Vài Suy Nghĩ Nhân Biến Cố 11.9.2001

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô (nguoitinhuu.org)

Có lẽ cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ là biến cố trầm trọng nhất trong năm 2001 và đã trở thành điểm qui chiếu số một khi ta nhìn lại năm cũ. Tác động của nó thật vô cùng to lớn trên mọi bình diện kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa, cả luân lý và tôn giáo nữa.

Dịp đầu năm, tôi xin chia sẽ vài suy nghĩ nhân biến cố này từ cái nhìn của một người tôn giáo.

Mong Manh

Ai cũng biết cuộc đời là mong manh, mọi sự ở đời là tương đối, nhưng đó mới chỉ ở bình diện nhận thức, ít khi người ta đi tới bình diện cảm nghiệm mà thôi. Cuộc sống hằng ngày với bao công việc, bao lo toan, những mối quan hệ, những cuộc tiếp xúc..., chưa nói tới những tham vọng, những đam mê và những cuộc vui chơi, giải trí, tất cả đều giữ ta lại ở "bên ngoài" hơn là đưa ta đối diện với chính mình, đi sâu vào bên trong tâm hồn để chiêm nghiệm về mình, về cuộc đời, về giá trị mọi sự. Mà hình như tự nhiên con người không thích làm điều đó, họ thường tìm cách lẩn tránh nó bởi mối cảm nghiệm nội tâm này có thể đặt vấn đề về những bận tâm bên ngoài kia: chúng có đáng giá thật không? Có cái gì quan trọng hơn nữa không? v.v.

Nhưng có những lúc ta không thể lẩn tránh được nữa. Cuộc khủng bố ngày 11.9 chính là một thời điểm như thế đối với hàng triệu người trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ.

Khi những chiếc máy bay của bọn khủng bố đâm nhào vào tháp đôi của Trung tâm Thương mại ngạo nghễ ở Nữu Ước và vào toà kiên cố của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington, biến những biểu tượng sức mạnh của cường quốc số một thế giới này trong phút chốc thành một đống đổ nát và cướp đi mạng sống của hàng ngàn con người, thì khó có ai chứng kiến cảnh tượng đó, dù là gián tiếp qua hình ảnh tường thuật, mà không bàng hoàng và, sau khi "hoàn hồn", không cảm thấy sự đời sao mà "mong manh như sợi tơ vàng"! Chắc chắn nhiều người đã trải qua tâm trạng của kẻ bao năm lao thân khổ trí, khó nhọc làm ăn, sáng tạo cơ đồ, nhưng chỉ qua một đêm "bừng con mắt dậy bỗng thấy mình tay không". Và như khi xem một cuốn phim, ta đồng hoá mình với nhân vật trên màn ảnh, chắc chắn rất nhiều người đã cảm nghiệm tai họa xảy ra đó là như xảy đến cho chính mình... 

Chính vì thế mà báo chí nhận xét rằng sau biến cố 11.9 người ta quay về với những giá trị truyền thống nhiều hơn, chẳng hạn gia đình, tình bạn, tôn giáo. Tôi đọc trên báo Người Lao Ðộng mới đây một bài mang tựa đề: "Ðàn ông Mỹ muốn dành nhiều thời giờ chăm sóc con". Dựa theo báo USA Today của Mỹ, bài báo viết: "Tại Mỹ ngày càng có nhiều cán bộ quản lý nam muốn dành nhiều thời giờ hơn cho con cái. Họ không hài lòng khi đi làm về vào lúc chúng bắt đầu đi ngủ. Họ muốn ở nhà nhiều hơn để bồng bế, tắm táp hoặc kể chuyện cho con nghe&" Sau đây là một trong ba trường hợp điển hình mà bài báo kể lại. Martin Murrell trước kia làm việc cả tuần trong cương vị cố vấn cho một ngân hàng lớn tại Philadelphia; anh chỉ đáp xe lửa về Washington thăm vợ con vào mỗi tối thứ ba và lại đi làm sáng thứ tư; bây giờ anh chọn công việc mới, cho phép anh có mặt tại nhà lúc 7 giờ chiều để tắm và ru ngủ cho bé Alexander, 1 tuổi."

Bài của báo Người Lao Ðộng không nói rõ tình hình trên xảy ra lúc nào nhưng so sánh với những bài tôi đã đọc trên Internet gần đây thì đó là hiện tượng phổ biến kể từ sau cuộc khủng bố.

Cơ May Cho Tôn Giáo?

Một trong các bài đó tập trung nói về tình hình tôn giáo sau biến cố 11.9. Tờ Wall Street Journal ghi nhận rằng số người quan tâm theo dõi các chương trình tôn giáo trên Truyền hình Mỹ đã tăng lên vùn vụt. Những cuộc thăm dò còn cho thấy số người đi nhà thờ cũng tăng lên nhiều. Chẳng hạn ở Anh: Tại nhà thờ chính toà Winchester, con số tăng là 60%. Việc đọc kinh tại các nơi công cộng, kể cả các cơ sở như trường học, hội đồng thành phố, cơ quan lập ở Hoa Kỳ cũng vậy. Nói chung, người ta quan tâm hơn đến tôn giáo. "Ngay cả một số người vô thần hình như cũng đã tìm thấy Thiên Chúa", bài báo viết.

Tình hình này có bền vững không? Ðối với nhiều người, tình cảm tôn giáo này có thể chỉ là hời hợt, nhất thời, không bám rễ sâu. Trong lúc hoạn nạn, họ chạy tới Thiên Chúa như một chỗ nương tựa, nhưng khi tình hình yên ổn trở lại bình thường, họ sẽ hết thấy nhu cầu về tôn giáo. Cũng giống như nguời kia, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, bổng nhiên trở nên đạo đức khác thường, nhưng rồi thời gian đã cho thấy rằng đó chỉ là ngọn lửa rơm bùng lên thật mau nhưng tàn lụi cũng rất lẹ. Nhưng đối với nhiều người khác cuộc "hoán cải" chắc sẽ là quyết định. Tai họa của ngày 11.9 đã là một cú chốc mạnh bắt họ hồi tâm lại, đối diện với những vấn đề hệ trọng nhất và sắp xếp lại trật tự cho cuộc sống mình. Ðôi khi ta cần tới những chấn động thật mạnh để có thể lấy những quyết định đúng đắn và hệ trọng vì chỉ có chúng mới lung lay nổi cái trật tự giả dối hoặc tạm bợ mà ta tự tạo ra và bám riết vào.

Không có gì sai khi nói rằng tôn giáo có một chức năng an ủi, nâng đỡ con người yếu đuối và mỏng dòn. Yếu đuối mỏng dòn về phần xác (bệnh tật, già cả, chết), yếu đuối mỏng dòn về tinh thần và luân lý (như sai lầm, tội lỗi, ý chí hay thay đổi, khó khăn và thậm chí lắm khi bất lực để làm điều hay lẽ phải). Nếu con người là Thiên Chúa, là Ðấng Tuyệt Ðối nghĩa là Ðấng tự tại, tự túc, sung mãn, tòan năng, toàn thiện thì chẳng cần tôn giáo. Nhưng không thể một cách lô-gich dựa vào đó để kết luận rằng chính sự bất lực và ngu dốt sinh ra tôn giáo. Dốt nát và yếu đuối không đương nhiên buộc con người phải tưởng tượng ra ra một Ðấng mà họ phải hạ mình xuống mà bái phục. Nói rằng con người muốn sự hoàn thiện và tuyệt đối nhưng không đạt được nên mới phóng niềm khao khát của mình vào một "hữu thể" mà họ gọi là Thiên Chúa hay một tên nào khác tương tự, nói như thế cũng chưa ổn, vì vấn đề là: do đâu con người hữu hạn, bất toàn mà lại có khát vọng về cái vô biên và toàn thiện như thế?

Hồi đầu giải phóng, trong một cuộc hội thảo về tôn giáo tại Tp Hồ Chí Minh, khi tôi hỏi một cán bộ theo ông thì tôn giáo còn tồn tại đến khi nào, ông đã trả lời: "Chừng nào mưu sự tại nhân mà chưa thành sự tại nhân thì vẫn còn tôn giáo". Có lẽ trong ý ông cán bộ, tôn giáo có là để bù đắp vào sự bất lực của con người. Câu trả lời hoàn toàn là "cổ điển" đối với quan điểm mác-xít. Nhưng tôi lại cho rằng đó là một sự "thú nhận" rất có ý nghĩa. Như thế là một cách nhìn nhận rằng tôn giáo tồn tại mãi mãi, bởi vì con người đã và sẽ chẳng bao giờ "làm chủ" được mọi sự để mà "làm cho thành sự" tất cả mọi mưu tính của mình, từ chuyện to lớn đến chuyện rất tầm thường. Một thí dụ nhỏ. Tôi chuẩn bị đi chơi với bạn bè, đùng một cái trời đổ mưa như trút, thế là phải thay đổi chương trình. Chúng tôi quyết định tổ chức chơi ở nhà. Ðang vui vẻ thì một bạn chạy trên cầu thang xuống vấp té gãy tay, thế là cuộc chơi phải bỏ dở... Người Công Giáo cho rằng con người có khát vọng tự nhiên về Thiên Chúa, nghĩa là khát vọng đó nằm ngay trong bản tính của họ, một bản tính thiêng liêng và hữu hạn. Chính sự hiện diện của khát vọng vô biên trong một bản tính hữu hạn là một dấu hiệu về Thiên Chúa, Ðấng Tuyệt Ðối.

Lỗi Tại Tôn Giáo?

Thảm họa ngày 11.9 là do một nhóm người tôn giáo cực đoan gây nên. Không những họ không hối hận lại còn hãnh diện về nó. Vì cớ đó, ở Châu Âu một số người đã cho rằng chính tôn giáo sinh ra bạo lực khi tạo nên thần thánh. Vì tin thần thánh sẽ thưởng công cho mình nên người tín đồ mới dám đánh bom cảm tử như thế! 

Lập luận này thật kỳ lạ. Không phải vì có người nhân danh một điều tốt để phạm tội ác mà ta có quyền kết luận chính điều tốt kia là nguyên nhân gây nên tội. Ðàng khác, tại sao không nhắc tới vô vàn điều tốt lành mà tôn giáo, người tôn giáo đã đem lại cho các dân tộc, cho loài người? Sau hết, cần phải phân biệt thiểu số Hồi Giáo cuồng tín với tuyệt đại đa số tín đồ Ðạo Hồi.

Một chuyên gia người Pháp, sau khi nghiên cứu các cuộc xung đột trong lịch sử, đã tìm thấy 4 nguyên nhân là: lãnh thổ, giàu có, căn tính và quyền lực. Khi được hỏi về yếu tố tôn giáo, ông ta trả lời: "Chỉ một mình tôn giáo mà thôi sẽ không giải thích được nguyên nhân của một cuộc chiến tranh. Những cuộc mà người ta gọi là 'chiến tranh tôn giáo' lắm khi chẳng có gì khác hơn là những cuộc chiến tranh dành quyền lực. Ðó là trường hợp Algérie trong những năm gần đây. Ðó cũng là trường hợp Indonesia. Trong nước Yugoslavia trước đây, cuộc chiến giữa công giáo, chính thống giáo và hồi giáo không có mục tiêu bắt đối phương theo đạo mình, nhưng là chiếm được lãnh thổ của họ. Cũng mục tiêu đó thúc đẩy người hindu và người hồi giáo đánh nhau tại Cachemir. Nếu ngay từ thời chia cắt năm 1947, các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ và Pakistan đã tìm được cách ký kết một hiệp ước hoà bình, thì ngày nay người ta đâu còn phải bảo đó là một chiến tranh tôn giáo. Thay vì làm điều đó, chính quyền hai nước đã tạo ra những tên bảo thủ quá khích. Họ đã bóp méo tôn giáo, đã biến nó thành một công cụ để xử dụng như một nhãn hiệu và như một lá cờ. Tôi cũng tự hỏi phải chăng hiện tượng djihad (thánh chiến) rồi đây sẽ lan sang Cachemir". (Theo báo Actualité des Religions, Janvier 2002).

Chính vì có những ngươi coi tôn giáo là nguyên nhân gây nên xung đột mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời đại diện các tôn giáo đến cầu nguyện tại Assisi, quê hương thánh Phanxicô và nêu cao ý chí xây dựng hoà bình. Ðã có khoảng 300 vị ghi tên tham dự ngày cầu nguyện này, đông hơn lần thứ nhất, năm 1986. Ngài mong muốn rằng sự kiện lịch sử này sẽ công bố một cách rõ ràng rằng không ai được phép nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Ðấng Tối Cao để chém giết kẻ khác.

Tất nhiên chúng ta không thể biện minh cho một tội ác dựa vào những hậu quả tích cực mà nó có thể mang lại, nhưng trong khi vẫn lên án cuộc khủng bố ngày 11.9, chúng ta phải nhìn nhận tác động tốt lành gián tiếp của nó đối với thế giới trên một số mặt trong đó có mặt tôn giáo.