SUY NGHĨ TỪ LỜI CHÚA CN V PS NĂM C
Bài sách Khải Huyền có lời kết “Này
đây ta làm mới mọi sự”, chắc chắn công việc đó là để dẫn đến “trời mới đất mới”. Bằng cách nào Chúa
có thể làm điều ấy ? Một câu hỏi cũng cần được trả lời trong hòan cảnh Giáo Hội
Việt Nam hiện nay, cách riêng trong hòan cảnh của Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Câu trả lời có thể gặp thấy trong bài sách Công
Vụ Các Tông Đồ. Trong hòan cảnh Phaolô “trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố
tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin …. trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo. Sau đó, các ngài sang
Pisiđia, đi đến Pamphylia.” Bài đọc còn nói rõ
“các ngài đã được trao phó cho ơn
Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành.” Và đây chính là nguyên lý
sức sống của Hội Thánh mọi thời và mọi nơi : ƠN CHÚA. Chúng ta vẫn thường cùng cầu xin với Giáo Hội “Xin
Chúa Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất”. Thời đại của Giáo Hội
là thời đại của Chúa Thánh Thần. Và điều đó được khẳng định qua lịch sử 2000
năm. Giáo Hội chắc chắn không phải là một vương quốc trần thế, với những quyền
lực của phẩm trật, những sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa… Giáo Hội là
“Thân Mình của Đức Kitô” được nuôi dưỡng bởi “Thánh Thần.” Và vì thế mà “không
quyền lực tối tăm nào có thể tiêu diệt Hội Thánh của Chúa.
Nhưng chúng ta có
thể nói về tính đa dạng của ƠN CHÚA. Đó cũng là một thực tế không thể chối cãi.
Nói thế, nhưng nhiều người trong những ngày tháng qua dường như chỉ muốn khẳng
định ƠN CHÚA cho Giáo Hội VN lúc này chỉ
có một đó là Đức Tổng Giám Mục Giuse với những điều họ nói là “nhân cách lớn”, “một vị mục tử dám liều
chết vì đàn chiên”…, không ƠN CHÚA còn đa dạng, phong phú hơn nhiều được
tìm thấy ngay cả nơi những tâm hồn “bé nhỏ” nhất. Tuy nhiên dù đa dạng, nhưng
cốt lõi vẫn chỉ là điều Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng “Như
Thầy yêu thương các con, các con hãy yêu thương nhau”. Bởi vì như nơi
khác thánh Gioan đã khẳng định : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban
Con Một Mình”. Ngài ban Con Một để Con Một làm nên cuộc tạo thành mới
vĩ đại hơn tạo thành thời khởi nguyên : một vương quốc YÊU THƯƠNG. Chỉ là môn
đệ của vương quốc này nếu yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương. Tình Yêu này không phải là những tình
cảm của con tim nhân lọai nhưng là THÁNH
THẦN : là Tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có Tình Yêu đó mới có khả năng canh
tân đổi mới thế giới. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận những tình yêu nhân
bản. Nhưng chỉ muốn nói rằng tình yêu nhân bản phải được nâng lên và quy chiếu
về THÁNH THẦN khi đó nó mới đóng góp vào sứ mạng của Giáo Hội. Chính vì thế, sự cảm thông liều chết với
đàn chiên của Đức Tổng Giuse trong thời gian qua cuối cùng đã trở thành nguồn
cảm hứng sống đức tin khi Ngài VÂNG PHỤC Hội Thánh, một Hội Thánh luôn được
Thánh Thần hiện diện và làm cho sinh động, sự Vâng Phục trở thành ấn tín minh
chứng đó là công trình do ƠN CHÚA.
Qua những suy nghĩ
từ Lời Chúa trên đây tôi không thể đồng tình với Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh OFM
Sài Gòn rằng “đó là mọi chuyện đang
diễn ra theo đúng kịch bản của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội đứng đầu là Chủ
tịch Nguyễn Thế Thảo : bằng mọi cách phải “bứng” Đức Tổng Kiệt ra khỏi địa bàn
Hà Nội.” khi ông đề cập đến việc bổ nhiệm của Tòa Thánh. Việc Ông Nguyễn Thế
Thảo muốn “bứng” Đức Tổng là chuyện có thực, nhưng việc bổ nhiệm của Tòa Thánh
còn là công việc của “Sứ Vụ”, có nghĩa là của “Thánh Thần”, cho dù có thể Giáo
Hội có sai lầm chăng nữa trong việc này, thì vẫn còn nguyên vẹn Họat Động của
Thánh Thần. Và nhất là không thể nói
rằng Đức Tổng Kiệt là lựa chọn duy nhất của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần
cho Tổng Giáo Phận Hà Nội. Và một cách thật sai lầm, khi tác giả cho rằng cách
thi hành sứ vụ của Đức Tổng Giuse là cách duy nhất thể hiện SỨ MẠNG NGÔN SỨ khi
ông viết về sự lựa chọn của Đức Tổng Giám Mục Phó : “Còn
đối với chính quyền thì trước bao nhiêu áp bức, bất công xảo trá… ngài đâu còn
lựa chọn nào khác hơn là cúi đầu lặng lẽ nghe theo, dù biết như thế là bất
trung với sứ mạng ngôn sứ của mình”. Vì sứ mạng ngôn sứ là để loan báo lời Chúa, ý muốn của Chúa, công
việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa là đối tượng duy nhất của Ngôn Sứ. Nếu có
đề cập đến con người là để hướng con người về với Thiên Chúa của mình. Giáo Hội
của THÁNH THẦN không có sứ vụ giải quyết các vấn đề áp bức, bất công xảo trá
bằng các phương tiện trần gian, nhưng bằng sứ vụ NGÔN SỨ của mình, có nghĩa là
rao giảng kế họach yêu thương của Thiên Chúa, để soi sáng lương tâm con người
đi vào con đường của Sự Thật. Và có nhiều lựa chọn trong cách thức rao giảng
này, miễn sao nó xuất phát từ Thánh Thần và quy chiếu về đó. Sự bất trung với
sứ vụ Ngôn Sứ chỉ có thể là khi thi hành sứ vụ, người ta không xuất phát từ
Thánh Thần và không quy chiếu về đó. Chúa
Giêsu cũng đã từng lặng lẽ nghe theo Chính Quyền áp bức, khi đón nhận trong sự
thinh lặng cái chết trên Thập Giá, nhưng chính cái chết này lại là LỜI RAO
GIẢNG VĨ ĐẠI về Thiên Chúa.
Một Giáo Hội của Thánh
Thần thì luôn luôn bị chống đối và từ khước. Tuy nhiên “bị dư luận chỉ trích công khai và mạnh mẽ như lúc này” chúng ta còn
phải xem ai chỉ trích và cái dư luận đó do ai tạo nên. Chúng ta có thể mau
chóng nhận diện qua các trang Web. Đó là những người xuyên tạc Tin Mừng, dùng
Tin Mừng làm công cụ cho những lăng mạ phỉ báng cá nhân, những con người không
muốn biết tới sự thật, dù chỉ là những sự thật có thể kiểm chứng, những con
người chỉ muốn Giáo Hội đứng trong quan điểm xôi thịt của chính mình, và muốn
Giáo Hội phải là một lực lượng chính trị phục vụ cho những tham vọng của bản
thân. Những con người như tác giả “em ngươi đâu” để đồng hóa Tổng Giám Mục Phó
được bổ nhiệm, đồng hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với Cain, muốn đồng hóa Giáo
Hội Tòan Cầu trong đó không lọai trừ Đức Giáo Hòang Benedicto với Hêrôđê… thì
cái dư luận ấy đâu đáng sợ “Các ngươi đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà
hãy sợ Đấng có thể giết được thân xác và còn có thể ném linh hồn ngươi vào lửa
đời đời”.
Cho dù Pascal Nguyễn
Ngọc Tỉnh viết rằng Trong hoàn cảnh này,
bất cứ ai đến thay thế Đức Tổng Kiệt cũng phải được chính quyền Hà Nội chấp
nhận. Và người đó, tài cao đức cả đến đâu, cũng sẽ bị đánh giá là “người của
Nhà Nước”. tôi thiết nghĩ đó là một
nhận định thiển cận, không nhìn lại
chính mình : khi ông cũng được chính quyền Hà Nội chấp nhận trong nhiều vai
trò khác nhau cách riêng trong cái gọi là nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh với những
tài sản càng ngày càng bành trướng, nếu không được chính quyền Hà Nội chấp
nhận, ông và nhóm ông có thể tồn tại và kinh doanh như thế chăng? Nhưng có ai
bảo các ông là “người của Nhà Nước”, hay các ông khéo che đậy cái bản chất ấy?
Đàng khác có một Giám Mục nào đang thi hành chức vụ ở Việt Nam lúc này, dù đó
là Đức Tổng Kiệt, hay cả 9 Giám Mục Giáo Tỉnh Hà Nội, có vị nào lại không được
chính quyền Hà Nội chấp nhận? Sự chấp nhận ấy có biến các Giám Mục thành người
Nhà Nuớc không? Câu trả lời rõ ràng là không. Sự can thiệp của Chính Quyền vào
việc bổ nhiệm các Giám Mục ở trong mức độ có sự thỏa thuận của Tòa Thánh và vẫn
bảo đảm tính chất tự do của việc bổ nhiệm này. Chúng ta cũng có thể thấy điều
đó ở một số quốc gia ngay tại Âu Châu mà.
Để kết luận, nếu muốn nhận định cho đúng về
Giáo Hội, cần phải đặc biệt tôn trọng họat động của Chúa Thánh Thần, cần phải
hiểu đúng về mầu nhiệm, sứ vụ và sự Hiệp Thông của Hội Thánh.
Lm. Giuse Bảo Lộc