“KHÔNG AI LẤY VẢI MỚI MÀ VÁ VÀO ÁO CŨ”

(Lời Chúa thứ 7 tuần 13 TN)

 

“Vải mới” “áo cũ” là vấn đề của mọi thời đại, mọi nơi, mọi lãnh vực. Từ đó chúng ta thấy xuất hiện từ “Hội Nhập”. Ơ thời Chúa Giêsu, trong vấn đề tôn giáo có “đạo cũ” có “giao ước cũ” và điều đó gây nên sự tranh luận và đối kháng mãnh liệt mà kết cục là cái “án tử” cho Chúa Giêsu. Ở thời đại hôm nay, với Công Đồng Vaticano 2, một luồng gió mới đã thổi vào trong Hội Thánh và cũng gây ra biết bao tranh luận gay gắt ngay trong lòng Hội Thánh, thậm chí đưa đến những phân ly, như trường hợp của Giám Mục Lefèbre gây nhiều đau đớn cho Hội Thánh…

Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ xác định cái gì là mới mà Chúa Giêsu muốn đem đến. Hiển nhiên không phải là những cái hình thức. Bởi vì hình thức luôn là cái gì mang theo mình bản chất tùy thuộc thời gian và không gian : có nghĩa là một sự biến đổi không ngừng, thậm chí quay ngược 180 độ. Chúng ta có thể thấy điều đó trong cái cổ áo dài người phụ nữ Việt Nam qua các thập kỷ. Cái mới của Chúa Giêsu có thể xác định trong điều chính Ngài công bố “Đây là giới răn mới, giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

Tình yêu luôn là điều mới mẻ, và đưa con người vào chân trời mới, nhưng “yêu như Thầy đã yêu các con” thì lại có cái gì đó là bền vững và không thể thay đổi. Trong Tình Yêu của Chúa Giêsu đối tượng ưu tiên hiển nhiên là người nghèo, người tội lỗi, và chỉ có cái chết của Ngài trên Thánh Giá mới có thể đổi đời cho họ. Cái chết này không chỉ là cái chết bình thường, nhưng là cái chết bởi YÊU VÀ YÊU CHO ĐẾN CÙNG. Không phải là cái chết chấm dứt sự sống, mà là cái chết khai giòng Nước Thánh Thần, Nước Sự Sống Đời Đời.

Từ đó chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề Hội Nhập mà ngày nay người ta luôn nói đến. Cụ thể trong Giáo Hội hôm nay, vai trò của người giáo dân rất được quan tâm. Não trạng Giáo Sỹ trị phải được lột bỏ để đạt tới tinh thần “ĐỒNG TRÁCH NHIỆM”. Nhưng tất cả chỉ nhằm tới điều này là làm cho Tình Yêu của Thầy Chí Thánh được sung mãn nơi mọi thành phần Dân Chúa, chứ không phải là làm nên thời đại giáo dân trị.

Lm. Giuse Bảo Lộc