VÀI SUY TƯ TỪ SỰ KIỆN TÒA THÁP ĐÔI ĐẾN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS

Chúng ta đã biết biến cố khủng bố tòa nhà tháp đôi của Mỹ 11.09.2001 và gần đây, vụ cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris 15.04.2019. Một bên là biểu tượng cho đỉnh cao văn minh nhân loại, còn bên kia là đặc trưng của Kitô giáo nói riêng và là gia sản chung của nền văn hóa Châu Âu. Một đàng thuộc vật chất, đàng kia thuộc tinh thần nhưng cả hai cùng chung một điểm kết là những cuộc trở về với giá trị tinh thần và tôn giáo của một số người được các bài báo ghi nhận. Chúng ta mượn những biến cố quan trọng này để suy tư về cách Thiên Chúa hành động trong thế giới hiện đại này trong Mùa Phục Sinh.

Một vài ghi nhận về tình hình tôn giáo sau biến cố khủng bố 11.09.2001 tại Mỹ. Tờ báo Wall Street Journal cho biết rằng số người quan tâm theo dõi các chương trình tôn giáo trên Truyền hình Mỹ đã tăng lên vùn vụt. Những cuộc thăm dò còn cho thấy số người đi nhà thờ cũng tăng lên nhiều. Chẳng hạn ở Anh: Tại nhà thờ chính toà Winchester, con số tăng là 60%. Việc đọc kinh tại các nơi công cộng, kể cả các cơ sở như trường học, hội đồng thành phố, cơ quan lập ở Hoa Kỳ cũng vậy. Nói chung, người ta quan tâm hơn đến tôn giáo. Bài báo còn viết: "Ngay cả một số người vô thần hình như cũng đã tìm thấy Thiên Chúa". Ngoài ra, chúng ta phải nhắc đến một số lớn trong họ muốn trở về với những giá trị truyền thống như gia đình, tình bạn, tôn giáo…Cụ thể như trường hợp của một thanh niên đã phát biểu sau biến cố kinh hoàng này: Trước biến cố này xảy ra, tôi đã có ý định ly dị với vợ, giờ đây, tôi đã thay đổi với ý thức rằng không gì giá trị bằng gia đình. Và còn nhiều chứng từ khác nữa.

Có thể nói, tòa Tháp Đôi này đã từng là niềm tự hào và kiêu hãnh của người Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung. Nơi đây, có những con người được kính trọng và ngưỡng mộ vì đã cống hiến cho sự tồn tại và phát triển cho nền văn minh cả nhân loại. Cũng nơi ấy, tòa tháp đôi chọc thẳng trời tượng trưng cho những bộ óc siêu việt muốn đặt mình làm thượng đế hầu biến đổi số phận con người. Rằng: mọi sự đều được giải quyết bằng tiền và những gì không song phẳng bằng tiền thì lại được thanh toán bằng rất nhiều tiền. Tắt một lời, tiền là giải pháp cho mọi vấn đề trong xã hội đề cao duy vật đến mức vô thần. Và rồi, cuộc khủng bố đã quét sạch hàng ngàn mạng sống trong tích tắc khiến bộ kiểm soát an ninh cũng chẳng kịp trở tay. Lúc đó, nhiều người đã ngộ ra rằng đời sống con người thật vô nghĩa khi bám vào vật chất và nền khoa học tân tiến như hiện nay.

Nếu ngày xưa, Thiên Chúa đã ngăn chặn việc xây dựng tháp Baben khi làm cho ngôn ngữ họ bất đồng, đã triệt hạ những âm mưu đen tối muốn ngạo với Trời bằng một cuộc chia rẽ họ với nhau, thì ngày nay, Ngài đã thanh tẩy nhiều người ngang qua những tên khủng bố. Tất nhiên, không ai lại có thể giải thích rằng Thiên Chúa là nguyên nhân của vụ sát hại đẫm máu này, nhưng Ngài đã rút ra sự lành từ sự dữ do chính con người lạm quyền tự do gây nên cho nhau. Có một đường thẳng được vẽ từ những đường cong do sai lầm của con người, từ đó, nhiều người không còn quá bám víu vào vật chất mà quay trở về với tôn giáo. Có thể nói, đây là nhu cầu thiết yếu của tinh thần con người. Nếu như thể xác cần đến thực phẩm để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tự nhiên thế nào thì linh hồn cũng cần được “nghỉ yên” trong Chúa như vậy, vì con người vốn là một tinh thần nhập thể,  một hữu thể mang tính tôn giáo.

Phải chăng chính khi con người chứng kiến bao cái chết của người thân mà đã phản tỉnh, nghĩ đến cái chết của mình một ngày nào đó để khả dĩ buông bỏ những đam mê quyền lực và tiền tài ? Những tài năng vốn là quà tặng Thiên Chúa ban để con người hưởng nhờ hầu phục vụ mọi người và qui hướng về Ngài nhưng con người đã xa rời “quỹ đạo” đó mà đề cao cái tôi của mình. Thiết tưởng, chúng ta cần nghe lời khuyên của Đức Phanxicô trong tông huấn Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit) rằng: “Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn tói niềm hy vọng to lớn hơn, cho ta một sự chắc chắn không dựa trên các phẩm chất và năng khiếu của mình, nhưng dựa trên lời Thiên Chúa, trên lời mời gọi đến từ Ngài” (số 141). Lời mời gọi đến từ Ngài là gì nếu không phải là hãy lo cho mình và mọi người được cứu độ nhờ vào tài năng Ngài ban, chứ không phải bám chặt vào chúng để làm phình to cái tôi của mình. Chúng ta đừng quên rằng Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài có thể dùng tay con người để phá hủy những tòa nhà chọc trời mà cho phát sinh từ đó, những tâm hồn khiêm nhu biết quy hướng mọi sự về Chúa, và nếu có sự tự hào nào thì cũng hãy tự hào trong Ngài. Đó là điều thánh Phaolô đã trải nghiệm từ sau cuộc ngã ngựa trên đường Đa mát.

Còn nghĩ về vụ cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris vào dịp Tuần Thánh thì có lẽ mọi cảm xúc nơi chúng ta cứ như mới đây. Mọi sự trở nên sống động từ những đoàn người tụ tập nhau cầu nguyện với tâm tình tiếc thương cho một phần gia sản tôn giáo đã bị thiêu rụi, nhưng thật ra, họ cần nhận biết và cầu nguyện cho một phần cảm thức tôn giáo bên trong đã bị tục hóa từ lối sống vật chất hưởng thụ.

Ở đây, chúng ta cần nhắc lại lời cảnh báo của Vị Cha Chung trong tông huấn mới này rằng ngày nay người ta đề cao một thứ linh đạo không có Thiên Chúa ( x. Christus Vivit số 184). Nghĩa là Thiên Chúa không hiện hữu hoặc Ngài có đó nhưng chẳng tác động và ảnh hưởng gì đến đời sống con người. Từ đó, con người sùng bái vật chất và tôn vinh các khoa học kỹ thuật. Thật vậy, mọi sự nơi con người từ những đòi hỏi vật chất đến các nhu cầu tinh thần đều được đáp ứng và thỏa đáng trong thế giới này, thiên đàng tại thế là vậy !

Lúc này, Chúa đã dùng một cơn hỏa hoạn để thức tỉnh lòng người, và cảm xúc ấy còn đọng lại qua lời Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói tại hiện trường và trên Twitter: “Nhà thờ Đức Bà là lịch sử của chúng tôi, là văn hoá của chúng tôi, một phần tâm linh của chúng tôi, là nơi tổ chức các sự kiện lớn của chúng tôi, bệnh dịch, chiến tranh, sự tự do, tâm chấn của cuộc sống chúng tôi […] Như tất cả đồng bào, tôi rất đau buồn khi thấy một phần trong chúng ta bị thiêu rụi.” Có lẽ, chính khi nhận ra một phần trong chúng ta bị thiêu rụi mà họ khát khao được chữa lành.

Thật vậy, họ đã sống trong một xã hội tân tiến với mọi nhu cầu đều được đáp ứng và ngay cả những bệnh tật hầu như đều được chữa lành và đẩy lùi nhờ nền y khoa hiện đại. Nhưng rồi, họ trở nên bất lực vì một nỗi đau tinh thần mà chỉ có một Đấng từ trời cao mới chữa lành được; khi ấy, họ bắt đầu quay về với tôn giáo. Quả thật, chỉ nơi Thiên Chúa và qua Giáo hội cách nào đó, con người mới khả dĩ được chữa lành từ bên trong. Người dân nước Pháp có thể cảm nhận một phần trong họ bị thiêu rụi, nhưng cũng đồng thời, trải nghiệm một tác động chữa lành đến từ Chúa, và một mầm sống được phát sinh từ đống đổ nát này; đó là nhu cầu cần được chữa lành và cứu độ đến từ Ngài.

Chúng ta cũng ghi nhận một sự biến đổi từ những người đã có thời gian bỏ nhà thờ và chỉ chuyên chăm việc bác ái bên ngoài. Một trong số họ nghĩ rằng không cần phải đến nhà thờ gặp gỡ Chúa mà chỉ cần gặp Ngài qua tha nhân và sống giới răn bác ái của Ngài là đủ. Tắt một lời, họ sống linh đạo thực hành không cần nhà thờ. Họ nghĩ rằng đi lễ cho lắm rồi về nhà lại cãi vã đôi co, chẳng bằng không cần đi lễ mà thực hành bác ái. Thử quan sát và đánh giá cách thực hành đạo của một số người xem sao: họ có làm việc thiện nguyện, bác ái chỗ này nơi khác, song họ chỉ chọn đối tượng mà họ thích, rồi những ai xem ra không đáp lễ họ một cách cân xứng, họ bỏ mặc…Vậy thử hỏi, họ làm thế vì Chúa hay vì cái tôi và cảm xúc nhất thời của họ. Đã đến lúc có một cuộc hỏa hoạn nhằm thiêu rụi nhà thờ nơi mà họ được múc đầy ơn thánh để có thể phục vụ vô vị lợi vì Chúa và vì các linh hồn, để rồi, họ nhận ra những quan điểm sai lầm đã tạo nên một lối sống như một phong trào cấp tiến. Họ nhân danh một thứ Đạo tại tâm mà bỏ qua hay xem nhẹ hoặc giản lược nghi lễ thờ phượng như cách thức diễn tả đức tin sống động. Thật vậy, việc đến tham dự thánh lễ tại các nhà thờ không chỉ diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo hội mà còn từ đó, chúng ta lãnh nhận các nguồn ơn từ các Bí tích mà Giáo hội dọn sẵn cho mọi con cái đến kín múc để khả dĩ mỗi người tiến vững và tiến mạnh trên hành trình dương thế. Hơn nữa, chúng ta đến đây để được đón nhận chính Chúa trong Bí tích Thánh Thể, từ đó, Chúa sẽ cùng hành động với ta, và ta sẽ phục vụ một cách quảng đại cả những người chúng ta không ưa thích và những kẻ thù. Thật vậy, chỉ những ai có sức mạnh của Chúa mới khả dĩ dễ dàng tha thứ và phục vụ cho những người ghét bỏ và mưu toan xâm hại đến mình. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm gương khi chết để mang ơn cứu độ cho mọi người và cả những kẻ phản bội và giết Người.   

Ngoài ra, chúng ta còn có thể ghi nhận ngay hôm sau vụ cháy, hình ảnh cây thánh giá rọi sáng còn nguyên vẹn giữa đống đổ nát đã làm cho nhiều người công giáo chấn động ở Pháp cũng như trên khắp thế giới. Cha xứ Pierre-Hervé Grosjean, giáo phận Versailles đã viết câu tweet: “Bức hình này đáng giá hơn tất cả các bài giảng”. Đúng vậy, phép lạ xảy ra hằng ngày trong đời sống chúng ta nhưng không phải ai cũng đọc ra được ý nghĩa của từng biến cố để nhận ra dấu chỉ yêu thương và quan phòng của Chúa ngõ hầu sống biến đổi bản thân mỗi ngày.

Thông thường những biến cố lớn ấy mới đánh động chúng ta, còn những chi tiết Chúa dùng nho nhỏ trong đời như dấu chỉ âu yếm của Người Cha nhân lành thì đôi khi chúng ta dễ dàng bỏ qua. Bởi vậy, chúng ta cần luyện cho mình một con tim nhạy bén như thánh Gioan tông đồ để nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong cuộc đời mình từ dấu chỉ ngôi mộ trống, hay mẻ cá lạ lùng ở biển hồ Tibêria…Thiết tưởng không còn cách nào khác tốt hơn ngoài việc “ngã mình vào ngực Chúa Giêsu” để có thể lắng nghe tiếng thổn thức của lòng Ngài và khám phá ra ơn gọi và kế hoạch của Ngài trong cuộc đời mình. Có thế, lời của Đức Phanxicô sẽ khích lệ mỗi người chúng ta, khi ngài nói: “Người lấp đầy đời sống chúng con với sự hiện diện vô hình của Người; các con đi đến đâu, Người cũng chờ đón các con ở đấy” (tông huấn Christus Vivit số 125).

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.


Mục Lục Thoáng Suy Tư