VỀ VIỆC TRỪ QUỶ

MA QUỶ, ẢO GIÁC HAY HIỆN THỰC?

Xưa kia, lúc còn đi học tiểu học, thầy giáo hỏi: vẽ cái gì dễ nhất? Đứa thì trả lời vẽ con giun; đứa khác lại nói: thưa thầy vẽ củ khoai. Thầy giáo nói: vẽ con ma thì dễ hơn cả.

Nói hươu nói vượn thì còn kiểm chứng được. Còn kể chuyện ma thì vô phương.

Vậy ma quỷ, vô hình vô tướng, biết có thực hay không, mà ai cũng khiếp sợ, thậm chí đi đến cuồng loạn như phái tôn thờ satan, biểu tượng bản năng tồi tệ nhất của con người.

1/ Hình thái của ma quỷ

·              Không tưởng của khoa học:

Đối với khoa học thực nghiệm, ma quỷ là hoang tưởng, là ảo giác, là tưởng tượng của đầu óc mê tín. Người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết để cố giải thích những hiện tượng lạ mà khoa học chưa lý giải thoả đáng, nhưng xem ra chưa phương pháp thực nghiệm nào xác định là ma quỷ có thật.

·                Ý niệm triết học:

 Ma quỷ luôn đại diện cho sự dữ, cái ác và sự chết. Sự dữ tồn tại như một lẽ tất yếu, cần phải có.

Về phương diện triết học: sự dữ hay cái ác là phản đề đối trọng của chính đề là cái thiện.

Nếu nói về phép biện chứng và vận động, không thể nào không có sự ác. Chúa Giêsu nói: “Thế gian cần phải có gương xấu…” (Lc 17, 1).

Sự dữ hay cái ác như là mặt trái của tờ giấy vậy. Như thế, sự hiện hữu của ma quỷ không phải là điều khó hiểu và không phải là điều không thể.

·                Thực thể của tôn giáo:

Ma quỷ lại là một tồn tại sinh động của văn hoá bình dân xưa nay và là một thực thể của các tôn giáo.

Từ xã hội nguyên thuỷ, lúc còn sơ khai, mông muội về nhận thức, con người đã thờ kính quỷ thần và tin vào sự tồn tại của vong linh người chết. Thế giới thần linh ảnh hưởng trực tiếp trên đời sống con người. Ma quỷ và thần thánh có thể quấy phá, làm hại hoặc phù trợ cho người dương thế.

Trong các tôn giáo thì ma quỷ không những là có thực, mà nó còn là đối trọng không thể thiếu trong sinh hoạt các tôn giáo.

Phật giáo và ma quỷ:

Theo các sách kinh điển cổ xưa của Phật Giáo, thì địa ngục và ma quỷ là có thực. Ngạ quỷ, địa ngục, là những kiếp luân hồi dành cho những người thủ ác, sau khi chết.

Các sách kinh nhà Phật phân loại và mô tả rất chi tiết các loại ma quỷ, cùng những hình phạt vô cùng kinh hãi: lửa thiêu đốt, vạc dầu sôi, v.v. Ma quỷ là kết tinh tất cả những gì đau khổ, xấu xa, bẩn thỉu hôi hám, mà trí óc con người có thể tưởng tượng ra.

Kinh Chánh Pháp Niệm nói: có đến 36 loại quỷ tương ứng 36 thứ tội mà kiếp trước phạm phải.

Thời gian đoạ đày có thể kéo dài hàng ngàn vạn năm; mười năm ở nhân gian bằng một ngày của ngạ quỷ. Tính ra, có loài quỷ sống thọ đến tám mươi vạn tuổi.

Các kinh Phật được truyền dạy khoảng 2.500 năm trước, được truyền khẩu và biến đổi nhiều, để phù hợp với não trạng của con người thời đó và thường dùng ngôn ngữ có tính cách “thậm xưng” để diễn tả. Hình ảnh gớm ghiếc của ma quỷ và địa ngục làm cho con người sợ hãi, sợ bị trừng phạt, xa lánh điều ác, tác dụng răn đe rất mạnh mẽ và hiệu quả.

Nhiều vị tôn sư uy tín của Phật giáo ngày nay không tin vào sự tồn tại của ma quỷ như là thực tại khách quan. Họ coi hiện tượng tà ma, mà ta thường nghe nói đến, chỉ là rối loạn phức tạp của tâm lý mà thôi.

Đức Đạt Lai Lạc Ma thứ 14 nói: “Nếu phân tích khoa học chứng minh một số tuyên bố trong Phật Giáo là sai, thì chúng ta phải chấp nhận những phát hiện của khoa học và từ bỏ tuyên bố đó.” (Quan điểm về ma quỷ và địa ngục qua góc nhìn Phật Giáo, www.phatgiao.org.vn).

Theo tôi nghĩ, để bớt cuồng tín và tránh cực đoan, lời nói của vị này quả đáng cho ta suy nghĩ.

Các giáo lý đều được diễn đạt trong một khung cảnh lịch sử, ở một vùng đất có văn hoá cụ thể, phù hợp với não trạng và sự hiểu biết của người đương đại. Chắc chắn sẽ phải trình bày cách khác hẳn cho người thời nay.

2/ Ma quỷ trong thánh kinh

Thánh kinh cả Cựu và Tân Ước, không những coi ma quỷ như một thực tại khách quan mà hơn thế nữa còn coi ma quỷ là một đối trọng nguy hiểm cho hạnh phúc và cứu cánh tối hậu của con người. Ma quỷ là đối tượng sinh tử trong cuộc chiến một mất một còn.

·                Cựu Ước:

Từ chương đầu sách Sáng Thế Ký, mô tả về cuộc tạo dựng vũ trụ và con người, thì ma quỷ đã xuất hiện, tinh khôn và xảo quyệt, cám dỗ tổ tông loài người phạm tội và chúng đã thành công: đưa loài người vào kiếp khổ ải trầm luân.

Ma quỷ len lỏi trong lịch sử nhân loại, chúng luôn ganh tị vì những ân phúc mà Thượng Đế dành cho con người, chúng luôn tìm cách ám hại và lôi kéo con người chống lại Thượng Đế, để cùng chịu bất hạnh như nó.

Câu truyện ông Gióp là điển hình cho hoạt động của ma quỷ. Sách Gióp cũng cho ta biết ma quỷ có quyền hành và khả năng lung lạc tinh thần, can thiệp vào vật chất và thân thể con người như thế nào.

·                Tân Ước:

Phúc âm đề cập rất nhiều lần đến sự hiện diện của ma quỷ và các hoạt động của nó.

Trước khi công khai ra giảng đạo, Chúa Giêsu để cho ma quỷ cám dỗ. Rất nhiều lần Ngài trừ quỷ.

Trong bữa tiệc ly, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, ta cũng thấy quỷ xuất hiện: “Y (Giuđa) vừa ăn xong miếng bánh, satan liền nhập vào y…” (Ga 13, 27).

Sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu là đỉnh điểm đầy kịch tính của cuộc chiến một mất một còn giữa thiện và ác. Chúa sống lại, đã chiến thắng và giải phóng ta khỏi ách ma quỷ, tội lỗi và sự chết.

Như vậy, với người Kitô Hữu, sự hiện hữu của ma quỷ là điều không còn nghi ngờ. Ma quỷ song hành với vận mệnh con người từ lúc khai thiên lập địa. Bao lâu còn sự ác, thì bấy lâu nó vẫn còn và nhiệm vụ chúng ta là chống lại và đánh bại nó, để giành lấy phần phúc mà Thiên Chúa hứa.

Nhưng đánh bại nó bằng cách nào?

3/Nhận diện ma quỷ

Muốn giao chiến trước tiên phải nhận ra kẻ thù, kẻ thù ấy mạnh đến đâu, sách lược của đối phương thế nào? Sau đó rồi mới tính đến phương cách chiến đấu để chiến thắng.

Vậy ma quỷ hình thù thế nào?

·                Dung mạo ma quỷ:

Ai cũng biết, ma quỷ là loài tạo vật linh thiêng, vốn là các thiên thần thông minh sáng láng, vì phản nghịch mà bị Thiên Chúa phạt (Sách Khải Huyền, chương 12), linh thiêng nên vô hình vô tướng. Quỷ đen đủi, gớm ghiếc, có sừng, có đuôi, chỉ là hình vẽ tưởng tượng xa xưa, một tạo hình của dân gian.

Ta thực thua kém xa ma quỷ về ý chí và trí thông minh. Con người và ma quỷ đi vào một cuộc chiến không cân sức và quá khứ đã chứng minh điều đó. Ông bà nguyên tổ đã nghe lời phủ dụ của con rắn là ma quỷ mà phạm tội, khiến con cháu phải mang kiếp đoạ đày, ngày đêm đau khổ tiếc nuối một thiên đàng đã mất.

Ma quỷ thì gian manh xảo quyệt: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng” (Stk 3, 1), là cha sự gian dối: “Ngay từ đầu, nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

Tôi thấy thật buồn cười khi xem những video clip “trừ quỷ”, đây đó, cảnh tra khảo bắt quỷ phải nói điều này nọ, mà không nhớ rằng nó là cha sự gian dối. Rồi thì tin những điều nó nói như mạc khải mới, hơn cả Thánh kinh và điều Giáo hội dạy. Nếu nó là quỷ thật, thì ta đã mắc mưu nó.

Có người lập luận rằng, mình bắt quỷ nói nhân danh Chúa thì nó phải nói thật. Họ không biết rằng quỷ quyền phép, lại khôn ngoan và thông minh hơn ta nhiều, dễ gì “bắt nạt” nó được.

Có hay chăng, người ấy đang sai khiển cả Thiên Chúa: khi cứ nói nhân danh Ngài thì Ngài phải làm theo sao?

Vả lại, trong Phúc âm, có những lúc, môn đệ chúa Giêsu làm phép trừ quỷ mà có được đâu (Mc 9, 28). Không phải cứ nhân danh Chúa thì quỷ phải nghe lời.

Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại chuyện: “Có mấy người Do Thái đi đây đi đó làm nghề trừ quỷ, cũng thử lấy danh Chúa Giêsu mà chữa những người bị tà thần ám. Họ nói: “Nhân danh ông Giêsu mà ông Phaolô giảng, ta truyền lệnh cho các ngươi!”

Ông Xi-kêu-a nọ, thượng tế Do Thái, có bảy con trai thường làm như vậy. Nhưng tà thần đáp: “Đức Giêsu, tao biết; ông Phaolô, tao cũng tường; còn bây, bây là ai?” Rồi người bị tà thần ám xông vào họ, đè cả bọn xuống đánh túi bụi, khiến họ phải bỏ nhà ấy mà chạy trốn, trần truồng và đầy thương tích” (Cv 19, 13-16).

·                Sách lược của ma quỷ:

Ma quỷ, khi cám dỗ ta, có sách lược hẳn hoi. Chúng phủ dụ bằng những việc tốt lành, dùng thủ đoạn gian manh giấu mặt đưa ta vào tròng, núp dưới những chiêu bài tưởng chừng không gì tốt đẹp hơn:

- Đánh bom tự sát là phục vụ Thượng Đế cao cả.

- Khổ hạnh nghiêm ngặt, đoạ đày thân xác là điều tốt đẹp, làm vui lòng Ngài.

- Giết người, phá thai chỉ là quyền chọn lựa của phụ nữ.

- Buông thả tình dục là sống thử, là tìm kinh nghiệm, là thể hiện quyền tự do luyến ái.

- Nghiện ngập, ma tuý là khẳng định cá tính.

- Áp bức, bóc lột thể hiện quyền làm chủ vv…

Khi con người nhận ra mình là vong thân thì đã quá muộn màng, đã thua cuộc.

Ma quỷ lâm chiến với mục tiêu tách con người ra khỏi Thiên Chúa và sách lược của nó thì ai cũng nhận thấy rõ ràng:

- Ma quỷ là vua chia rẽ, chống đối, mất đoàn kết, ly dị vợ chồng, làm cho gia đình tan nát.

- Làm mất khả năng phán đoán, gian dối, ưa dựng chuyện.

- Làm lu mờ trí óc, thả mồi bắt bóng, để ta lo toan những việc không đâu, thiển cận thấy gần mà không thấy xa, lấy cái phụ làm việc chính.

Chúa Giêsu đã cảnh giác ta nhiều lần, chống lại ý đồ đó của ma quỷ. Ngài nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mt 26, 41). “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33).

Ngài cũng dạy các môn đệ dụ ngôn người giàu có tích trữ nhiều của cải, rồi nghĩ đến ăn chơi thoả thích mà không thấy cái chết và ngày phán xét gần kề bên (Lc 12, 16-21)

- Ma quỷ còn làm cho ta chán nản, thất vọng, mất niềm tin vào lòng thương xót Chúa, để ta không biết hối cải và được cứu. Ngược lại điều đó, như lời Thánh Phêrô: “Chúa kiên nhẫn với anh em, vì Người không muốn cho ai bị diệt vong, nhưng muốn cho mọi người di tới chỗ ăn năn hối cải “ (2 Pr 3, 9)

Đây là điều đáng buồn, là điểm thắng lợi của ma quỷ, vì cuối cùng nó đạt được mục đích là lôi kéo linh hồn người ta xa rời Đức Chúa và thoả mãn đúng bản chất của nó là phản nghịch lại Tình Yêu cao vời của Ngài.

4/Làm gì để chiến thắng ma quỷ

Chúng ta chẳng thể đọ sức được với loài quỷ dữ vừa quyền lực vừa tinh ranh ấy, nếu tự sức mà chiến đấu một mình.

·                Ở trong Chúa Kitô và Giáo hội:

May mắn thay chúng ta đã có thủ lãnh uy lực là Chúa Giêsu. Chúa đã nói với môn đệ: “Không có thầy chúng con chẳng làm được việc gì” (Ga 15, 7).

Chúa là vua vũ trụ: “ Khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống” (Pl 2, 10).

Là Kitô Hữu, nghĩa là mang trong mình Chúa Kitô. Chúng ta nào có sợ hãi gì trước ma quỷ, nếu ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, không phải là tôi sống mà là chúa Kitô sống trong tôi.” (Gl 2, 20). Có Chúa trong ta, ma quỷ dù có mạnh mẽ cũng chào thua.

Trong cuộc chiến đấu này, ta không đơn độc vì có Giáo hội, là thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Giáo hội được Chúa Giêsu trao thẩm quyền tiếp tục sứ mệnh của Ngài trên trần gian: “Phêrô, con là đá, trên đá này thầy sẽ xây hội thánh thầy, mà cửa hoả ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 19).

Chỉ khi có chúa Kitô trong mình và gắn bó với Giáo hội Ngài, chúng ta mới có cơ hội chiến thắng được ma quỷ. Giáo hội có đầy đủ phương thế hữu hiệu là các bí tích giúp ta chiến đấu và chiến thắng thần ác.

·                Ăn chay và cầu nguyện:

Ma quỷ được chúa ban cho một quyền lực lớn lao khôn lường. Nhưng Ngài cũng chỉ cho ta vũ khí vô hiệu hoá quyền lực của chúng: “loại quỷ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9, 29)”.

Tuy nhiên, cái sai lầm tệ hại xưa nay của chúng ta là ăn chay và cầu nguyện không đúng thực chất.

Đọc kinh thì ba hoa, lắm lời, trống rỗng. Chúa Giêsu than phiền: “Dân này chỉ thờ ta bằng môi miệng, còn lòng nó thì xa ta” (Mc 7, 6). Coi Thượng Đế như một thứ ngẫu tượng tầm thường.

Ăn chay thì hời hợt bên ngoài: “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2, 13). Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối. Chay lòng mới là ăn chay thật. Kiêng khem ăn uống là kiềm chế dục vọng, mục đích không phải hành xác nhưng để tâm hồn thanh thoát, nhẹ nhàng: biết chia sẻ, tự chế mà rộng rãi, quảng đại, tha thứ, yêu thương.

·                Đến cùng Mẹ Maria, là mẹ Chúa Giêsu và mẹ Giáo hội

Thiên Chúa phán với con rắn, sau khi nguyên tổ phạm tội: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy, Người sẽ đạp đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân Người.” (St 3, 15) Nói lên quyền uy của Đức Maria trên ma quỷ và hoả ngục. Đức Mẹ sẽ bảo trợ ta trước những mưu mô cám dỗ của ma quỷ.

5/ Ma quỷ thời nay và con thuyền Giáo hội

Khi các tông đồ vâng lệnh Chúa, những ngày đầu ra đi loan báo tin mừng. Sách Tông Đồ Công Vụ viết: “Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông Phaolô…” (Cv 17, 18).

·                Kitô giáo, đạo chân thật từ trời.

Phaolô cất tiếng rao giảng cho họ: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ…Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự…Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu…” (Cv 17,18-28).

Phaolô loan báo một tôn giáo chân chính đến từ trời, cho người đương thời, đang chia năm sẻ bảy và rối tung vì thờ đa thần, cùng các học thuyết đang thịnh hành lúc bấy giờ do con người tạo ra, như phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ.

Khung cảnh lịch sử thời các tông đồ không khác gì mấy với thời đại chúng ta đang sống. Ngày nay, các khuynh hướng cực đoan, các chủ trương kỳ dị, khuynh loát trí tuệ và phán đoán lành mạnh của xã hội.

Chủ nghĩa cá nhân và phương tiện truyền thông tiên tiến, làm nhiễu loạn thông tin, không ai biết đâu vào đâu. Tất cả cũng đang xô đẩy nhân loại đến bờ vực huỷ diệt, đe doạ sự tồn vong của con người, vô cùng nguy hiểm.

Giáo hội Chúa Kitô luôn là “Ánh sáng thế gian”, soi rọi đường đi cho thế giới. Có khác chăng, thay vì đèn dầu, ngọn nến, của một thời thì nay phải nâng cấp lên là ngọn đèn LED, mới chiếu rọi vào mọi ngõ ngách phức tạp của cuộc sống được. …

+ Khủng hoảng đức tin

Nhưng cái Giáo hội ấy, thời nay, đang bị tấn công kịch liệt tứ phía: từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, có bài bản, có sách lược, như Chúa đã cảnh báo: “Ma quỷ sàng các con như sàng gạo” (Lc 22, 31). Cuộc tấn công mạnh mẽ và dữ dội quá khiến nhiều người hoảng sợ. Tưởng chừng như thời đại cuối cùng sắp đến.

Phải chăng Chúa đã mở cửa hoả ngục cho quỷ vương tự do hoạt động, như sách Khải Huyền đã tiên đoán?

Các ngôn sứ giả, các phong trào chống đối, các lạc thuyết nở rộ khắp nơi. Người ta tính có đến 2.000 trường hợp tự nhận được mạc khải tư.

Cái thuyết phục của những nhóm này là, nhiều người trong bọn họ, làm được những sự lạ lùng đi kèm, khó phản bác (khó chứ không phải là không thể phản bác), lôi kéo được nhiều người nhẹ dạ tin theo. Đúng như thánh Phaolô đã cảnh báo trong thư thứ 2 gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của satan, có kèm theo đủ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng và đủ mọi mưu gian chước dối…” (2 Tx 2, 4-10).

Sách lược của ma quỷ không có gì mới.

-                 Cũng là chia rẽ, gây bất hoà, gây ly tán, bất phục trong Giáo hội.

-                 Gây lệch lạc phán đoán, lộng giả thành chân, biến không thành có, với những thuyết âm mưu xảo quyệt.

-                 Gây lu mờ trí óc, việc bé xé to, thiên kiến nặng nề, gieo tin đồn thất thiệt.

-                 Gây thất vọng, chán nản, mất khả năng đối thoại và xây dựng. Làm cho ta nhận thấy đúng là thời mạt pháp, hết thuốc chữa.

Phải chăng Giáo hội không còn sức sống, bị lũng đoạn và bị thế lực đen tối chế ngự? “Sứ Điệp Từ Trời” còn cho rằng: Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là nguỵ giáo hoàng, là hội viên hội kín Illuminati, là Satan đang tàn phá Giáo hội (Đã là hội kín, sao mà biết được. Để cho người ta tin vào thuyết âm mưu của mình, họ còn kể tên một số tổng thống Mỹ, trong đó có cả cựu tổng thống George W Bush).

+ Chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo

Con đường rộng thênh thang, ai cũng biết, là sẽ không dẫn đến nước trời; người tín hữu phải chọn đường hẹp, đường thập giá để được cứu rỗi.

Ít ai nghĩ tới, chủ nghĩa khắc kỷ cũng không phải là chọn lựa của Chúa Giêsu.

Ma quỷ dùng chính chủ nghĩa này để lôi kéo được nhiều người, nhất là giới trẻ thời nay, xa rời đức tin Kitô giáo.

Họ nhìn Giáo hội như một thế lực cổ hủ lỗi thời của quá khứ tối tăm, với những xiềng xích và trói buộc, nô lệ hoá con người, cản trở sự tiến hoá nhân loại mới.

Con người không thể hành xác, nghiêm ngặt, nhìn cái gì cũng là tội lỗi, một ám ảnh tâm lý bệnh hoạn, lệch lạc đáng thương, giả hình đạo đức của một thứ vô đạo đức. Blaise Pascal viết: “qui veut faire l’ange fait la bête “ (ai muốn làm thiên thần, là làm nên con vật).

Không, hoàn toàn không đúng như vậy.

Thư thứ nhất của thánh Gioan nói: “ Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn Người không nặng nề” (1 Ga 5, 3).

Mười điều răn Chúa dạy là những bài học làm người, phải giữ để người cho ra người. Đơn giản, dễ dàng và tự nhiên, là tiêu chí của con người tự do và nhân phẩm.

Chúa Giêsu: “Ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30). “ Con Người đến cũng ăn uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Mt 11, 19).

Chúa Giêsu cũng từng tuyên bố: “Ngày lễ sa bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa bát” (Mt 2, 27). Sở dĩ có luật là để phục vụ cho đời sống con người.

Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi những luật lệ hà khắc nô dịch.

Ngài là Thiên Chúa, xuống làm người, để nâng ta với bản năng sa ngã nô lệ dục vọng thấp kém, lên tầm cao của con người tự do: “Khi ta bị treo lên, ta sẽ kéo mọi sự lên cùng ta” (Ga 12, 32)

·                Đức tin và lý trí

Bạn cứ tưởng tượng, nếu bạn đưa chiếc smart phone cho người sống cách đây vài trăm năm xem. Chắc chắn họ sẽ sụp lạy bạn như vị thần, khi được xem trong tay bạn những video clip ảo, có hình ảnh và âm thanh sống động xảy ra y như thật.

Tôi chắc rằng bạn cũng sẽ ngạc nhiên như thế, nếu vài trăm năm sau, bạn sống lại chỉ với ký ức của thế kỷ 21 hạn hẹp.

Cái gì làm cho con người thức thời và không bỡ ngỡ, trước những biến đổi diệu kỳ của thế giới tương lai? Phải chăng là niềm tin vào lý trí và sản phẩm của nó là khoa học.

Giáo hội xưa nay vẫn coi Thánh kinh là những chân lý mạc khải đến từ Thiên Chúa. Đã là mạc khải thì ngoài khả năng hiểu biết của trí tuệ con người, như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chẳng hạn.

Tuy nhiên, mạc khải và trí tuệ cùng bắt nguồn ở chân lý tối thượng là Thiên Chúa duy nhất.

Giáo hội luôn chủ trương dùng lý trí soi sáng cho mạc khải. Vì thế, việc đào tạo giáo sĩ luôn đòi buộc ứng sinh phải kinh qua giáo trình triết học, luận lý để tìm hiểu thần học, thuộc thế giới siêu hình.

Từ thời trung cổ, Giáo hội Công Giáo đã thành lập các đại học đầu tiên trên thế giới như Bologna (1088), Oxford (1096), Cambridge (1209).

Các nhà bác học đầu ngành đều là những tu sĩ hoặc giáo dân mộ đạo. Điển hình:

- Thiên văn học, như tu sĩ người Ba Lan Nicolai Kopernik (1473-1543) và Johannes Kepler (1571-1630), người Đức, giáo sư chủng viện Graz.

- Toán học: Isaac Newton (1642-1726).

- Di truyền học: Mendel (1822-1884), linh mục.

Và rất nhiều nhà bác học khác…

Họ đều chủ trương tiếp cận thế giới siêu hình bằng khoa học, như tuyên bố của Louis Pasteur, cha đẻ ngành sinh vật học: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Thượng Đế”. Hoặc như Einstein: “Tôi chưa hề gặp điều gì trong khoa học của tôi mà đi ngược lại với tôn giáo”.

Giáo hội không rơi vào vòng xoáy của mê tín là vì khi nào cũng tôn trọng nền tảng lý trí. Câu nói nổi tiếng của Tertullien (thế kỷ thứ 2) “credo quia absurdum” (tôi tin vì nó phi lý), không hề là châm ngôn cho một đức tin trong sáng, tinh tuyền.

Cái siêu lý thì có thể là chân lý chứ cái phi lý thì không thể là chân lý được.

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2: “Đức tin và lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý” (Thông điệp Fides et Ratio).

Nhưng lý trí không phải là con đường đón nhận ơn cứu rỗi mà chính là đức mến.

6/ Sự cứu rỗi đến từ lòng mến

Mục đích cuối cùng cuộc sống chúng ta là được cứu rỗi: “Lợi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16, 26).

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,17).

Thánh Phaolô ví đường lên trời như một cuộc chạy đua: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9, 27).

Nhưng trong cuộc đua này, không có chỗ cho sự sợ hãi. Thiên Chúa là cha, là Tình Yêu, nên chỉ có tình mến mới đến được với Ngài.

Ơn cứu rỗi không đến từ sợ hãi, kể cả nỗi sợ ma quỷ hoặc hoả ngục. Bởi vì như thánh Gioan: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4, 18).

Chúng ta, ai chẳng là tội nhân, nhờ máu cứu chuộc Chúa Giêsu mà đã được gột rửa. Nhưng ơn cứu độ đến do lòng mến nhiều hay ít. Chúa nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7, 47).

Thánh nữ Teresa Hài Đồng đặc biệt nêu gương cho ta lòng mến thiết tha, hết sức đơn sơ, bé mọn như lời Chúa: “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, thì các con không vào được nước trời” (Mt 18, 3), lòng mến chân thành, phó thác thơ ngây như các em nhỏ, trong vòng tay cha mình.

Thánh nữ không ăn chay nghiêm nhặt, không hành hạ xác thân, nhưng luôn làm công việc thường nhật, hèn mọn khiêm tốn, với lòng tin mến, phó thác cho Chúa định đoạt tất cả.

Chúng ta thường hay bị cám dỗ làm những việc phi thường: mình được Chúa tuyển chọn, ưu ái hơn người khác, mình đạo hạnh hơn người, mình biết hy sinh, biết quên mình, làm việc thiện nhiều, xứng đáng được thưởng công, rồi sinh tự mãn, ảo tưởng như người Pha-ri-siêu trên đền thờ. Dân Do Thái tự hào mình là dân được tuyển chọn, là con cháu Abraham. Chúa nói: “Thiên Chúa có thể biến các hòn đá này thành con cháu Abraham” (Mt 3, 9).

Thánh Phaolô nói về thiên đàng: “Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”. (1 Cr 2, 9) Cũng theo ngài, trên trời chỉ có đức mến vì ta chẳng cần lòng tin và đức cậy nữa.

Lời kết

Là Kitô hữu, chúng ta chẳng sợ gì ma quỷ. Đức tin trưởng thành không đến từ sợ hãi nhưng từ lòng mến yêu: tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài dựng nên ta là để cho Ngài (Thánh Augustino). Ma quỷ chỉ là thụ tạo, nó được Thiên Chúa cho phép thanh luyện, thử thách ta để ta xứng đáng hưởng phúc phần Ngài ban. (Sách Gióp).

Vấn đề của ta là phải luôn tỉnh thức như lời Chúa dạy: “Các con hãy tỉnh thức, và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14, 38). Tỉnh thức là nhận diện và cảnh giác.

Ma quỷ, vốn là thiên thần phản nghịch rất tinh khôn như ta đã trình bày ở trên. Ma quỷ thời nào cũng có, ta không biết Chúa cho nó hoạt động thế nào, nhưng dưới ánh sáng mạc khải và suy nghĩ của con người thời đại, thì chắc hẳn nó khôn khéo ranh ma, giấu mặt, nhận diện không dễ, vì thế Chúa mới dặn ta nên tỉnh thức.

Theo tôi nghĩ, nếu nó hiện nguyên hình xấu xa, dữ tợn, nhảy choi choi, phùng mang trợn mắt, thì ai cũng chạy mất dép.

Trên đất Hoa Kỳ, phái satanism, tôn thờ quỷ satan, lôi kéo nhóm trẻ và các fan của nó cuồng nhiệt cả hàng triệu người, tổ chức lễ đen (black mass) và những lễ hội ca nhạc ồn ào, náo nhiệt. Mới đây nó còn đăng ký có đặc quyền như một tôn giáo. Nào có thấy bóng dáng quỷ satan đâu, đáng lẽ nó phải thích thú và hiện hình chứ.

Cái khôn nhất của ma quỷ là làm như nó không có, thế mới lôi kéo được nhiều người. Chủ trương của ma quỷ, của phái satan là chủ nghĩa Khoái Lac. Đường lối nó đi ngược hoàn toàn với giáo lý Đức Kitô.

Chúa dạy ta chọn đường hẹp, hy sinh, chọn đường thập giá, yêu tha nhân…tránh xa bảy mối tội đầu. Thì nó chủ trương coi mình là trung tâm, tự tôn mình là việc chính đáng, tự khẳng định, phát huy quyền làm chủ cuộc sống; ăn chơi hưởng thụ khoái lạc là quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, là giải phóng bản thân khỏi những định chế lỗi thời…

Nó lợi dụng và làm chiêu trò đối nghịch với Giáo hội, với đạo đức truyền thống, làm nghi lễ đen, làm đối trọng với 2,3 tỉ người Kitô giáo, để gây chú ý và quảng bá thanh danh, gây thanh thế cho tổ chức. Nó đã phần nào thành công với sách lược và chiêu trò ấy.

Ta thấy trong Phúc Âm, quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc đền thờ, sau 40 ngày Ngài ăn chay trong sa mạc, rồi nói: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi”. Quỷ khôn khéo trích dẫn thánh kinh rất thuần thục “Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (Mt 4, 5-6)

Cả Chúa Giêsu, quỷ cũng không từ cám dỗ Ngài, với phong thái đĩnh đạc và khôn ngoan, hiểu thời cơ, hiểu tâm lý, lắm chiêu trò.

Chúa ơi! Phong ba bão táp, sóng gió ầm ầm, mây đen kéo đến nghịt trời, chúng con chết mất! Ngài vẫn ngủ hay sao?

 

 Tiếng Sa Mạc

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư