SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA
CN LỄ THÁNH GIA THẤT
1.
“Thiên Chúa Suy Tôn Người Cha Trong Con Cái;
Quyền Lợi Bà Mẹ, Người Củng Cố Trên Đoàn Con” lời sách Huấn Ca có một ý nghĩa đặc biệt
cho thấy ơn gọi và sứ vụ của đời sống hôn nhân và gia đình theo ý muốn của
Thiên Chúa, theo đó hôn nhân và gia đình hướng tới việc sinh sản và giáo dục
con cái vì đó là vinh dự và quyền lợi của đôi bạn. Ngày nay người ta đã làm suy
giảm và còn muốn gạt bỏ cái ơn gọi ấy ra khỏi đời sống hôn nhân và gia đình.
Con cái không còn là vinh dự và quyền lợi của cha mẹ, mà trái ngược lại nó trở
thành gánh nặng ăn bám hay ăn theo những hy sinh vất vả của đôi bạn. Cách nhìn
này khiến cho cha mẹ có một thái độ không nhìn nhận phẩm giá cao cả của mỗi
người con như là một hồng ân của Thiên Chúa Tình Yêu. Do đó họ nghĩ có toàn
quyền bắt buộc con cái phải làm theo ý muốn của họ, thậm chí nhiều cha mẹ nghĩ
mình có cả cái quyền sinh sát trên con cái : nó đưa đến tình trạng phá thai
tràn lan. Ngay tại Việt
2.
Tất nhiên sách Huấn Ca cũng không quên nhắc nhở con cái “Ai Yêu Mến Cha
Mình, Thì Đền Bù Tội Lỗi; Ai Thảo Kính Mẹ Mình, Thì Như Người Thu Được Một Kho Tàng”. Theo đó, sự thảo hiếu
không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là con đường làm phong phú chính bản thân nhờ
Phúc Lành của Thiên Chúa : phúc lành mà không có gì ở trần gian này có thể ban
tặng, vì đây là phúc lành tha tội và là kho tang vô giá. Ngày nay khi con trẻ
bắt đầu lớn khôn do ảnh hưởng của nền văn minh sự chết, con cái hầu như chỉ có
khuynh hướng thoát ly gia đình để có cuộc sống theo họ là tự do, nhưng thực ra
là họ đang lún sâu vào con đường hủy hoại chính phẩm giá của mình.
3.
Trong câu chuyện của bài Tin Mừng chúng ta có thể thấy tính nhất quán
của Lời Mạc Khải về ơn gọi và sứ vụ đời sống hôn nhân và gia đình : Thánh Giuse
được Thiên Thần hướng dẫn làm thế nào để bảo vệ Hài Nhi Giêsu, và dù vạn dặm xa
xôi hiểm nguy, Thánh Nhân đã không quản ngại đưa hai mẹ con đi Ai Cập, và rồi
trở về ẩn dật ờ làng quê hẻo lánh không tên tuổi Nazareth. Hài Nhi chính là
vinh dự và quyền lợi của tất cả cuộc đời Thánh Nhân. Chúng ta không quên đã có
lần Giuse định từ bỏ Maria và thai nhi để ra đi bảo tồn cái vinh dự của một
người chồng, một người cha theo quan niệm của toàn xã hội lúc đó, nhưng chính Thiên
Chúa cho ông thấy Hài Nhi trong lòng dạ Maria mới là vinh dự và quyền lợi đích
thật của ông.
4.
Thánh Phaolô khi đón nhận Tin Mừng, Ngài cũng đã khám phá ra cốt lõi của
Tin Mừng chính là phẩm giá của mỗi con người trong cõi nhân sinh này, và do đó
cũng là phẩm giá của hôn nhân và gia đình chính là mầu nhiệm NHẬP THỂ của CON
THIÊN CHÚA trong mỗi con người chúng ta khi Ngài viết “Nguyện Cho Bình
An Của Chúa Kitô Làm Chủ Trong Lòng Anh Em, Sự Bình An Mà Anh Em Đã Được Kêu Gọi
Tới Để Làm Nên Một Thân Thể”. Theo đó mỗi gia đình đã được mời gọi để trở nên
Đền Thờ của Thiên Chúa, nơi mà Đức Giêsu phải được lớn lên trong mỗi chi thể
Người. Gia Đình chính là Hội Thánh Tại Gia. Đại Hội Dân Chúa Việt nam 2010 lấy
lại những suy nghĩ ấy để mời gọi “Các gia đình công giáo được mời gọi giữ
vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại
gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào
tạo con người toàn diện”
5.
Trong ngày thánh hóa Gia Đình hôm nay theo chân Thánh Gia Thất, tôi hiệp
ý với Giáo Hội để nguyện xin Chúa Hài Nhi thương nhận ở lại trong mỗi gia đình
và cho mỗi gia đình biết mở cửa đón nhận Chúa Hài Nhi nơi mỗi thành viên trong
gia đình để yêu mến và phục vụ.
Lm. Giuse Bảo Lộc