CHIÊN CON GIỮA BẦY SÓI

(Lc 10:1-12, 17-20)

 

Từ thế kỷ VII, Tin Mừng đã được loan báo tại Trung Hoa.  Trải qua hơn chục thế kỷ, các thừa sai không ngớt tìm cách rao giảng Tin Mừng cho nước đông dân nhất thế giới này.   Trong nhiều thế kỷ, cuộc truyền giáo bị khựng lại vì những thử thách và bách hại.  Có thể nói lịch sử Giáo Hội Trung Hoa (GHTH) trải qua năm giai đoạn.  Từ thập niên 1980, cuộc loan báo Tin Mừng lần thứ năm khởi sự. Tới nay GHTH vẫn bị bách hại. 

Giữa lúc GHTH đang gặp thử thách lớn lao vì những bách hại của nhà cầm quyền, ÐGH Bênêđictô XVI viết một lá thư cho dân tộc Trung Hoa.  Theo linh mục  Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, lá thư đó cho thấy tình yêu Đức Kitô  “làm cho con người đi vào một chiều kích mới, nơi lòng khoan dung và tình yêu mến đối với cả kẻ thù địch có thể làm chứng tá cho sự thắng thế của Thập giá trên mọi yếu đuối và bất hạnh của con người.  Càng trở thành thuần Trung Hoa, GH càng thực sự là chính mình.  Đó chính là cốt lõi thông điệp tuyệt diệu, trung thực và cao cả của ÐGH .”[1]  

Lá thư của ÐGH quả thực là một Tin Mừng cho người Trung Hoa.  Dù bị cấm đoán và bưng bít, giáo dân Trung Hoa cũng vẫn bắt kịp nhịp sống Tin Mừng.  Từ xưa tới nay, đã gặp bao nhiêu trở ngại, GHTH vẫn kiên cường.  Tin Mừng vẫn tìm mọi cách lọt đến lòng người. 

Cuộc truyền giáo ở Trung Hoa đã có một lịch sử lâu dài hơn Việt nam rất nhiều.  Tin Mừng đến với họ sớm hơn chúng ta gần 10 thế kỷ.  Vậy mà tới nay, giáo dân Trung Hoa cũng chỉ mới khoảng 15 triệu trong số gần 1.5 tỉ dân số.  Phải chăng Tin Mừng bất lực ?  Bao giờ Nước Thiên Chúa (NTC) mới đến với dân tộc Trung Hoa ?

 

CÔNG TRÌNH THIÊN CHÚA

 

Ðứng trước cánh đồng truyền giáo bao la là Á châu, nhất là Trung Hoa, ÐGH Gioan Phaolô II  đã hướng tầm nhìn GH Hoàn vũ về miền đất linh thiêng trù phú đó.  Nhưng suốt hơn 13 thế kỷ qua, vẫn chưa thấy mùa lúa chín trên cánh đồng truyền giáo Trung Hoa.  Phải chăng thực tế không xảy ra như Ðức Giêsu tiên báo ? 

Thực ra, “lúa chín đầy đồng” là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Thiên Chúa mới là chủ sai thợ đến gặt lúa (x. Lc 10:3).  Ngay từ thời Chúa Giêsu, GH đã sinh ra trong tình trạng thiếu thốn. Chính Chúa đã phải cảnh giác các môn đệ : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” (Lc 10:2)  Ðó là thân phận GH.  Lúc nào GH cũng nghèo túng và thiếu phương tiện thi hành bổn phận.  Nhưng càng thiếu thốn và nghèo túng, GH càng được mời gọi đặt tất cả niềm tin nơi Chúa.  Cánh đồng không thiếu lúa chín, nhưng chỉ thiếu những người thợ tin Thiên Chúa làm chủ cánh đồng.  Chỉ tin như thế, họ mới không phản bội sứ mệnh khi xử dụng quyền lực và phương tiện trần gian.   Nhờ niềm tin đó, họ dễ dàng sống khiêm tốn và vâng nghe Chúa Thánh Linh.  Khiêm tốn chắc chắn là bí quyết làm cho công cuộc rao giảng Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào.  Chỉ nơi những người có lòng tin, Thiên Chúa mới thi thố tất cả quyền năng tuyệt đối.  Người khiêm tốn biết nhường bước và đón chào ông chủ là Thiên Chúa vào vườn nho hay cánh đồng đầy lúa chín. 

Cả về phương diện tập thể lẫn cá nhân, vật chất cũng như tinh thần, họ hoàn toàn bị tước đoạt vì NTC.  Chúa nói : “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” (Lc 10:3)   Còn gì nữa đâu mà kiêu ngạo ?  Tất cả mọi phương tiện và tương quan xã hội đều phải trở thành xa lạ đối với họ.  Chỉ còn một mình họ với Chúa trong công cuộc xây dựng và chiến đấu cho NTC.  Như vậy chưa đủ sao ?   Khi nghe lời Chúa căn dặn : “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói,” (Lc 10:3) người môn đệ nào chẳng run sợ ?    Run sợ vì lực lượng không cân xứng.  Cuộc đối đầu vượt quá tầm sức chiên con.  Sao Chúa không sai họ vào giữa đoàn chiên có phải tốt hơn không ? Làm sao chiến thắng lực lượng sự ác lớn như thế ?  Nhưng kết quả lại về phần chiên con.  Thật bất ngờ !  Rõ ràng sức mạnh không từ môn đệ, nhưng từ Thày.  Nếu Thày không là Thiên Chúa, làm sao chiến thắng lớn lao như thế ?!

Chiến thắng lớn lao đó phát xuất từ thánh giá.  Trước đây các môn đệ đã từng coi thập giá là biểu tượng cho sự thất bại và là gương mù cho dân ngoại.  Nhưng “Thiên Chúa đã tôn vinh Người trên mọi sự …” vì Ðức Giêsu đã “vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.”(Pl 2:8-9)   Khi tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người đã khám phá tất cả sức mạnh tình yêu và sự thật cần thiết cho công cuộc giải thoát nhân loại. Bởi đấy, Người đã tìm được niềm vui và cũng trở thành nguồn vui cho mọi người. Khi gặp khổ đau, thập giá và cái chết, Ðức Giêsu đã kiên nhẫn biết chừng nào.  Người kiên nhẫn vì tin rằng đó là thánh ý Chúa Cha.  Tình yêu Chúa Cha đã khiến Người có sức mạnh phi thường.  Không đối lực nào có thể thắng nổi.

Tin tưởng nơi Chúa, người môn đệ sẽ nhận ra tất cả những giới hạn của mình, nhưng đồng thời nhìn thấy những hoa trái lạ lùng do bàn tay Thiên Chúa hành động qua những phương tiện nghèo nàn.  Sau một ngày mệt nhọc trong cánh đồng của Chúa, “nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: ‘Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.’” (Lc 10:17)    Tất cả đều nhờ sức mạnh Chúa.   

 

SỨ ÐIỆP DUY NHẤT

 

Dù chỉ là chiên con bị tước lột trần trụi giữa bầy lang sói, người môn đệ vẫn hiên ngang bước theo Ðức Kitô.  Không phải lúc nào cuộc hành trình cũng trải đầy hoa hồng.  Có nhiều lúc không êm ả chút nào.  Những biến cố lớn nhỏ như sóng gió ập đến.  Khi gặp thử thách như thế, có những người môn đệ quên cả việc rao giảng Tin Mừng và bẻ cong Tin Mừng theo thời đại và hoàn cảnh, mong thỏa mãn những nhu cầu trần tục.  Họ tin vào sức mạnh phương tiện như các tổ chức trần thế.  Cố gây sức mạnh bằng cách tăng cường nhân sự, phương tiện, của cải, quyền lực, danh vọng v.v. 

Nhưng sức mạnh NTC không đến từ những phương tiện trần thế.  NTC không thể biến đổi đến nỗi đánh mất bản chất.  Người môn đệ phải có lập trường dứt khoát và rõ rệt.  Chính Ðức Giêsu đã minh xác với các môn đệ như thế.  Dù được đón tiếp hay không, họ phải nhất quyết rao giảng cho mọi người : “Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 10:9.11)  Không phải vì bầy sói đông quá mà khiếp đảm đến nỗi không dám mở miệng rao giảng NTC nữa.  Không thể vì những lực lượng bất hảo hay bất chính đang siết gọng kìm mà không dám tranh đấu để xây dựng NTC.   NTC không thể dựa trên bất công, vì bản chất và nền tảng của NTC là công lý.  Chính lập trường này làm cho người môn đệ đứng vững và ngẩng đầu hãnh diện trước những thách thức của kẻ thù.  Lập trường đó chính Chúa đề ra và củng cố bằng sức mạnh Thánh Linh.  Không có Thánh Linh không thể giữ nổi lập trường và sứ điệp duy nhất đó trong mọi hoàn cảnh.  Hoàn cảnh rất phức tạp và khắc nghiệt.  Hỏa mù vô cùng dầy đặc.  Nếu Chúa không đưa ra nguyên tắc và sứ mệnh đó, chắc chắn không ai có thể phá vỡ cơn hỏa mù.

Khi hoạt động trong GH, người môn đệ nhắm biến đổi toàn thể thế giới.  Là phần tử GH, họ có sứ mệnh phục vụ NTC, tức là tranh đấu cho công lý, hòa bình, tự do và mọi người biết tôn trọng nhân quyền.  Tất cả đều nằm trong kế hoạch Thiên Chúa tối cao nhằm cứu độ muôn dân.  Nhiều người muốn đánh lạc hướng khi chủ trương NTC vượt trên trần thế và nhằm xây dựng trời mới đất mới, chứ không phải trần gian.  Bởi vậy, họ muốn biến sứ điệp của Ðức Giêsu thành chuyện tư riêng hay cá nhân.  Chiều cạnh xã hội của NTC hoàn toàn bị coi thường và quên lãng. 

Ngày nay, dù sống trong hoàn cảnh nào, Kitô hữu cần phải nỗ lực cứu Chúa Giêsu khỏi ngục tù cá nhân chủ nghĩa và đem Người trở lại đời sống xã hội.[2]  Nếu đặt Chúa Giêsu vào hoàn cảnh văn hóa xã hội thời Người và nhìn sứ mệnh Người trong bối cảnh phục hồi Israel và loan báo “năm đại hồng ân” cho dân Người, chúng ta sẽ thấy rõ sứ điệp Ðức Giêsu hàm ý chính trị.  Người muốn triệt để tái cấu trúc mọi cơ cấu xã hội hiện hành trên nền tảng giao ước.[3]  Ðể thực hiện công cuộc đó, Người muốn mọi quyền lực trên đời phải mang tính tương đối và nhường bước cho những đòi hỏi của NTC.  Có một số người muốn sứ điệp Ðức Giêsu về NTC chỉ thuần túy mang tính tôn giáo và không liên quan tới các cơ cấu chính trị xã hội.  Thực ra, Tin Mừng liên quan tới những thực tại sâu xa của trần thế.  Bởi vậy, sứ điệp của Chúa Giêsu cómột phản ứng rõ rệt đối với một thế giới đầy áp bức và những cơ chế của một trật tự xã hội bất công.[4]

 

CƠ HỘI PHỤC VỤ

 

Giáo hội được thành lập để phục vụ NTC, chứ không phải để chiếm chỗ của NTC.  Nếu không phục vụ NTC, GH sinh ra để làm gì ?  Phục vụ NTC nghĩa là tranh đấu cho xã hội ngày càng “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) 

Chúng ta cần lắng nghe vị Ðại Diện Chúa Kitô nói với GHTH : “Giáo Hội không thể và không được tự đảm nhận chính trường để đem lại một xã hội công bình nhất. Giáo Hội không thể và không được thay thế chính quyền. Tuy nhiên đồng thời Giáo Hội không thể và không đươc ở bên lề cuộc đấu tranh cho công bình. Qua lý chứng, Giáo Hội phải tham gia và phải thức tỉnh năng lực thiêng liêng cần thiết cho công lý ngự trị và thành công.  Bao giờ công lý cũng đòi phải hy sinh.  Một xã hội công bình phải là thành quả của chính trị, chứ không phải của Giáo Hội. Tuy nhiên cổ võ cho công bình qua những nỗ lực nhằm giúp cởi mở tâm trí và ý chí theo những đòi hỏi của công ích, là điều can hệ đến Giáo Hội cách sâu xa.

Dưới ánh sáng những nguyên tắc không thể đảo ngược này, các vấn đề hiện nay không thể giải quyết qua sự xung đột với các nhà cầm quyền dân sự hợp hiến.  Nhưng đồng thời không thể tùng phục những nhà cầm quyền ấy khi họ can thiệp vô lý vào những vấn đề liên quan đến đức tin và kỷ luật của Giáo Hội. Các nhà chức trách dân sự cần nhận thức rõ Giáo Hội luôn dạy các tín hữu trở nên những công dân tốt, tôn trọng và đóng góp tích cực cho công ích của đất nước.  Nhưng rõ ràng Giáo Hội cũng đòi hỏi Nhà Nước phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo chân chính và bảo đảm cho những người dân Công Giáo được thi hành đầy đủ niềm tin của mình.”[5]  

Hoàn cảnh GHVN cũng tương tự GHTH …

Lạy Chúa, xin cho GHVN biết can đảm phục vụ NTC, để công lý mau ngự trị trên quê hương chúng con. Amen.

 

đỗ lực  08.07.2007



[1] VietCatholic 03/07/2007.

[2] x. Hollenbach 1898:11-22.

[3] Dictionary of Fundamental Theology  1995:589.

[4] x. Hollenbach 1898:37-48.

[5] ÐGH Bênêđictô XVI, Lá Thư Gởi Người CGTH,

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/letters/2007/documents/hf_ben-xvi_let_20070527_china_en.html


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà