SA MẠC TRẦN GIAN

(Mt 14:13-21)

 

 

Trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Úc vừa qua, Đức Thánh Cha Benedict XVI: cho thấy : “Trong lòng nhiều người sống trong xã hội ngày nay, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên và, một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng.”[1] ÐGH đã nói đến một cơn đói khát không thể lấp đầy giữa một thời đại đầy đủ mọi tiện nghi vật chất.

Phải chăng đây là lúc nhìn lại cảnh đói khát của dân chúng khi theo Chúa Giêsu vào “một chỗ hoang vắng” (Mt 14:13) ? Giữa hoàn cảnh đó, Chúa đã mạc khải tất cả tấm lòng yêu thương và quyền năng của mình. Chỉ có Chúa mới là nguồn sống đích thực đem lại cho mọi người hạnh phúc trọn vẹn. Tại sao ?  Chân lý này có tác dụng thực tiễn nào cho cuộc sống hôm nay không ?

 

TÌM VỀ NGUỒN SỐNG

 

Chúa Giêsu có một sức lôi hút đặc biệt đối với quần chúng. Không phải do hình dạng bên ngoài, nhưng chính từ một tấm lòng. Sở dĩ Chúa chữa lành các bệnh nhân hay làm các phép lạ, chỉ vì Người  luôn “chạnh lòng thương.” (Mt 14:14) Không có tình yêu thực sự này, Chúa không thể tạo được niềm tin nơi quần chúng.

Chính nơi Chúa Giêsu, tình yêu đã chứng tỏ tất cả sức mạnh và mạc khải bản chất đích thực của Thiên Chúa. Nhờ tình yêu đó, Chúa trở thành nguồn sống có sức thỏa mãn mọi ước vọng con người. Khi thấy dân chúng mải mê nghe lời Chúa đến quên thời gian, các môn đệ đâm lúng túng. Họ đề nghị Chúa ngưng ngay để dân kịp thời giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống. Chúa đồng ý, nhưng không theo cách thức các ông đề nghị. Thay vào đó, Chúa muốn các ông phải tự lo liệu cho dân.

Nhìn lại số vốn ít ỏi của mình, các môn đệ nhận thấy nhu cầu quần chúng quá lớn. Họ cảm thấy quá bất lực, không thể đáp ứng nổ ! Khác với các ông, Chúa có thể vượt qua giới hạn đó bằng quyền năng vô biên. Chúa đã chúc lành cho các tấm bánh và các con cá. Kết quả, dù có hàng chục ngàn người, nhưng “ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14:20) mà “không phải trả đồng nào” (Is 55:1) Ðúng là thời thái bình lý tưởng của vị Thiên Sai. Mọi người đều thỏa mãn vì được hưởng ơn lộc từ chính nguồn sống đích thực.

Sau khi ăn uống no nê, “những mẩu bánh còn thừa, người ta còn thu lại được mười hai giỏ đầy.” (Mt 14:20) Nói khác, mọi người được chia đồng đều. Không ai bị đối xử phân biệt. Không ai kiện cáo về bất cứ hành vi bất công chèn ép nào. Nếu không có  tình yêu Thiên Chúa, làm sao công lý có thể hiện diện để đem bình an cho mọi người ?

Từ cơn đói khát thể xác, dân chúng có thể nhìn ra được dấu chỉ một quyền năng tuyệt đối. Chỉ có quyền năng tuyệt đối mới có thể đáp ứng hơàn toàn nhu cầu thiết yếu của con người. Quyền năng đó là Thiên Chúa. Nhu cầu lương thực là một điển hình và là dấu chỉ nhu cầu cần một cái gì vượt ngoài con người, nhu cầu tuyệt đối cần đến Thiên Chúa. Nhưng mấy ai nhận ra nhu cầu tuyệt đối đó ?  

Vì không nhìn thấy dấu chỉ nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa, nên người ta dễ dàng dồn mọi nỗ lực đáp ứng nhu cầu trước mắt. Họ tiêu xài tiền bạc vào những thứ không phải là lương thực đem lại sự sống đích thực. Ðồng lương đổ vào những thứ không đem lại sự thỏa mãn. Cách đây ít năm, một thi sĩ nổi tiếng người Anh (tên T.S. Eliot) viết một bài thơ tuyệt vời, với tựa đề “The Wasteland.” Thi sĩ có cái nhìn bi quan về văn hóa ngày nay. Ông cho thấy chúng ta đang sống trong một sa mạc tinh thần giữa thế giới hôm nay, một miền hoang địa, và một nơi hoang vắng. Eliot đã nhắc lại tiếng kêu của ngôn sứ Isaia : “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ?” (Is 55:2)

Ngày nay, chúng ta đang sống những giấc mộng vụn vỡ của hai thế kỷ vừa qua. Chúng ta tiến bộ về vật chất vượt quá những gì trước đây người ta mơ tưởng. Nhưng về mặt tinh thần, chúng ta thật đói khát. Nhiều người quay về với ông đồng bà cốt, phù thủy, tôn giáo dân gian, và nhiều người đang hướng tới cuộc sống tuyệt vọng hoàn toàn.

 

CƠN ÐÓI KHÁT

 

Giữa đám đông đang đói khát trong sa mạc trần gian đó, chúng ta có thể làm gì để thay đổi tình hình ? Chỉ Thiên Chúa mới cứu nổi con người. Nhưng làm sao tìm được Thiên Chúa, nếu không lắng sâu trong lời cầu nguyện ?  Phải chăng ngày nay chúng ta sợ sự thinh lặng ? Có lẽ trong một mức độ sâu xa hơn, chúng ta sợ cầu nguyện vì lương tâm sẽ vạch trần con người chúng ta và vì muốn tránh xa Thiên Chúa. Nhưng nên nhớ, Thiên Chúa mạc khải chính mình ngay trong những thất bại và tội lỗi chúng ta. Ngay giữa những phường bất chính, Thiên Chúa cũng mạc khải sự công chính của Người.

Ngoài lời cầu nguyện, phải nói sao về những khoảnh khắc suy tư ? Kỳ hè là dịp để chiêm ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, sông núi, biển hồ v.v. Nhưng tất cả đều là những vật bên ngoài. Nếu muốn cho tâm hồn phong phú, chúng ta cần phải nhìn vào nội tâm. Có nhìn vào nội khảm, chúng ta mới thấy mình đói khát chừng nào.

Sống tự lập không phải là một điều xấu. Nhưng tự lập quá cũng chỉ đem lại sự trống rỗng. Một cơn cơn đói khát thiêng liêng sẽ trào lên. Càng nhìn ra chung quanh, càng thấy nhiều người đang tìm kiếm một cuộc sống có ý nghĩa và mục đích, một cuộc sống gần gũi Thiên Chúa, Ðấng nuôi sống con người. Tất cả chúng ta phải chia sẻ lương thực của Người, tức là lòng thương xót, sự hiện diện và tình yêu của Người cho tha nhân. Nếu không, thế giới chung quanh ta vẫn còn toàn người đói khát, đói khát sự công chính.

“Nhiều anh chị em nghèo đói đang chờ sự giúp đỡ. Bao nhiêu người bị đàn áp đang mong chờ công lý. Bao nhiêu người thất nghiệp đang mong có việc làm. Bao nhiêu dân tộc đang mong được kính trọng. Làm sao ngày nay vẫn còn có người chết đói, mù chữ ? Thiếu những phương tiện chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất ? Không có mái nhà nương thân ? Những trường hợp điển hình này thường lâm cảnh thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, sợ hãi bị bỏ rơi lúc về già hay bệnh tật, bị gạt ra ngoài lề xã hội hay bị kỳ thị ... Làm sao chúng ta có thể lãnh đạm trước viễn tượng khủng hoảng môi sinh đang lan tràn khắp nơi khiến trái đất không thể cư ngụ và không còn gần gũi với con người ? Hay những vấn đề hòa bình thường bị viễn tượng chiến tranh tàn phá ? Hay nhân quyền của biết bao người, nhất là trẻ em, bị coi thường ?”[2]

