NHẢ NGỌC PHUN CHÂU

(Ga 20:19-23)

 

Sau khi Chúa về trời, một biến cố vô cùng ngoạn mục đã diễn ra và ảnh hưởng tới toàn thể Giáo Hội. Những ngày quây quần bên Mẹ Maria, các tông đồ cầu nguyện đón chờ điều Chúa hứa. Khi Thánh Linh hiện xuống, “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho, mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:4.11) Một cộng đoàn truyền thông đã ra đời !

Giờ đây, chúng ta thử nhìn lại bản chất, cứu cánh, sứ vụ và những phương tiện truyền thông đang thịnh hành ngày nay. Ðã đến lúc cần phải làm cho linh hồn của truyền thông sống lại. Ai có thể thổi Thần Khí vào truyền thông, nếu không phải là Ðức Kitô ? Tại sao ? Câu trả lời có thể tìm thấy trong ngày Chúa ban Thần Khí cho cộng đoàn Tông đồ và Giáo Hội.

 

NGÔN NGỮ TÌNH YÊU

 

Lễ Hiện Xuống đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Trong lịch sử Do thái, Lễ Ngũ Tuần nguyên là một lễ hội của nhà nông. Nhưng vào thời cuối cùng của Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần biến thành lễ kỷ niệm ông Môsê nhận Mười Ðiều Răn trên núi Sinai. Ðây là một trong các lễ lớn nhất, quy tụ nhiều người Do thái từ các xứ thuộc vùng Ðịa Trung Hải về hành hương Giêrusalem. “Chính trong ngày tưởng niệm Thiên Chúa ban lề luật trên núi Xinai, ngày Thiên Chúa ký kết Giao Ước với dân Israel, mà hôm nay Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho ‘Israel của Thiên Chúa,’ (Gl 6:16), nghĩa là Hội Thánh.”[1]

Khi nhận được “Thần Khí Sự Thật,” (Ga 14:17) cộng đoàn tông đồ được giải thoát khỏi sự sợ hãi và hoàn toàn bình an như Chúa Phục Sinh đã hứa (x. Ga 20:19, 21).  “Thần Khí Sự Thật” không ngự đến, rồi nằm im bất động. Trái lại, Người sẽ dùng các ngài như một khí cụ đem lại ơn tha thứ và giải thoát cho nhân loại. “Khả năng tha thứ là sức mạnh duy nhất có thể giải quyết hết những mối căng thẳng trong thế giới loài người. Cho dù trái tim chúng ta không dễ dàng vươn tới độ lượng tha thứ, nhưng thái độ dung thứ là bí quyết vô cùng quý giá mà Giáo Hội phải xem là tài sản độc đáo của mình.”[2]

Sự tha thứ nhằm giải thoát con người khỏi chính thân phận yếu đuối và dễ lầm lạc của mình. Nhưng nếu không được “Thần Khí Sự Thật” giải thoát trước, làm sao Giáo Hội có thể giải thoát nhân loại ? Bởi đó, trước tiên cần phải tràn đầy “Thần Khí Sự Thật,” Giáo hội mới có thể thi hành sứ vụ Chúa đã trao phó trước khi về trời (x. Mt 28:19-20).

Ở đây không bàn đến bí tích giải tội dành cho các thừa tác viên, nhưng chỉ muốn đề cập đến sức mạnh giải thoát của Giáo Hội nói chung trong công cuộc cứu độ nhân loại mà thôi. Dù thuộc bất cứ Giáo Hội nào, một khi đón nhận được “Thần Khí Sự Thật,” ai cũng có thể đem Tin Mừng giải thoát đến cho nhân loại. Ðó là điều cần thiết để thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian, nơi các thần dữ đang hoành hành và giam hãm con người. Nếu không được giải thoát, làm sao con người có thể hưởng “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17) ?

Bởi vậy, ngày “Thần Khí Sự Thật” hiện xuống, tất cả Giáo hội vô cùng hân hoan. Các môn đệ Chúa Kitô biến thành khí cụ đem bình an của Chúa đến toàn thể nhân loại. Chúa ban cho họ khả năng đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc mọi nền văn hóa và  dân tộc. Thật vậy, khi nghe các tông đồ giảng, “ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2:6) Tin Mừng đã trở thành tiếng nói chung của toàn thể nhân loại. Bởi thế, “những người được kêu gọi đón nhận đức tin không bị buộc phải từ bỏ ngôn ngữ hay văn hóa của mình để gia nhập Hội Thánh, như các tân tòng Do thái giáo. Trái lại, Thiên Chúa muốn được tôn vinh và chúc tụng bằng mọi thứ ngôn ngữ, mọi nền văn hóa. Như thế mới hiển thị rõ nét sự đa dạng đa năng giữa các chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-13) cũng như hiển thị rõ nét công trình của Chúa Giêsu và Thần Khí của Người là quy tụ về một mối những con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.”[3] Nói khác, Giáo Hội duy nhất nhưng vẫn có những khác biệt.  Ðó là công trình kỳ diệu của Thiên Chúa.

Chính vì thế, Giáo hội không sợ sự thật đến từ bất cứ nơi đâu. Khi được gieo tới nền văn hóa nào, hạt giống Tin Mừng luôn gặp những mảnh đất màu mỡ. Dĩ nhiên cũng không thiếu những gai góc và sỏi đá, nhưng không phải vì Tin Mừng xa lạ với các dân tộc. Tin Mừng là ngôn ngữ của tình yêu. Một khi đã đón nhận được Tin Mừng giải thoát, họ sẽ nhận ra sự thật và không sợ phải đối đầu với những lực lượng thần ác đang rắc gieo kinh hãi khắp nơi.

 

THẦN CHÂN LÝ

 

Giữa thế giới đang khủng hoảng về tình yêu, con người cần lắng nghe ngôn ngữ sự thật và tình yêu, đó là Tin Mừng. Chỉ có thứ ngôn ngữ này mới có thể quy tụ mọi người và mở ra một hướng giải thoát đích thực cho nhân loại.

Muốn có ích cho nhân loại, truyền thông hôm nay cũng cần đi theo đường hướng đó. Quả thực, trong Ngày Truyền Thông Thế Giới năm nay, ÐGH Bênêđictô XVI nói, sứ mệnh của truyền thông là “Tìm kiếm Sự Thật để Chia sẻ với Người khác. Chủ đề này cho thấy rõ vai trò của truyền thông trong đời sống cá nhân và xã hội.” [4] Nhưng thực tế, truyền thông có tìm kiếm Sự Thật để phục vụ nhu cầu đích thực của con người không ?

Nếu cứ ồn ào chạy theo thị hiếu và lợi nhuận, truyền thông sẽ đánh mất mục tiêu và trở thành một  phương tiện phá hoại cuộc sống con người và xã hội. “Thật thế, nói chung, truyền thông không những là những phương tiện quảng bá tư tưởng, nhưng có thể và nên là những phương tiện phục vụ cho một thế giới công bình và liên đới hơn. Tiếc thay, truyền thông đang có nguy cơ biến thành các hệ thống nhằm bắt nhân loại phải làm những việc do những sở thích ngày nay áp chế. Hiện tại người ta đang xử dụng truyền thông cho những mục tiêu ý thức hệ hay để quảng các các sản phẩm tiêu thụ.”[5] Chính vì thế, nhiều quyền lợi chính đáng và cần thiết cho cuộc sống bị lãng quên và sự rạn nứt giữa cộng đồng nhân loại ngày càng mở rộng.

Ðể cứu vãn tình thế, trước hết nên nhớ “tin tức do truyền thông cung cấp phải phục vụ công ích. Xã hội có quyền đòi hỏi tin tức dựa trên sự thật, tự do, công lý và liên đới.”[6]  Xem thế, muốn có khả năng làm truyền thông, ngoài phần kỹ thuật, các nhà chuyên môn cần phải có lương tâm và trách nhiệm.  Càng chạy theo lợi nhuận hay theo các khuynh hướng xã hội, càng lạc xa chân lý. Không thể nào nói sự thật dưới một cơ chế đàn áp nhân quyền. Khi hoàn toàn nằm trong tay tài phiệt hay độc tài, các phương tiện truyền thông có thể loan truyền sự thật trái với quyền lợi của họ được không ?  Kết quả con người lâm vào tình trạng ấu trĩ và xã hội không thể phát triển. “Vấn đề chủ yếu là xem hệ thống thông tin hiện thời có góp phần thăng tiến con người không. Nghĩa là, liệu hệ thống đó có làm cho dân chúng trưởng thành về tinh thần, ý thức hơn về nhân phẩm, trách nhiệm hay cởi mở hơn với tha nhân, đặc biệt với những người nghèo đói và yếu kém nhất không ?”[7] Như thế, rõ ràng con người phải là đối tượng cho truyền thông phục vụ. Nếu gạt con người sang một bên, tất cả cơ chế và phương tiện đều trở thành vô nghĩa và vô ích.

Nơi đâu có con người, truyền thông đều có mặt. “Thực vậy, không có một lãnh vực nào trong đời sống con người, nhất là giữa hiện tượng toàn cầu hóa rộng lớn hôm nay, mà truyền thông không góp phần làm hoàn hảo các mối liên hệ giữa con người và tăng triển các lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo. Ðặc biệt, vì có tiềm năng giáo dục, các phương tiện truyền thông xã hội có một trách nhiệm đặc biệt trong việc cổ võ lòng tôn trọng gia đình, làm sáng tỏ các ước vọng và quyền lợi, và trình bày tất cả nét đẹp của gia đình.”[8] Phạm vi phục vụ của truyền thông thật rộng lớn.

Như Chúa Kitô, những người làm truyền thông được sai đi để “phục vụ con người và công ích, đào tạo tinh thần con người …  tăng trưởng nội tâm con người. Phải nhìn nhận tầm ảnh hưởng của truyền thông trên đời sống cá nhân và xã hội. Hiện nay, càng ngày không những truyền thông hình như đòi diễn tả thực tại, nhưng còn đòi quyết định về thực tại đó, vì có khả năng đề xuất ý kiến. Ví dụ, rõ ràng trong một vài hoàn cảnh, truyền thông được xử dụng không phải để loan truyền tin tức, nhưng để ‘tạo ra’ các biến cố.”[9] Làm sao có thể tin tưởng giới truyền thông vô trách nhiệm như vậy ? Truyền thông đã không đóng đúng vai trò, vì quá lệ thuộc vào những lợi nhuận hay bị kềm kẹp trong chế độ độc tài. Khi không dám nói lên sự thật, truyền thông đã đánh mất linh hồn.

“Trong thế giới truyền thông, những khó khăn nội tại của truyền thông thường bị tồi tệ thêm vì ý thức hệ, lòng ham lợi nhuận và kiểm soát chính trị, sự cạnh tranh và xung đột giữa các phe nhóm, và những tai hại về mặt xã hội khác. Các giá trị và các nguyên tắc đạo đức cũng phải áp dụng vào các phương tiện truyền thông. Một nguyên tắc đạo đức căn bản luôn áp dụng trong cả ba lãnh vực truyền thông  (sứ điệp, phương pháp và cấu trúc) : cá nhân và cộng đoàn con ngươi là cứu cánh và tiêu chuẩn đánh giá việc xử dụng truyền thông. Nguyên tắc thứ hai bổ túc cho nguyên tắc thứ nhất : lợi ích của con người không thể đạt được nếu tách rời khỏi công ích của cộng đoàn họ đang sống.”[10] Khi công ích không được nhắm tới, chắc chắn truyền thông chỉ còn là công cụ để đàn áp con người và bảo vệ chế độ mà thôi.

Truyền thông đang cố sức bịt mắt, bịt tai người dân trước những vấn đề liên quan tới vận mệnh đất nước, như vụ Trường Sa, Hoàng Sa v.v. Thay vì giải thoát,  truyền thông cố tình giam hãm con người trong sự sợ hãi và u mê. Kết quả cuộc sống ngày càng ngộp thở. Căng thẳng đủ mặt, nhất là về kinh tế, chính trị, giáo dục, tôn giáo v.v.  Hiện nay, qua những phương tiện truyền thông, nhiều người hô hào quên đi những chuyện chính trị để hòa hợp và hòa giải dân tộc. Nhưng chính khi hô hào quên những chuyện chính trị cũng là một lựa chọn chính trị rồi.

Muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy, truyền thông cần phải có một thái độ trung thực và tìm lại cho mình một linh hồn. Linh hồn ấy các nhà truyền thông có thể tìm thấy, khi nhìn vào cộng đoàn truyền thông Chúa đã thiết lập trong ngày lễ Ngũ Tuần. Từ đó, họ có thể  rút ra những bài học cần thiết cho sứ mệnh đặc biệt  của mình giữa cộng đồng nhân loại và dân tộc.

 

SỨ MỆNH PHỤC SINH

 

Sau khi Chúa chịu khổ hình, cộng đoàn Tông đồ tan tác. Dù có tụ hội một nơi, tinh thần các ông cũng chưa ổn định và còn đầy sợ hãi (x.Ga 20:19). Sinh khí đã lụn bại. Tinh thần đã chết. Bởi thế, sau khi phục sinh, Chúa đã tìm mọi cách để phục hồi tinh thần của các tông đồ để họ rao truyền sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân. Ðó là một cộng đoàn truyền thông đầu tiên Chúa thiết lập để chinh phục các linh hồn.

Ðể có thể lên đường thi hành nhiệm vụ truyền thông Tin Mừng khắp nơi, trước tiên họ cần phải tìm lại được sự bình an trong tâm hồn và xác tín về nội dung Tin Mừng. Bởi đó, sau phục sinh, lần nào hiện ra với các tông đồ, Chúa cũng cầu chúc : “Bình an cho anh em !” (Ga 20:19, 21) Khi đã thắng vượt được sự sợ hãi và xác tín sự kiện Chúa Phục sinh, họ mới có thể đón nhận Thần Khí và sứ mệnh giải thoát nhân loại (x. Ga 20: 19-22). Họ đã hoàn thành sứ mệnh và để lại một mẫu gương truyền thông tuyệt vời cho hậu thế.

Quả thực, muốn thi hành sứ mệnh của mình, truyền thông cũng cần thắng vượt sự sợ hãi và phải xác tín về vai trò của mình giữa nhân loại. Bao lâu còn bị kìm kẹp, truyền thông không thể nói lên điều trung thực. Nếu chỉ là cái loa phóng thanh, truyền thông không có nghĩa gì cả. Truyền thông luôn mang tính con người, chứ không chỉ là bộ máy vô hồn hay chỉ là phương tiện thuần túy. Nếu chỉ là phương tiện, truyền thông dễ biến thành công cụ đàn áp và phá hoại.

Không còn gì phi lý và trơ trẽn hơn loại truyền thông vô hồn như thế. Một sư kiện điển hình vừa xảy ra tại Việt Nam. “Công việc đưa tin buổi lễ rước đuốc Olympics Bắc Kinh tại Sài Gòn ngày 29 tháng Tư vừa qua là một ví dụ về sự kiểm soát báo chí Việt Nam. Gần như không một tờ báo nào của Việt Nam đưa tin về việc rước đuốc. Rồi bỗng nhiên, đến ngày 29 tháng Tư, tất cả các báo cùng đưa tin, với nội dung và mức độ gần như giống hệt nhau. Cũng trong ngày hôm đó, tại Hà Nội, một số người Việt Nam tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Họ bị bắt, bị đánh đập, nhưng không hề thấy báo chí lên tiếng.”[11] Truyền thông như thế còn có nghĩa gì không ? Sứ mệnh truyền thông là gì trong chế độ độc tài đảng trị ? Truyền thông chỉ còn là công cụ đàn áp chứ không thể giải thoát con người. Truyền thông không phải là tiếng nói của con người nữa !

Ðiểm chung của các nhà độc tài là tìm mọi cách ngăn cản người dân tiếp xúc với những nguồn thông tin khác nhau. Càng bưng bít tin tức, chế độ càng bền vững.

“Tổ chức Freedom House vừa công bố bản phúc trình thường niên về tự do báo chí trên toàn thế giới năm 2007. Nhận định chung là mức độ tự do báo chí toàn cầu giảm dần trong 6 năm liền. Theo phúc trình này, Việt Nam xếp hạng 178 trên 195 quốc gia được khảo sát, và thuộc vào nhóm ‘không có tự do.’ Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương với 40 quốc gia, Tân Tây Lan được xếp đầu bản và Bắc Hàn xếp cuối bản. Việt Nam thuộc nhóm “không có tự do,” đứng hàng thứ 36, ngay trên nước Lào và dưới Brunei.”[12] Không biết căn cứ vào đâu, Việt Nam còn đứng trên một vài nước về tự do báo chí ?! Lạ nhỉ !

Tóm lại, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã đến đem bình an và Thần Khí cho các tông đồ. Tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa đã ban cho ông tất cả sức mạnh cần thiết để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Các tông đồ đã hoàn thành sứ mệnh cao cả và hy sinh cả tính mạng để rao truyền Tin Mừng cho muôn dân. Các ngài đã phải trả một giá rất mắc để lưu lại cho hậu thế tấm gương lớn cho những ai đang lãnh trách nhiệm truyền thông, nhất là truyền thông Lời Chúa trong Giáo hội.

 

Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho giới truyền thông hôm nay để  họ dám nói lên sự thật cho nhân loại được giải thoát và tự do. Amen.

 

đỗ lực 11.05.2008

 



[1] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước : Lời Chúa Cho Mọi Người, 2005:528.

[2] ibid.

[3] ibid., 529.

[4] http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20080124_42nd-world-communications-day_en.html

[5] ibid.

[6] Giáo Lý Công Giáo, 2494; x. Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế InterMirifica, 11: AAS 56(1964), 148-9.

[7] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 415.

[8] http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/communications/documents/hf_ben-xvi_mes_20080124_42nd-world-communications-day_en.html

[9] ibid.

[10] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, 416.

[11] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Freedom-House-Vietnam-Cracked-Down-On-Dissident-Writers-TGiao-05032008132043.html

[12] Ibid.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà