KHI NGƯỜI YÊU CHƯA ÐẾN

(Mt 3:1-12)

 

Sống là hy vọng. Không có niềm hy vọng, con người không thể lớn lên giữa bao thách đố và cám dỗ. Bởi đó, hy vọng chính là sức mạnh giúp con người có thể đạt tới mục đích hay lý tưởng cuộc đời.

Trên con đường theo Chúa hôm nay, ai dám tự hào mình có thể đi tới cùng và đạt mục đích tối hậu? Nếu có đi tới cuối chặng đường chắc chắn phải nhờ Lời Chúa, “chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm 15:4) Lời Chúa đã đem lại niềm hy vọng lớn lao. Nhìn lại con người và cuộc đời, chúng ta mới biết tại sao nhiều lần mình đánh mất niềm hy vọng. Nhìn đến dân tộc, liệu chúng ta có dám quả quyết “hy vọng đã vươn lên” không?

 

TỪNG BƯỚC TỪNG BƯỚC THẦM

 

Có lần Chúa Giêsu đã ám chỉ Thánh Gioan là người phù rể của Người (x. Mt 9:15). Phù rể đã xuất hiện trước để chuẩn bị cho Người Yêu đến với Cô Dâu là Giáo hội.  Giữa tình thế xôn xao về Ðấng Thiên Sai, Thánh Gioan xuất hiện. Tất cả sứ điệp và con người ông đều được bộc lộ công khai, trước khi ông tự xóa mình trước Ðấng ông đã loan báo. Ông mở ra cho muôn dân niềm hy vọng cứu độ lớn lao. Nhưng ông chờ đợi gì? 

Trước hết, ông chờ đợi dân chúng sám hối. Ðó là điều khó khăn nhất. Ông không hấp dẫn như các nhà ảo thuật. Con người ông cũng không giống ai, nếu không nói là lập dị. Không biết có phải vì sống quá lâu trong hoang dã, xa cách lối sống văn mình, mà ông chỉ còn biết nói năng cứng cỏi và không khoan nhượng? Nhưng có lẽ vì lòng nhiệt thành, ông đã lôi kéo mọi người từ khắp nẻo đường đất nước (x. Mt 3:5).

Nhưng nhất là vì ai cũng nhận ông là người của Thiên Chúa. Cả những người cứng đầu nhất như Pharisêu và Xađốc cũng “đến thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong  dòng sông Giođan.” (Mt 3:7) Tuy thế, sống quá lâu trong truyền thống và quá nặng nề với lợi lộc trần thế, họ không có cách nào trở về với Thiên Chúa. Ðúng hơn, họ không muốn sám hối. Sự sám hối đích thực phát xuất từ trong tâm hồn, chứ không dừng lại ở một vài hình thức thú tội bên ngoài. Tất cả các việc thú tội và chịu phép rửa đều chỉ là hình thức che đậy những dã tâm của họ. Ông cố thuyết phục họ, nhưng thất bại. Bởi vậy, ông mới nổi giận và vạch mặt chỉ tên : “Nòi rắn độc kia …” (Mt 3:7)  Cuộc đời trở thành bi kịch. Bầu khí vẫn còn đầy ô nhiễm và không thể tẩy sạch. Cuộc đời còn lại gì? Khi tất cả đều phủ màn đêm, niềm hy vọng vẫn còn đó.

Ðâu là niềm hy vọng của Gioan? Trên hết, ông ngóng đợi bước chân “Ðấng sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa.” (Mt 3:11) Một kỷ nguyên mới sẽ khai sinh. Chỉ có sức mạnh vô song mới có thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Sức mạnh đó chính là Thiên Chúa Tình Yêu đang đến trong Chúa Giêsu Kitô. Người sẽ sai Thánh Linh đến đổi mới mặt địa cầu. Một thế giới mới sẽ sinh ra. Nhưng ông Gioan còn hy vọng nơi phép rửa “bằng lửa” sẽ hủy diệt sự dữ, nhất là những cơ chế  bất công (Pharisêu, Xađốc), trên trần gian. Niềm hy vọng đó sẽ hoàn toàn đươc thực hiện trong ngày Ðức Kitô ngự đến và Thánh Linh được sai đi. Niềm hy vọng đó không phải chỉ “thanh tẩy” trần gian khỏi sự dữ như ông hiểu biết và mơ ước.

Ông nóng lòng muốn thấy trần gian được thanh tẩy tức khắc khỏi những gì dẫn đến sự dữ. Tuy niềm mơ ước chưa hình thành, nhưng Thánh Linh sẽ cho ông cơ hội loan báo chuẩn bị cho bước đường Ðức Kitô ngự đến. Ông sẽ sống tới khi tử đạo … Nhờ cái chết của ông, Ðức Kitô “sẽ thanh tẩy” trần gian khỏi mọi sự dữ. Chắc chắn Người sẽ đem lại ơn cứu độ. Ðược Ðức Kitô hướng dẫn, niềm hy vọng của chúng ta sẽ hoàn thành nơi Người.

