Bước vào đền thờ Chúa giáng sinh

Khách hành hương đi tìm dấu vết cuộc đời Chúa Giêsu đã sinh sống cách đây hơn hai ngàn năm ở bên đất thánh nước Do Thái, ai cũng mong muốn tìm đến viếng nơi chốn lịch sử chỗ Ngài đã sinh ra.

Theo sử sách phúc âm ghi chép lại, Chúa Giesu sinh ra ở Bethlehem trong một hang động dành cho thú vật trú ngụ ngoài cánh đồng (Lc 2,1-20).Nhưng ngày nay khi đến nơi đó không thấy còn là một cánh đồng nữa, mà là đền thờ Chúa giáng sinh xây từ thế kỷ 4.. Và ngôi đền thờ cũ cổ kính này cũng đã bị phá hủy rồi lại được xây cất lại, hay sửa sang nới rộng nhiều lần trong dòng thời gian suốt dọc 14 thế kỷ.

Ngôi đền thờ có cổng chính vào cao rộng hơn 05 mét rưỡi. Nhưng cổng này bây giờ bị xây lấp kín lại. Và chỉ còn chừa một lối đi bên cạnh thấp cùng chật hẹp vừa lọt cho một người đi qua vào bên trong đền thờ. Lối đi chật hẹp này cao chừng 1,30 mét. Nên khi vào người đi phải uốn gập lưng cúi hạ thấp mình xuống gần như chui vào bên trong hang động.

Lối đi vào nhỏ hẹp này được xây như thế để bảo vệ đền thờ không bị đột nhập phá hủy, xâm chiếm, như đã nhiều lần xảy ra trong qúa khứ, cùng là để ngăn cản không cho người ta vui chơi cỡi ngựa thi phi phóng vào trong đền thờ qua lối cổng cao rộng. Vì đền thờ nằm trên vùng đất của người Hồi giáo Palestina và đàng trứơc mặt tiền đền thờ là một công trường rất rộng cho các sinh hoạt công cộng.

Cửa lối vào đền thờ Chúa giáng sinh chật hẹp nói lên tâm tình đạo đức thâm sâu hơn nữa: Ai muốn vào nơi Chúa Giesu sinh ra, phải cúi mình xuống, như Chúa Giesu cũng đã từ trời cao hạ mình sinh xuống trần gian. Bước vào đền thờ Chúa phải xuống ngựa mà đi bộ vào, để tỏ lòng tôn kính Chúa, Đấng cũng từ trời cao hạ mình xuống đi vào trần gian.

Nếu con người muốn tìm gặp Thiên Chúa nơi Hài nhi Giesu sinh ra làm người, họ phải bước xuống ra khỏi mức độ cao sang của trí khôn mà họ đã có công nghiên cứu tìm hiểu.

Muốn hiểu cùng cảm nhận được tại sao Thiên Chúa lại hạ mình xuống trần gian làm người, con người phải cởi bỏ sang một bên những định kiến chắc chắn, những sai trái, cùng niềm tự kiêu, hãnh diện thông thái của trí khôn. Vì những điều này cản trở ta đến gần để nhìn thấy Thiên Chúa.

Bước vào đền thờ Chúa giáng sinh bên Bethlehem, hay đến kính viếng hang đá Chúa giáng sinh, ta phải cúi hạ thấp mình xuống, có thể nói, đó là cung cách đi bộ tâm linh, để có thể bước qua cổng đức tin vào gặp Chúa. Trong đó chúng ta gặp được một Thiên Chúa hoàn toàn khác với suy nghĩ của con người. Nơi đó chúng ta gặp thấy sự khiêm nhường ẩn hiện nơi hài nhi Giesu sơ sinh nằm trong nôi máng cỏ cho súc vật ăn.

Ngày xưa khi Chúa Giesu sinh ra trong hang chuồng thú vật , các Mục đồng đến thăm viếng hài nhi cũng phải cúi mình chui đi vào bên trong gặp hài nhi Giesu.

Rồi các nhà thông thái ba Vua khi đến viếng Hài nhi Giesu, họ cũng phải xuống khỏi lưng lạc đà cao nghêu ngao chở họ tới; họ cũng đã bỏ lại bên ngoài hang đá những nghiên cứu thông hiểu của họ về thiên văn, về địa lý. Nhờ thế họ đã tới gần Hài nhi Giesu, Đấng là Thiên Chúa làm người nơi một trẻ sơ sinh.

Thánh Phanxico khó khăn năm 1223 theo tường thuật trong phúc âm đã xây dựng làm ra hang đá Chúa Giesu giáng sinh ở Greccio. Hang đá do Thánh Phanxico xây dựng làm ra để mừng kính lễ Chúa giáng sinh có những con bò, con lừa và một máng đựng thức ăn cỏ khô cho thú vật. Trên máng cỏ này hài nhi Giesu được đặt nằm sau khi sinh ra làm người trên trần gian.

Khung cảnh này là một khía cạnh mới diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa giáng sinh làm người rõ nét. Đó là sự đơn giản khiêm nhường của Thiên Chúa sinh xuống làm người sống giữa con người.

Thánh Phanxico và anh em trong Dòng của Ngài khi xây dựng hang đá Chúa giáng sinh, họ đã gặp gỡ được sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Và chính họ khi kính viếng cũng phải cúi sâu mình xuống chỗ máng cỏ Hài Nhi Giesu nằm trên nền đất.

Qua cung cách nếp sống thành kính đạo đức đó họ có được niềm vui cho tâm hồn. Vì lòng khiêm nhượng và lòng nhân lành của Chúa đánh động bao phủ tâm trí họ. Và do đó đã trở thành một lễ mừng lớn lao cho trái tim tâm hồn con người.

Mừng lễ Chúa Giáng sinh làm người

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long (songductin.de)

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư