Thứ Tư Lễ Tro – Ý Nghĩa và Nguồn Gốc

Trong tiếng La-tinh, Thứ Tư lễ Tro được gọi là: Feria quarta cinerum. Ngày Lễ này có nguồn gốc từ thời Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô Cả, và kể từ đó, luôn được Giáo hội Tây Phương cử hành để khai mạc 40 ngày Mùa Chay.

Đặc điểm của Ngày Thứ Tư Lễ Tro là việc làm phép tro, và ngay sau khi được làm phép, tro này liền được dùng để rắc lên đầu các tín hữu theo hình Thánh Giá, hoặc để vẽ trên trán họ cũng theo hình Thánh Giá. Tro được nói tới ở đây thường là tro của những cành lá được sử dụng trong Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước đó: những cành cây hay lá cây đó sẽ được đốt để lấy tro cho Ngày Thứ Tư Lễ Tro này. Việc các tín hữu để cho mình được rắc tro lên đầu hay để cho mình được vẽ hình Thánh Giá trên trán với tro, nói lên tinh thần sám hối và sự khiêm nhượng của họ: Họ nhìn nhận thân phận cát bụi cũng như thân phận tội lỗi của mình.

Còn Mùa Chay, được khai mạc với ngày thứ Tư Lễ Tro nêu trên, chính là sự nhắc nhớ tới 40 ngày mà Chúa Giê-su đã trải qua trong sa mạc để ăn chay và cầu nguyện (Mt 4,2tt), và là một sự chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh.

Các Giáo hội Đông Phương không có ngày Thứ Tư Lễ Tro, vì Mùa Chay của họ bắt đầu từ chiều Chúa Nhật trước Đại Lễ Phục Sinh 7 tuần.

1.Lịch sử ngày thứ Tư Lễ Tro:

Việc sử dụng tro để rắc lên đầu hay phủ lên thân mình nhằm thể hiện sự thống hối đã xuất hiện ngay từ trong thời Cựu Ước.

Sách Giô-na thuật lại rằng: „Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ´Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.` Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro“ (Gn 3,4-6).

Còn sách Đa-ni-en thì ghi lại lời sau đây của Ngôn Sứ Đa-ni-en: „Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu, rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van“ (Đn 9,3).

Sang thời Ki-tô giáo, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, những người nào bị phạt phải thực hiện những hành vi sám hối công khai vì đã phạm phải một hoặc nhiều trọng tội, thì ngay từ đầu Mùa Chay, họ phải mặc trên mình một bộ áo vải thô, hay cũng còn được gọi là bộ quần áo thống hối. Những bộ quần áo này thường được dệt từ vỏ cây gai theo dạng rất thô sơ, giống như những chiếc bao bố. Bên cạnh đó, họ còn phải phủ tro hay rắc tro lên người. Tại Giáo hội Gallia, tức tại Pháp Quốc, dựa vào cảnh tượng A-đam và E-và bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng sau khi phạm tội (St 3tt), vào ngày thứ Tư Lễ Tro, những người mắc trọng tội sẽ tạm bị trục xuất ra khỏi nhà thờ. Và tới ngày thứ Năm Tuần Thánh thì những người đó mới lại được tái đón nhận vào trong nhà thờ, và từ đó mới được phép Rước Lễ.

Khoảng từ cuối thế kỷ thứ X, những tục lệ kể trên mất dần, thay vào đó, người ta tiến hành việc rắc tro lên đầu cho tất cả các tín hữu, trước hết là để thể hiện tình liên đới với các tội nhân sám hối.

Lời nguyện đầu tiên trong nghi thức làm phép tro có nguồn gốc từ thế kỷ XI. Còn quy định phải đốt những cành cây hay cành lá mà chúng được sử dụng trong Chúa Nhật lễ Lá của năm trước đó, để làm tro cho ngày Thứ Tư này, có nguồn gốc từ thế kỷ XII. Tại Công Đồng Benevent (1091), Đức Thánh Cha Urban II đã ra lệnh áp dụng cho toàn Giáo hội nghi thức rắc tro lên đầu các tín hữu.

Ban đầu thì người ta rắc tro theo hình Thánh Giá trên đầu nam giới, còn với nữ giới thì người ta dùng tro để ghi dấu Thánh Giá trên trán họ. Ngày nay, hai hình thức nêu trên không còn phụ thuộc vào giới tính nữa, nhưng tùy vào Thừa Tác Viên thực hiện nghi thức này: Thừa tác viên có thể chọn một trong hai cách. Với việc tham dự nghi thức xức tro, các tín hữu được mời gọi hãy nhớ lại quá khứ của mình và hãy hoán cải (hoán cải theo nguyên ngữ Hy-lạp là: μετάνοια metánoia, có nghĩa là thay đổi cách nghĩ).

Bên cạnh đó, Thứ Tư lễ Tro cũng còn được cử hành như là ngày bế mạc mùa Lễ Hội Hóa Trang. Theo Kinh Thánh, con người sống theo „xác thịt“ sẽ cản trở con người sống theo Thần Khí (xc. Rm 8,5tt). Việc từ bỏ lối sống theo xác thịt trong mùa Chay, mà việc này được thực hiện và được biểu tượng hóa qua việc ăn chay, sẽ giúp con người nhớ tới cuộc sống tinh thần cũng như nhớ về Thiên Chúa. Trong Giáo hội Công giáo, ngày thứ Tư Lễ Tro là một trong hai ngày chay buộc ngặt: các tín hữu phải giữ chay trong ngày này.

2.Phụng Vụ trong Ngày Thứ Tư Lễ Tro:

Theo quy luật, việc xức tro lên đầu các tín hữu sẽ diễn ra trong Thánh Lễ của ngày thứ Tư Lễ Tro. Sau khi kết thúc bài giảng, Linh mục Chủ tế sẽ làm phép tro thông qua một lời nguyện và và thông qua việc rảy Nước Thánh trên tro. Sau đó, Ngài lấy tro đã được làm phép để rắc lên đầu các tín hữu theo hình Thánh Giá, hoặc dùng tro đó để vẽ hình Thánh Giá trên trán họ. Còn các tín hữu thì lần lượt đi lên trước mặt thừa tác viên để được xức tro lên đầu. Trong khi rắc hay cũng còn được gọi là xức tro lên đầu mỗi tín hữu, thừa tác viên sẽ nói: „Hãy nhớ, con chỉ là bụi tro và sẽ trở về cùng bụi tro“ (tiếng La-tinh là: Memento homo, quia pulvis es et in pulverem reverteris) hay „Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng“ (Mc 1,15). Trong khi Thừa Tác Viên xức tro cho các tín hữu thì Ca Đoàn sẽ hát. Phụng Vụ giới thiệu Điệp Ca được trích từ Ge 2,13tt trong sự liên kết với Tv 51, như là Ca Khúc chính thức để hát trong lúc này. Nhưng Phụng Vụ cũng cho phép sử dụng „một ca khúc khác, thích hợp“. Tại Pháp, trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là thế kỷ XVII, người ta luôn chọn điệp ca Attende Domine (Hãy hoán cải) để hát trong lúc này.

Lời Nguyện Tín Hữu sẽ được đọc ngay sau khi kết thúc nghi thức xức tro.

Việc làm phép và xức tro cũng có thể diễn ra bên ngoài Thánh Lễ. Trong trường hợp này, người ta sẽ bắt đầu với phần Phụng Vụ Lời Chúa của ngày Thứ Tư Lễ Tro, kèm theo lời mở đầu và lời tổng nguyện. Sẽ có một Đáp Ca giữa các Bài Đọc, và có thể có một bài chia sẻ Lời Chúa sau bài Tin Mừng. Sau đó vị chủ sự sẽ làm phép tro và xức tro cho các tín hữu. Sau khi xức tro, có thể đọc lời nguyện tín hữu, và tiếp theo là lời nguyện kết thúc và phép lành.

Màu Phụng Vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro là màu tím.

Trong 10 năm tới đây, Ngày thứ Tư Lễ Tro sẽ rơi vào những ngày sau đây:

Năm 2017: ngày mồng 01 tháng 03;

Năm 2018: ngày 14 tháng 02;

Năm 2019: ngày mồng 06 tháng 03;

Năm 2020: ngày 26 tháng 02;

Năm 2021: ngày 17 tháng 02. 17.

Năm 2022: ngày mồng 02 tháng 03;                 

Năm 2023: ngày 22 tháng 02;                           

Năm 2024: ngày 14 tháng 02;                           

Năm 2025: ngày mồng 05 tháng 03;                 

Năm 2026: ngày 18 tháng 02;                  

Năm 2027: ngày mồng 10 tháng 02.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư