Những Đầu Óc Căm Thù: Suy tư về bạo loạn được cho là có nguyên nhân chủng tộc

 

Joseph Pearce

 

Có một thời gian, với tư cách là thành viên của một tổ chức chủ trương người da trắng ưu việt, tôi đã vui mừng khi chứng kiến ​​các cuộc bạo loạn và sự tan vỡ mối quan hệ giữa dân da đen và cảnh sát.

 

Nhưng nếu bạn muốn có tiền cho những người có đầu óc căm thù
Tất cả những gì tôi có thể nói là anh trai ơi anh sẽ phải chờ thôi
.
- John Lennon (Trích lời từ bài hát “Revolution” của The Beatles).

 

Vụ bạo loạn mang tính phân biệt chủng tộc gần đây trên khắp nước Mỹ đã được mô tả là tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất ở đất nước này kể từ khi làn sóng bạo loạn xảy ra sau vụ ám sát Martin Luther King, Jr., vào năm 1968. Cùng năm cuộc bạo loạn ám sát  Luther King, John Lennon đã viết bài hát “Cách Mạng” cho ban nhạc Beatles như một biểu thị chống lại việc sử dụng bạo lực của “những người có đầu óc căm thù”.  Năm trước đó, Lennon đã chấp bút bài hát “Tất cả những gì bạn cần là Tình yêu”, được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào tháng Bẩy và trở thành giai điệu của cái gọi là “mùa hè tình yêu”.

 

Do đó, thật trớ trêu khi “mùa hè tình yêu” của năm 1967 một năm sau đó lại trở thành những tháng bạo loạn đầy thù hận ở cả hai bờ Đại Tây Dương, trong đó nhiều thủ phạm là những tên híp-pi đã rao giảng “hòa bình và tình yêu” và chỉ vài tháng trước đó  vẫn còn cài hoa trên mái tóc của mình.

 

Có chuyện gì vậy? Phải chăng có điều gì đó sai trái và ương ngạnh về “tình yêu” mà Lennon đã nói là chúng ta cần đến nay lại biến đổi quá nhanh thành hận thù? Và những bài học nào về “tình yêu” của năm 1967 và “căm thù” của năm 1968 có thể dạy chúng ta về những cuộc bạo loạn ở nước Mỹ hiện nay?

 

Nếu tình yêu là thứ chúng ta cần, như Lennon đã nhấn mạnh, chứ không phải thứ chúng ta được lệnh phải làm theo hay đem cho, thì đòi hỏi của chúng ta đối với tình yêu có thể chuyển thành một sự căm ghét đối với những người không đem lại cho chúng ta những gì chúng ta cảm thấy rằng chúng ta cần. Nếu tình yêu là thứ gì đó giống như thức ăn, là thứ chúng ta cần và không thể sống thiếu nó, chúng ta sẽ cảm thấy rằng chúng ta có quyền yêu cầu rằng nó phải được trao cho chúng ta và chúng ta sẽ cảm thấy buồn phiền nếu chúng ta không có được nó. Chống lại đòi hỏi về tình yêu kiểu này là mệnh lệnh phải yêu thương mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa. Chúa Kitô không ra lệnh cho hàng xóm của chúng ta yêu thương chúng ta, Ngài ra lệnh cho chúng ta yêu người hàng xóm. Đó không phải là quyền của tôi nhận được tình yêu mà tôi cần nhưng nghĩa vụ của tôi là hy sinh bản thân mình trong việc trao ban tình yêu cho người khác. Đó không phải là chuyện về tôi và vể các nhu cầu của tôi mà là về các nhu cầu của hàng xóm. Đó không phải là chuyện về quyền của tôi mà là về trách nhiệm của tôi.

 

Khi quyền của tôi hất cẳng trách nhiệm của tôi, quyền của tôi trở thành sai trái. Và đây là lý do tại sao những người đòi hỏi “cần tình yêu” của Lennon tất cả biến đổi quá nhanh chóng thành “những người có đầu óc căm thù”.

 

Khi thảo luận về tình yêu theo những thuật ngữ chung này, chúng ta có thể thấy những hiểu lầm về tình yêu, như được minh họa trong các bài hát của John Lennon, có tác động hủy hoại như vậy đối với chính trị hiện nay, đặc biệt là về mối quan hệ giữa các chủng tộc. Tình yêu mà chúng ta được yêu cầu trao cho người hàng xóm là mù màu. Đó là về phẩm giá của ngôi vị con người như một hữu thể được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, bất kể ngoại hình, khả năng hoặc khuyết tật thể chất của người ấy.

 

Những người từ chối sự mù màu này, thay vào đó cứ khăng khăng nhìn mọi người theo màu da của họ, là những kẻ phân biệt chủng tộc, ngay cả khi họ tự gọi mình là những kẻ chống phân biệt chủng tộc. Những người coi tất cả những người da trắng là những kẻ áp bức, đơn giản chỉ vì màu da của họ, đang nhìn mọi thứ qua một quan điểm phân biệt chủng tộc. Tổ tiên của người Mỹ gốc Phi đã được đưa đến đất nước này bởi những người buôn bán nô lệ, là những người không cần phải nghi ngờ gì là những kẻ phân biệt chủng tộc. Họ có thể thực hiện việc buôn bán kinh tởm của họ bằng cách nào khác? Nhưng tổ tiên của đại đa số người Mỹ gốc Âu không phải là người buôn bán nô lệ, mà là người nhập cư, nhiều người trong số họ là những người tị nạn kinh tế và một số người trong đó là những người chạy trốn các cuộc bách hại tôn giáo hoặc chủng tộc. Đơn giản là không công bằng khi thấy tất cả những người da trắng bị bôi hắc ín bằng cùng một bàn chải giống như những người buôn bán nô lệ.

 

Nếu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được định nghĩa như là nhìn một con người theo chủng tộc của anh ta chứ không phải theo phẩm giá vốn có của anh ta như một con người, thì chúng ta có thể nói rằng những người tự gọi mình là chống phân biệt chủng tộc cũng mang tính phân biệt chủng tộc giống như những kẻ phân biệt chủng tộc. Và thực tế đáng buồn và hèn hạ là sự căm thù chủng tộc nhiều hơn đang bị gây ra bởi những kẻ “chống phân biệt chủng tộc” đó, những người nhìn mọi thứ theo chủng tộc so với phần nhỏ dân chúng theo chủ trương người da trắng ưu việt.

 

Sự tức giận và bạo loạn mà chúng ta thấy trên khắp Hoa Kỳ kể từ khi George Floyd bị giết là hậu quả trực tiếp của việc chủng tộc hóa chính trị. Người ta cho rằng George Floyd đã bị giết vì anh ta là người Mỹ gốc Phi chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác, và người ta cho rằng tất cả các sĩ quan cảnh sát da trắng đều là những kẻ phân biệt chủng tộc và do đó bị coi là có tội phân biệt chủng tộc cho đến khi được chứng minh vô tội. Tất nhiên, người ta cho rằng Derek Chauvin là một kẻ phân biệt chủng tộc, mặc dù cho đến nay không có bằng chứng thực sự nào về việc này được đưa ra, và điều thú vị là Derek và Floyd cùng làm việc tại một câu lạc bộ đêm và có thể đoán được cả hai đã giao tiếp cá nhân qua lại với nhau trước sự cố bi thảm dẫn đến cái chết của Floyd. Điều sau đây gây chú ý, mặc dù các phương tiện truyền thông hoặc những kẻ bạo loạn không coi là có liên quan, đó là Floyd đã có cái mà người đứng đầu liên minh cảnh sát thành phố Minneapolis gọi là “lịch sử tội phạm bạo lực”, bao gồm án tù 5 năm vì tội tấn công và cướp bóc, cũng như bị kết án vì tội sử dụng vũ khí khi trộm cắp và các tội liên quan đến ma túy. Không tội nào trong số tội này biện minh được cho việc bắt giữ anh ta cách tàn bạo, nhưng tại sao không có những lý do nào khác ngoài lý do được cho là phân biệt chủng tộc đang được thảo luận hoặc điều tra?

 

Cách đây nhiều năm, chính xác là vào năm 1981, và rất lâu trước khi tôi trở lại đạo, tôi đã có mặt tại các cuộc bạo loạn Brixton khét tiếng, trong đó nhóm dân Caribbean gốc châu Phi- của một phần ở Luân Đôn đã nổi loạn để phản đối “nạn phân biệt chủng tộc” của Cảnh sát Luân Đôn, cùng lúc đó, trớ trêu thay, chính sở cảnh sát “phân biệt chủng tộc” này cũng đang buộc tội tôi “kích động căm thù chủng tộc”, một tội mà tôi sẽ bị tống vào tù vài tháng sau đó. Vào thời điểm đó, với tư cách là thành viên của một tổ chức những người da trắng ưu việt, tôi vui mừng khi chứng kiến ​​các cuộc bạo loạn và sự tan vỡ của mối quan hệ giữa dân da đen và cảnh sát. Trong sâu thẳm cõi lòng chứa đầy thù hận của mình tôi hy vọng rằng vụ việc đó sẽ dẫn đến sự tan chẩy dữ dội của xã hội đa chủng tộc.

 

Cảm giác phấn chấn của tôi trong những ngày đen tối và xa xôi đó không khác gì cảm giác phấn khích mà các thành viên Chống Phát-xít và các nhóm cực đoan khác cảm nhận được khi họ chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng tương tự ở nước Mỹ hiện nay. Và đây là bài học cuối cùng và đúng mực nhất cần phải học từ những cuộc bạo loạn này. Không ai được hưởng lợi từ nạn bạo lực được cho là mang tính phân biệt chủng tộc này ngoại trừ những người có đầu óc căm thù.

 

Phạm Văn Trung chuyển ngữ.

https://www.catholicworldreport.com/


Mục Lục Thoáng Suy Tư