SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 14 TN NĂM C
“Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con
sông…” Lời tiên tri Isaia cho thấy dự định
của Thiên Chúa trên Dân Người là thiết lập họ trở nên dấu chỉ và công cụ của sự
bình an cho mọi dân tộc. Sự bình an như dòng sữa, như đầu gối mẹ nâng niu và
nuôi dưỡng con thơ. Dự định ấy đã thành hiện thực trong lịch sử Israel vào những
triều đại tiêu biểu : Đavid-Salomon. Tuy nhiên ở những triều đại dù là ít huy
hoàng nhất, thậm chí ngay cả những lúc Israel hầu như đã bị xóa sổ trên bản đồ
địa lý hành chính thế giới, thì nơi những số sót của Israel sự bình an vẫn sáng
ngời trước mọi thử thách, khiến cho ngay cả những kẻ thù và xâm lược cũng phải
ca ngợi : nhiều vương triều Syria hay Ba Tư cũng đã phải khâm phục và kính trọng
những người con tiêu biểu của lòng tin Israel. Nhưng phải nói Israel mới chỉ là
hình bóng của Hội Thánh Đức Giêsu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội của Đức Giêsu mới
thực sự là tượng đài bình an cho con người và cho mọi dân tộc, khi mang theo
mình quyền năng và khí cụ của sự bình an. Chính Giáo Hội đã có một nỗ lực không
mệt mỏi để hòa giải những khác biệt giữa các nền văn hóa để xây dựng thế giới
thành vương quốc của tình huynh đệ : điều đó được chứng thực trong giai đoạn lịch
sử hội nhập của những đạo quân man di vào đế quốc Roma. Và trong mọi cuộc chiến
tranh toàn diện, Giáo Hội là người bảo quản những giá trị của các nền văn minh
cho những thế hệ kế thừa, để con người xây dựng lại một thế giới ngày một nhân
bản và hòa bình hơn.
“Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói:
“Bình an cho nhà nầy” Lời của Chúa
Giêsu cho thấy sứ vụ căn bản và ưu tiên của Giáo Hội do Người thiết lập : kiến
tạo bình an cho mọi người, mọi nhà. Nhưng Chúa cũng nói ngay sau đó “Nếu ở
đó có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng
không sự bình an lại trở về với các con.” Một câu nói tưởng là giản đơn dễ hiểu, nhưng không phải thế. Sự
bình an ở đây dường như không còn chỉ là một trạng thái của tâm hồn, nhưng SỰ
BÌNH AN còn là một CON NGƯỜI : ĐỨC GIÊSU KITÔ. Vì rằng đây là sự bình an của
người môn đệ, sự bình an tỏa ra trong sự kết hiệp nên một của họ với Đức Giêsu,
chính sự kết hiệp ấy làm cho họ trở nên sứ giả của Bình An. Vì thế Chúa Giêsu mới
nói “Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế
gian ban tặng”. Giáo Hội khẳng định bình an ấy là sự bình an của những con người
được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ đức tin vào Đức Giêsu, nên một trong Người. Do
đó sứ vụ đem bình an đến cho con người cũng chính là sứ vụ loan báo và làm chứng
cho Đức Giêsu. Và cũng do đó, mà phương thế kiến tạo nên bình an của Giáo Hội
là loan báo Tin Mừng Bình An, chứ không phải là thiết lập hay thay đổi những cơ
chế dân sự.
“Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng
đinh cho tôi, và tôi cho thế gian” Thánh
Phaolô đã cụ thể hóa phương thế đem sự bình an đến thế gian của người môn đệ
chính là “Thập Giá Đức Giêsu Kitô”. Chính Ngài giải thích “Vì chưng
trong Đức Kitô có cắt bì hay không cũng chẳng quan trọng gì, điều quan trọng là
trở nên tạo vật mới” là điều ở nhiều đoạn thư khác thánh Phaolô nói là
“trở
nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Sự biến đổi này được thực hiện
trong việc nên một với sự chết của Đức Giêsu để rồi được nên một với Người
trong sự sống lại. Trong Lời Kinh Hòa Bình mà truyền thống nhìn nhận là của
thánh Phanxicô thành Assisie chúng ta cũng gặp được lời chứng tương tự như thế.
Vũ khí đem lại hòa bình của Giáo Hội chính là “đồng lao cộng khổ trong việc loan báo Tin Mừng”.
Kết luận : Giáo Hội có sứ vụ loan báo và kiến tạo bình an cho thế giới,
nhưng đó là sự bình an là hệ quả của sự kết hiệp nên một với Đức Giêsu. Và điều
ấy chỉ có thể diễn ra trong sự chấp nhận và vác lấy Thánh Giá của Chúa trong đời
sống với lòng tin vào sự giải thoát cứu độ của Chúa. Trong mầu nhiệm Thánh Giá
này, chúng ta thấy phẩm giá của một con
người dù đó là tội nhân vẫn phải được kính trọng vì đó là đối tượng của
Tình Yêu của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Bảo Lộc