Ngày nay đang mở ra một chân trời hy vọng. Chúng ta mong đợi nhiều sự từ nơi Thiên Chúa.Dù những lời cầu xin lớn hay nhỏ, nếu tín thác nơi Chúa, chúng ta sẽ được ban Thánh Thần. Có thể xin Thiên Chúa mọi sự, vì Người yêu thương con cái trong những chi tiết nhỏ nhất trong cuộc sống. Chắc chắn, niềm hy vọng của Kitô hữu dựa trên những mong đợi chính xác, nhưng lại đi quá xa : hy vọng sống với Thiên Chúa. Sống với Thiên Chúa là sống vĩnh hằng ngay từ bây giờ! Niềm hy vọng đem lại niềm vui giữa những hạnh phúc và buồn sầu trong cuộc đời này. Niềm hy vọng là Thần Khí tình yêu đang hiện diện đầy ắp trong cả cuộc đời chúng ta.

 

HY VỌNG ÐÃ VƯƠN LÊN

 

Mở đầu thông điệp Spe Salvi ÐGH Bênêđictô XVI nhắc lại lời thánh Phaolô : “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong.” (Rm 8:24) Chỉ có thể trông mong khi biết rõ Chúa Giêsu là “Con Ðường, Sự Thật và Sự Sống.” (Ga 14:6) “Có chiêm ngắm dung nhan Chúa, chúng ta mới có thể vững chắc tin tưởng và hy vọng Người là Ðấng Cứu độ duy nhất và là cứu cánh của lịch sử.”[1] Không có niềm tin và hy vọng đó, nhân loại không biết lịch sử hướng về đâu. Nếu vũ trụ và nhân loại sinh ra để chết, thì lịch sử và cuộc sống con người thật phi lý. Chỉ Ðấng có thể cứu sống, mới có thể vạch hướng cho lịch sử và đem lại cho cuộc đời một ý nghĩa đích thực mà thôi.

Thực vậy, “Chúa Giêsu đã ‘trả giá mắc’ (1 Cr 6:20; x 1 Pr 1:18-19) mới chiếm đoạt và hoàn thành ơn cứu độ cho cuộc sống mới, một cuộc sống đang chờ đợi người công chính sau khi chết. Nhưng ơn cứu độ cũng đang thẩm thấu vào thế giới hôm nay trong các thực tại kinh tế và lao động, kỹ thuật và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và những tương quan giữa các nền văn hóa và các dân tộc.”[2] Lý do vì mọi dân tộc đều được chúc lành trong Người (x. Tv 71:17).

Công cuộc cứu độ vĩ đại ấy phải được chuẩn bị kỹ càng và đón nhận trang trọng. Cao điểm trên bước đường chuẩn bị là ông Gioan Tẩy Giả. Ông đã được sai tới làm chứng Thánh Thần và lửa là tất cả đặc điểm thời đại Chúa Giêsu (x. Mt 3:11). Không gì có thể tồn tại trước sức mạnh đó. Mọi sư đều phải thay đổi để đón nhận sự sống mới. Một trời mới đất mới tràn ngập bình an và thịnh vượng, vì được Chúa cai trị bằng công lý. Quả thế, “triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nào tuế nguyệt chẳng còn.” (Tv 71:7) Cuối cùng chỉ còn lại các tôi tớ trung thành vì Chúa lấy công lý bảo vệ và “bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.” (Tv 71:2)

Như vậy, ảnh hưởng Người không chỉ quanh quẩn trong biên giới Do thái, mặc dù họ là những người đầu tiên được kêu gọi hưởng ơn cứu độ và lời hứa dành cho các Tổ phụ. Nói khác, từ nay Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô quả quyết : “Vì thế, giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.” (Rm 15:9) Lời ca thốt lên từ những tâm hồn và con người hoàn toàn tự do vì được quyền lực Thần Khí giải thoát và sống dưới quyền một vị vua lý tưởng là Ðấng Thiên Sai. “Trong các lời sấm về Ðấng Thiên Sai, muôn dân mong chờ một vị vua được  ban đầy Thần Khí, khôn ngoan và có thể trả lại công lý cho người nghèo vào thời cánh chung (x. Is 11:2-5; Gr 23:5-6). Như vị mục tử đích thực của dân Do thái (x. Ed 34:23-24, 37:24), Người sẽ làm muôn dân sống trong hòa bình (x. Dc 9:9-10).”[3]

Vị vua công chính đó chỉ đến với nhân loại qua đường công lý và tình thương. Kitô hữu chân chính sẽ nỗ lực hi sinh cả cuộc đời để xây dựng con đường này. Quả thực, “Giáo hội dạy rằng Thiên Chúa đã ban cho họ khả năng vượt qua sự ác và đạt đến điều thiện. Chúa đã cứu chuộc nhân loại ‘bằng một giá mắc.’ (1 Cr 6:20) Ý nghĩa và nền tảng lời cam kết của Kitô hữu trong thế giới có nền tảng vững chắc khiến niềm hy vọng dâng trào, mặc dù tội lỗi đã khắc sâu vào lịch sử nhân loại. Lời Thiên Chúa hứa bảo đảm nhân loại không còn khép kín, nhưng mở cửa đón nhận Nước Thiên Chúa.”[4] Tội lỗi không thể hủy diệt niềm hy vọng, vì niềm tin và tình yêu mạnh hơn sự chết. Ðó là tất cả sức mạnh xây dựng Nước Thiên Chúa trong công lý và hòa bình.

Từ tình yêu thập giá, “niềm hy vọng Kitô bơm thêm năng lực lớn lao vào sự cam kết trong lãnh vực xã hội, vì làm cho họ tin chắc có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, ngay cả khi không bao giờ có ‘một địa đàng trên mặt đất.’ Giáo hội khuyến khích các Kitô hữu, đặc biệt người giáo dân, hành động làm sao cho ‘quyền lực Phúc âm có thể chiếu sáng trong đời sống hằng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ xử sự như những con cái của lời hứa. Bởi thế, họ phải biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5:16; Cl 4:5) và kiên nhẫn chờ đợi vinh quang sắp tới (x. Rm 8:25) mà sống vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng. Như thế, họ đừng che giấu tận đáy con tim, nhưng hãy diễn tả niềm hy vọng này ra bằng cách sám hối liên tục và chiến đấu ‘với những bậc thống trị thế giới tối tăm này’ (Ep 6:12)”[5] đang núp trong những cơ chế bất công.

Không có niềm hy vọng, con người dễ chùn bước trước mãnh lực đang đè bẹp xã hội. Có hy vọng, mới nhìn rõ mục tiêu và thêm nghị lực hành động. Nếu tin tưởng vào Ðấng đã chiến thắng tử thần và giành sự sống cho nhân loại, con người sẽ đủ sức mạnh chiến đấu. Chiến đấu bằng một tình yêu bất bạo động như Chúa trên Thánh giá.

 

CHỨNG TỪ NIỀM HY VỌNG

 

Hiện tại, các ý hệ chính trị, các mô hình kinh tế và các học thuyết xã hội đề xướng một niềm hy vọng bắt nguồn từ bên ngoài con người. Ðó là niềm hy vọng giả tạo, khiến  cuộc sống con người bị ngột ngạt. Niềm hy vọng Kitô muốn cứu con người khỏi bị ngộp thở vì những cơ chế xã hội tàn bạo. Thực thế, “Kitô Giáo không mang lại một sứ điệp cách mạng xã hội bất hạnh như kiểu  Spartacus, tranh đấu đến đổ máu quá nhiều. Chúa Giêsu không phải là Spartacus, Ngài không dấn thân vào một cuộc chiến giải phóng chính trị như Barabbas hay Bar-Kochba. Khi chết trên Thánh Giá, chính Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta một cái gì đó hoàn toàn khác: một cuộc gặp gỡ với Chúa của các chúa, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, và qua đó gặp gỡ một niềm hy vọng còn mạnh hơn những cơ cực của kiếp nô lệ, một niềm hy vọng, do đó, thay đổi cuộc sống và thế giới tự bản chất bên trong.”[6] Thật vậy, theo ÐGH Bênêđictô XVI, hy vọng không thể xuất phát từ việc chúng ta chống nghèo đói, bất bình đẳng hay bất công. Muốn có niềm hy vọng, phải có một lý do tích cực để sống. Lý do đó không gì khác hơn là Thiên Chúa.

Kitô hữu biết rằng “họ có một tương lai. Họ không biết ngọn ngành chi tiết về tương lai này. Nhưng nói chung, họ biết cuộc sống họ sẽ không kết thúc trong sự trống rỗng. Chỉ khi nào tương lai chắc chắn như một thực tại tích cực, chúng ta mới có thể sống niềm hy vọng đó trong hiện tại.”[7] Niềm hy vọng đó không dành riêng cho Kitô hữu, nhưng cho tất cả những ai đang mơ ước sống một cuộc đời có ý nghĩa. Có thể họ không cũng chia sẻ với các Kitô hữu một niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng khi loan báo niềm hy vọng phát xuất từ nội tâm con người, một lãnh vực thuộc niềm tin và lương tâm, Kitô hữu cũng nhắm tới họ nữa.  Chính vì thế, trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã nêu cao gương sống, tức chứng từ của niềm hy vọng, từ những người ngoại giáo.

Ngay trong đời thường, chúng ta cũng thấy rất nhiều chứng từ của niềm hy vọng nơi phố xá hay trong gia đình. Hai giai thoại sau đây có thể chiếu sáng lên màn ảnh cuộc đời những chứng từ đó :

 

1. “Bà Lê Hiền Đức, nhà giáo nghỉ hưu, đã được báo chí Việt Nam nhắc đến nhiều lần qua những chuyện bị kết án là "lẩm cẩm" như viết đơn khiếu kiện dùm người dân ít học.

Có báo còn gọi đùa bà một cách đáng yêu là "Bà già lắm chuyện" kể lại rằng có lần bà đi sang đường Trần Phú ở Hà Nội, thấy viên cảnh sát giao thông kéo người lái xe sang bên kia đường mới chịu ghi phạt, bà nổi máu 'hình sự' kín đáo kéo sụp nón bước theo sang. Núp sau gốc cây, bà già 'lắm chuyện' chứng kiến trọn cảnh viên cảnh sát từ xin xỏ, sang quát tháo dọa nạt, đến cảnh cậu lái xe buồn bã đưa tờ 50 ngàn cho viên cảnh sát mà không được nhận biên lai gì.

Báo VietnamNet viết rằng ’xấp xỉ 80 nhưng bà cụ không thiếu những mưu mẹo, mánh khóe đấu tranh để đưa những tiêu cực ra ánh sáng.’[8]

 

2. “Chúa Nhật 21-10-2001 - Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 75 - Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) long trọng nâng cặp vợ chồng người Ý lên hàng Á Thánh. Ông Luigi và Bà Maria Beltrame Quattrocchi.

Khi bà Maria mang thai được 4 tháng, bác sĩ Regnoli của nhà thương ”Nữ Hoàng Elena” ở Roma đã khám phá ra nơi bà một chứng bệnh hiểm nghèo. Nếu không chữa trị kịp thời, chứng bệnh sẽ đưa đến cái chết của cả hai mẹ con. Đối với bác sĩ, không có hy vọng cứu sống bào thai. Hoặc giả đứa bé sống sót thì sẽ bị tàn tật suốt đời. Chi bằng tốt nhất nên cứu sống người mẹ. Trong trường hợp này, bà Maria phải quyết định ngưng mang thai tức khắc.

Chính Linh Mục Paolino - người con thứ ba - gợi lại biến cố đau thương này.

Sau khi lặng lẽ nghe bác sĩ tuyên án, đôi mắt Má ngước nhìn Ba. Bốn con mắt giao nhau trong cùng ý tưởng. Rồi cả hai lặng lẽ hướng về cây Thánh Giá treo trên tường, như âm thầm kín múc sức mạnh để sẵn sàng nói: ”Không phá thai!” Khi biết rõ quyết định của Ba Má, bác sĩ kinh ngạc nói với Ba:

- Luật sư không biết rằng, rồi đây luật sư sẽ mất vợ và sẽ một mình dưỡng dục ba đứa con thơ sao?

Nhưng quyết định của Ba Má trước sau như một:

- Không giết chết bào thai trong dạ!

Sức mạnh duy nhất giúp Ba Má thắng vượt khó khăn trong lúc này chính là lòng tin tưởng tuyệt đối nơi sự trợ giúp của THIÊN CHÚA và Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Và THIÊN CHÚA đã thưởng công. Sau 8 tháng cưu mang, bác sĩ quyết định mổ và đưa đứa bé ra. Hôm ấy là ngày Thứ Hai Tuần Thánh 6-4-1914. Đó là bé Enrichetta. Đứa con đáng lý không được sinh ra đã tận hiến cho THIÊN CHÚA tại gia và phụng dưỡng Cha Mẹ suốt cuộc đời mình, cho đến khi Chúa lần lượt gọi Ba Má về với Ngài.”[9]    

Thật tuyệt vời! Niềm hy vọng đã biến đổi tận thâm tâm con người. Ðúng như ông Gioan Tẩy Giả quả quyết, Chúa Giêsu đã dùng Thánh Thần và lửa để thay đổi tất cả và làm mới lại trái đất. Bao giờ được ngọn lửa Thánh Linh chiếu sáng, niềm hy vọng mới vươn lên trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

 

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần thắp lên ngọn lửa hy vọng trong lòng chúng con, hầu cho cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn. Xin cho những chứng từ hy vọng hôm nay làm cho mọi người nhận ra Chúa Giêsu, Con Chúa, là Ðấng cứu độ trần gian. Amen.

 

đỗ lực

09.12.2007

 

 

 

 


[1] Toát Yếu Học Thuyết Giáo Hội về Xã hội, 1.

[2] ibid.

[3] ibid., 378.

[4] ibid., 478.

[5] ibid., 479.

[6] ibid., 4.

[7] Benedict 16, Spe Salvi,


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà