CHỨNG SỢ YÊU

Nếu chúng ta hiểu hạnh phúc của con người là yêu và được yêu thì việc ai đó đi tìm hạnh phúc mà mắc phải chứng sợ yêu thì quả là một mâu thuẫn ! Tại sao trong lúc mưu cầu hạnh phúc mà con người lại chạy trốn tình yêu ? Theo các nhà chuyên môn, đây là một dạng bệnh tâm lý cần được chữa trị. Xét ở cấp độ thông thường, ai đang yêu cũng có thể mắc vài khuynh hướng nào đó của chứng sợ yêu, vì thế, việc tìm hiểu vấn đề này luôn là mối quan tâm của những người đang yêu. Nếu không hiểu biết và ý thức thực trạng của mình, việc đổ vỡ trong tình yêu là điều khả thể.

Chứng sợ yêu được giới chuyên môn gọi bằng thuật ngữ Philophobia. Những người này thích mơ mộng về một tình yêu lớn, tình yêu vĩ đại, tình yêu vượt qua tất cả, nhưng khi nó xảy ra với họ thì họ không biết làm thế nào. Cũng có thể, họ sẽ có một khoảng thời gian hạnh phúc tạm thời khi mới yêu và thường sẽ có những suy nghĩ lạc quan, tích cực về tình yêu và mối quan hệ của mình. Nhưng niềm vui và niềm hạnh phúc khi yêu của họ nhanh chóng biến mất và nhường chỗ cho những nỗi sợ hãi vô lý, cảm xúc không ổn định và rất dễ bị tổn thương.

Thậm chí, chứng Philophobia không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý mà còn tác động về mặt sinh lý, như việc đương sự thường xuyên cảm thấy khó thở, đổ mồ hôi, run rẩy, khóc lóc, hay lên cơn hoảng loạn và có một sự thôi thúc phải chạy trốn.

Chúng ta không dễ dàng mô tả chi tiết và cụ thể mẫu người này do mỗi người có biểu hiện và cách hành xử khác nhau khi tiếp cận một vấn đề, nhưng có thể ghi nhận một vài trường hợp. Chẳng hạn, như một vài người chấp nhận sống tình yêu đơn phương. Nếu người chấp nhận hoàn cảnh này trong một thời gian vì chưa có cơ hội để tỏ tình và bộc lộ tình cảm với người mình yêu thì đó không phải là triệu chứng của người sợ yêu. Chỉ khi nào họ yêu đơn phương vì mang trong mình một mặc cảm nào đó đến mức tạo rào cản cho một cuộc tình phát sinh, ấy là dấu họ chưa tỏ tình đã sợ từ chối và như thế, họ có thể rơi vào tình trạng của người sợ yêu.

Mặc cảm dẫn đến sợ yêu có thể là do hoàn cảnh gia đình, do tổn thương tuổi thơ hoặc có hình ảnh bản thân nghèo nàn, không yêu thương bản thân hay nghĩ rằng mình không đáng được mọi người yêu thương. Đôi khi cảm giác này không thể hiện ở phần ý thức mà nằm trong phần tiềm thức của con người nên họ rất khó nhận biết và lý giải hành vi của mình. Dù sao, những giới hạn này cần được đương sự đối diện, nếu liều lĩnh “bịt mắt” vượt qua để yêu ai đó thì tình yêu ấy cũng khó bén rễ sâu. Đó là thực trạng của những cuộc tình tan vỡ sau vài năm chung sống. Bởi đó, chỉ có những ai dám đối diện với những vấn đề của mình và tìm sự chữa lành từ người khác và tôn giáo, mới khả dĩ đủ “trưởng thành” đảm nhận một cuộc hôn nhân đúng nghĩa.

Cũng có những người đã đến tuổi kết hôn nhưng khi bàn đến chuyện ấy, họ chỉ nói rằng thích đi tu. Tuy nhiên, khi hỏi muốn đi tu ở đâu, thế nào…thì họ nói tránh như thể không quan tâm. Tìm hiểu những trường hợp này hay những tình huống tương tự, chúng ta có thể ghi nhận rằng phần lớn họ đã chứng kiến cảnh tan vỡ của những người khác trong gia đình và những người họ tiếp xúc. Như thế, họ không sợ tình yêu nhưng sợ chính hậu quả của những cuộc chia ly. Họ quên rằng khi yêu, họ chấp nhận cả nguy cơ bị tan rã. Tình yêu đòi hỏi một bước quyết định liều lĩnh và tình yêu là một cuộc trải nghiệm thú vị vì khi yêu, người ta đang “đùa giỡn” với huyền nhiệm, song, niềm hạnh phúc trong tình yêu thì có thực.

Ngoài ra, người sợ yêu cũng có thể chịu khuynh hướng tổng quát hóa, nói nôm na là vơ đũa cả nắm. Khi thất bại trong một lần yêu, họ thề họ chẳng yêu ai vì “người ta” cứ phụ họ hoài (lời bài hát Cho vừa lòng anh  của tác giả Nhật Ngân và Mặc Thế Nhân). Người ta ở đây đối với họ không chỉ là người tình cũ mà tất cả những ai là đối tượng mà họ sẽ nhắm đến. Điều này tạo nơi họ sự nghi ngờ và phủ nhận những mặt tích cực và nét đẹp của tình yêu. Để rồi, tác giả bài hát lại tiếp tục rêu rao: Bây giờ tôi chẳng còn tin trong nhân gian có kẻ chung tình. Thật bất công ! Khi chỉ vì một người phụ bạc mình lại qui kết cho cả nhân gian không có kẻ chung tình. Từ đó, họ sợ yêu.

Những nguyên nhân được trình bày ở đây được qui về một điểm chung: nhận thức sai lạc. Thiết tưởng, nhằm điều hướng những nhận thức sai lạc dẫn đến chứng sợ yêu, những suy tư tích cực về tình yêu sẽ giúp chúng ta dấn thân triệt để hơn.

Những ký ức buồn mang phần tiêu cực trong quá khứ có thể làm chúng ta cảnh giác và không muốn “mở lòng” trước những mối quan hệ mới (Đây cũng là kết quả nghiên cứu do tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Pat Love dẫn đầu). Đó là phản ứng rất tự nhiên của những người hơn một lần “thất bại” trong tình trường, nhưng sẽ thiếu khôn ngoan nếu vì thế mà người ta không còn sống yêu nữa. Bất cứ một cuộc chia tay nào cũng cần một thời gian để chữa lành. Sau đó, người ta sẽ tiếp tục chinh phục tình yêu với một vốn kinh nghiệm nào đó. Kinh nghiệm quá khứ chỉ có giá trị khi giúp con người sống hiện tại cách tích cực hơn. Chỉ có những người “lão luyện” trong tình yêu mới trân trọng đủ những gì mình đang sống vì chính họ đã cảm nghiệm sự mất mát trong quá khứ.

Chúng ta biết rằng con người trở nên sợ hãi vì không chủ động trong tình thế mình đang sống, cũng vậy, người ta sợ yêu vì không kiểm soát được những gì xảy đến trong tình yêu. Đây là cách hiểu của những người thiên về khoa học. Điều này đánh mất đi tính thi vị trong tình yêu mà đôi khi đòi buộc người đang yêu phải liều lĩnh với những khám phá mới hầu nhận ra những vẻ đẹp và nét mạnh trong tình yêu.

Nhiều bạn trẻ muốn tự do, không thích bị ràng buộc, sợ tình yêu sẽ gây xáo trộn cuộc sống. Đúng là cuộc sống độc thân là khoảng trời rộng để bạn được thỏa sức theo đuổi những dự định của mình, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc khi yêu, bạn sẽ mất tự do. Trái lại, khi có một nửa kia luôn quan tâm và biết chia sẻ, động viên, giúp bạn vượt qua khó khăn, bạn sẽ có chỗ dựa tinh thần, động lực để hoàn thành tốt công việc. Thực tế cho thấy, mặc dù những bạn trẻ cảm thấy thoải mái trong những quyết định cá nhân và làm việc một cách tùy tiện, nhưng một khi lập gia đình, họ như được tiếp thêm động lực sống. Họ không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho người yêu, cho con cái dưới sự che chở bao bọc của Chúa tình yêu.

Sợ hãi, lo lắng thái quá chỉ khiến họ làm xấu đi mối quan hệ và luôn che đậy cảm xúc thật của mình. Dần dà họ không còn ý thức thực trạng bản thân để có hướng khắc phục kịp thời, điều này dễ dẫn đến những hiểu lầm tai hại khiến tình yêu bị tổn thương. Cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là đối diện với chính nó. Có thể nói, đây là cách chọn lựa đúng đắn và trưởng thành giúp hai bên đồng trách nhiệm cùng vượt qua khó khăn hầu sáng suốt đề ra và thực hiện những dự phóng trong tương lai. Trong những năm đầu chung sống, hai người cần xác tín và tạo mọi thuận lợi cho hoa quả của Bí tích được phát sinh. Nếu như Chúa phán: sự gì Ngài đã kết hợp, loài người không được phân ly, thì hai người tin chắc rằng Chúa ban cho đủ ơn để sống sự kết hợp nên duyên đó.

Tóm lại, nỗi sợ hãi trong con người luôn có đó, với tình yêu, nỗi sợ cũng không miễn trừ. Cũng cần một chút sợ yêu hầu giúp chủ thể ý thức hơn những gì mình đang chọn lựa dấn thân. Chính nỗi sợ giúp bản thân cảnh giác và thận trọng khi trao thân gởi phận cho ai kia; từ đó, giúp đôi bên chuẩn bị hành trang để cam kết sống một cuộc sống mới cho nhau. Thánh Gioan đã quả quyết: Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, thì trong mức độ nào đó, tình yêu đôi lứa cũng cần một chút nỗi sợ lành mạnh: sợ mất lòng người yêu và sợ mất nhau. Có thế, đôi bên sẽ tôn trọng lời cam kết và trân trọng những gì thuộc về nhau.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

 

 

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư