TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG

(Mt 9:9-13)

 

 

Cách đây đúng một năm, ngày 03.06.2007, cha xứ Ragheed Gani bị giết ở Mosul, Iraq. Ðáng lý, cha đã có thể chạy thoát. Nhưng không một chút sợ hãi, cha đã can đảm trung thành với nhiệm sở. Tới phút chót, cha vẫn xác tín với các Kitô hữu không nên sợ hãi. Mặc dù quân khủng bố đã ra lệnh đóng cửa nhà thờ, nhưng cha vẫn cương quyết làm việc mục vụ giúp đoàn chiên. Khi bị bắt, cha đã dõng dạc tuyên bố lời cuối cùng : “Không thể đóng cửa Nhà Chúa !”[1]  Cha đã chết thê thảm dưới lằn đạn kẻ thù !

Tiếng gọi nào đã thôi thúc cha dấn thân bảo vệ đoàn chiên tới cùng ? Phải chăng từ một ơn gọi lớn lao, cha đã hy sinh để làm chứng về lòng nhân từ của Thiên Chúa ? Lòng nhân từ đã trở thành sức mạnh giúp cha vượt qua nỗi sợ lớn lao nhất.  Tình thương có thắng hận thù không ? Phải chăng ngày xưa, tiếng gọi đó cũng đã giúp Mathêu vượt qua nỗi sợ cơ chế bất công để bước theo Chúa Kitô ?

 

LỆNH LÊN ÐƯỜNG

 

Thời nào cũng thế, kẻ có quyền vẫn cố biện minh cho những hành vi lộng hành của mình. Quá đam mê quyền lực khiến họ không còn nhận ra sự thật. Phải chăng không còn ranh giới giữa thiện ác hay trật tự luân lý đã đảo ngược trong tâm thức họ ?

Thời Chúa Giêsu, tội phúc có một ranh giới rõ rệt trong xã hội. Những người công chính không bao giờ có thể gần gũi tội nhân, nhất là những người mang tiếng công khai như Mathêu, người thu thuế. Không những phá tan ước lệ và truyền thống đó, Chúa còn lên tiếng kêu gọi và chung bàn người tội lỗi, bất chấp những lời xầm xì. Tại sao Chúa có thể làm được chuyện đó ?

Khác hẳn mọi người, Chúa Giêsu không tìm cách xa lánh tội nhân. Không những Người chia sẻ, kêu gọi, cảm thông mà còn đồng hóa với họ. Quả thế, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:21) Chính vì thế, Người đã phải chấp nhận cái chết tang thương trên thập giá. Người chấp nhận bị liệt vào số các tội nhân, để gần gũi họ. Ðến gần tội nhân, Người không sợ cảnh “gần mực thì đen.” Trái lại, không những “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,” Chúa còn thông truyền cho họ sự thánh thiện của mình. Nói khác, theo thánh Augustinô “Thiên Chúa làm người để con người trở thành Thiên Chúa.”

Chúa kêu gọi Mathêu chia sẻ sự thánh thiện và hiệp thông với ngôi vị của Người. Ðó là lời kêu gọi sám hối. Mathêu phải từ bỏ tài sản cho đời sống phù hợp với lời gọi quyết liệt này. Sứ mệnh đầu tiên của người tông đồ là “ở với Chúa Giêsu.” (Lc 3:14) Phải trở nên bạn đồng hành với Chúa Kitô, để “sống cho Chúa,” trước khi “hành động cho Chúa.” Có sống cho Chúa, mới có khả năng hành động cho Nước Thiên Chúa trị đến. Nói khác, cần phải được Chúa thánh hóa, trước đi cùng Chúa thánh hóa hay công chính hóa trần gian.

Ngày xưa Abraham rời bỏ quê cha đất tổ là Canđê theo tiêng Chúa gọi lên đường tới miền Ðất Hứa. Hôm nay, nghe theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, chính người thu thuế Mathêu đã bỏ mọi sự vì Nước Trời. Thiết tưởng nếu khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ nhắm làm cho con người hạnh phúc trên đời, đáng lý Chúa phải để Mathêu làm việc và khuyên ông nên cư xử tử tế với mọi người đến nộp thuế. Trái lại, Chúa Giêsu lại nói với ông : “Hãy theo tôi !” Thế nghĩa là, “hãy bỏ mọi sự mà gắn bó với một mình tôi !” Ông sẽ phải bỏ cái gì trước tiên, nếu không phải là sự bất chính và tội lỗi ? Sống trong guồng máy bất công lâu năm, hẳn ông đã thấy được tất cả những sự bất chính của xã hội và con người. Nhờ thế, một khi gắn bó với Chúa, ông có đủ kinh nghiệm để đưa mọi người vào con đường công chính.

Chính vì những người bất chính, Chúa đã đến trần gian. Mặc dù vô tội, Chúa đã chấp nhận đứng vào hàng ngũ các tội nhân, để gánh chịu hình phạt kinh hoàng nhất. Người không muốn ai phải chết, nhưng muốn chúng ta thống hối và sống trong sự công chính chân thật. Nếu Mathêu đứng dậy và từ bỏ nghề thu thuế, chính vì sau khi sống một cuộc sống quá vô nghĩa và vô cảm, ông  cần đến tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu chỉ biết quên mình để phục vụ ! Thà theo Chúa làm người tôi tớ để cứu mọi người hơn làm đầu ngành thu thuế để áp bức và bóc lột thiên hạ. Nhờ noi thương gương khiêm tốn của Chúa, các tông đồ đã chinh phục được cả thế giới.

 

LÒNG NHÂN TỪ

 

Theo gương các tông đồ, Giáo Hội đi «làm cho xã hội phong phú và thấm nhiễm Tin Mừng. Chính vì lý do đó, Giáo hội chú tâm tới phẩm chất đạo đức của đời sống xã hội. Cùng với chính trị, kinh tế, lao động, luật pháp, văn hóa , xã hội không phải thuần túy chỉ là một thực tại trần tục, và do đó nằm ngoài hay xa lạ với sứ điệp và nhiệm cục cứu độ. Thực vậy, cùng với tất cả những gì đã hoàn thành, xã hội liên hệ tới con người. Xã hội được tạo lập nhờ những con người, tức là những ‘con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo hội’.»[2]  Ði vào con đường đầu tiên ấy, Giáo hội mới khám phá ra những nét kỳ diệu Thần Khí thực hiện nơi các dân tộc, chuẩn bị đón nhận Tin Mừng cứu độ. Chân lý đã gieo mầm từ lâu trong cuộc sống  và tâm hồn con người. Từ đó, công lý đã vươn lên.

Môn đệ đích thực của Chúa Kitô phải khám phá và đáp trả lại khát vọng lớn lao đó. Không có công lý, cũng chẳng có tự do và hòa bình. Quả thật, Chúa đã uỷ thác cho Giáo hội “làm xuất hiện trong lịch sử nhân loại sứ điệp tự do và ơn cứu độ của Chúa Kitô, đó là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Khi công bố Tin Mừng, Giáo hội ‘làm chứng cho con người, trong danh Chúa Kitô, cho phẩm giá và ơn gọi, tạo sự hiệp thông giữa con người. Giáo hội dạy cho họ biết những đòi hỏi của công lý và hòa bình, phù hợp với sự khôn ngoan Thiên Chúa.’”[3]

Như Ðức Kitô đã kéo Mathêu ra khỏi cơ chế bất công, người môn đệ cũng phải đem ơn giải thoát và nâng tội nhân lên địa vị con Thiên Chúa. Khi thực hiện công cuộc cứu độ đó, họ không đơn độc. Trái lại, “Thiên Chúa hằng ngự giữa loài người” (x. Kh 21:3) và “Thày ở cùng anh em mọi ngày”(Mt 28:20) để giúp họ “làm cho thế giới ngày càng nhân bản hơn. Bởi đó, dù là nam hay nữ, họ đều tìm được ơn hỗ trợ từ tình yêu cứu độ của Chúa Kitô.”[4]

Hơn lúc nào, trước một nhân loại quá đông đúc và phức tạp hôm nay, người môn đệ cần nhiều ơn hỗ trợ đó mới có thể rao giảng Tin Mừng và hoàn thành sứ mệnh cứu độ. “Chính Thần Khí Thiên Chúa sẽ đem đến chân lý và ân sủng cũng như thấu nhập tận con tim để làm cho họ có khả năng tư tưởng và ước muốn thực hiện những kế hoạch về tình yêu, công lý, tự do và hòa bình. Như thế, Phúc âm hóa lãnh vực xã hội là truyền vào con tim nhân loại ý lực và tự do của Tin Mừng, để thăng tiến xã hội cho xứng đáng với con người và xã hội phù hợp với Ðức Kitô. Nghĩa là, xây dựng một thành trì nhân loại ngày càng nhân bản hơn, vì ngày càng phù hợp với Nước Thiên Chúa hơn.”[5]

Làm sao có thể thực hiện một công việc vĩ đại đó ? Thưa, cần dồn mọi nỗ lực “bước theo Chúa Kitô,” để loan truyền Tin Mừng với bất cứ giá nào. Quả thế, Chúa nói : “Trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc.” (Mc 13:10) Công cuộc rao giảng Tin Mừng phải là ưu tiên số một. Ðược Chúa gọi vào làm việc trên cánh đồng của Chúa, người môn đệ có sứ mệnh “Phúc âm hóa nhân loại.” (x. Mt 9:37-38)[6]

Nhưng đâu là điều quan trọng nhất trong Tin Mừng cần được rao giảng ? Chúa dứt khoát trả lời : "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9:13) Hơn ai hết, Mathêu cảm thấu lòng nhân của Chúa lớn lao tới mức nào trong con người và cuộc đời mình. Bởi đó, sau khi được kêu gọi, ông sẽ hiến cả cuộc đời rao giảng về lòng nhân của Chúa. Cộng đoàn Mathêu chắc chắn thấy rõ chứng từ đó nơi ông và cùng ông làm chứng cho mọi người biết Thiên Chúa đầy lòng nhân từ.

Quả thế, từ Cựu ước, Thiên Chúa đã quả quyết : “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 6:6) Thực tế, có lẽ chúng ta làm ngược lại. Chúng ta còn quá tin tưởng vào các nghi lễ, đến nỗi tưởng lễ nghi có thể làm được một cái gì đặc biệt cho Chúa và thánh hóa thế gian.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nghi lễ. Nhưng nghi lễ chỉ thực sự hữu ích và có ý nghĩa khi người ta đã hiểu biết về Ðấng họ tôn thờ. Nếu không, chỉ là những lời lẩm bẩm vô nghĩa và là việc thờ phượng ngoài môi mép. Nếu có sự hiểu biết, việc thờ phượng sẽ là nguồn lực nâng tâm hồn lên tới nơi cực thánh và đem lại niềm hy vọng lớn lao cho cuộc đời. Nguồn lực đó sẽ chữa lành, cải biến và đem lại sự sống cho muôn loài.

Trong khi đó, nghi thức có thể dễ dàng đóng khung và làm cho con người xa lạ với đồng loại. Từ đó khó có liên đới với thế giới chung quanh. Ðó là lý do tại sao Chúa nói : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Chỉ có tình yêu mới là ngôn ngữ ai cũng hiểu được. Sở dĩ Tin Mừng có thể đến với muôn dân, vì Tin Mừng là ngôn ngữ tình yêu. Ngôn ngữ tình yêu này lên tiếng khi “các Kitô hữu làm chứng bằng một tinh thần phục vụ Tin Mừng trong lãnh vực hoạt động xã hội”[7] Chính trong môi trường xã hội, nếu sống và hành động như một người tôi tớ, họ sẽ có đủ tư cách, năng lực và phương tiện để làm chứng cho Chúa. Nhờ Tin Mừng, họ sẽ làm cho mọi người liên đới với nhau và do đó có trách nhiệm với nhau.

Lòng nhân từ luôn mời gọi và quy tụ con người. Trái lại, nghi thức có thể dễ dàng đóng khung và làm cho con người xa lạ với đồng loại. Từ đó khó có liên đới với thế giới chung quanh. Ðó là lý do tại sao Chúa nói : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Tình yêu là ngôn ngữ quốc tế. Sở dĩ Tin Mừng có thể đến với muôn dân, vì Tin Mừng là ngôn ngữ tình yêu. Ngôn ngữ tình yêu này lên tiếng khi “các Kitô hữu làm chứng bằng một tinh thần phục vụ Tin Mừng trong lãnh vực hoạt động xã hội”[8] Chính trong môi trường xã hội, nếu sống và hành động như một người tôi tớ, họ sẽ có đủ tư cách, năng lực và phương tiện để làm chứng cho Chúa. Nhờ Tin Mừng, họ sẽ làm cho mọi người liên đới với nhau và do đó có trách nhiệm với người nghèo khổ.

 

 

 

KHẨN TRƯƠNG

 

Trước tình trạng kinh tế khủng hoảng hôm nay, Giáo hội có thể làm gì ? Trong thông điệp gởi Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), ÐGH Bênêđictô XVI nhìn nhận vai trò của những  tiến bộ trong ngành canh nông làm gia tăng lương thực. ÐGH nhấn mạnh ”nghèo đói và suy dinh dưỡng không phải là một định mệnh không thể tránh được do nghịch cảnh và thiên tai gây ra. Đàng khác, những khía cạnh thuần túy kỹ thuật hoặc kinh tế không được trổi vượt hơn nghĩa vụ công bằng đối với những người đang chịu đói. Quyền có lương thực tương ứng với một động lực luân lý đạo đức, đó là ‘hãy cho kẻ đói ăn’ (Mt 25,35), động lực này thúc đẩy chia sẻ những của cải vất chất, như một dấu chỉ tình thương mà tất cả chúng ta đều cần đến. Quyền có lương thực là một quyền chủ yếu, gắn liền với việc bảo vệ và bênh đỡ sự sống con người, và là đá tảng vững chắc không thể vi phạm, làm nền móng cho toàn thể tòa nhà nhân quyền.” ĐTC cũng nhắc nhở rằng sự gia tăng sản xuất nông nghiệp trên thế giới chỉ hữu hiệu nếu có kèm theo sự phân phối thực sự các sản phẩm ấy, và nhắm thỏa mãn trước tiên các nhu cầu thiết yếu của con người.”[9]  Nhưng làm sao có thể bắt người ta liên đới với người nghèo trong việc phân phối lương thực, nếu không có động lực tinh thần thúc đẩy ?

Ðộng lực đó chính là lòng nhân của Thiên Chúa. Nếu ai cũng có “lòng nhân” như Thiên Chúa, chắc chắn không ai chết đói. Chỉ Thần Khí mới có thể gợi lên “lòng nhân” đó qua Tin Mừng. Bởi thế, theo ÐGH Bênêđictô XVI, Phúc Âm hóa là nhiệm vụ khẩn thiết, vì sẽ giúp bảo vệ nhân quyền. Công cuộc Phúc Âm hóa rất  quan trọng vì sẽ phục hồi nhân phẩm như được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.[10] Chính nơi hình ảnh này, con người mới thấy được mối giây liên đới với tha nhân.

Muốn phát triển, không thể coi thường mối liên đới đó. Quả thực, ÐGH Bênêđictô XVI nói “có thể phát triển nhịp nhàng, nếu trong những quyết định về kinh tế và chính trị, người ta quan tâm tới những nguyên tắc căn bản liên quan tới mọi người, đặc biệt, nguyên tắc bổ sung và liên đới.”[11] Những nguyên tắc này sẽ giúp chúng ta đạt tới công ích và mưu ích cho những người nghèo khổ nhất.

Tóm lại, khi được Chúa kêu gọi, Mathêu đã dứt khoát từ bỏ tất cả. Tiếng gọi đầy sức quyến rũ vì đã đụng tới miền sâu kín nhất của con tim. Ông cảm thấu lòng nhân từ của Chúa. Ông hy sinh tất cả để loan báo và làm chứng cho mọi người biết Thiên Chúa là Ðấng nhân từ. Có cảm nhận và kinh nghiệm về lòng nhân từ của Chúa, con người mới thấy mình liên đới với anh chị em. Từ đó, mới có thể chia sẻ và hỗ trợ nhau. Ðó là lý do tại sao hôm nay khi nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi, chúng ta cần phải lên đường để cùng với Chúa cứu giúp mọi người đang mắc kẹt trong những cơ chế bất công và ích kỷ.

 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã kêu gọi chúng con làm Kitô hữu. Xin cho chúng con nhận biết lòng Chúa nhân từ để chúng con có thể  sống liên đới với anh em và phục vụ mọi người, nhất là những người đau khổ nhất. Amen.

 

đỗ lực, 08.06.2008

 

 

 

 

 

 

 



[1] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=12416&size=A

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 62.

[3] ibid., 63.

[4] ibid., 60.

[5] Ibid., 63.

[6] Ibid., 259.

[7] Ibid., 525.

[8] Ibid., 525.

[9] http://www.cwnews.com/news/viewstory.cfm?recnum=58829

[10] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=12447&size=A

[11] http://www.zenit.org/article-22782?l=english

 


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà