Mười Sai Lầm Không Nên Phạm Khi Giảng Lễ

(phanxico.vn)

 

fr.aleteia.org, Gelsomino Del Guercio, 2017-06-19

Từ thiếu chuẩn bị đến giảng dài dòng, sau đây là mười lời khuyên của các linh mục cho các linh mục khác những gì phải tránh để giảng lễ được thành công.

Giảng lễ là một nghệ thuật khó, nó có nhiều “bất trắc”, vì thiếu chuẩn bị, nó có thể làm cho người nghe chán, vì thiếu chủ đề trọng tâm, nó có thể làm cho tín hữu không đào sâu được đức tin…

Trong tác phẩm của họ, “Và tôi, tôi nói cho bạn: hãy tưởng tượng! Nghệ thuật khó khăn của việc rao giảng” (E IO TI DICO: IMMAGINA! L’arte difficile della predicazione), các cha Dòng Tên Gaetano Piccolo, tổng thư ký ban tông đồ tri thức của Dòng và Nicolas Steeves, linh mục nhà thờ Thánh I-Nhã ở Paris, cả hai đều là giáo sư Đại học Gregoria, họ đưa ra một danh sách ít nhất là mười sai lầm đừng phạm để đứng làm cho giáo dân chán, và tệ hơn nữa là làm cho họ bỏ lễ.

Trong lời nói đầu, các tác giả nhắc lại, mục đích của việc rao giảng “không phải rao giảng cho mình, nhưng là để cứu những người nghe”. Một người đi giảng đều có điểm yếu điểm mạnh của mình, hoặc có một chủ đề mà họ thích trở lại một cách tự nhiên, trực tiếp hoặc gián tiếp trong tất cả bài giảng của mình. Đây không phải là việc trở nên siêu anh hùng rao giảng, nhưng đúng hơn là nhận diện các điểm yếu bị lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tạo nên vấn đề và tuyệt đối phải tránh.

1.     Thiếu chuẩn bị

Khác với sự đào tạo ở chủng viện, sai lầm xưa cổ đầu tiên là thiếu chuẩn bị bài giảng. Có cả ngàn lý do tốt, xấu để biện minh cho việc không chuẩn bị bài giảng: hội họp, diễn thuyết, có vấn đề cá nhân, quá nhiều việc. Nhưng các lý do này cho thấy sự hời hợt không tránh được, để rồi cuối cùng làm cho người nghe chán ngấy. 

2.     Thiếu chủ đề trọng tâm

Sự thiếu chuẩn bị này thường kéo theo việc bài giảng không có chủ đề trọng tâm, mà khổ thay, đây cũng là vấn đề lớn xảy ra ngay cho cả bài giảng đã được chuẩn bị. Một trong các vấn đề thường gặp nơi người đi giảng là trước khi giảng, họ không ngồi xuống tịnh tâm tự hỏi: “Trong vài chữ, đâu là chủ đề tôi sẽ nói với tín hữu vào chúa nhật sắp tới?”. Nếu người giảng không có một ý chính nào trong đầu, thì chắc chắn sau bài giảng, người nghe cũng không biết người giảng muốn nói gì.

3.    Bài giảng quá dài

Một sai lầm thường gặp trong các bài giảng thiếu chuẩn bị là quá dài, thậm chí có thể nói là “dài quá đáng”, các bài giảng được chuẩn bị ít dài hơn nhưng nhiều khi cũng dài. Trong thời gian tập sinh, các chủng sinh Dòng Tên được dạy: “Ngày chúa nhật không dài quá 10 phút, trong tuần không dài quá 5 phút”. Người ta còn nói: “Năm phút đầu tiên, chúng ta lay động tâm hồn, thời gian còn lại thì những người ngồi sau lúc lắc”. Người ta còn ví von: “Bài giảng phải như chiếc váy ngắn: đủ dài để che cái cần phải che, nhưng khá ngắn để tạo hấp dẫn”.

4.    Văn nghệ giải trí

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Phanxicô nhắc lại, bài giảng “không được như một màn văn nghệ giải trí; không đáp ứng theo kiểu các phương tiện truyền thông, nhưng phải mang lại sự sốt sắng và ý nghĩa của việc cử hành lễ” (EG 138). Dĩ nhiên phải tranh lời lẽ thô tục, xoàng xỉnh hay sở thích quá độ kiểu trình diễn giải trí. Rất hiếm khi các người rao giảng vừa giảng vừa dùng các vật dụng như (cờ, đèn..) mà không làm cho giáo dân xao nhãng trong sự gặp gỡ phải có của họ với Chúa. 

5.    Kéo sự chú ý về mình

Thật ra, bài giảng phải là “kinh nghiệm sâu đậm và hạnh phúc với Thần Khí, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, nguồn liên tục làm mới lại và làm tăng trưởng” (EG 135). Bởi vì, đây đúng là “giây phút cao nhất của cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Ngài, trước khi rước Mình Thánh Chúa” (EG 137). Như thế, nếu người rao giảng kéo hết sự chú ý về phần mình thay vì đưa giáo dân đến cuộc đối thoại với Chúa, thì dù cho họ có nói những chuyện hấp dẫn nhất thế giới, bài giảng của họ sẽ không bao giờ là một bài giảng, bởi vì nó mất mục tiêu mà đáng lý phải có để trao truyền.

6.    Bài diễn văn răn bảo

Bài giảng phải mời gọi tín hữu đáp ứng một cách cụ thể khởi đi từ khía cạnh huyền nhiệm của đời sống thiêng liêng hay chiêm niệm công việc tạo dựng. Bài giảng thường, nếu không muốn nói là phải, dự trù một phần luân lý, theo đó kêu gọi tín hữu làm điều tốt, sau phần đầu là phần làm cho giáo dân hiểu cái đẹp, cái đúng. Nhưng bài giảng không thể kê từ đầu đến cuối một danh sách những chuyện phải làm hay không nên làm.

Bài giảng không phải là lúc để dạy đời. Một vài bài giảng răn bảo đi theo hướng cánh hữu (luân lý về giới tính, nhắc lại luật lệ…), một vài bài giảng đi theo hướng cánh tả (kinh tế, môi sinh, công chính xã hội…): vấn đề không phải là tự chính nội dung của nó nhưng là sự mất quân bình giữa chiêm niệm và hành động. Dù bài giảng là nhắm đến việc khơi dậy nơi tín hữu kitô các cách đối xử tốt nhất, nhưng nó không thể chỉ thuần là người răn bảo về mặt chính trị-xã hội.

7.    Duy linh

Bài giảng phải có gốc rễ cụ thể trong đời sống hàng ngày của tín hữu hay đời sống xã hội của họ, bài giảng không bay trên mây, khai thác các khía cạnh ngụy-thần nghiệm, mà thức chất nó không có tác động thật sự.. 

8.    Duy trí

Duy trí là lỗi lầm gần với duy linh, nhưng nặng về mặt văn hóa và rất phổ biến. Vì sự đào tạo chặt chẽ và trí tuệ ở chủng viện, các tài liệu, các bài trình bày, các luận án là những hình thức diễn tả duy nhất được yêu cầu, nên đôi khi họ nghĩ, các tài liệu này là phương tiện tốt để trao truyền với tín hữu trong bài giảng. Khi đó, bài giảng trở thành bài chú giải lịch sử và phê phán hoặc bài kể chuyện như một bài học thần học về tín lý hay nền tảng.

9.    Giáo lý

Một sai lầm gần với duy trí là biến bài giảng thành bài giáo lý. Khuynh hướng này rất tinh tế, do một truyền thống đầu tiên hết trong Giáo hội: dạy dỗ tín hữu về các huyền nhiệm kitô giáo qua các bài giảng. Đó là trường hợp các bài giảng có tính cách giáo lý hay giáo lý khai tâm ở các thế kỷ đầu tiên. Các bài giáo lý của Cyrille de Jérusalem hay của Ambroise được tái khám phá trong những năm 50 vào thời kỳ của các tổ phụ, ca ngợi sự kiên nhẫn dạy dỗ của họ.

Rất nhiều giáo phận bây giờ triển khai một chương trình giáo lý khai tâm cho các dự tòng người lớn. Vấn đề liên hệ đến bài giảng ở đây là bài giảng trong thánh lễ không phải là lúc dạy giáo lý.

10. Giải thích dài dòng

Vì thiếu tưởng tượng hay thiếu chuẩn bị, một vài nhà rao giảng nghĩ, để giảng, chỉ cần lặp lại bài phụng vụ vừa đọc theo chữ của mình. Khổ thay, cách làm này lại gây nhàm chán, vì nó chỉ lặp lại bài đã đọc mà không nêu bật lên chủ đề trọng tâm.

Giải thích dài dòng là đánh giá thấp tác động của lời trên đời sống giáo dân. Chính vì Lời Chúa không phải lúc nào cũng rõ ràng, nên Lời Chúa không phải chỉ đơn giản lặp lại nhưng phải được giải thích. Tốt hơn nên để công việc giải thích dài dòng này cho các học sinh còn nhỏ…

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư