HIỆP NHẤT DÂN CHÚA

(Mt 16:13-19)

 

Ðể mở đầu Năm Thánh Phaolô, ÐGH Bênêđictô XVI cho phép mừng trọng thể Lễ thánh Phêrô và Phaolô vào Chúa Nhật 29.06.2008. Ðó là một ngoại lệ. Cuộc đời phi thường của hai vị đã làm cho Giáo Hội thành dấu chỉ hiệp nhất nhân loại. Nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, các ngài đã liều thân truyền giáo và làm chứng cho Chúa.

Sự nghiệp lẫy lừng đó vẫn còn ảnh hưởng đến toàn thể Kitô giáo tới nay. Ðâu là bài học các ngài để lại cho chúng ta ? Phải chăng các ngài đã góp phần xây dựng một khuôn mẫu Nước Trời cho trần gian ?

 

SAO SÁNG GIỮA ÐÊM ÐEN

 

Tại địa danh Xêdarê Philipphê năm xưa, ông Phêrô đã tuyên xưng Ðức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống. Lời tuyên tín này nằm ngay trung tâm Tin Mừng Mathêu. Lời mạc khải của Chúa Cha là nền tảng tất cả niềm tin của Giáo Hội sơ khai nơi Chúa Giêsu Kitô. Mạc khải đó cho thấy tình phụ tử giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu (x. Mt 11:25; 14:33). Từ trong mối tương quan sâu xa này, Chúa Giêsu đem tất cả sức mạnh tình yêu giải thoát toàn thể nhân loại.

Chúa Kitô muốn Hội thánh là mầu nhiệm tình yêu suốt dòng lịch sử, một lịch sử hoàn thành trong mầu nhiệm Vượt qua. Chúa Giêsu không truyền Phêrô xây dựng một Hội Thánh đồng nhất, nhưng hiệp nhất trong đức tin duy nhất vào Chúa Kitô là đá tảng, Các tông đồ chỉ là những viên đá. Hội Thánh không được xây dựng từ một viên đá, nhưng từ nhiều viên đá hợp lại bằng một chất xi măng là đức ái. Giáo hội không phải là một thứ tổ hợp các phần tử giống nhau hoàn toàn. Giáo hội hiệp nhất bằng tình yêu trao đổi và đối thoại. Do đó, dù cùng hiệp thông trong một đức tin duy nhất, họ có nhiều cách làm môn đệ và tông đồ của Chúa Kitô.

Hiệp nhất trong tình yêu là sống với mạc khải về Chúa Kitô trong thân phận con người. Mạc khải duy nhất về Chúa Kitô cho chúng ta biết Người là “Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16) Chúa Cha muốn Người đến thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian, một trần gian quá nhiều khác biệt và đầy dẫy bất công. Sống giữa một trần gian như thế, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu gọi mọi người thức tỉnh : “Trước hết, hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người !” Ðó là chiều hướng hoạt động của Chúa và những ai theo Người.

Theo chiều hướng đó, mỗi người còn có thể thấy những khía cạnh khác nhau, và bởi đấy có những cách đáp ứng không giống nhau, miễn là vẫn trung thành và trung kiên theo ơn gọi. Bởi vậy, không nên đòi những người rao truyền lời Chúa một sự toàn hảo mà chính chúng ta cũng không thể làm được. Cần sống với sự đa dạng của ân sủng. Sự đa dạng này là nguồn phong phú trong một bản hợp tấu, theo lối nói của Giáo Hội Ðông Phương.

Không chấp nhận sự đa dạng đó, người ta không thể đối thoại với nhau và có thể tạo ra những bất công cho anh em. Hậu quả, Giáo Hội bị suy yếu hay mất khả năng làm chứng cho Chúa Kitô. Nên nhớ Giáo hội được khai sinh và hiện thực trong việc tuyên xưng đức tin duy nhất vào Chúa Kitô.

Hai thánh Phêrô và Phaolô Giáo hội kính nhớ hôm nay nêu gương gì cho chúng ta về phương diện này ?  Là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, thánh Phêrô cũng là một con người “cụ thể,” ít học, đôi khi nóng nảy, dễ chao đảo, đến nỗi đã chối Thày. Nhưng ông có thể nói thật về tình yêu của mình : “Thày biết mọi sự. Thày biết rõ con yêu mến Thày.” Bởi vậy, ông đã được trao chìa khóa Nước Trời và đã được Chúa đích thân chọn để dẫn đưa rất nhiều người Do thái vào Giao ước ân sủng mới.

Còn thánh Phaolô là một người đã được giáo dục theo Lề Luật, luôn tỉnh thức và năng động. Trên đường Damas, ông đã say mê khám phá ra Chúa Kitô. Trên đường truyền giáo, ông không thể chấp nhận người thanh niên Mátcô và đã tách lìa Banabê, dù đã được ông này tìm kiếm ở Tarsô để giới thiệu với cộng đoàn tông đồ (Cv 11:25 và 15:39).

Dù khác nhau nhiều mặt, nhưng thánh Phêrô và Phaolô đều được Chúa Kitô kêu gọi làm môn đệ và tông đồ rao giảng Tin Mừng cũng như thiết lập Nước Chúa. Thiên Chúa chọn những người yếu đuối để làm cho những người khỏe mạnh phải bẽ mặt. Rất nhiều lần Chúa bất ngờ can thiệp vào cuộc đời của một số người, hầu thực hiện một cuộc sám hối. Nhờ thay đổi hoàn toàn, họ đã đề cao hành động của Thiên Chúa trong trần gian.

Cả hai vị đại thánh đã đón nhận những hồng ân bổ túc cho nhau. Nhờ  Thủ Lãnh các Tông đồ là thánh Phêrô, Giáo hội hiệp nhất tới ngày nay. Thánh Phaolô, vị Tông Ðồ Dân Ngoại, là Thừa sai đầu tiên và vĩ đại nhất trong Giáo Hội. Cả hai đã chứng tỏ quyền năng cứu độ của Chúa lớn lao tới mức nào khi thiết lập và hiệp nhất Giáo Hội.

 

 

CỘNG ÐỒNG TÌNH YÊU

 

Chia sẻ chung một niềm xác tín, hai thánh Phêrô và Phaolô đã xây dựng thành công những cộng đoàn chứng nhân. Cả hai đều đón nhận được một mạc khải lớn lao về Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã trực tiếp xác nhận  lời tuyên xưng của Phêrô về bản tính Người do Chúa Cha mạc khải "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”(x. Mt 16:17) Riêng thánh Phaolô quả quyết : “Người (Thiên Chúa) đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.” (Gl 1:15-16)

Ai cũng rõ thánh Phêrô và Phaolô là những con người yếu đuối. Tại sao Chúa lại mạc khải chân lý tuyệt vời đó cho những phàm nhân như thế ? Thực ra, phải nhờ Ðức Giêsu Kitô, các ngài mới có thể làm cho Giáo Hội hiệp nhất và phát triển khắp hoàn cầu.

Tuy cá tính và đường lối khác biệt, nhưng các ngài hoạt động rất nhịp nhàng với nhau. Khi các phần tử càng gắn bó với nhau, Giáo Hội càng trở nên dấu chỉ và bí tích hiệp nhất nhân loại trong Chúa Kitô. Ngày nay, Giáo hội chỉ có thể là dấu chỉ hữu hiệu nếu vẫn còn xây dựng vững chắc trên đức tin vào “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Nhờ niềm tin đó, Giáo Hội có thể đem lại niềm hy vọng cho nhân loại. Thực vậy, “chia sẻ niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của nhân loại, Giáo Hội có mặt với mọi người mọi thời mọi nơi, để đem đến cho họ Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã đến và đang tiếp tục hiện diện giữa họ. Giữa nhân loại và thế giới, Giáo Hội là bí tích của tình yêu Thiên Chúa và, bởi đó, của niềm hy vọng tuyệt vời. Nhờ đó, cuộc giải phóng và tiến bộ của nhân loại mới có thể thực sự được bảo đảm và cam kết thực hiện trọn vẹn. Giáo hội hiện diện giữa nhân loại như nơi gặp gỡ Thiên Chúa, ‘nơi Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người,’ (x. Kh 21:3) đến nỗi con người không còn cô đơn, lạc loài hay sợ hãi khi nỗ lực làm cho thế giới ngày càng nhân bản hơn. Bởi đó dù là nam hay nữ, con người đều tìm được sự hỗ trợ trong tình yêu cứu độ của Chúa Kitô. Với tư cách là người phục vụ ơn cứu độ, Giáo hội không nằm trong chiều kích trừu tượng hay thuần túy thiêng liêng, nhưng trong bối cảnh lịch sử và thế giới con người đang sống. Nơi đây, nhân loại gặp gỡ tình yêu Thiên Chúa và được kêu gọi cộng tác vào chương trình Thiên Chúa.”[1]

Ý thức sâu xa về ơn gọi của mình, hai thánh Phêrô và Phaolô đã cống hiến cho nhân loại một niềm hy vọng đích thực là Chúa Kitô. Hai cột trụ đã làm cho tòa nhà Giáo Hội thành nơi Thiên Chúa cư ngụ và gặp gỡ nhân loại. Mỗi người một cách, nhưng hai vị đã nỗ lực làm cho Giáo Hội thành một dấu chỉ hữu hiệu cho tương lai. Ðàm đạo với Phêrô tại miền quê Galilê đầy thù nghịch, và hiện ra với Phaolô trên nẻo đường cát bụi Syria, Chúa Giêsu đã khiến hai ông nắm được sự thật Tin Mừng và làm cho thế giới dân ngoại im tiếng. Các ngài đã nhanh chóng, say mê và can đảm rao giảng Chúa Phục sinh đến nỗi đã đổ máu tại Roma. Các ngài đã cống hiến cho Giáo Hội một sức sống vô biên, đó là Chúa Kitô Phục sinh.

Làm thế, các ngài “không chỉ mong đạt tới con người trong xã hội, nhưng còn đem Tin Mừng phong phú hóa và thẩm nhập vào chính xã hội. Giáo Hội chú ý tới phẩm chất đạo đức của đời sống xã hội, tức những phương diện nhân bản và nhân bản hóa đích thực. Cùng với sinh hoạt chính trị, kinh tế, lao động, luật pháp, văn hóa, xã hội không chỉ là thực tại trần tục và thế gian, bởi đó, đứng ngoài hay xa lạ với sứ điệp và nhiệm cục cứu độ. Thực vậy, với tất cả những thành tựu đạt được, xã hội có liên quan tới con người. Xã hội do con người tạo thành. Con người là ‘con đường quan trọng và cơ bản mở ra cho Giáo Hội’”[2] gặp gỡ Chúa Kitô để xây dựng Nước Chúa trên trần gian. Nhưng con người không phải là phương tiện cho Giáo Hội thao túng theo mục tiêu riêng. Trái lại, trên trần gian con người luôn là đối tượng Giáo Hội phải phục vụ. Có thế, Giáo Hội mới có thể trở thành nơi con người gặp gỡ nhau trong Thiên Chúa.

 

ÐẠI ÐOÀN KẾT HAY HIỆP NHẤT

 

Nhờ các cuộc gặp gỡ ấy, hai thánh Phêrô và Phaolô đã quy tụ được nhân loại thành một gia đình nhờ niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chân lý và tình yêu là những phương tiện chính yếu giúp các ngài hiệp nhất được lòng người.

Ngày nay, cũng nhắm mục đích hiệp nhất hay đại đoàn kết dân tộc, nhưng người cộng sản đã dùng phương tiện nào ? Nhìn vào xã hội Việt Nam và lắng nghe giọng điệu của người lãnh đạo chính phủ Việt Nam, người ta mới thấy họ đã dùng những phương tiện trái ngược với chân lý và tình yêu để mong hiệp nhất hay đại đoàn kết dân tộc. Có thể đạt được mục đích không ? Tự bản chất, những lời nói dối và hành vi tàn bạo chỉ gây chia rẽ và hận thù, chứ không thể hiệp nhất hay đại đoàn kết dân tộc.

Trong cuộc thăm viếng và vận động các doanh gia tại Houston, Texas tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những nhận định và hoài vọng. Ông nói : "Đất nước đã trải qua nhiều đau thương. Nếu không có ngoại bang, làm sao lại có sự chia cắt bên này, bên kia? Làm sao 3,2 triệu người Việt Nam phải sống li hương ở nước ngoài? Nguyên nhân ra đi có nhiều, nhưng lớn nhất chính là chiến tranh loạn lạc."[3]

Thực tế, lúc chiến tranh, có ai chạy ra nước ngoài đâu ? Chỉ lúc ngưng tiếng súng, vì quá sợ “dép râu dẵm nát đời tuổi trẻ,” nên bà con mới bồng bế nhau vượt biên mà thôi. Tại sao không nhìn vào chính mình để thấy rõ bản chất man rợ, tàn ác là nguyên nhân làm cho bà con phải xa rời quê hương ?

Sự thật rành rành như thế mà không nhìn ra, hy vọng gì ông nhìn ra những điều khác ?! Ðã thế, ông còn lên giọng khuyên : “Chúng ta hãy cùng gác lại quá khứ, nhìn vào mục tiêu chung này để chung sức xây dựng đất nước."[4]

Quá khứ nào ? Những vụ dân oan, tham nhũng, buôn bán phụ nữ, bắt bớ, đàn áp tôn giáo, báo chí, đối lập v.v. là những vấn đề quá khứ hay hiện tại ? Ông Thủ tướng nhai đi nhai lại những luận điệu cũ rích, chẳng thuyết phục nổi ai. Ông và phe đảng ông chỉ muốn nghe chính mình, phớt lờ ước vọng dân tộc và thực tế phũ phàng.

Ông muốn “đại đoàn kết dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”[5] Nhưng cái cần nhất là tự do và nhân quyền, sao không dám nhắc tới ? Tự bản chất những lời nói của ông chỉ chỉ có một chiều, không mở ra được. Vậy làm sao gọi là “đại đoàn kết dân tộc” ?

Ông còn nói : "Khi vào Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Bush, tôi nghe một nhóm, dù nhỏ, kiều bào hô đả đảo Thủ tướng mà thấy buồn. Tôi nghĩ chưa hẳn họ thù ghét gì cá nhân Thủ tướng, mà chỉ là sự mặc cảm với quá khứ và sự thiếu thông tin về tình hình Việt Nam."[6]

Ông buồn vì không quen nghe những tiếng “đả đảo” tại Việt Nam. Ai dám hô như thế trước một cơ chế đàn áp sắt máu của ông ? Bao giờ dám nghe tiếng phản đối trên quê hương, ông sẽ không phải nghe những tiếng chói tai đó ở hải ngoại nữa.  Ðồng bào hải ngoại đã nói thay cho những người bị áp bức ở quê nhà. Ðó là những đòi hỏi cho  quyền lợi hiện tại của những người ruột thịt đang bị chế độ ông cướp quyền làm người.

Ông cố giải thích thái độ chống đối của đồng bào hải ngoại vì thiếu thông tin.   Làm sao ông biết họ thiếu thông tin ? Những cảnh đàn áp luật sư, sinh viên, dân oan, công nhân, đối lập diễn ra hằng ngày ai chẳng biết ? Nếu có thiếu thông tin, chỉ vì chế độ ông bắt các nhà báo phải đi lề bên phải. Mới đây ông còn bỏ tù hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên vì đã tố cáo những gộc tham nhũng trong hàng ngũ đảng cộng sản của ông. Thông tin như vậy đã đủ để đánh giá về chế độ của ông chưa ? Ðó là chưa kể một nền kinh tế thị trường do ông điều hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa nát như tương đang đe dọa giật sập chế độ của ông …

Cộng thêm với những tiếng hô đả đảo, cả một rừng cờ vàng ba sọc đỏ đã khiến ông cảm thấy buồn. Bao lâu còn phủ nhận thực tế và giải thích một chiều theo định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ không thể nhìn ra sự thật.  Không có sự thật, không thể được giải thoát. Muốn tìm thấy sự thật, cần phải đối thoại và tôn trọng tha nhân. Nếu chỉ nghe mình mà thôi, không thể hiệp nhất hay đại đoàn kết dân tộc như ông Thủ tướng mơ ước đâu !

 

Ngày xưa, nếu không nhìn nhận quyền dân ngoại gia nhập Hội Thánh và không sớm dứt bỏ phép cắt bì, làm sao các tông đồ có thể cứu vãn và hiệp nhất Giáo Hội sơ khai ? Nhưng sở dĩ Giáo hội có thể bền vững vì đã xây trên niềm tin duy nhất vào Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Ðó là mạc khải lớn lao nhất giúp các ông Phêrô và Phaolô can đảm dấn thân rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm chứng cho Chúa tới mức hy sinh mạng sống. Dù khác biệt nhau về đường hướng hoạt động và đối tượng phục vụ, hai ông đã thành công vẻ vang, vì đã xây Giáo Hội trên nền tảng duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Ðó là mầu nhiệm hiệp nhất Giáo Hội và muôn dân.

 

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã thương quan phòng cho hai thánh Phêrô và Phaolô xuất hiện đồng thời để xây dựng Giáo Hội và làm chứng cho Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con thấm nhuần chân lý và tình yêu  như các ngài, hầu có thể hiệp nhất muôn dân trong Nước Chúa.  Amen.

 

đỗ lực 29.06.2008

 

 



[1] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 60.

[2] ibid., 62.

[3] http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/06/790580/

[4] ibid.

[5] Ibid.

[6] Ibid.