh người đầy tớ trung tín, dụ ngôn còn cho thấy vẻ kệch cỡm của tên đầy tớ bất tín và bất công.  Thái độ hống hách đối với những người dưới quyền tiết lộ bản chất thấp hèn của người đầy tớ.  Rõ ràng sự thất tín biểu lộ trong thái độ bất công và ích kỷ của người đầy tớ xấu xa.  Sở dĩ có thái độ đáng trách đó, vì anh cố tình quên bổn phận đối với ông chủ.  Trước cùng một biến cố ông chủ trở về, đầy tớ trung tín thấy là một tin vui, đầy tớ bất tín lại coi đó như một hung tín, vì anh sẽ bị loại trừ và bị xếp vào loại phản bội.  Số phận anh đã bị định đoạt. 

Sở dĩ anh có thái độ bất công đối với thuộc quyền, vì tương quan với chủ quá lỏng lẻo.  Anh cố tình lãng quên thời gian đang đẩy bàn chân ông chủ đến gần. Yếu tố thời gian xuất hiện trong dụ ngôn này rất nhiều lần (12:36, 38, 39, 40, 42, 45, 46).  Ðó là một điểm mốc vô cùng quan trọng, nhưng lại bị lãng quên nhiều nhất.  Không biết đến giới hạn thực tế đó, người đầy tớ trở thành bất tín và bất công.  Thời gian đã làm hư hỏng con người.  Càng sống lâu càng xa dần với lý tưởng ban đầu.

Lý tưởng ban đầu bắt nguồn từ chính ý chủ.  Không phải vô tình ông chủ đã chọn một số người làm đầy tớ giúp việc nhà.  Khi tuyển chọn họ, không những ông muốn mọi công việc phải tốt đẹp, nhưng còn muốn tạo một cộng đoàn được xây dựng trên tinh thần  trách nhiệm, tình yêu và công lý.  Mặc dù biết rõ ý chủ như thế, người đầy tớ bất tín vẫn làm mọi sự để thỏa mãn bản năng và tham vọng của mình.  Sự hiểu biết và hành động không đi đôi.

TỪ DỤ NGÔN SANG THỰC TẾ

Phải chăng hình ảnh người đầy tớ không xứng đáng với vai trò làm con cái hay môn đệ Chúa Giêsu ?  Thực ra, chính Chúa Giêsu cũng được tiên báo là người đầy tớ đau khổ (Mt 12:18-21; Cv 3:13).  Trong Bữa Tiệc Ly, chính Chúa đã làm công việc của một người đầy tớ (Ga 13:12-17).  Người đến để phục vụ (Mt 20:25-28; Pl 2:5-8).  Người sống giữa các môn đệ như một người đầy tớ (Lc 22:27).  Bởi thế, các tông đồ rất vui sướng và hãnh diện là người tôi tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô.

Chính Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta làm tôi tớ phục vụ Người (Gc 1:1).  Ðó là một vinh dự lớn lao.  Thánh Phaolô cũng hãnh diện vì được kể vào trong số “những đầy tớ của Ðức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (1 Cr 4:1)  Như vậy, cần phải được tuyển chọn, nghĩa là được nâng cao và xếp loại đặc biệt, chứ không phải bị xỉ nhục và loại bỏ khi thấy mình được gọi là tôi tớ Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô.  Không có gì mâu thuẫn giữa danh hiệu tôi tớ và bạn hữu hay con cái Thiên Chúa. Ðúng hơn, một người bạn hữu hay con cái của Thiên Chúa phải nên giống Ðức Kitô trong cung cách phục vụ của người tôi tớ.

Không chỉ là tôi tớ Thiên Chúa hay Ðức Giêsu Kitô, chúng ta còn phải là tôi tớ phục vụ lẫn nhau nữa (Gl 5:13; 1 Cr 9:19-23).  Làm như thế, chúng ta có bị mất nhân phẩm không ?  Khi phục vụ con người đến nỗi chết trên thập giá, phẩm vị Ðức Giêsu không giảm bớt chút nào, trái lại còn được Thiên Chúa vinh thăng lên chín tầng trời (Pl 2:8-9).  Càng phục vụ càng được chia sẻ sứ mệnh tôi tớ và vinh quang của Chúa.

