TÔI CHỌN GIÊSU

 

Xét về chiều kích hiện hữu và ơn gọi của mỗi người, chúng ta có thể khẳng định rằng: Thiên Chúa cho tôi hiện hữu và đặt tôi vào một vị thế trong kế hoạch yêu thương của Người. Thật thế, thánh Phaolô đã khẳng định: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ…” (Ep 1,4a) Và ở một chỗ khác, thánh Gioan đã viết: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” (Ga 15,16a) Có thể nói, việc chọn lựa của Thiên Chúa dành cho mỗi người là điều thiện hảo và hữu ích. Phần còn lại là tùy thuộc chúng ta. Xét theo chiều kích hiện sinh, tôi tự do chọn lựa: chọn Chúa hay khước từ Ngài. Đó cũng là định mệnh của đời tôi.

Có một sự dứt khoát trong việc: tôi chọn Giêsu. Đồng thời, trong mỗi khoảnh khắc cuộc sống, tôi lại phân định và lựa chọn: Chúa hay tạo vật của Người. Chính khi có sự sai sót trong việc phân định mà tôi vẫn còn sa sẩy, vì tôi chọn tạo vật của Người hơn là chính Người. Mỗi kinh nghiệm thất bại của tôi là một lời khước từ tình yêu của Chúa.

Trong lãnh vực này, những năm tù của ĐHY Phanxicô Thuận sẽ là một bài học cho chúng ta. Có thể nói, một trong những kinh nghiệm thiêng liêng quí báu mà ngài đã trải qua trong 13 năm tù là: chọn Chúa hơn là việc Chúa.

Đối với ngài, việc Chúa là những bổn phận liên quan đến Giáo phận và Giáo Hội với tư cách là một Giám Mục. Với sức năng động của vị mục tử trẻ, ngài có những dự phóng lớn lao để Giáo phận có thể phát triển vững mạnh từ việc tổ chức cơ cấu trong Giáo phận đến việc đào tạo các linh mục, tu sĩ trong quyền hạn của mình. Đó là những định hướng đang được hình thành trong Giáo phận. Còn ở cấp độ Giáo Hội hoàn vũ, ngài cũng được Hội Đồng Giám Mục Á Châu tín nhiệm mời gọi hợp tác. Cụ thể, một trong những thành quả đạt được cho đến ngày nay là sự có mặt của đài Chân Lý Á Châu. Với tầm ảnh hưởng lớn lao như thế, ngài cảm nhận được sự chúc lành của Chúa. Thế nhưng, ý Chúa lại khác. Ngài bị đưa vào tù để thanh luyện 13 năm. Ngài tâm sự: “Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả”.[i]  Và sau đó, ngài nhận ra tất cả những gì mình đang mất chỉ là việc của Chúa. Đồng thời, ngài ý thức lại: mục đích thực sự của đời tận hiến là chọn Chúa và theo Chúa. Mà chọn Chúa là chấp nhận đi vào con đường thanh luyện theo Ý Chúa. Chúng ta cùng nghe lời tâm sự của ngài với người con tinh thần: “Cha chỉ xem đây là một cuộc tĩnh tâm dài để cha tự thanh luyện mình, xác quyết việc chọn Chúa là hơn cả…”[ii] Qua đó, chúng ta rút ra được hai điểm này:

-Chúa có chương trình cho mỗi chúng ta.

-Để chọn Chúa, mỗi người phải trả giá rất đắt qua một biến cố lớn nào đó trong đời: công khai hay tiềm ẩn.

Nếu như ĐHY Phanxicô đã trải qua nhiều năm thanh luyện trong tù (công khai) thì trường hợp của thánh Tôma Aquinô xem ra kín ẩn hơn.

Vào những năm cuối đời, trong lúc đang thực hiện bộ Tổng Luận Thần Học, đồng thời là một giáo sư thần học nổi tiếng, thánh nhân đã quyết định lui vào thinh lặng sống âm thầm với Chúa.

Vị thư ký hỏi ngài lý do, ngài trả lời: tôi coi những gì đã thực hiện như rơm rác vậy. Quả thật, khi đã kinh nghiệm đụng chạm đến Thực Tại, ngài coi tất cả là vô nghĩa. Những gì trước kia được viết ra bằng lý trí và nhận thức của con người nhằm diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa thì một khi đã chứng nghiệm Thực Tại ấy, thánh nhân có lý khi coi những thứ kia là đồ vứt đi. Phùng Phật sát phật là vậy ! Phật viết hoa chính là thực tại còn phật kia chỉ là hình tượng do trí tưởng tượng con người. Qua đó, chúng ta nhận ra việc chọn Chúa của thánh nhân là một cuộc từ bỏ tất cả những gì thuộc phạm vi trần tục.

Qua hai chứng nhân vừa trình bày, chúng ta cần xác định việc chọn Chúa Giêsu là một vấn đề sống còn trong hành trình tâm linh. Còn việc diễn tiến thế nào thì “mỗi thánh mỗi thể”, mỗi người có nét độc đáo riêng. Nhưng không vì thế, chúng ta không thể nhận ra một số điểm chung trong cách hành động của Thánh Thần.

Trước hết, đó là tính hiển nhiên của sự kiện. Qua biến cố ngã ngựa trên đường Đamát của thánh Phaolô hay sự tù đày của ĐHY Phanxicô Thuận, Thiên Chúa chủ động trong việc mặc khải cho đương sự biết ý muốn của Ngài. Hành động này của Thiên Chúa hoàn toàn không tùy thuộc vào tình trạng tội lỗi hay thánh thiện của họ trong quá khứ. Điều này hệ tại tình yêu nhưng không của Ngài, và “giờ của Chúa” đã đến. Những khoảnh khắc, biến cố lớn nhỏ trong đời là cơ hội Ngài tỏ mình, và là giờ Chúa đến viếng thăm tôi. Điều cốt yếu là bạn có nhận ra dấu chỉ của giờ Chúa viếng thăm. Điều này đòi hỏi bạn phải thức tỉnh và sẵn sàng.

Thật vậy, có những người tỉnh và thức mà như kẻ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, đúng như lời cảnh báo của Chúa Giêsu. Vì thế, họ phải cần sẵn sàng và nhạy bén để nhận ra việc Ngài đến trong làn gió hiu hiu (kinh nghiệm của ngôn sứ Êlia). Và ngay cả trong trường hợp tông đồ Giuđa, Chúa Giêsu đã rửa chân và trao tấm bánh cho ông như nghĩa cử yêu thương và trao hiến bản thân cho mình mà ông đã nhận với một tâm hồn bất xứng. Như thế, sự sẵn sàng của bạn phải được bổ sung bằng ý ngay lành. Có thể nói, ý ngay lành là mảnh đất tốt giúp ơn Chúa đậu lại trong tâm hồn.

Về phía Thiên Chúa, giờ của Ngài đã đến và về phía con người, họ đã sẵn sàng với tất cả thiện chí, như thế, đã là điều kiện cần và đủ cho một cuộc chọn lựa dứt khoát theo Chúa Giêsu ? Có thể nói, đây chỉ là bước đầu; họ cần phải trải qua một cuộc thanh luyện. Với thánh Phaolô, ngài phải trải qua ba năm trong sa mạc; còn với ĐHY Phanxicô Thuận, cuộc thanh luyện trong suốt 13 năm tù; hay như thánh Toma Aquinô, ngài phải sống âm thầm trong những năm cuối đời. Các ngài đã bỏ lại tất cả những gì là danh dự, tiếng khen và những trọng vọng của người đời. Quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu (x. Pl 3,13-14). Quả thật, phần thưởng mà người đời dành cho chỉ là thứ chóng qua (thánh Phaolô coi đó là đồ bỏ), còn phần thưởng từ trời cao là chính Thiên Chúa.

Như thế, nếu mỗi cuộc đời của mỗi vị thánh là một cuộc từ bỏ bước theo Đức Kitô thì chúng ta phải hiểu rằng, các ngài từ bỏ không phải chỉ để từ bỏ hay chứng minh nhân đức anh hùng mà để thực hiện một cuộc chọn lựa dứt khoát là chọn Đức Kitô Giêsu.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

 



[i] ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, tr.25.

[ii] Phaolô Phan Văn Hiền, Cha tôi, tr.158.


Mục Lục Thoáng Suy Tư