LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Lời Chúa hôm nay tiếp tục giúp chúng ta thấy rõ hơn chân dung của 2 con người : Con Người Đức Giêsu Kitô và người kia là Giuđa. Chúng ta hãy tìm hiểu về Giuđa, nhân vật phản diện trong hàng ngũ môn đệ thân tín của Chúa. Có thể áp dụng lời tiên tri Isaia Giuđa chính là kẻ tranh tụng lôi Chúa ra tòa. Y tranh tụng với Chúa về đường lối cứu độ : y có biệt danh là Iscariốt, vì thuộc nhóm “nhiệt thành”, tin tưởng vào Lời Hứa Đấng Được Xức Dầu để lãnh đạo cuộc giải phóng đất nước khỏi bàn tay thực dân đế quốc Roma. Và vì thấy qua quyền năng và tư cách của Thầy Giêsu chính là Đấng Kitô, nên y chờ đợi ngày Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Vì nhiệt thành như vậy, khi thấy Chúa không quan tâm xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa, y bèn lôi Chúa ra tòa như là cơ hội ép buộc Chúa phải tỏ uy quyền. Cho nên cái giá y ra để nộp Thầy, chỉ là cái giá tượng trưng. Và việc lôi Chúa ra tòa trong thâm ý của y không phải để kết án tử Thầy mình, nhưng chỉ là một sức ép cuối cùng để Thầy phải thi hành sứ mạng của Đấng được Xức Dầu. Chính vì thế khi nghe Chúa nói “Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” y cũng không ngần ngại để hỏi Chúa “Thưa Thầy, có phải con chăng?”. Sau khi thấy Chúa bị kết án, và chấp nhận cái chết, y mới thấy việc nộp Chúa không những không đạt tới điều y muốn, mà còn là căn rễ của bản án bất công, nên y đã ném tiền vào đền thờ và đi tự vẫn.

Không biết ngày nay, những người mệnh danh là Kitô hữu nhiệt thành muốn cải cách Giáo Hội, muốn Giáo Hội phải can đảm để lên tiếng và lãnh đạo những phong trào phản kháng những cơ chế bất công xã hội, bằng cũng một cách thức như Giuđa “nộp Mẹ mình” là Giáo Hội cho các Tòa án đạo cũng như đời, họ có nghĩ đến những hậu quả do sự sai lầm trong quan điểm Cứu Độ như Giuđa đã lầm hay không? Chúng ta đã thấy sự quyến rũ của Thần Học Giải Phóng một thời, chúng ta cũng thấy sự quyến rũ của những đấu tranh cho Công Lý và Sự Thật gần đây ở đất nước này mà hậu quả là những “những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ” như Isaia đã nói.

Trong khi đó chân dung chân thực về Đấng Xức Dầu đã được Isaia mô tả đặc biệt trong đoạn sách hôm nay: “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày.” Một khuôn mặt đã được Chúa Giêsu diễn tả trong suốt cuộc đời Người. Và cách riêng trong đoạn Tin Mừng hôm nay “Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ” : một thái độ chấp nhận mọi đau đớn trong “Giờ” của Người một cách đầy tin yêu nơi Chúa Cha. Đó chính là giờ cứu độ, cũng là giờ hoàn tất sứ vụ của Đấng được xức dầu. Giờ ấy được đánh dấu ở điểm xuất phát là “sự phản bội” : “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”, và đó chính là nỗi đau đớn và nhục nhã nhất khiến thánh Gioan khi tường thuật giờ xuất phát này đã phải viết “Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy."”Thế nhưng Chúa vẫn đón nhận “Giờ” ấy như là khởi điểm của sự tôn vinh “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”. Và đấy cũng là quan điểm cứu độ chân thực của Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa.

 

Lm. Giuse Bảo Lộc