Sự Cứu Rỗi Đời Đời Là Công Việc Thiết Yếu Của Giáo Hội

CHÚ GIẢI: Bảo vệ mọi người khỏi cái chết linh hồn là trách nhiệm lớn nhất của Giáo hội.

Scott Hahn (*)

Tôi biết ơn vì tôi không phải là giám mục. Trên vai của mình, các giám mục mang trọng lượng của hàng ngàn linh hồn, và đôi khi, các ngài cảm thấy trách nhiệm đó đè nặng trên vai.

Đó là những lúc như vậy.

Trong hai tháng qua, khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, các giám mục của chúng ta đã buộc phải đưa ra quyết định ảnh hưởng đến đời sống thể chất, cũng như tinh thần của người Công giáo. Những quyết định đó - đóng cửa các nhà thờ và hạn chế hoặc chấm dứt việc cử hành hầu hết các bí tích - là những quyết định mà không giám mục nào muốn đưa ra. Đó không phải là những quyết định tôi muốn đưa ra. Và tôi chỉ có thể tưởng tượng điều này khó khăn như thế nào đối với các ngài.

Tôi nói điều này bởi vì tôi muốn làm rõ từ đầu rằng tôi không chỉ trích một giám mục đơn lẻ nào về các quyết định của các ngài liên quan đến việc cử hành công khai các bí tích. Tôi nói lại một lần nữa, công việc của các ngài thì khó khăn. Tôi không ghen tị với các ngài.

Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn là cuộc nói chuyện đã bàn về một số quyết định này.

Đã nhiều lần, tôi không thể đếm hết, tôi đã nghe những người ủng hộ việc ngưng cử hành hoàn toàn các bí tích, họ cho rằng Giáo hội có trách nhiệm cứu sống mọi người. Sức khỏe và sự an toàn phải ưu tiên trước, họ khẳng định như thế. Đó là công việc quan trọng nhất của Giáo hội.

Đúng... và không đúng.

Đúng, Giáo hội có trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích chung. Điều đó bao gồm bảo vệ cuộc sống thể chất của người Công giáo và của mọi người mà họ tiếp xúc. Trách nhiệm đó cũng bao gồm nỗ lực ngăn chặn các bệnh viện trở nên quá tải. Lợi ích chung sẽ không được thực hiện nếu bác sĩ và y tá không thể chăm sóc cho những người cần giúp đỡ.

Tuy nhiên, bảo vệ cuộc sống thể chất của mọi người không phải là công việc quan trọng nhất của Giáo hội. Công việc quan trọng nhất của Giáo hội là bảo vệ đời sống tâm linh của mọi người. Đó là bảo vệ mọi người khỏi cái chết về phần linh hồn. Đó là trách nhiệm lớn nhất của Giáo hội. Và đó là một trách nhiệm lớn lao hơn nhiều so với việc ngăn chặn cái chết đơn thuần thể lý.

Sự sống và cái chết

Như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách mới của mình, Hy vọng để chết: Ý nghĩa Ki-tô giáo của cái chết và sự phục sinh của thân xác, Kinh thánh cho chúng ta biết có sự sống ... và sau đó là cuộc sống. Nghĩa là, có bios (sự sống sinh học) và sau đó có zoe.

Zoe là từ mà các dịch giả Hy Lạp các sách Cựu Ước sử dụng trong sách Sáng thế ký 2: 7:

“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí [ zoe ] vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”.

Không giống như bioszoe truyền tải nhiều điều hơn là sự tồn tại thể lý đơn thuần. Chúa không chỉ thổi không khí vào Adam; Ngài thổi sự sống vào ông. Sự sống đó là sự sống tâm linh. Đó là sự sống vĩnh cửu. Đó là sự sống thần linh của chính Chúa. Và sự sống đó thì quý giá và mong manh hơn sự sống thể lý. Bởi vì ngay khi có cái chết.... thì có sự chết. Có cái chết thể xác, và có cái chết linh hồn.