Ðược kêu gọi làm tôi tớ không phải để phục vụ thị hiếu mọi người.  Trái lại, chúng ta được sai đi để phục vụ sự công chính (x. Rm 6:18).  Ðó là con đường nên thánh của chúng ta.  Con người ấu trĩ thường sống rất ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới, chứ đừng nói đến việc hy sinh hay phục vụ người khác.  Bởi thế, càng phục vụ tha nhân, càng chứng tỏ mình quan tâm tới những nhu cầu của người khác.  Càng quan tâm tới tha nhân, càng trưởng thành trong nhân cách và lớn lên trên con đường thiêng liêng.  Người tôi tớ bất tín lộ rõ thái độ ấu trĩ, khi hống hách đập đánh các tôi trai tớ gái của chủ.  Làm như thế, rõ ràng anh không quan tâm chút nào tới nhu cầu của người khác.  Trái lại, “một người tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô” (Gl 1:1) không thể không lo lắng phục vụ tha nhân.  Ðó là những điều kiện và dấu chỉ sự trưởng thành thiêng liêng.

Trong Cựu ước, các nhà lãnh đạo Israel nổi tiếng là những tôi tớ Chúa.  Họ thúc đẩy dân chúng tuân theo truyền thống và phong tục để giữ nếp sống thánh thiện.  Ðức Giêsu nói về họ và các môn đệ như những người được Thiên Chúa âu yếm ban “Nước Trời.” (Lc 12:32)  Trong thời gian chờ đợi Thày trở lại, họ phải tránh tham lam và giàu có, như Ðức Giêsu đã dạy.  Ngày trở lại, Thày sẽ trở thành Tôi tớ của những người tôi tớ. 

Ðức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ nhiều điều và kỳ vọng các ông sống như các người tôi tớ thi hành các giáo huấn đó.  Như các nhà lãnh đạo Do thái, các môn đệ Chúa Giêsu cũng phải trung thành với các giáo huấn.  Muốn trở thành môn đệ đích thực, bắt buộc phải lắng nghe và thực hành giáo huấn đó.  Ðó là một đòi hỏi khắt khe nhất.   Nhưng Chúa dạy gì, nếu không phải là bán tất cả của cải mà mua lấy Nước Trời (x. Lc 12:32-33) ?   Nước Trời chính là “một kho tàng không thể hao hụt.” (Lc 12:33)   Kho tàng ấy nằm trong người nghèo. Bởi vậy, Chúa mới nói : “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí.” (Lc 12:32)

ÔNG CHỦ HAY ÐẦY TỚ

Nét khác biệt giữa ông chủ và đầy tớ rất rõ.  Nhưng có lẽ giữa đầy tớ và đầy tớ rất khó phân biệt biên giới ngăn cách.  Nhìn vào hai hạng đầy tớ đó, chúng ta thấy mình nghiêng theo bên nào ?  Nếu tin tưởng vào điểm hẹn cuối cùng là Nước Trời và kiên nhẫn chờ đợi giờ Chúa đến, chắc chắn chúng ta sẽ thấy ý Chúa đang mở ra một cơ hội phục vụ mới.  Cơ hội đó dành cho những ai ý thức mình là đầy tớ Thiên Chúa như Ðức Giêsu. Người đầy tớ không còn gì để mất, nhưng có quá nhiều việc làm để thi hành ý chủ và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.  Thật khó kiếm những đầy tớ lý tưởng trong xã hội và Giáo hội hôm nay.

Ðọc những trang báo hay mạng lưới Công giáo ít tháng qua, người ta không khỏi liên tưởng tới cảnh “gà mù ăn quẩn cối xay.”  Vì ăn quẩn, nên gà mù không tìm được lối thoát và luôn tìm cách đấu đá nhau.  Có nhiều người chuyên đả kích và thách đố những cây viết Hải Ngoại.  Cùng một tâm huyết và cùng một đối tượng phục vụ, nhưng hình như một số người trong nước không muốn cho Hải Ngoại “xía vô” những chuyện xảy ra tại quê nhà.  Theo họ, Hải Ngoại không nắm bắt thực tế tại chỗ và không dám dấn thân, nếu không nói là trốn chạy hèn nhát.  Tranh đấu cho công lý và nhân quyền, chúng ta lại bị kết án làm chính trị đảng phái.   Thử hỏi khi lên tiếng phản đối Hêrôđê và chế độ bất công và vô luân của ông, Gioan Tẩy Giả có làm chính trị đảng phái không ? 

Gioan Tẩy giả quả thực là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan.  Ông là mẫu điển hình cho những ai muốn tranh đấu cho con người, mà không làm chính trị.  Ông là ngọn lửa soi cho xã hội bị bóng những ông phú hộ che khuất mặt trời. 

Trên đất nước thân yêu biết bao phú hộ thời đại đang thi nhau che bóng mặt trời.  Ai cũng muốn làm chủ.  Chẳng ai chịu làm người đầy tớ phục vụ nhân dân !  Sau bao nhiêu năm cách mạng, Việt nam đã tiến tới đâu ?   Nhìn vào thống kê trong nền giáo dục Việt nam năm nay, ai cũng thấy một  cuộc tuột dốc thê thảm.  “Tin tức từ Việt Nam hôm nay cho biết, có đến nửa triệu thí sinh Việt Nam trượt kỳ thi đại học và phải tìm kiếm cơ hội ở các bậc học vấn khác.  Mặt khác, theo báo cáo vào năm 2006 của ngân hàng thế giới thì Việt Nam đang bị tụt hậu sau các quốc gia khác trong khu vực, chỉ có 2% dân số được học tập trong thời gian 13 năm hoặc nhiều hơn.  Việt Nam xếp hạng chót trong khu vực Châu Á nếu xét theo tỷ lệ trong độ tuổi từ 20 đến 24, với 10% học lên tới đại học. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 15%, Thái Lan 41% và Hàn Quốc là 89%.”[2]

Ôi  “đỉnh cao trí tuệ loài người” !  Bao giờ mới thấy được giới hạn của mình ?!

Trước tình trạng bi đát ấy, ngày 08.08.2007 vừa qua, ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm nay tuyên bố tại trường quản trị kinh doanh tại thành phố Sàigòn rằng : “Nền giáo dục không phải là đổ cho đầy một cái xô mà là thắp lên một ngọn lửa.”[3]

Liệu GHVN có dám thắp lên một ngọn lửa không  ?  Chỉ khi nào trở thành người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, GHVN mới có thể thắp lên ngọn lửa sáng là Ðức Kitô !  “Thiên Chúa đòi hỏi mọi người thực thi công lý và đòi hỏi Giáo hội thực thi đức thanh bần.  Bao lâu Giáo hội không đón nhận toàn bộ giáo huấn của Tin Mừng thì chẳng ai chịu nghe lời kêu gọi thực thi công lý của chúng ta đâu.”[4]

Chúa nói “đừng sợ !”  Bao giờ GHVN mới thoát khỏi nỗi sợ dù chỉ là “đoàn chiên nhỏ bé”giữa nanh vuốt sói rừng ?  

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm  phục vụ mọi người để quê hương yêu dấu chúng con sớm nhìn thấy ngọn lửa rực sáng là Ðức Kitô .  Amen.

đỗ lực  12.08.2007

 



[1] Nguyễn Trung Kiên, http://vnthuquan.net/tho/tho.aspx?id=534&thisi=Nguy?n%20Trung%20Kiên

[2] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2007/08/08/Vietnamese_education_has_been_stretched_to_thin_and_failed/

[3] ibid.

[4] Lời Chúa Cho Mọi Người 2005:348.