Tất cả hiện trạng đó vạch trần một sự thật : nhân loại đang đói khát công lý. Nếu có công lý hơn, con người sẽ không còn sống trong sự sợ hãi và trống rỗng nữa. Chẳng hạn, tại sao môi trường trở thành vấn đề nổi cộm nhất hiện nay, nếu không phải vì có sự bất công rõ ràng đối với người nghèo ? Quả  vậy, “khủng hoảng môi trường và sự nghèo khó liên hệ với nhau vì một số những sự kiện phức tạp và bi thảm. Những sự kiện này có thể được giải quyết nhờ nguyên tắc phân phối hàng hóa toàn cầu. Nguyên tắc này cho thấy một khuynh hướng đạo đức và văn hóa căn bản. Cuộc khủng hoảng môi trường hiện tại đặc biệt ảnh hưởng tới những người nghèo khổ nhất, hoặc họ đang sống trong những miền đất bị soi mòn và sa mạc hóa, đang lâm vòng xung đột võ trang hay bị di dân cưỡng bức, hay vì họ không đủ những phương tiện kinh tế và kỹ thuật để tự bảo vệ khỏi các tai họa. Vô số những người nghèo này sống trong các vùng ngoại ô thành phố đầy ô nhiễm, tạm thời sống  trong các khu dân cư hay trong những khu công nghiệp liên hợp các căn nhà đổ vỡ và không an toàn (nhà ổ chuột v.v.).”[3]

Trước cảnh nheo nhóc đó của nhân loại, Giáo Hội không thể khoanh tay đứng nhìn. “Vào đầu Tân Kỷ Nguyên, sự nghèo đói của hàng tỷ người là ‘một vấn đề thách đố lớn nhất đối với lương tâm con người và Kitô hữu chúng ta.’ Nghèo đói đặt ra một vấn đề bi đát vê công lý. Trong mọi hình thức và hệ quả, vấn đề đó có đặc điểm là sự tăng trưởng không đồng đều vì không nhìn nhận ‘mọi người có quyền bình đẳng về chỗ ngồi trong bàn tiệc chung.’ Sự nghèo đói như thế không thể làm phát sinh nền nhân bản trọn vẹn mà Giáo Hội vẫn kỳ vọng và theo đuổi để con người và các dân tộc có thể sống trong những điều kiện nhân bản hơn. Cuộc chiến chống lại nghèo đói được thúc đẩy mạnh mẽ vì Giáo Hội đã lựa chọn hay dành tình yêu ưu tiên đối với người nghèo. Liên tục tái xác nhận nguyên tắc liên đới, học thuyết xã hội của Giáo Hội yêu cầu hành động để thăng tiến ‘thiện ích của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta thực sự có trách nhiệm đối với tất cả.’”[4]

Khi đã ý thức trách nhiệm đối với người nghèo như thế, Giáo Hội không thể làm ngơ trước sự lộng hành của các cơ chế bất công. Có thế, thực sự người nghèo mới có cơ hội thoát khỏi những bế tắc và cùng khốn hiện tại. Số phận người nghèo gắn liền với sứ mệnh Giáo Hội.

 

ÁNH SÁNG CUỐI ÐƯỜNG HẦM

 

Sống giữa một đại dương nghèo đói, GHVN càng phải nỗ lực hơn mới có thể hoàn thành sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô. Tới bây giờ, ánh sáng mới ló một chút cuối đường hầm.

Tuần qua, “Uỷ Ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBBAXH/HĐGMVN) đã nhận được Công văn số 941/TGCP-CP của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đề ngày 02-07-2008 cho phép UBBAXH/HĐGMVN được sử dụng tên Caritas Việt Nam và cho Caritas Việt Nam hoà nhập vào mạng Caritas Internationalis (Caritas Quốc Tế) cũng như các Caritas giáo phận được thành lập tại 26 giáo phận trên toàn quốc.”[5]

Một chiều hướng mới tưởng như đã mở ra. Nhưng thực sự vẫn còn có bức tường sừng sững ngăn trước mặt. Quả thế, nhà nước Việt Nam treo sẵn một dây thòng lọng : "Tuy nhiên, hiện chưa có qui định Nhà nước về việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay mạng lưới các tổ chức phi chính phủ nước nogài lập chi nhánh hay tổ chức của mình ở việt nam, nên không đặt vấn đề thành lập chi nhánh Caritas quốc tế tại Việt Nam."[6]

Như vậy, dù được tổ chức công cuộc bác ái giúp đỡ người nghèo, nhưng GHVN vẫn phải nằm trong khuôn khổ. Dĩ nhiên, có lẽ GHVN phải khéo léo lắm mới có thể hoạt động hữu hiệu giúp đỡ dân nghèo.

Trong thực tế còn phải “trầy da tróc vẩy,” GHVN mới có thể tìm được cơ hội phục vụ người nghèo hữu hiệu. Tấm lòng bao giờ cũng có, nhưng phương tiện không dễ lọt vào tay GHVN ! Cuộc chiến đấu nhiều khi tưởng như hụt hơi. Rất may, vẫn có những môn đệ Chúa Kitô dấn thân chống lại bất công và tranh đấu cho Giáo Hội có cơ hội phục vụ người nghèo. Tuần qua, tại Hội nghị “Vai trò của tôn giáo trong việc xã hội hoá giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo” do BTG Chính phủ tổ chức ngày 24.07.2008, Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng khái lên tiếng : “Chúng tôi phản đối việc gắn liền tiến trình xã hội hoá giáo dục-y tế với việc cổ phần hoá các trường công và bệnh viện công. Vì như thế là tước mất cơ hội học tập và chữa bệnh của người nghèo. Cũng trong tiến trình xã hội hoá giáo dục, y tế, chúng tôi đề nghị giao quyền quản lý và điều hành các cơ sở giáo dục - y tế mà chính quyền đã mượn của các giáo xứ, các dòng tu, các giáo phận và Giáo hội Công giáo cho chính các tổ chức này.”[7] 

Thật là can đảm ! Hy vọng tiếng nói không rơi vào hư vô ! Trước những cảnh khốn cùng về mọi mặt của đồng bào hôm nay, biết bao việc cần phải làm gấp. Nhưng GHVN phải chờ đến bao giờ mới có cơ hội và phương tiện để phục vụ ?! Nếu chỉ nhìn trong khung cảnh hạn hẹp của 5 chiếc bánh và 2 con cá như các môn đệ Chúa thuở xưa, chắc chắn GHVN sẽ chẳng làm gì được để đáp ứng với nhu cầu quá sức lớn lao của quần chúng. Nhưng nếu có cái nhìn của Chúa, GHVN sẽ thấy mình cần phải có một tấm lòng và đặt niềm tin vào đúng chỗ. Chúa có những cách hành động khác hẳn Giáo Hội ! Vấn đề là tin Chúa tới mức nào và kiên nhẫn tới đâu để chờ ngày Chúa ra tay hành động !

 

Tóm lại, đứng trước đám đông, Chúa Giêsu thấy tất cả nỗi bơ vơ và vô định hướng của họ. Tất cả tình thương đã thôi thúc Chúa hành động. Chúa chữa lành mọi bệnh tật và mạc khải cho họ một hướng sống đích thực. Họ say mê nghe Chúa đến nỗi quên cả thời gian. Bởi thế, Chúa đã phép lạ để nuôi sống hàng chục ngàn người giữa cảnh hoang vu. Toàn dân và các môn đệ vô cùng kinh ngạc trước quyền năng Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô. Chỉ có Chúa mới đem đến cho dân tất cả những gì họ mơ ước. Chỉ một mình Chúa mới nắm bí quyết và giải gỡ mọi vấn đề cho muôn dân.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn say mê lắng nghe lời Chúa và  đặt tất cả niềm tin nơi Chúa là nguồn sống đích thực của chúng con. Amen.

 

đỗ lực 03.08.2008

 

 

 



[1] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=12802&dos=122&size=A

[2] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 5.

[3] Ibid., 482.

[4] ibid., 449.

[5] http://vietcatholic.net/News/Html/57018.htm

[6] Ibid.

[7] http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=5105


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà