Từ phía Cộng đoàn (II)

 

2.- Lễ Hôn Phối.

 

                 Chờ cho mọi người tham dự, bà con hai bên gia đình, ổn định trong các dãy ghế đối diện với cung thánh, linh mục chủ sự bắt đầu lên tiếng, không phải bằng việc làm dấu thánh giá ngay như thông lệ, mà vì trong lễ hôn phối hôm nay, chú rể là một tân tòng, nên ngài đã dùng những lời sau đây để thưa với cộng đoàn :

                    " Kính thưa anh chị em, kính thưa qúi bà con trong hai gia đình, cách riêng kính thưa cha mẹ và những người thân của chú rể lần đầu tiên đặt chân đến ngôi nhà thờ này, chúng ta qui tụ nơi đây để cùng với đôi bạn trẻ cầu xin Ơn Trên ban phúc lành cho cuộc hôn nhân mà họ sắp cử hành. Dầu chúng ta không chia sẻ cùng một niềm tin, nhưng vì tất cả chúng ta ai nấy đều mong ước cho đôi bạn trẻ được hạnh phúc trong cuộc sống mà họ chuẩn bị bước vào, và vì là người Việt-nam, chúng ta tất cả đều tin vào Ông Trời, một Đấng thiêng liêng cao cả mà người Công giáo gọi là Thiên Chúa, do đó, tôi xin mời gọi mọi người sốt sắng tham dự những nghi thức sắp sửa diễn ra nơi đây…"

                   Tiếp theo là phần mở đầu thánh lễ và phần phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất do cô dâu công bố trích từ sách Tôbia, thuật lại lời cầu nguyện của chú rể Tôbia và cô dâu Sara trong đêm tân hôn. Trong bài giảng lễ, linh mục chủ sự đã dành phần đầu để nói với gia đình bên nhà trai, với những lời như sau :

                    " Kính thưa Ông Bà …, xin hãy nhận qua tôi lời cám ơn của Hội Thánh Công Giáo, vì Ông Bà đã tin tưởng và quảng đại cho phép con trai của mình theo đạo, trở thành người công giáo. Có lẽ Ông Bà đã phần nào hiểu rằng, dầu đi theo Chúa, anh … không những không xa rời gia đình về mặt tâm linh và tình cảm, mà trái lại còn gần gũi nhiều hơn nữa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình… vì một trong những điều răn quan trọng của Chúa là thảo kính cha mẹ; đó là đạo hiếu. Điều răn này không phải là cái gì mới mẻ hay do con người mới thêm vào, nhưng đã được ghi lại trong Kinh Thánh từ nhiều ngàn năm về trước… "

                   Với đôi tân hôn, ngài nói thêm sau khi đã quảng diễn các bài đọc Lời Chúa :

                   " Anh chị … thân mến, cầu chúc anh chị luôn được sự che chở đầy yêu thương của gia đình đôi bên. Sự che chở này sẽ rất cần  cho anh chị trong những cơn mưa bão hay những ngày nắng gắt của đời sống hôn nhân gia đình…"

                   Tham dự một thánh lễ có cử hành bí tích hôn phối, mà được nghe những lời phát biểu ấm áp như thế của linh mục chủ sự, chắc mọi người đều cảm nhận được vẽ đẹp của hôn nhân công giáo. Riêng đối với gia đình của người tân tòng, làm sao họ không có cảm tình với đạo, khi thấy rằng họ được tôn trọng ngay trong một nhà thờ công giáo. Người viết bài này đã có dịp trao đổi với bạn bè về thánh lễ được tham dự, và chia sẻ với họ những cảm nghĩ của mình. Có người đã nói :

                   "Phải chi các đấng ý thức được ảnh hưởng của phong cách, thái độ, lời nói của mình trong những cử hành phụng vụ, đối với cộng đoàn, nhất là đối với những đối tượng trẻ…Nhân bàn đến lễ hôn phối, mình xin kể câu chuyện sau đây. Cũng là chuyện về một lễ hôn phối. Ngoài sự khó chịu mà vị linh mục chủ sự đã gây ra cho mình - và có lẽ cho nhiều người khác có mặt hôm đó - khi ngài máy móc đọc những công thức in sẵn trong sách nghi lễ, không hề chú ý đến cộng đoàn, đến bà con cô bác hai họ - điều làm cho mình dị ứng là bài giảng lễ. Sau khi công bố Tin Mừng, ngài nói ngay : 'Nhà thơ … đã viết một bài rất hay về tình yêu hôn nhân…'.Rồi ngài đọc (may mà ngài không ngâm !) bài thơ đó, một bài thơ khá dài, ít nhất cũng đến 20 câu (khen ngài có trí nhớ thật tốt!). Đọc xong, ngài dùng các ý của bài thơ đó để khuyên nhủ đôi tân hôn. Và chỉ trước khi kết thúc bài giảng, ngài mới nhắc sơ đến lời dạy trong Kinh Thánh. Điều làm mình khó chịu trước hết là hình như đối với ngài, bài thơ kia có giá trị hơn Lời Chúa đã được công bố qua các bài đọc. Mình càng khó chịu vì ngài đã đọc bài thơ đó (của một thi sĩ ngoại đạo) ngay tại bục giảng là nơi chỉ dành cho việc công bố Lời Chúa. Phải chăng ngài nghĩ rằng như thế là hợp thời, là "chịu chơi".?

                   Đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, hay đúng hơn, để dâng lễ, ai cũng muốn cho tâm hồn mình được bình an. Sự bình an đó, ngoài việc cầu nguyện, người tín hữu còn chờ đợi cung cách cử hành thánh lễ và lời giảng dạy của vị chủ tế sẽ mang lại cho tâm hồn họ. Tại sao điều này lại lệ thuộc vào cá tính của người linh mục, mà không phải là do quá trình đào tạo mà người linh mục đã trải qua trong nhiều năm và còn được đón nhận trong những dịp thường huấn hay tĩnh tâm ?