BIỂN CẢ VÀ NGƯ ÔNG

(Lc 5:1-11)

 

Cách đây hơn hai chục năm, chúng tôi bị giam trong một phòng kín tại Sóc Trăng, Việt Nam.  Phòng rộng chừng 16 thước vuông, nhốt tất cả 58 người.  Tất cả các việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, đều phải giải quyết trong phạm vi nhỏ hẹp đó.  Mỗi ngày chúng tôi chỉ được phép ra ngoài chừng năm phút tắm giặt tại một ao nước đục ngàu.  Phòng có một cửa cái trông sang bức tường phía sau của một trại tù bên kia con đường nhỏ. Suốt ngày chúng tôi chỉ nhìn thấy một bức tường trắng xóa.  Nếu không nhờ hai cửa sổ, mỗi cửa to bằng hòn gạch thẻ, chúng tôi hoàn toàn không thấy được ánh sáng mặt trời.  Nhưng phải thay nhau xếp hàng mới được diễm phúc đó, nhất là khi ngắm các bạn tù nữ từ phòng bên cạnh ra ngoài trời ...  

Nhờ có mảnh trời ló qua cửa sổ tí hon đó, chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người trong thế giới hôm nay đang tự nhốt kín mình trong thế giới vật chất với những bức tường dầy đặc kinh nghiệm giác quan và niềm tin duy vật.  “Khi con người chỉ nghĩ tới vật chất và những vật khả nghiệm, họ tự đóng kín trước những vấn đề về sự sống, về chính mình và Thiên Chúa, tự làm cho mình ra nghèo nàn.  Phải nhận rằng khi chỉ coi những gì trong vòng kinh nghiệm là thực, người ta có khuynh hướng tạo một giới hạn cho lý trí và từ đó phát sinh một thứ bệnh phân liệt khủng khiếp, cho thuyết duy lý và duy vật, siêu kỹ thuật và các bản năng buông thả cùng tồn tại với nhau. ”[1]  Sống giữa bưng bít và hỗn độn đó, làm sao con người có đủ khả năng nhìn thấy tương quan sâu xa và phong phú nơi vạn vật ?  

Ngày xưa, các môn đệ Ðức Giêsu cũng đã sống trong một thế giới đóng kín với những kinh nghiệm và bận rộn với cuộc sống hằng ngày.   Bỗng dưng bao kinh nghiệm trên biển cả bỗng trở thành vô ích.  Ông Simon đã phải cay đắng thú nhận với Chúa : “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” (Lc 5:5)  Câu trả lời đó hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp, lý luận và thực tại vật chất.  Nếu không may mắn gặp Thày Chí Thánh, chắc chắn các ông không bao giờ có thể ra khỏi khung trời nhỏ hẹp của mình.   Từ bao năm nay, các ông vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những đồ nghề và tài năng đánh cá của mình.  Nhưng không ngờ những tin tưởng đó đã bị phá vỡ.   Không ngờ có thể có một cái nhìn khác đang chọc thủng niềm tin của mình.  Cả khối nước biển dầy đặc cũng không che khuất nổi những bầy cá trước cái nhìn đó. 

Cái nhìn đó đã bộc lộ tất cả sức mạnh qua lệnh truyền cho ông Simôn : “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.” (Lc 5:4)  Ðó là mệnh lệnh không phát xuất từ kinh nghiệm thực tế hay lý trí, nhưng là từ một quyền năng siêu nhiên tuyệt đối.  Ðiều duy nhất đòi hỏi ông là đức tin.  Thật là một thử thách ghê gớm đối với ông.  Ông không thể tin vào tai mình nữa.  Thày có nói đùa không ?    Trong tiếng thở dài, lòng ông như hoang mang, khi phải thưa “vâng lời Thày.” (Lc 5:5)   Câu trả lời phát xuất từ đức tin, tuy chưa trọn vẹn, nhưng cũng đủ cho Chúa làm một phép lạ.   Có thế mới hiểu tại sao ông cảm thấy tôi lỗi (x. Lc 5:8) sau khi chứng kiến quyền năng lạ lùng nơi Lời của Chúa Giêsu.

Một Lời đã làm thay đổi con người.  Một Lời mời gọi ra khơi.  Một Lời thúc đẩy hành động : hãy thả lưới bắt cá !  Một Lời đầy hiệu lực làm mọi người kinh ngạc trước mẻ cá lạ lùng : ông này là ai mà có quyền phép khiến bắt được mẻ cá lớn như vậy ! 

Quả thực, từ lúc thưa “vâng lời Thày,” ông Simon đã thấy tất cả mọi sự đều biến chuyển.  Mặc dù đang chán nản và thất vọng, ông như bắt được làn sóng tình yêu Thiên Chúa.  Có lẽ ông thầm nghĩ, cứ theo Thày thả lưới một lần, có mất mát gì đâu.  Trong thái độ mạo hiểm đó, ông đã tỏ ra tin tưởng và phó thác vào quyền năng Chúa.  Niềm tin đó không ngăn cản hay thu hẹp tầm nhìn của ông.  Trái lại, niềm tin mở rộng tâm hồn và làm cho con người thấy rõ chân trời huyền nhiệm.  Nói khác, “lý trí con người không mất mát gì khi cởi mở đón nhận các nội dung đức tin.  Hơn nữa, đức tin còn mời gọi lý trí tham gia một cách tự do và ý thức.”[2] 

“Hãy ra khơi !  Hãy thả lưới !  Tôi sẽ làm cho các anh thành những người lưới người như lưới cá !”   Một ai đó đưa đề nghị, mở ra những cái nhìn mới, biến đổi cuộc sống hằng ngày với một ý nghĩa mới, một sức năng động mới.  Phải chăng từ đó không gợi lên một khởi động mới, một cuộc đổi đời ?  Dù sao, rõ ràng trong cuộc hội ngộ này có một cái gì rất sâu xa.  “Từ bỏ mọi sự, các ông đi theo Người” để trở thành những người thu phục người ta.   Họ có hiểu ý nghĩa điều đó không ?  Không rõ.   Nhưng hiển nhiên, Người đã kêu gọi họ đổi đời để gặp gỡ mọi người. 

Từ một đêm dài không hiệu quả, họ đã có cơ duyên hội ngộ với con người ấy.  Vì Lời Người, họ lại quăng lưới, thay đổi hẳn thói quen và đặt vấn đề về tương lai.  Hôm nay phải chi Lời này còn sức mạnh đối với các cộng đoàn chúng ta !  Phải chi Lời này có thể khơi dậy nơi các bạn trẻ những phản ứng tích cực, tiếp bước ông Simon và các bạn đồng nghiệp, để trở thành các môn đệ Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới được nhờ !

Nhưng cũng như cộng đoàn Côrintô, có lẽ chúng ta còn nghi ngờ về tâm điểm của đức tin : Chúa Phục Sinh.  Bởi thế chúng ta không thấy cần phải kêu gọi nhân danh Chúa nữa.  Tuy nhiên, trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, chứng từ đức tin của tông đồ Phaolô chắc chắn là lý do thúc đẩy ông thi hành sứ mạng truyền giáo.  Ðây là Tin Mừng độc nhất, là điều chúng ta loan báo trong thánh lễ : “Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta.  Ðức Kitô đã chịu mai táng trong mồ.  Ðức Kitô đã phục sinh và chúng ta mong chờ Chúa lại đến.”  Ðó là biến cố đổi đời thánh Phaolô, các Tông đồ và hằng trăm anh em.  Các cộng đoàn chúng ta thường quen nghe hát các câu đó, nhưng không cảm thấy thúc bách phải loan báo cho mọi người biết biến cố đó và cũng không thấy mình có sứ mệnh tìm kiếm giúp đỡ những ai đang loan báo Tin Mừng nữa.

Bởi vậy, vấn đề cấp thiết hôm nay là phải chọc thủng bức tường thế giới vật chất, và “tái khám phá một đường lối mới để lý trí nhân loại hướng mở về ánh sáng của ‘Ngôi Lời’ Thiên Chúa và mạc khải toàn hảo của Người là Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.”[3]  Ngay trong Giáo hội cũng không thiếu những tâm thức dán chặt vào thế giới vật chất và xác tín vào những năng lực trần thế mà thôi.  Quyền lực và tiền bạc khiến họ mờ mắt, không thể nhìn thấy tính Thiên Chúa nơi nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội.  Họ không dám ra khơi theo lời mời gọi của Chúa, vì sợ phải rời xa những bờ bến họ đã bám trụ lâu đời.  Họ tin tưởng tuyệt đối vào những kiến thức, dư luận, phe cánh, không đủ can đảm ra khỏi lâu đài bê tông cốt sắt là chính cái tôi của mình mà đến với mọi người.  Họ sợ phải đối diện với những gì xa lạ và khác biệt với mình.  Từ nội tâm sâu thẳm đã không gặp gỡ Thiên Chúa, làm sao có thể đối thoại anh em  ?

Chỉ khi nào tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa, chúng ta mới có thể mạnh dạn ra khơi.  Lời Chúa luôn thúc đẩy con người dấn thân, cởi mở và đối thoại với mọi người. Khi không trao đổi với anh em, chúng ta sẽ tin những điều mình nghĩ là sự thật.  Kết luận được đặt ra trước tiền đề.  Người ta cố tìm những dữ kiện hay dư luận phù hợp để củng cố kết luận đó.  Họ chỉ thấy những hiện tượng, chứ không tìm hiểu sâu xa nội dung các sự kiện.  Nhìn vào con người qua những ống kính phòng thí nghiệm, làm sao biết được thực tại tâm linh ?   Theo nữ sĩ Dương Thu Hương, nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.  Ðó là chưa kể nhiều trường hợp sự thật bị bẻ cong để phục vụ mục tiêu hay quyền lợi phe đảng.  Nhiều trường hợp sự thật đã phải hy sinh chỉ vì con người đam mê tìm kiếm chính mình.

Không có đức tin, không thể ra khỏi chính mình để mạo hiểm lao vào thực tế đầy  thách đố.  Ðức tin luôn bơm thêm khí thế dũng cảm cho con người.  Không có đức tin, làm sao ông Simon và các bạn đồng nghiệp có thể lao vào chỗ nước sâu mà thả lưới đánh cá ?  Ðức tin luôn cho con người sức mạnh khởi sự hành động và đi đến cùng nếu phải vác thập giá lên đồi Canvê với Chúa.  Không có đức tin, họ không thể tìm thấy ý nghĩa trong việc theo Chúa.  Nhiều người muốn thênh thang theo Chúa.  Bất cứ khổ giá nào đặt trên vai họ đều tạo nên những chống đối hay buồn phiền cay đắng.  Ông Phêrô đã trải qua kinh nghiệm đó sau khi rời vườn Cây Dầu vào trong dinh Philatô với Thày.

Simon được kêu gọi không phải đổi từ nghề bắt cá sang việc chinh phục nhân tâm bằng những phương tiện tự nhiên.  Sứ mệnh cứu độ là một kỳ công của ân sủng Thiên Chúa.  Nếu đó là công việc của Thiên Chúa, làm sao con người có thể thực hiện một mình ?   Xưa nay, người ta vẫn cứ tưởng mình “ngon” hơn người khác, đến nỗi quên mất vai trò Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ.  Hành trình đem ơn cứu độ đến với mọi hạng người trong xã hội rất phức tạp.  Nhưng con đường dài đó cũng không khó bằng con đường trở về với chính mình để khám phá sự thật về mình. 

Những tương giao chồng chéo nhau trong xã hội đã đem lại bao hứa hẹn cũng như thất vọng.  Sự thánh thiện hay tội lỗi cũng từ những tương quan đó.  Nhưng nên nhớ “sự thánh thiện chủ yếu không phải là không bao giờ lầm lỗi hay phạm tội.  Sự thánh thiện tăng triển khi chúng ta có khả năng trở lại hay sám hối, khả năng sẵn sàng bắt đầu lại, và trên hết, khả năng hòa giải và tha thứ.”[4]   Sự thánh thiện đó đã có nơi thánh Phaolô.  “Nhưng thánh Phaolô và Banaba đã có những bất đồng lớn ngay lúc khởi sự hành trình truyền giáo lần thứ hai và đã chia tay nhau.”[5] 

Ðó là những khác biệt trong quan niệm và đường lối, chứ không phải là những bất hòa.  Nhiều người lẫn lộn bất đồng với bất hòa.  Theo họ, bất cứ ai có tư tưởng khác biệt đều là kẻ phá hoại, bất hòa, chống đối.  Thực tế, “ngay giữa các thánh cũng có những khác biệt, bất đồng và các cuộc tranh luận.”[6]   Các ngài rất sợ bất hòa, vì đó là phản chứng, lỗi đức bác ái.  Thích lên án người khác trước khi đối thoại để tìm hiểu sự thật, mới gây chia rẽ và bất hòa trong cộng đoàn.  Mất sự hiệp nhất, làm sao cộng đoàn có thể chu toàn sứ mệnh phúc âm hóa ?  Thời gian chỉ có một.  Nếu dồn hết sức vào việc “bới lông tìm vết,” chúng ta sẽ không còn khả năng đến với muôn dân.

Lạy Cha, khi vâng lời Cha xuống trần gian, Ðức Giêsu đã gọi ông Simon và các bạn đồng nghiệp từ bỏ nghề đánh cá để trở thành những người lưới người như lưới cá.  Xin cho chúng con luôn lắng nghe tiếng Con Cha mời gọi để dấn thân và can đảm thi hành sứ mệnh cứu độ trong niềm tin yêu tuyệt đối vào uy quyền toàn năng của Cha. Amen.

 

đỗ lực   04.02.2007    

dzuize@gmail.com



[1] ÐGH Bênêđictô XVI, Zenit 28.01.2007.

[2] ibid.

[3] ibid.

[4] ÐGH Bênêđictô XVI, CWNews.com, 31.01.2007.

[5] ibid.

[6] ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà