HẠNH PHÚC TRONG TẦM TAY

(Lc 4:1-13)

 

 

Cuộc khủng hoảng về căn tính đang bùng nổ dữ dội trên khắp thế giới.  Khi con người đánh mất chính mình, mọi tương quan đều tan biến.  Ðó là nguyên nhân chính gây nên nỗi bất hạnh lớn lao cho nhân loại.   Hình ảnh người ôm bom tự sát có thể dùng làm biểu tượng cho cuộc khủng hoảng đó.  Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ niềm tin.  Con người như bị xé rách thành trăm mảnh khi niềm tin châm ngòi cho những cuộc xung đột, căm thù và bạo động giữa các dân tộc.  Khi niềm tin biến thành động lực phá hoại, tôn giáo còn đủ lý do chính đáng[1] để tồn tại hay không ?   Tôn giáo đã đánh mất tương quan siêu việt.  Con người bị đẩy vào những tranh chấp bạo lực ngông cuồng.  Tôn giáo đã bị tục hóa và hạ giá quá thấp.

Muốn thăng tiến và phát triển toàn vẹn, con người không thể cắt đứt tương quan với quyền bính siêu việt.  Phong trào tục hóa đang nỗ lực tách lìa con người khỏi Thiên Chúa và xóa nhòa tương quan siêu việt trong các sinh hoạt nhân loại.   Nếu loại bỏ chiều hướng tới siêu việt ra khỏi cuộc sống, không thể hiểu được con người.[2]  Thiếu chiều kích siêu việt, chỉ còn những hình ảnh què cụt về con người.  Không hiện hữu toàn vẹn, làm sao con người hạnh phúc.  Làm cách nào tìm lại hình ảnh toàn vẹn của con người  bây giờ ?

Cuộc phấn đấu trong hoang địa hôm nay của Chúa Giêsu nhằm phục hồi hình ảnh toàn vẹn của con người.  Càng theo dõi sát ba cơn cám dỗ và cuộc chiến thắng lớn lao của Chúa, càng thấy ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời nằm trong tầm tay.

 Ba cơn cám dỗ xoay quanh lòng ham mê khoái lạc, của cải và quyền bính.  Cả ba đều do Chúa dựng nên và rất cần thiết cho cuộc sống.  Vậy tại sao Chúa từ chối ?  Từ chối không phải tự bản chất những điều đó xấu xa tệ hại.  Nhưng những thứ đó đã bị tên “quỷ cám dỗ” bóp méo nhằm phục vụ và thỏa mãn cái tôi nhất thời.  Bởi thế, Chúa không thể nào chấp nhận được !  Người không bao giờ rời xa mục tiêu là Thiên Chúa.  Mục tiêu cao cả đó lôi con người ra khỏi chính mình.  Chúa không muốn sống cho mình.  Người càng không muốn loại hạnh phúc nào vắng bóng Thiên Chúa.

Sau khi nhịn đói bốn mươi ngày, chắc hẳn Chúa Giêsu có đủ lý do chính đáng để biến đá thành bánh để đáp ứng nhu cầu sinh tồn.  Tự bản chất, việc biến đá thành bánh chẳng có gì xấu xa.  Nhưng giải quyết vấn đề phải hợp thời và hợp lý.   Nếu không, Người sẽ phá hỏng chương trình Thiên Chúa.  Giải quyết vấn đề quá cấp bách để thỏa mãn nhu cầu trước mắt, có thể đánh mất mục tiêu lâu dài. Hơn nữa, nhu cầu vật chất đó không phải là tất cả khát vọng của con người. 

Con người toàn vẹn không thể thiếu niềm tin nơi Chúa.  Khi niềm tin vươn lên, con người sẽ tìm được lối thoát cho mình.  Lối thoát đó nằm ngay trong việc vâng phục Thiên Chúa.  Ðối với con người Ðức Giêsu, sự vâng phục đó cần thiết để hoàn thành sứ mệnh cứu độ muôn dân. Con người toàn vẹn phải bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần.  Chúa cho thấy một bức họa toàn bích về con người : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, (Lc 4:4) nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4:4; Ðnl 8:3)   Cơm bánh đáp ứng nhu cầu vật chất.  Lời Chúa nuôi sống niềm tin.

Rất may Ðức Giêsu không thi thố quyền phép để biến đá thành bánh.  Người cũng không chịu khuất phục hay thỏa hiệp với quỷ dữ để thống trị trần gian.  Ðó không phải là con đường cứu độ.  Trong lịch sử, rất nhiều lần Giáo hội đã thỏa hiệp để cầu an.  Có khi Giáo hội hy sinh cả chân lý hay công lý để tìm một chút lợi lộc hay  thỏa mãn chế độ “xin cho.”  Nhưng rõ ràng con đường thỏa hiệp đã làm cho công cuộc truyền giáo thất bại.  Thỏa hiệp là con đường ngắn nhất dẫn đến suy vong.Bài học lịch sử còn đó.  Không ai có thể chối cãi được !  Càng thỏa hiệp với quyền lực, càng làm cho muôn người xa lánh Giáo hội.  Thỏa hiệp với đối phương là phản bội Thiên Chúa.  Bổn phận duy nhất của Giáo hội là thờ phượng Thiên Chúa mà thôi (x. Lc 4:8). 

Trong hoang địa, Chúa đã dứt khoát phục vụ một mình Thiên Chúa là nguồn sống đích thực.  Niềm tín thác vào tình yêu Thiên Chúa Cha đã cho Ðức Giêsu một cái nhìn toàn diện về con người.  Bởi đấy, Người không hy sinh bất cứ phần nào trong toàn bộ cuộc sống để đổi lấy quyền lợi cho riêng mình.

Trong cả hai cơn cám dỗ đầu, Ðức Giêsu đã trích dẫn lời Chúa trong sách Ðệ Nhị Luật (8:30 và 6:13).  Người dùng Luật để xác quyết sự sống con người quý trọng hơn phương tiện vật chất.  Cả hai cám dỗ đó vẫn chưa chạm đến bản chất con người Ðức Giêsu.  Sau này, khi “buồn rầu đến nỗi chết” trong Vườn Giệtsimani, Chúa như rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm.   Cơ hội đã tới.  Quỷ tưởng bở.   Nhưng, hắn không ngờ phải nếm mùi thảm bại !   Không có cách  nào phá tan tương quan giữa Người với Chúa Cha.  Tương quan tình yêu nổi bật và bền vững qua lời xin vâng thánh ý Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ ba trong hoang địa mới làm cho kẻ yếu tin choáng váng.  Choáng váng không phải vì cuộc thử thách diễn ra từ chóp đỉnh đền thờ, nhưng vì đụng tới phần cao cả nhất trong con người Ðức Giêsu.  Người bị thử thách về chính địa vị làm Con Thiên Chúa.  Quỷ dữ đã đánh mạnh vào tương quan tình yêu thâm sâu nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi !”  (Lc 4:9)   Một thử thách tương tự đã đến với Chúa vào lúc cuối đời : “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào !” (Mt 27:40)   Trong cả hai trường hợp, nếu nhảy xuống, Ðức Giêsu đã không vâng lời Chúa Cha.  Không còn thử thách nào lớn hơn !  Thử thách đụng tới yếu điểm nhưng không phải là điểm yếu của Chúa ! 

Người không hề bị lay chuyển.  Trái lại, tên cám dỗ đã vô cùng choáng váng như lãnh búa tạ khi nghe Chúa tỏ tất cả uy quyền : “Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Ðnl 6:13)  Chúa không gieo mình xuống đất  theo lời xu nịnh của quỷ dữ.  Nhưng Người sẽ gieo mình vào bàn tay nhân hiền của Chúa Cha từ cây Thánh Giá : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Tv 30)  Phó thác như một người con thơ hay tín thác như một người đầy tớ (Is 50:10), dù phải bước đi trong đêm tối.   

Cuộc  thắng bại đã phân minh !

Chính trong lời vâng phục, con người có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu trong thực tại toàn vẹn của mình.  Con người có khả năng yêu như Thiên Chúa.  Trong tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ tìm được bình an và sự toàn vẹn.  Nhờ vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, Ðức Giêsu đã dùng “Thánh Giá mạc khải trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa.  Sự chết đã biến thành hành vi yêu thương và tự do tột đỉnh của Ađam mới.”[3]   Như thế, “chết là một mối lợi” (Pl 1:21) tuyệt vời cho toàn thể nhân loại.

Chúa thà chết để bảo tồn tương quan siêu việt và sâu đậm với Chúa Cha, còn hơn sống mà phủ nhận uy quyền Thiên Chúa trên thân phận mình.  Người không chọn con đường thỏa hiệp hay thỏa mãn tham vọng trước mắt. 

Có chết đi như thế, Ðức Giêsu mới cho thấy con người có một định mệnh cao cả. Chúng ta không phải là tác giả hay người sáng tạo chính mình.   “Chúng ta hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa đích thực của chúng ta.”[4]  Sự lệ thuộc này không làm  con người mất tự do, vì “Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là huyền nhiệm làm nên hạnh phúc chúng ta.  Tuy thế, chỉ có xả thân và bước vào đường khổ giá, chúng ta mới có thể đi vào huyền nhiệm tình yêu này.”[5]   Phải đợi đến cơn cám dỗ cuối cùng trên thập giá, tất cả ý nghĩa và giá trị của cuộc chiến thắng trong hoang địa mới hoàn toàn được mạc khải . 

Mạc khải đó cho thấy không ai hạnh phúc hơn Ðức Giêsu !  

Hôm nay hạnh phúc đang chạy trốn con người, vì cuộc sống đang mất đi chiều  kích siêu việt.  Muốn tìm lại chiều kích siêu việt đó, phải tìm đến với Ðức Giêsu.  Khi vâng lời Chúa Cha, Người đã sống trong tương quan sung mãn.  Nhờ thế, không những Người không đánh mất chính mình, mà còn làm cho mọi người tìm thấy căn tính đích thực và chiều kích siêu việt, để có thể tin yêu Thiên Chúa. 

Hạnh phúc nằm trong tầm tay !

 

Lạy Chúa, Chúa đã thương chia sẻ thân phận làm người, vừa tầm thường vừa cao cả, với chúng con.  Xin sai Chúa Thánh Thần đến  hướng dẫn chúng con chiến thắng mọi thử thách trên sa mạc trần gian.  Xin soi sáng cho chúng con tìm thấy nơi Lời Chúa thần khí và sự sống cần thiết cho hạnh phúc hôm nay và ngày mai.  Amen.

 

đỗ lực  25.02.2007

 

 



[1] x. ÐHY Renato Martino, Zenit 19.02.2007.

[2] x. Mariano Fazio, Zenit 19.02.2007.

[3] ÐGH Bênêđictô XVI, Thông Ðiệp Mùa Chay 2007.

[4] ibid.

[5] ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà