TỪ  PHÍA  CỘNG  ĐOÀN  (III)

 

                 3.- Lễ Hôn Phối - Lần trước (TPCĐ- II) người viết đã thuật lại việc một vị LM  đã đọc một bài thơ dài của một thi sĩ ngoại đạo sau khi công bố Lời Chúa (Tin Mừng) và dùng lời lẽ của bài thơ đó để giảng về tình yêu và hôn nhân cho đôi tân hôn. Việc làm đó đã gây sốc không ít cho cộng đoàn. Người viết còn nghe kể thêm rằng, một người bạn của vị LM sau đó góp ý với ngài thì đã bị ngài cho "nghỉ chơi" luôn! Thật tội nghiệp cho cả hai người !

                 Nay xin được kể một trường hợp khác. Trong lễ hôn phối hôm đó, chú rể là em của một LM, nên vị này đã xin được làm chứng hôn. Sẽ không có gì đáng nói nếu ngài đã không dùng bục giảng để tâm sự "chuyện nhà" với em trai và em dâu. Linh mục dùng hình ảnh "5 anh em trên một chiếc xe tăng" để nói về "5 anh em chúng mình" (vị LM này có 5 anh em cả trai lẫn gái).

                 Từ phía cộng đoàn, nhiều người xầm xì, tỏ vẻ khó chịu, thấy rằng sự hiện diện của mình trở nên thừa thãi.

                 Một điều lạ là trường hợp trên đây không phải là hiếm. Trong một lễ hôn phối khác, LM chứng hôn, cũng là người anh, không phải của chú rể mà của cô dâu. Ngài cũng dành hơn nửa bài giảng để "tâm sự " với hai em của mình, trước sự ngạc nhiên pha lẫn bực bội của cộng đoàn.

                 Theo thiển ý, những lời dặn dò mang tính thân mật riêng tư chỉ nên được nói ở nhà, còn tại nhà thờ, trước mặt cộng đoàn, linh mục là của mọi người, và những lời khuyên bảo của  ngài là dành cho tất cả, cho đôi tân hôn cũng như cho những người đang sống trong bậc vợ chồng hiện diện trong buổi lễ.

                 Tiếp theo những gì vừa nói ở trên, người viết xin chia sẻ thêm cảm nghĩ của mình về một bài giảng lễ hôn phối … mà nhiều người sau đó đã cho là "kỳ cục" ! Bài Tin Mừng được chọn hôm đó thuật lại tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11). Thánh Gioan cho biết rằng Đức Maria, Đức Giêsu và các môn đệ của Người đã được mời dự tiệc. Và sự gì đã xảy ra thì chắc tất cả chúng ta đều biết : Đức Giêsu đã làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ngon để giải tỏa nỗi lo lắng của chủ tiệc khi thấy thiếu rượu. Chính Đức Maria đã can thiệp và, mặc dầu Đức Giêsu nói rằng giờ của Người chưa đến, nhưng Đức Maria tin vào quyền năng và lòng nhân hậu của Con mình nên đã nói với gia nhân hãy làm theo lời Đức Giêsu bảo.Trong các môn đệ đi theo Đức Giêsu hôm đó, chắc chắn không ai biết rằng hôn gia đang thiếu rượu; họ lại càng không biết Đức Giêsu sẽ làm gì vì đây là "dấu lạ đầu tiên " (Ga 2, 11) Người đã làm. Vậy mà vị LM kia đã hùng hồn giảng rằng, khi thấy hôn gia thiếu rượu, Đức Maria và các môn đệ biết rằng thế nào Đức Giêsu cũng sẽ làm phép lạ để tỏ tình thương của Người đối với đôi tân hôn. Vị LM đó còn khuyên cộng đoàn hãy noi gương Đức Maria và các môn đệ mà biết quan tâm giúp đỡ tha nhân khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Đây không phải là chuyện "bới lông tìm vết" hay  "vạch lá tìm sâu" - vì đôi khi sự tôn kính các đấng các bậc có thể làm cho người này người khác không hài lòng khi ai đó "dám" có nhận xét không thuận lợi về một bài giảng lễ - nhưng đây là một vấn đề liên quan đến ý nghĩa của Kinh Thánh, đến niềm tin của người kitô hữu, không lẽ nào một người có nhiệm vụ rao giảng chân lý lại không quán triệt những điều mình phải truyền đạt ?

                 Trừ khi đến nhà thờ với một thái độ miễn cưỡng như thể để trả một món nợ - do đó mà không chú ý theo dõi những gì diễn ra trên cung thánh, trước mặt cộng đoàn, hoặc không để tâm lắng nghe công bố Lời Chúa và bài giảng lễ của LM chủ sự - những ai sốt sắng tham dự thánh lễ thì luôn ước ao được thông phần vào việc cử hành mầu nhiệm thánh thông qua những cử chỉ, lời nói của vị chủ tế - vì vậy mà có thể dễ bị tổn thương nếu những cử chỉ và lời nói đó không đủ sức thuyết phục và không làm cho tâm hồn họ được nâng lên.

                 Ước gì mỗi khi tiến ra bàn thờ để cử hành thánh lễ, LM ý thức rằng, từ phía cộng đoàn, người giáo dân đang chờ đợi được ban phát những món ăn ngon ngọt nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, qua miệng và qua bàn tay của ngài.  

 

                 DU-TRƯỜNG                                                                                       (Còn tiếp)