ĐAU KHỔ  NHƯ LÀ QUÀ TẶNG: TẦNG THỨ BA CỦA THỰC TẠI.

Tác giả: Matt Nelson, ngày 15 tháng 4 năm 2020

Bất cứ khi nào có một bi kịch to lớn giáng xuống chúng ta, chúng ta thường phản ứng trước tiên bằng cảm xúc, sau đó mới bằng luận lý. Một khi các chức năng sinh học của chúng ta ổn định và sự nhạy bén tinh thần của chúng ta trở lại, bước kế tiếp của chúng ta là đi vào địa hạt phân tích. Tại sao điều này đã xảy ra? Đó là lỗi của ai? Làm thế nào có thể ngăn chặn được nó?

Ai trong chúng ta lại không từng hỏi những câu hỏi như vậy trước đại dịch coronavirus hiện nay?

Tuy nhiên, theo quan điểm Ki-tô giáo, nếu chỉ yên tâm với kiểu đọc về sự dữ một cách luận lý thì không còn hiểu biết đầy đủ nữa. Dừng lại ở luận lý là lừa dối chính mình về toàn bộ câu chuyện. Đối với các Kitô hữu, những người tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới mọi lúc và ở mọi nơi, sẽ có một điều gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra so với những gì có thể nhận thức được chỉ bằng lý trí. Đối với người Kitô hữu, luôn có một cách đọc huyền nhiệm về sự dữ, một cách giải thích và hiểu biết sâu sắc hơn, bám chặt vào thập giá của Chúa Kitô, mang đến hy vọng thực sự cho những gì sắp xảy ra.

Chiến thắng trên Thập giá

Chúng ta hãy nói thẳng thắn mà không sợ đụng chạm. Lúc nào con người cũng có thể rất ác độc với người tốt lành và người vô tội, và điều này đã được chứng minh từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo nghĩa đó, không có gì là khó hiểu khi Chúa Giê-su, dù không lỗi lầm gì, dù có những kẻ tội lỗi nặng nề nhất vây quanh mình, dù không thẳng tay quở trách những kẻ quanh co và có quyền lực trong thời đại của Ngài, dù chỉ nói về vương quyền của mình một cách bóng gió, vẫn kích động sự ghen tị và thù hận của con người (Gioan 18: 36-38).

Điều bí ẩn thực sự là: xuyên qua điều ác nhất trong tất cả các điều ác, Thiên Chúa đã đánh bại cái chết: bằng cái chết, Ngài đã hủy diệt cái chết của chúng ta. Chúa Kitô đã  mang lại cho nhân loại điều tốt đẹp lớn lao nhất từ sự xấu xa lớn lao nhất mà loài người đã phạm phải - ấy là giết chết Thiên Chúa. Giống như nước biến thành rượu, Ngài biến đau khổ của mình thành sự cứu rỗi.

Hiện nay, vẫn có một truyền thuyết cho rằng các thiên thần ghen tị với con người bởi vì con người, là những tạo vật có thân xác, có thể đau khổ theo cách mà các thiên thần không thể. Vấn đề không phải là các thiên thần khao khát đau khổ chỉ vì đau khổ. Vấn đề là khả năng chịu đau khổ vì yêu thương của con người mang đến cho họ cơ hội tham gia vào hành động cứu chuộc của Chúa Kitô. Thật ra mà nói, các thiên thần nơi hỏa ngục chịu đau khổ cách thiêng liêng. Nhưng con người, không giống như bất kỳ thiên thần nào, có thể đau khổ vì ích lợi của người khác. Họ có thể liên kết đau khổ của mình với Chúa Kitô và bằng cách đó, mang lại ân sủng cho cuộc sống của những người họ yêu thương.

 

Qua Ngài, với Ngài

Thánh Phao-lô có nói điều gì đó nghe có vẻ khá sốc cho người Colossê. Ngài viết, “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cô-lô-sê. 1:24). Có phải Ngài muốn nói rằng có điều gì đó không đủ trong đau khổ của Chúa Kitô? Không phải thế.

Chỉ khi hiểu rằng chúng ta vẫn có thể tham gia vào hành động cứu chuộc của Chúa Kitô ngay tại đây và bây giờ, thì mới có thể nói rằng những phiền não của Chúa Kitô là thiếu sót. Cha Bernard Orchard giúp chúng ta hiểu đoạn văn này trong A Catholic Commentary on Holy Scripture (Chú giải Công giáo về Thánh Kinh): “[Những đau khổ của Thánh Phao-lô] là phương tiện để truyền đạt Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su đến trái tim và linh hồn của con người, và bằng cách này, họ mang lại sự trọn vẹn cho Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su theo cách bề ngoài.

Thánh Phaolô hiểu rằng mặc dù sự hy sinh của Chúa Kitô tự mình là đủ, nhưng chúng ta vẫn có thể kết hợp một cách thiêng liêng với Chúa Kitô, trở thành những vị cứu độ nhỏ bé như là chi thể của Hội Thánh – Thân Thể mầu nhiệm của Ngài ( Rô-ma 12: 12-26; 1 Cô-rin-tô 12:12-26). Hãy nhớ lời thánh Jeanne d’Arc: Với Chúa Giê-Su Ky-Tô và Giáo Hội, tôi chỉ biết cả hai chỉ là một, và chúng ta không nên làm phức tạp vấn đề”.

Vì vậy, khi chúng ta đau khổ với Chúa Kitô, chúng ta đau khổ trong và thông qua Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta được tham gia vào sứ mệnh cứu độ của Đấng Cứu Độ của chúng ta. Ngài không buộc phải làm điều này. Ngài không cần chúng ta cứu chuộc thế giới. Nhưng Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta mọi thứ: ngay cả khả năng biến đổi điều ác nhất trong các điều ác trong cuộc sống của riêng ta thành những hành động bác ái và cứu độ (2 Phê-rô1: 4). Khi biết điều này, Thánh Phaolô đã vui mừng trong những đau khổ của mình (Cô-lô-sê 1:24).

Điều gì làm nên Tất cả Sự khác biệt này

Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng lời rao giảng của Ngài tập trung vào Chúa Kitô bị đóng đinh (1 Cô-rin-tô 1:23; 2: 2). Điều điên rồ là với những người đương thời của Ngài, một điều như vậy, theo bề ngoài, là điều phi lý. Thánh Phao-lô Tông đồ nói: thông điệp về thập giá là sự dại dột đối với nhiều người (1 Cô-rin-tô. 1:24). Đối với người Do Thái, những người tin vào một Đấng Thiên Sai chiến thắng, thì thông điệp về Đức Chúa bị đóng đinh là một tai tiếng. Đối với người La Mã, thờ phượng Chúa Kitô bị đóng đinh là hoàn toàn ngu ngốc.

Hãy xem, mọi nạn nhân chịu đóng đinh bởi người La Mã (điều mà Cicero gọi là “hình phạt tàn khốc và kinh tởm nhất”), bị treo công khai trên thập giá, bị buộc tội, trần truồng và chết. Không có gì vẻ vang cả. Đó hoàn toàn là sự sỉ nhục. Vì vậy, tôn thờ một nhà lãnh đạo Do Thái thất bại có cuộc sống chấm dứt trên thập giá La Mã là hoàn toàn vô nghĩa.

Tuy nhiên, các Kitô hữu tôn thờ Chúa Kitô này! Nhưng tại sao?


Không phải vì Ngài bị đóng đinh. Không; nếu Ngài nằm lại trong mộ, điều đó sẽ chỉ biến Ngài thành một Đấng Mê-sia thất bại hơn mà thôi (các học giả nói với chúng ta có rất nhiều mê-sia giả trong thời đại Chúa giê-su). Điều đã biến cái chết của Chúa Giêsu Kitô trở thành chiến thắng là sự Phục sinh của Người! Không có Phục sinh, không có Tin Mừng, không có sự hy sinh, không có sự cứu rỗi (1 Cô-rinh-tô 15:17). Chỉ có một cuộc hành quyết.

Ứng phó với Tình hình

Trong chương cuối cuốn sách của mình He Leadeth Me, Cha Walter Ciszek, một người sống sót từ thời Gulag Liên Xô (ND: trại tù cưỡng bức lao động), đã suy ngẫm về ‘nỗi sợ chết”. Nghe có vẻ ghê tởm. Nhưng chương này lại là một trong những niềm hy vọng mừng vui. Vì trong đó, mặc dù Ngài suy gẫm sâu sắc về Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, nhưng Ngài thường nhắc đến sự Phục sinh của Chúa Kitô. Cha Ciszek viết:

Nếu Tin mừng của Kitô giáo có điều gì mới, thì đó là: cái chết không có gì là kinh hoàng giấu diếm, không có gì là bí ẩn, không phải là điều mà con người phải sợ hãi. Nó không phải là sự kết thúc của cuộc sống, của linh hồn, của con người. Cái chết của Chúa Kitô trên đồi Can-vê không phải là hành vi tâm điểm ơn cứu rỗi, mà là cái chết sự phục sinh của Ngài; chính sự phục sinh đó đã kiện toàn chiến thắng của Ngài đối với tội lỗi và sự chết.

Cha Walter Ciszek nhấn mạnh rằng tất cả bài nói chuyện về một vị Chúa xuất thân từ Nazareth đã chết và đã trỗi dậy này không phải là huyền thoại do người ta sáng chế, không phải là truyền thuyết gượng gạo. Sự phục sinh của Chúa Giêsu thực sự đã xảy ra. Nó là một sự thật của lịch sử, trong tất cả sự bạo dạn và vinh quang của nó. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu, Cha Ciszek viết, là để xóa bỏ những nghi ngờ cuối cùng của nhân loại, những nỗi sợ hãi cuối cùng về bản thân của cái chết. Vì sự phục sinh là một sự thật, một sự thật chắc chắn và xác thực như chính cái chết, và điều đó có nghĩa là cái chết không chiến thắng con người, cuộc sống bên kia cái chết là một điều chắc chắn và không chỉ là hy vọng hay ngụ ngôn của con người.

Đau khổ và chết chóc nếu không có thực tại của thập giá và Phục sinh sẽ khiến cuộc sống này không thể chịu đựng được. Pier Giorgio Frassati đã từng viết: “Thật tuyệt vời khi vẫn được sống cuộc sống đời sau như cuộc sống đích thực của mình, ai có thể chịu nổi gánh nặng của cuộc đời này, nếu không có một phần thưởng nào cho đau khổ, một niềm vui vĩnh cửu?” Ta chỉ có thể nghĩ rằng Pier Giorgio Frassati đã nói đúng khi ta thấy sự nổi bật và không thể tránh khỏi của đau khổ trong hiện tồn của con người.

Ngay cả lý luận thuần khiết nhất của con người cũng không thể cứu chúng ta khỏi đau khổ do sự dữ. Nhưng Chúa Kitô có thể, và Ngài đã làm. Ngài đã chết thật và Ngài đã sống lại thật từ cõi chết, khai mở một biến cố Phục sinh mà tất cả mọi người - cả bạn và tôi - một ngày nào đó sẽ dự phần. Chiến thắng của Ngài là khởi đầu cho chung cuộc. Sự trỗi dậy của Ngài trong quá khứ là một dấu hiệu và bằng chứng cho sự trỗi dậy còn phải đến của chúng ta.

Vì vậy, về mặt lý luận, Kitô hữu chúng ta có mọi lý do để hy vọng.

Sự ác – dù dưới dạng đại dịch, hoặc bách hại, hoặc ma quỷ, hoặc bất cứ điều gì - có thể tiếp tục và sẽ tiếp tục tấn công chúng ta. Nhưng trong kế hoạch lớn lao của mọi sự, nó chỉ là một loạt những rung lắc vô vọng. Sự ác tấn công vô ích. Chiến thắng là của chúng ta. Vì như Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen từng nói, sự ác có thể có giờ của nó, nhưng Thiên Chúa sẽ có ngày của Ngài.

https://www.wordonfire.org/resources/blog/suffering-as-gift-a-third-layer-of-reality/27105/

Chuyển ngữ: Phạm văn Trung


Mục Lục Thoáng Suy Tư