ẨN SỐ TRONG MỘT ẨN SỐ

(Mt 15:21-28)

 

Ngày 13.08.2008 vừa qua, từ Houston, chúng tôi phóng xe đi Dallas thăm các nạn nhân xe bus hành hương Missouri đang nằm rải rác trong các bệnh viện. Chứng kiến thảm cảnh khủng khiếp các Kitô hữu đang phải trải qua, chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Chiều về, một người trong chúng tôi thốt lên : “Thế mới biết những người đã tử nạn thật hạnh phúc !” Quả thực, tai nạn đúng ngày 08.08.2008 đã gieo bao thảm họa cho gia đình và bản thân nạn nhân. Người mất vợ. Kẻ mất chồng. Thân thể nạn nhân không còn toàn vẹn như xưa nữa.

 

 

Chuyến Xe Ðịnh Mệnh 08.08.08

 

Trước biến cố kinh hoàng đó, nhiều người đặt vấn đề : hành hương kính Ðức Mẹ là một việc rất đạo đức, tại sao lại gặp thảm họa như vậy ?

Vấn đề đó có thể có thể tìm được lời giải đáp nơi Tin Mừng hôm nay không ? Người đàn bà ngoại giáo, nhưng lại có một lòng tin rất mạnh (x. Mt 15:28), cũng đã gặp những thử thách rất lớn từ nơi chính Chúa Giêsu. Chúa muốn cho mọi người thấy sức mạnh vô địch của đức tin.

 

KỲ THỊ HAY THỬ THÁCH

 

Người phụ nữ dân ngoại đã vượt qua biên giới đến gặp Chúa Cứu thế. Tuy thuộc vùng Tia và Xiđon, nhưng bà không gò bó tầm nhìn cũng như nếp sống loanh quanh trong hàng rào ngoại bang. Cuộc gặp gỡ với Chúa cho thấy đã từ lâu bà làm quen với văn hóa và tôn giáo Do thái. Bà không ngại kêu lên giữa đám người đồng hương : “Lạy Ngài là Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi !” (Mt 15:22) Lời kêu ấy cũng không đủ che dấu thân thế của bà, dù bà đã cố gắng hết sức để nói lên một sự thật rất quen thuộc trong Thánh Kinh. Bà không phải là người Do thái, nhưng bà đã nhắc đến điểm chính yếu trong niềm hy vọng của dân Chúa dựa trên một lời hứa vô cùng quan trọng, lời hứa do lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Nếu không có lòng tin như bà, người ta chỉ thấy một sự bất công và kỳ thị nặng nề trong thái độ khinh thị và phân biệt đối xử của Chúa.

Nếu muốn thấy rõ con đường sống đạo, chúng ta cần tham khảo với người phụ nữ hôm nay để biết cách tháo gỡ những cơ cấu đã tạo nên sự ngăn cách phi lý giữa con cái Thiên Chúa cũng như nhân loại đang sống trong tình yêu Chúa.

Trước hết, bà dạy chúng ta biết can đảm sống ơn gọi Kitô hữu hòa giải toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Thử đặt mình vào địa vị một người dân ngoại và phụ nữ như bà, chúng ta mới thấy bà thật can đảm khi quyết định chung vai sát cánh với những người đàn ông Do thái như Chúa Giêsu và các môn đệ. Vừa tung hô Chúa là Con vua Ðavít, bà đã đón nhận một thái độ lạnh lùng nơi Chúa. “Người không đáp lại một lời.” (Mt 15: 23) Gặp trường hợp như thế, nhiều người đã bỏ đi và chấp nhận thua cuộc. Nhưng người phụ nữ Canaan không thế. Ðúng hơn, bà càng cố gắng hơn và càng bày tỏ ước nguyện, đến nỗi các môn đệ phải xin Chúa Giêsu làm một cái gì đó cho bà (x. Mt 15:23b).

Thứ đến, chúng ta có thể học nơi bà để biết chú tâm vào điều mà phong trào dân quyền gọi là “hãy chú mục vào phần thưởng.” Khi thấy Chúa Giêsu nói với bà bằng một ngôn ngữ hạ thấp dân tộc : “"Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con," (Mt 15:26) bà không mất bình tĩnh, nhưng không ngừng dán mắt vào mục tiêu của sứ vụ : ngay cả những người ngoài Do thái cũng có quyền lãnh nhận phúc lành Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Lúc đó, nếu không đủ kiên nhẫn, bà có thể đánh mất mục đích. Nhưng vì quyết nhắm tới và dồn cái nhìn vào giải thưởng, bà đã đạt được điều mong đợi. Bà là một khuôn mẫu bất bạo động. Dù biết Chúa xử dụng những ngôn từ không đúng để tấn công bà và dân tộc, bà cũng không đáp lại.

Cuối cùng, chính Chúa Giêsu phải đầu hàng : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15:28) Thế là người phụ nữ đạt được điều bà mong muốn. Bà muốn gởi cho người thời đại hôm nay một sứ điệp : Ðừng sợ ! Ðừng sợ khi phải đương đầu với những thành kiến và sai lầm ngay cả nơi những nơi cao sang hay cả với những người có địa cao trong tôn giáo. Người nhỏ nhất trong chúng ta có thể là phương tiện Chúa dùng đem lại công lý và phương dược chữa lành tất cả những người bất hạnh của Thiên Chúa trên khắp thế giới, một thế giới đang đau khổ vì những bạo động và khủng bố.

Thiên Chúa vĩ đại hơn chúng ta tưởng. Người giải phóng mọi chướng ngại để chúng ta có thể sống làm con cái Chúa. Người tìm mọi cách để chúng ta có thể chấp nhận được “sự điên dại của thập giá.” Nếu chỉ nhìn thập giá với con mắt thường tình, con người dễ đánh giá theo tiêu chuẩn pháp lý. Không có lời giải đáp nơi sự đau khổ tột cùng đó. Nhưng nếu biết mở tấm lòng ra với Thiên Chúa, người ta sẽ tìm được giải đáp thỏa đáng cho những đau khổ hôm nay.

 

TỪ BỎ HAY BẠO ÐỘNG

 

Nghe sơ qua hay nhìn từ bên ngoài, có vẻ Chúa dùng những ngôn từ bạo động để tấn công người phụ nữ xứ Canaan. Ngay thái độ im lặng của Chúa cũng mặc hình thức bạo động nữa. Khi mở miệng, hình như Chúa cũng có vẻ kỳ thị chủng tộc. Thái độ Chúa càng tỏ ra cứng rắn hơn khi lạnh lùng tấn công vào chính danh dự cá nhân và lòng tự ái của bà. Thật ra, những ngôn từ mặc hình thức bạo động đó chỉ có mục đích thử thách lòng tin của bà, chứ không nhằm nhận chìm dân tộc và cá nhân bà tới bùn đen.

Có một điểm vô cùng khác biệt giữa Chúa Giêsu và những người bạo động. Chúa không cưỡng bức, nhưng luôn tôn trọng tự do của con người. Trái lại, người bạo động dùng mọi phương tiện bất chính để cưỡng bức người khác thực hiện mưu đồ của mình, bất chấp nhân phẩm, tự do và quyền lợi của con người.

Nhìn bề ngoài Chúa có vẻ cũng bóc lột con người. Nhưng thực ra đó chỉ là những đề nghị. Không ai bắt buộc người phụ nữ ngoại đạo đó phải đi theo và xin Chúa chữa lành cho con bà. Bởi thế, con người cần phải tình nguyện, việc từ bỏ mới giá trị. Bất cứ ai muốn theo Chúa, đều phải từ bỏ tới tận cùng. Ðể theo đuổi kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng phải “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của một vị Thiên Chúa.

Sau khi trải qua cơn thử thách và từ bỏ đến tận cùng, người phụ nữ đã nhận được tất cả. Thực vậy, Chúa quả quyết với bà : “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” (Mt 15: 28) Không những con gái bà được khỏi bệnh, nhưng tất cả danh dự và quyền lợi của dân tộc và cá nhân bà đều được phục hồi nguyên vẹn. Ðó là điều những kẻ bạo động không bao giờ có thể đem lại cho con người. Lập trường Giáo Hội rất rõ rệt : “Bạo động là điều ác, không thể chấp nhận bạo động như một giải pháp cho các vấn đề, bạo động không xứng đáng với con người. Bạo động là nói láo, vì chống lại chân lý của đức tin chúng ta, niềm tin của nhân loại hôm nay. Bạo động hủy diệt tất cả những gì nó đòi bảo vệ : phẩm giá, sự sống, tự do của con người.”[1] Thật là một điều cực kỳ mâu thuẫn ! Dân tộc Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng về sự mâu thuẫn này nơi người Cộng sản !

Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi con người phải từ bỏ tất cả. Con người không thể có quyền bính đó, vì con người không thể ban cho đồng loại những giá trị cao cả của con người và siêu việt hơn con người. Ðể có thể đạt đến những giá trị cao cả đó, “thế giới ngày nay cần đến những chứng từ của các sứ giả biết chối từ bạo động và đổ máu, và biết lợi dụng những phương tiện bảo vệ có hiệu lực cho những người yếu thế nhất để bảo đảm nhân quyền cho họ, làm chứng cho đức ái Tin Mừng, miễn là không làm hại những quyền lợi và bổn phận của những con người và xã hội khác. Họ có lý mà làm chứng rằng thật là nghiêm trọng nếu người ta cậy dựa vào bạo động với tất cả sức phá hoại và hủy diệt của nó vì nó sẽ đem lại những nguy cơ về vật chất cũng như tinh thần.”[2]

Trong Tin Mừng hôm nay, nếu Chúa thốt lên những lời bạo động để đem lại những nguy cơ về tinh thần và vật chất cho người phụ nữ xứ Canaan, chắc hẳn bà đã không thể chứng tỏ tất cả sức mạnh đức tin cho Chúa.  Muốn lớn lên, đức tin đó phải trải qua những cơn thử thách. Dù đang quá đau khổ vì bệnh tình của người con gái, bà vẫn có dư sức mạnh đức tin để chịu đựng những lời cứng cỏi của Chúa.

Còn hơn những lời cứng cỏi đó, những biến cố không thể hiểu nổi vẫn xảy ra cho những người đầy lòng tin nơi Chúa. Chúa muốn điều gì khi để cho những biến cố đó xảy ra ? Trong ánh sáng đức tin, chúng ta thấy rằng “phát sinh từ hồng ân, chứng từ của tín hữu được nhìn nhận, nuôi dưỡng và trưởng thành. Ðộng lực này làm cho sự dấn thân của họ vào trần gian mang đầy ý nghĩa và đối nghịch với những tính  chất  hành động của thuyết nhân bản vô thần, một học thuyết thiếu nền tảng cơ bản và bị hạn chế trong những giới hạn hoàn toàn trần tục. Viễn ảnh cánh chung là điểm cốt yếu giúp ta hiểu đúng về những thực tại con người. Từ cái nhìn về những của cải cuối cùng này, người tín hữu có thể dấn thân vào các sinh hoạt trần thế theo những tiêu chuẩn chân chính. Các tiêu chuẩn sống và năng xuất kinh tế không phải là những dấu chỉ độc nhất có giá trị đo lường toàn thể con người trong cõi đời này. Các mẫu mực đó còn kém giá trị khi xét đến đời sống mai sau, ‘vì những tầm nhìn của con người không bị bao vây bởi lãnh vực trần thế mà thôi. Dù sống khung cảnh lịch sử nhân loại, con người còn mang cả một số phận đời đời nữa.”[3]

Chính vì có một tầm nhìn như thế, người phụ nữ Canaan đã cố vươn lên trong cơn thử thách. Bà chẳng nhân danh một ưu thế hay giá trị nào để đòi hỏi Chúa đáp lại lời cầu khẩn. Trước sau, bà chỉ xin Chúa thương cứu giúp bà mà thôi. Có ở trong hoàn cảnh của bà, chúng ta mới có thể cảm thấu trái tim của một bà mẹ đau khổ tới mức nào khi có con gái bị quỷ ám. Bà chỉ biết cầu khẩn lòng thương xót của Chúa đoái thương đến hoàn cảnh của bà. Nếu quỷ không kiêng nể một ai, chắc chắn nó phải sợ Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng và cai quản nó. Bởi đó, bà không ngần ngại đến với Chúa Giêsu.

Bà đã trở thành một mẫu gương sống đức tin cho các Kitô hữu. Chúng ta cần khám phá nơi bà tất cả sức mạnh đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Người đã đến và còn đang ở giữa chúng ta với tất cả sức mạnh cứu độ cho mỗi người chúng ta trong bất cứ cảnh ngộ nào.

 

LỬA THỬ VÀNG

 

Xin trở lại biến cố đau thương 08.08.08 vừa qua tại tiểu bang Texas, để tìm câu giải đáp cho một thách đố rất lớn cho đức tin của chúng ta hôm nay. Cuộc hành hương không tới Missouri nhưng vượt qua biên giới trần gian để kính viếng Ðức Mẹ Lên Trời trên Thiên đàng. Những tín hữu ngộ nạn là những người đạo đức và là những phần tử nòng cốt trong các hội đoàn của các giáo xứ Việt Nam tại Houston.

Giống như Chúa Giêsu, họ cũng đã trải qua cuộc hành trình trần gian về quê trời.  Không những là một người đạo đức, Chúa Giêsu chắc chắn còn được Chúa Cha yêu mến và đẹp lòng Cha mọi đàng. Nhưng giữa lúc danh vọng đang lên cao, cuộc đời Người giống như “nửa chừng xuân, thoắt gẫy cành thiên hương.” Trên hành trình về Nhà Cha, Người đã làm gì xấu để bị giết cách thê thảm như vậy ? Người đã nói gì xúc phạm đến Thiên Chúa và con người đến nỗi bị đóng chặt hai chân và hai tay vào thập giá, giữa lúc còn có thể đi khắp tứ phương rao giảng Lời Chúa cho muôn dân ?

Ý định và cái nhìn của Thiên Chúa khác hẳn con người. Chính vì yêu thương, Thiên Chúa đã muốn Ðức Giêsu phải ngang qua đau khổ mới bước vào vinh quang. Thiên Chúa cũng muốn cho những người con ngoan của Chúa bước theo Ðức Kitô để đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Người. Cuộc kết hiệp vô cùng sâu thẳm sẽ đem lại lời giải đáp thỏa đáng nhất cho những bí nhiệm của cuộc sống hôm nay. Thực vậy, thánh Phaolô đã nói, “những ai Chúa đã chọn, Người để cho họ nên giống Con Chúa,” trong trong thập giá cũng như vinh quang.

Tóm lại, ngay tại miền đất Canaan, Chúa Giêsu đã gặp một người phụ nữ dân ngoại. Chúa ngạc nhiên về lòng tin của bà. Chính lòng tin này đã khiến bà vượt qua tất cả những thách đố do Chúa đặt ra. Mặc dù thuộc dân ngoại, bà cũng vượt qua mọi thứ biên giới để đến với Chúa và thừa hưởng tất cả những gì Chúa hứa. Trước mắt, bà đã đạt được điều bà mong muốn cho con gái. Bình an và hạnh phúc đã đến với gia đình bà.  Tất cả đều nhờ lòng tin. Bà đã trở thành một gương mẫu cho mọi Kitô hữu hôm nay. Ðức tin quả thực là sức mạnh giải thoát và là lời giải đáp cho mọi ẩn số cuộc đời.

Lạy Chúa, xin Chúa thương ban thêm đức tin để chúng con có đủ sức mạnh vượt qua những thử thách của cuộc sống hôm nay. Amen.

 

đỗ lực 17.08.2008



[1] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 496.

[2] Ibid.

[3] Ibid., 544.


Mục Lục Phúc Âm Nhật Ký
Trở Về Trang Nhà