Khi Adam và Eva sa ngã, một phần hình phạt của họ là mất sự sống thể xác. Nhưng điều đó không đến ngay lập tức. Hình phạt ngay lập tức và đau buồn hơn của họ là đánh mất sự sống thiêng liêng ở ngay trong họ. Trong Vườn Địa Đàng, họ chết về mặt tâm linh. Rất lâu sau, họ mới chết về mặt thể xác.

Tuy nhiên, Adam và Eva không đánh mất sự sống thiêng liêng cho chính họ; họ đã đánh mất sự sống đó cho toàn bộ loài người.

Nhờ vào cha mẹ đầu tiên của chúng ta, tất cả chúng ta được sinh ra với một lỗ hổng, theo nghĩa ẩn dụ, trong tâm hồn. Sự sống của Thiên Chúa lẽ ra ở chỗ nào, không có gì hết. Chúng ta đang bỏ lỡ món quà sự sống mà chúng ta có được khi Thiên Chúa tạo ra chúng ta.

Chúng ta cũng được sinh ra là đã có khuynh hướng phạm tội, điều này gây khó khăn cho việc nhận biết, mong muốn và chọn lựa điều tốt lành. Bởi vì điều này, chúng ta thường chọn ý muốn của mình trên ý muốn Thiên Chúa, làm mờ đi sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta và trở nên dễ mắc tội lớn hơn. Thậm chí còn tồi tệ hơn, khi các lựa chọn đó đủ tồi tệ - khi chúng liên quan đến vấn đề nghiêm trọng, nhận biết đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận - chúng ta giết chết sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta hoàn toàn.

Đây là tội trọng. Đó là cái chết linh hồn. Và đó là một cái chết có thực hơn, nguy hiểm hơn và vĩnh viễn hơn cái chết của thân xác chúng ta.

Trung gian ân sủng

Tất cả chúng ta phải chết về thể xác. Không thoát khỏi cái chết đó. Nhưng mỗi một thân xác chúng ta cuối cùng sẽ được phục sinh. Sự sống thể lý sẽ được phục hồi cho tất cả mọi người vào Ngày sau hết. Đây là những gì chúng ta tuyên xưng trong mỗi Thánh lễ, khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại”.

Mặt khác, sự sống linh hồn sẽ không được phục hồi cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta chết trong tình trạng mắc tội trọng, nếu chúng ta chết mà không có sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta, thì không có chuyện làm lại. Sự sống linh hồn – sự sống mà chúng ta có được khi Thiên Chúa dựng nên chúng ta - sẽ không phải là của chúng ta. Thiên Chúa, một người Cha yêu thương, sẽ ban cho chúng ta mọi ân sủng và mọi cơ hội để chọn Người trước khi cái chết đến. Nhưng nếu chúng ta nói không với những ân sủng đó – cố chấp, kiên quyết và tuyệt đối – thân xác chúng ta sẽ được phục sinh nhưng không phải để sống, mà là để chết (Khải Huyền 20: 14-15).

Đây là những gì khiến cho công việc của Giáo hội không chỉ tốt lành, không chỉ quan trọng, mà còn là cứu sống. Đây là những gì làm cho công việc của Giáo hội trở nên thiết yếu - thiết yếu hơn nhiều so với bất kỳ công việc nào được thực hiện bởi bất kỳ tổ chức hoặc doanh nghiệp nào khác.

Các bác sĩ và y tá, nông dân và nhân viên bán hàng tạp hóa, tài xế giao hàng và người mua sắm Instacart[1] đều làm những công việc thiết yếu để duy trì cuộc sống thể lý của chúng ta. Nhưng Giáo hội làm công việc thiết yếu để duy trì sự sống linh hồn của chúng ta. Giáo hội làm công việc trung gian ân sủng của Thiên Chúa đối với chúng ta và đảm bảo cho chúng ta có sự sống mà chúng ta đã được an bài để có - zoe - cả bây giờ và mãi mãi.

Các bí tích là phương tiện thông thường mà công việc trung gian này diễn ra. Bí tích Rửa tội thông ban sự sống thiêng liêng cho linh hồn chúng ta. Bí tích giải tội khôi phục sự sống thiêng liêng đó cho chúng ta khi chúng ta đánh mất nó khi phạm tội. Bí tích Thánh Thể củng cố sự sống thiêng liêng trong chúng ta. Bí tích thêm sức trao quyền cho chúng ta sống cuộc sống của các môn đệ truyền giáo. Bí tích Hôn nhân và Truyền chức thánh trang bị cho chúng ta để phục vụ Thân thể Chúa Kitô. Bí tích xức dầu bệnh nhân chữa lành linh hồn chúng ta (và đôi khi là thân xác chúng ta), giúp chúng ta thực hiện những bước cuối cùng trong hành trình về quê nhà.        

Theo con đường

Thiên Chúa có thể tuôn đổ ân sủng của mình bằng cách khác không ? Có. Nhưng Ngài không nêu tên những phương tiện đó hoặc khuyến khích chúng ta theo đuổi chúng. Chỉ có một con đường Ngài đưa ra cho chúng ta để chúng ta đến với Ngài và con đường đó được lát bằng các bí tích.

Làm thế nào theo đuổi con đường đó ngay bây giờ, khi chúng ta phải đối mặt với những lo ngại thực sự cho sự an toàn của các linh mục và hàng xóm của chúng ta, là một câu hỏi khác và khó trả lời hơn. Tôi dứt khoát không đề nghị chúng ta mở lại tất cả các nhà thờ vào ngày mai và nhồi nhét mọi người vào đó. Thiên Chúa mong đợi dân của mình thực thi nhân đức thận trọng và, bây giờ, việc trở lại đời sống bí tích như chúng ta đã biết trước khi đại dịch xảy ra, không là bất cứ điều gì khác ngoài sự thận trọng. Trong tương lai gần, Giáo hội cần phải sáng tạo và thích nghi khi Giáo hội tìm cách thực hiện sứ mạng của mình trên thế giới.

Nhưng, giống như Giáo hội, các Kitô hữu không được rơi vào cạm bẫy nghĩ về các bí tích hoặc nghĩ về Giáo hội như là “không cần thiết”. Chúng ta cũng không thể phạm sai lầm đánh giá cuộc sống vật chất cao hơn sự sống linh hồn - nếu không phải là chúng ta thực sự muốn được sống, bây giờ và mãi mãi.

Các Kitô hữu đầu tiên chạy về phía cái chết với trái tim háo hức. Họ chào đón cái chết vì họ biết rằng nó sẽ đưa họ đến sự sống. Chúng ta không cần phải chạy tới ngôi mộ với tốc độ tương đương như vậy, đặc biệt nếu khi làm như vậy chúng ta lại mang theo với chúng ta những linh hồn khác khi họ chưa ý thức. Chúa không kêu gọi mọi người tử vì đạo trong một đấu trường hay bệnh viện.

Nhưng, Ngài thực sự gọi tất cả chúng ta lên thiên đàng. Ngài gọi tất cả chúng ta đến với Ngài. Và chúng ta cần Giáo hội Công giáo để giúp chúng ta đáp trả lời kêu gọi đó. Đó là công việc của Giáo hội. Không phải để giữ cho chúng ta an toàn về mặt thể lý, nhưng để giúp chúng ta nói lời đồng ý với những ân sủng cứu độ để chúng ta có thể sống mãi mãi, trong thân xác và linh hồn, như Chúa đã làm ra chúng ta để chúng ta được sống.

Và không có công việc nào quan trọng hơn thế.

Scott Hahn, Tiến sĩ, là tác giả bán chạy nhất của hơn 40 cuốn sách, bao gồm Hy vọng để chết: Ý nghĩa Ki-tô giáo của cái chết và sự phục sinh của thân xác. Ông là người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm Thánh Phaolô và giữ chức Chủ tịch Hội học bổng Fr. Michael Scanlan về Thần học Kinh Thánh và Tân Phúc Âm hóa tại Đại học Franciscan.

 

https://www.ncregister.com

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.



[1] ND: Instacart là một dịch vụ giao hàng và nhận hàng tạp hóa tại Hoa Kỳ và Canada.


Mục Lục Thoáng Suy Tư