SUY NGHĨ VỚI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 15 NĂM C TN

 

1.    “Lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi”. Khi Thiên Chúa ban bia giao ước cho Môsê, và khi Môsê viết luật thành sách cho Israel chỉ là minh giải và xác định thành văn luật mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm con người lúc tạo thành và sinh họ vào đời. Chúng ta có thể chắc chắn như thế khi chứng kiến Cain đã bị lương tâm giày xéo thế nào lúc giết em mình là Abilê. Và trong bài Tin Mừng chúng ta gặp được người Samaria ngoại đạo và hơn thế còn là người theo truyền thống của bộ tộc có mối thù truyền kiếp với người Israel, nhưng lại là người có lương tâm nhân hậu và thương xót người đã ra tay cứu chữa người Israel bị hoạn nạn : tất cả khẳng định “Lời ở trong lòng con người”. Và đó là lề luật tối thượng phổ quát cho mọi người không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ. Đáng tiếc là, con người nhân loại này vì những chủ thuyết độc đoán đã cưỡng chế tiếng nói của lương tâm bằng mọi cách, từ những cám dỗ du nịnh, đến những biện pháp bạo lực làm sai lệch, suy yếu thậm chí hủy diệt tiếng nói lương tâm trước mọi vấn đề của đời sống. Cụ thể trong thời hiện đại người ta coi việc hủy diệt hàng loạt thai nhi, việc bênh vực được an tử như là quyền của con người!

2.    “Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người”. Thánh Phaolô khi khẳng định điều này Ngài muốn chúng ta nhìn nhận Đức Giêsu là sự viên mãn của Lề Luật. Cũng như thánh Gioan tác giả Tin Mừng cũng nói “Lời đã thành xác phàm” để từ nay những ai tin vào Đức Giêsu và nên một với Người là đã chu toàn mọi lề luật. Trong quan điểm ấy, Thánh Phaolô tiếp tục khai triển mầu nhiệm Đức Giêsu “Người là đầu thân thể tức là Hội Thánh, là nguyên thủy và là trưởng tử giữa kẻ chết”. Với quyền Giáo Huấn nhận lãnh từ Đức Giêsu, Giáo Hội sẽ tiếp tục là hiện thân của Lề Luật giữa thế gian. Giáo Hội sẽ soi rọi và hướng dẫn lương tâm con người, và Giáo Hội trở thành Muối Men và Ánh Sáng cho đời. Nơi thân thể mầu nhiệm này của Đức Kitô “Thiên Chúa giao hòa vạn vật nhờ Người và vì Người…và ban hòa bình trên trời dưới đất”.

3.    “Ai là người anh em của tôi”. Câu hỏi của người luật sỹ là cơ hội quý báu để Đức Giêsu nói lên tính cách mới mẻ của Lề Luật mà Người muốn loan báo: Lề Luật là những mối dây chính trực liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong thực tế nơi xã hội loài người luôn tồn tại một cặp mâu thuẫn, đối kháng và loại trừ : bạn hữu và kẻ thù. Với Đức Giêsu và trong người không tồn tại cặp mâu thuẫn ấy nữa. Người Samaritanô nhân hậu là chính hình ảnh của Ngài. Với ông, người Do Thái bị hoạn nạn không còn là kẻ thù, trong khi với người luật sỹ và người tư tế thì người bị hoạn nạn này lại là đồ dơ uế phải tránh xa! Ngày nay không ít người tự xưng mình là linh mục, là tín hữu vẫn còn mang trong tâm tư họ những kẻ thù không thể đối thoại, không thể giác ngộ! Theo Chúa Giêsu, người anh em của tôi chính là người tôi muốn yêu thương và cứu giúp, dù họ là ai. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh, trong mầu nhiệm Thánh Giá của Chúa Giêsu thì không còn Do Thái hay dân ngoại, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ…vì Người đã chết cho mọi người.

 

Và Chúa Giêsu bảo mỗi người chúng ta “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Lm. Giuse Bảo Lộc