“TA KHÔNG ĐẾN ĐỂ KÊU GỌI NGƯỜI CÔNG CHÍNH, NHƯNG KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI”

(Lời Chúa thứ 6 tuần 13 TN)

Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?”, câu chất vấn có nhiều hàm ý : trước hết Thầy không giữ luật tinh sạch trong đạo, kế đến là mê ăn uống “nhậu nhẹt” bất chấp khuôn khổ lề luật, và sau nữa là tự đồng hóa mình với hàng tội lỗi. Riêng khi đồng hóa mình với người thu thuế, Thầy còn mang tội chống lại dân tộc : tất cả đều rất nặng nề.

Về sự tinh sạch, Chúa Giêsu đã từng giải thích “chỉ có những gì phát xuất từ lòng con người mới làm cho họ ra ô uế”, còn ở đây lòng của Chúa là trong sáng vì Ngài muốn kêu gọi người tội lỗi đi theo Ngài “Hãy theo Ta”, theo Ngài để học biết ý nghĩa của lời “Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải hy lễ”.

Về sự mê ăn uống, thì Chúa cũng chỉ cho thấy lời trách cứ này là vô duyên thế nào  khi Ngài nói :  Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.

Còn về sự tự đồng hóa mình với phưởng tội lỗi, thì đó chính là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho Ngài qua các lời tiên tri, cách riêng tiên tri Isaia trong 4 lời ca về người tôi tớ của Giavê, và chính Ngài long trọng xác nhận “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”. Ngài làm thế là để mạc khải Mầu Nhiệm Yêu Thương Cứu Độ của Thiên Chúa.

Ở đây cũng phác họa cho thấy bức tranh thảm kịch nơi con người mà câu chuyện về người nữ phạm tội ngoại tình công khai đã tố giác. Trong khi chính bản thân tội lỗi ngập tràn, nhưng lại thích hăng say kết án anh chị em mình, còn Đấng Vô Tội lại khoan dung đón nhận tội nhân và dùng tình thương để cải hóa họ!

Thảm kịch này vẫn còn là bức tranh sống động ngay trong thời đại chúng ta và trong chính lòng Giáo Hội nữa! Người ta đọc thấy ở mọi nơi những lời kết án độc địa và dữ dằn, thậm chí ngay trong lòng Giáo Hội. Lòng nhân từ hình như đã trở thành một ngôn từ xa xỉ hiếm thấy!

Lm. Giuse Bảo Lộc