Vắc-xin Ngừa Covid-19 Và Một Vài Vấn Đề Liên Quan Tới Luân Lý Công Giáo

 

I.VẮC-XIN LÀ GÌ?[1]

 

Vắc-xin có tên gốc theo tiếng La-tinh là Vaccinus, có nghĩa là "bắt nguồn từ con bò“. Đó là một kháng nguyên (Antigen) sinh học hoặc biến đổi Gen, thường bao gồm các mảnh Protein hoặc vật liệu di truyền, hay các mầm bệnh bị giết hoặc bị làm suy yếu.

 

Vắc-xin vừa có thể bao hàm một kháng nguyên từ một mầm bệnh đơn lẻ, vừa cũng có thể bao hàm một hỗn hợp của một số kháng nguyên từ các mầm bệnh hoặc chủng mầm bệnh khác nhau. Đôi khi nó cũng có thể chứa các chất phụ gia để tăng hiệu quả.

 

Nhờ vào việc tiêm chủng, Vắc-xin sẽ kích thích hệ miễn dịch của người được tiêm chủng để hình thành nên các kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh hoặc chống lại nhóm tác nhân gây bệnh, hay cũng có thể là chống lại một độc tố đặc biệt có khả năng gây bệnh. Tác dụng kháng nguyên của Vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch ở người được tiêm chủng thông qua cái gọi là miễn dịch chủ động, mà sự miễn dịch này không chỉ bao gồm các kháng thể, nhưng cũng còn chứa đựng cả các tế bào trợ giúp chuyên biệt, gọi là tế bào T (Thymos Zellen: tế bào sự sống). Khi cơ thể có được khả năng miễn dịch, thì hệ miễn dịch ấy sẽ bảo vệ cơ thể và chống lại căn bệnh tương ứng; tùy thuộc vào mỗi mầm bệnh, sự bảo vệ này có thể kéo dài trong một số năm, thậm chí suốt đời.

 

Trái lại, đối với miễn dịch thụ động, thì các kháng thể sẽ được chích vào cơ thể để điều trị một sự nhiễm trùng cấp tính. Sự miễn dịch này sẽ bảo vệ cơ thể trong khoảng 14 ngày, và không tạo ra sự miễn dịch lâu dài cho bệnh nhân.

 

II.LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VẮC-XIN:

 

Đậu mùa là căn bệnh đầu tiên mà người ta đã cố gắng tạo ra sự miễn dịch cho mỗi người bằng cách cố tình làm cho họ bị lây nhiễm những chủng bệnh khác nhau của bệnh đậu mùa (tức sự chủng đậu - Variolation). Người ta tin rằng, những cố gắng ấy đã được thực hiện trước tiên tại Ấn Độ, hay cũng có thể là tại Trung Quốc[2] khoảng 1000 năm trước Công Nguyên. Các Thầy Thuốc người Trung Hoa đã chọn những người đã mắc bệnh nhưng còn nhẹ để khai thác Vắc-xin bằng cách lấy những miếng vảy từ da của những bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa, rồi nghiền thành bột và nhét vào mũi của những người chưa bị mắc bệnh. Đó là hành vi chủng ngừa nguyên thủy.  

 

Vào năm 1718, Lady Mary Wortley Montagu cho biết rằng, người Thổ-nhĩ-kỳ dưới triều đại Ottoman cũng đã thực hiện một phương pháp tương tự, bằng cách lấy dịch từ cơ thể của những người mắc bệnh nhẹ, rồi cho con cái họ tiếp xúc (có thể là đưa vào lỗ mũi) với những chất dịch đó. Vào những năm 1770, có sáu chuyên viên, gồm Sevel, Jensen, Jesty (1774), Rendall và Plett (1791)[3], đã đưa ra báo cáo rằng, một số phụ nữ làm nghề vắt sữa bò đã miễn dịch với bệnh đậu mùa ở người, và đã sống sót sau một đợt dịch đậu mùa. Sau đó họ đã chủng ngừa thành công cho mọi thành viên trong gia đình cũng như cho những người thân quen bằng cách lấy dịch bạch huyết của những con bò bị mắc đậu mùa để chích.

 

Thông qua các đồng nghiệp có liên hệ với mình, bác sĩ người Anh - Edward Jenner – cho biết rằng, những ai đã từng bị nhiễm bệnh đậu bò thì hầu như sẽ miễn nhiễm với các chủng mới của bệnh đậu mùa[4]. Vì thế, Bác Sĩ Jenner đưa ra giả thuyết, khi tiêm chủng đậu bò vào cơ thể, sẽ tạo ra một sự miễn dịch giống hệt với sự miễn dịch của người đã sống sót sau khi mắc bệnh đậu bò, và do đó, sẽ bảo vệ người ấy trước bệnh đậu mùa. Bác Sĩ Jenner đã lấy dịch từ tay của Sarah Nelmes – nữ giúp việc đã mắc bệnh đậu bò -, và sử dụng dịch ấy để chích và thoa trên vết xước ở cánh tay của một bé trai tám tuổi, khỏe mạnh, tên là James Phipps. James đã có những triệu chứng bị nhiễm Virus đậu bò, nhưng sau đó sớm bình phục. 48 ngày sau, bác sĩ Jenner đã cho cậu bé trên tiếp xúc với một biến thể mới của Virus đậu mùa đang lây lan vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cậu bé đã không có những triệu chứng của bệnh đậu mùa như trước đây nữa.

 

III.CÁC LOẠI VẮC-XIN

 

1.Vắc-xin sống bị làm suy yếu/giảm độc lực:

 

Các Vắc-xin sống hàm chứa những vi khuẩn bị làm suy yếu (tiếng Latinh gọi là attenuare), hay những Virus vẫn còn có khả năng sinh sản và gây ra phản ứng miễn dịch, nhưng cứ sự thường thì không còn có khả năng gây bệnh nữa. Một con Virus được sinh ra từ một tế bào nhưng bị làm suy yếu, cũng được gọi là „Vắc-xin sống“. Người ta đã chấp nhận cách gọi như thế, dù rằng không chính xác lắm xét theo nghĩa hẹp, vì Virus không phải là một sinh vật.

 

2.Vắc-xin bất hoạt hay cũng còn gọi là Vắc-xin chết:

 

Những Vắc-xin bất hoạt bao gồm cả những Virus không còn có khả năng hoạt động nữa hay đã bị giết chết, và cũng có thể là những con vi khuẩn, hay chỉ là một thành phần nào đó của những con Virus hoặc của những con vi khuẩn, hay là những độc tố. Những con Virus hay vi khuẩn ấy không còn có khả năng sinh sôi nẩy nở hay gây độc trong cơ thể con người được nữa, chẳng hạn như Tetanospasmin[5]. Tuy nhiên, nó vẫn có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch. Chẳng hạn như Vắc-xin Toxoid[6], tức thuốc chủng ngừa độc tố  và thuốc chủng ngừa cúm, chủng ngừa bệnh tả, bệnh dịch hạch, viêm gan A hoặc viêm gan B.

 

3.Một số nhóm Vắc-xin khác:

 

Nói chung, trong việc phát triển Vắc-xin, người ta phân ra hai nhóm chính, đó là Vắc-xin di truyền (Vắc-xin dựa trên yếu tố di truyền) và Vắc-xin Protein (Vắc-xin đặt nền tảng trên Protein).

 

a.Vắc-xin di truyền:

 

Với loại Vắc-xin mới này, không có bất kỳ con Virus, cũng như không có bất cứ một thành tố nào đó của con Virus được sử dụng cho Vắc-xin cả, mà chỉ là một phần bộ Gen của con Virus mà thôi. Thông tin di truyền chứa đựng trong đó ở dạng DNA hoặc RNA hoặc mRNA được truyền vào tế bào thông qua việc chích Vắc-xin. Và khi được truyền vào tế bào rồi thì nó sẽ đóng vai trò như một bản thiết kế cho một số Protein bề mặt của con Virus, và như thế kích hoạt cơ thể tạo ra những kháng thể để chống lại con Virus mới đó. Mặc dù những Protein này vô hại nhưng chúng vẫn khiến cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch để chống lại những con Virus mà những Protein đó được coi như là những đại diện, hay nói nôm na thì đó là những con Virus giả. Một ưu điểm của vắc xin DNA và mRNA là chúng có thể được sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn và đồng thời không tốn kém[7] (đặc biệt là không phải sử dụng tới tế bào thai nhi).

 

*Vắc-xin DNA: DNA là từ viết tắt của deoxyribonucleic acid, nó được tạo thành từ các đơn vị nucleotide. DNA là một phân tử cực kỳ quan trọng không chỉ đối với con người, nhưng cũng còn đối với hầu hết các sinh vật khác. DNA chứa vật liệu di truyền và Gen - đó là thứ khiến chúng ta trở nên độc nhất. Vắc-xin DNA không cần tới Virus mang mầm bệnh (gọi là Véc-tơ – Latinh: vector – có nghĩa là người/kẻ/chất mang vác, người/kẻ/chất vận chuyển), cũng không cần tới các thành phần Protein của mầm bệnh (tức kháng nguyên) để tiêm chủng, nhưng chỉ cần tới một Gen chứa thông tin di truyền để tạo ra một bản thiết kế của kháng nguyên tương ứng. Chất mang thông tin di truyền này thường là một phân tử DNA hình chiếc nhẫn (tiếng Anh gọi là Plasmid) được tạo ra từ những vi khuẩn vô hại trong những điều kiện được kiểm soát tốt[8] và chứa đựng trong Vắc-xin với tư cách là những hạt Nano[9] ở trạng thái lỏng (tức giọt chất béo)[10][11].

 

*Vắc-xin RNA (hay cũng còn gọi là Vắc-xin mRNA) (mRNA là chữ viết tắt của messenger ribonucleic acid): Giống như với Vắc-xin DNA, nơi Vắc-xin mRNA cũng không sử dụng Virus mang mầm bệnh nào, nhưng sử dụng một mã di truyền, chủ yếu ở dạng mRNA ổn định của kháng nguyên tương ứng[12].

 

*Vắc-xin Véc-tơ: Trong trường hợp vắc-xin Véc tơ, người ta sử dụng những con Virus mang mầm bệnh đã bị vô hiệu hóa, nên không còn có khả năng gây hại cho con người nữa, và cũng không còn có khả năng sinh sản được nữa, chẳng hạn như Virus Adeno[13]. Những Virus mang mầm bệnh này được gọi là Virus Véc-tơ, và trong các Vắc-xin này, chúng được sử dụng như một loại phương tiện vận chuyển các thành phần chất liệu di truyền của Virus, bởi vì chúng chứa đựng bản thiết kế của một số Protein điển hình nào đó của con Virus cần phải bị loại trừ trong thực tế. Khi thông tin di truyền này đến được tế bào, thì các Protein của con Virus tương ứng sẽ được sao chép ở đó, và được xuất trình trên bề mặt của tế bào, nhờ đó, hệ thống miễn dịch phản ứng một cách chính xác với các Protein ấy, và tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể trước những con Virus mà chúng được biểu thị nơi bản thông tin di truyền vừa được đề cập ở trên[7].

 

IV.VẮC-XIN NGỪA COVID-19 DƯỚI QUAN ĐIỂM ​​LUÂN LÝ CÔNG GIÁO [14]

 

1.Tiêm chủng là một bước tiến vĩ đại đối với nhân loại:

 

Nhờ vào những thành tựu của khoa học từ những năm 1950, mà những Vắc-xin đầy công hiệu ngày nay đã ngăn cản được rất nhiều những căn bệnh hiểm nghèo có thể gây ra sự chết chóc cho hàng triệu người, chẳng hạn như bệnh Rubella, bệnh bại liệt, bệnh dại, sởi, thủy đậu và Ebola.

 

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã làm việc không ngơi nghỉ để chế tạo ra các loại Vắc-xin có khả năng khắc chế dịch bệnh Sars-Cov-2. Hàng trăm loại Vắc-xin đang được nghiên cứu để sản xuất trên khắp thế giới, và hiện tại, nhiều loại Vắc-xin đã được phê duyệt cũng như đã được sử dụng.

 

2.Mối liên hệ giữa một số Vắc-xin và việc phá thai:

 

Vào những năm 1990, những mối liên hệ đáng nghi ngờ về khía cạnh đạo đức trong việc sản xuất Vắc-xin đã được đặt ra: Vấn đề là, một số Vắc-xin đã được sản xuất bằng cách sử dụng các dòng tế bào của con người, mà những dòng tế bào ấy có nguồn gốc từ những bào thai bị phá. Điều này đã khiến cho nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo, đặt vấn đề rằng, liệu việc sử dụng những Vắc-xin ấy có phi đạo đức hay không khi xét đến cách thức mà chúng được sản xuất ra? Ngày nay người ta biết được một cách cụ thể rằng, một số Vắc-xin phòng bệnh sởi, bệnh quai bị, Rubella, bệnh dại, bệnh thủy đậu cũng như viêm gan A đều được sản xuất bằng việc sử dụng các tế bào thai nhi đã qua xử lý. Theo một bản báo cáo được công bố trên tạp chí Science vào tháng 06 năm 2020, thì ít nhất có năm loại Vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đã được sản xuất bằng việc sử dụng các dòng tế bào thai nhi bị phá[15].

 

a.Tại sao lại sử dụng mô thai nhi để sản xuất Vắc-xin?

 

Đối với những Vắc-xin có chứa những con Virus bất hoạt (đã bị vô hiệu hóa và không còn khả năng hoạt động) thì người ta cần tới các tế bào để có thể sản xuất ra một số lượng lớn các mầm bệnh. Trong khi nghiên cứu, người ta có thể sử dụng các tế bào của động vật (chẳng hạn như chuột đồng, khỉ, hay phôi từ trứng gà ấp), hoặc các tế bào được phát triển từ các mô của thai nhi người.

 

Các tế bào của thai nhi có các đặc tính là tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những con Virus mà chúng sẽ được sử dụng để làm Vắc-xin khi đã bị khống chế[16]. Virus gây bệnh cho con người sẽ sinh sôi nẩy nở trong những tế bào của bào thai con người nhanh hơn là trong những tế bào của súc vật. Bởi thế, khi nhân rộng chúng trong môi trường là các tế bào của bào thai con người, người ta sẽ sớm có được một lượng Vắc-xin đủ lớn, và do đó, có thể nhanh chóng đem chúng ra thị trường. Tế bào súc vật có thể chứa đựng những chất gây ô nhiễm. Chẳng hạn như khi người ta phát triển Vắc-xin bằng tế bào của loài gà thì sẽ có nguy cơ dẫn tới sự dị ứng với Protein của gà, hay dẫn tới sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.

 

b.Người ta biết gì về những dòng tế bào của bào thai người đang được sử dụng cách phổ biến nhất?

 

Những dòng tế bào của bào thai con người mà người ta sử dụng để phát triển Vắc-xin, không chỉ có nguồn gốc từ những tế bào thai nhi bị sẩy thai cách tự nhiên, nhưng chúng cũng còn có nguồn gốc từ những bào thai bị phá từ những năm 1960 tới 1985. Cho tới nay, người ta vẫn chủ yếu sử dụng hai dòng tế bào của hai thai nhi người (WI-38 và MRC5) để sản xuất ra các loại Vắc-xin với các Virus được để cho sống nhưng đã bị gây suy yếu, tức là Vắc-xin hữu hoạt (vẫn hoạt động). Một dòng tế bào khác cũng được sử dụng khá phổ biến ở một vài giai đoạn nhất định nào đó trong tiến trình phát triển Vắc-xin, đó là dòng tế bào HEK-293.

 

WI-38[17], MRC5[18] và HEK-293[19] đều là những dòng tế bào của bào thai con người đã được sử dụng từ năm 1960 tới nay để phát triển rất nhiều Vắc-xin khác nhau. Đó là những tế bào được phân tách từ mô của bào thai bị phá, và sau đó được nuôi cấy và nhân rộng trong phòng thí nghiệm.

 

*Dòng tế bào WI-38 được phát triển và nhân rộng từ các tế bào phổi của một nữ thai nhi 3 tháng tuổi người Mỹ. Thai nhi này đã bị phá vào năm 1961 do cha mẹ của em không muốn có thêm con cái. WI-38 đã được sử dụng để sản xuất một loại Vắc-xin có tính lịch sử, đó là Vắc-xin RA 27/3 nhằm ngăn ngừa dịch bệnh Rubella. WI là chữ viết tắt của viện Wistar (Wistar Institute).

 

*Dòng tế bào MRC5 có nguồn gốc từ các tế bào được lấy từ phổi của một nam thai nhi 14 tuần tuổi bị phá tại Anh vào năm 1966. Mẹ của thai nhi ấy là một phụ nữ khỏe mạnh, 27 tuổi, đã phá thai vì lý do tâm lý. MRC là chữ viết tắt của Hội Đồng Nghiên Cứu Y Khoa Medical Research Council.

 

*Dòng tế bào HEK 293 được phát triển từ thận của một bào thai người Hà-lan vào năm 1973. Cho đến nay người ta vẫn chưa biết được, liệu bào thai ấy có phải là kết quả của một ca sẩy thai tự nhiên hay không, hay cũng là kết quả của một vụ phá thai. HEK là chữ viết tắt của tế bào Phôi Thận Con Người - Human Embryonic Kidney.

 

*Còn có một dòng tế bào khác cũng được sử dụng trong nghiên cứu Vắc-xin, đó là dòng tế bào PER.C6. Dòng tế bào này được nhà Sinh Học Tế Bào người Hà-lan tên là Alex J.Van der Eb, phát triển vào năm 1995 từ tế bào võng mạc của một bào thai người Hà-lan bị phá vào năm 1985. Chính Alex J.Van der Eb cũng đã phát triển dòng tế bào HEK 293.

 

Những ca phá thai – hay cũng có thể là do sẩy thai như trong trường hợp của HEK-293 – đã tạo ra 4 dòng tế bào có nguồn gốc từ cách nay khoảng 35 đến 60 năm.

 

c.Vậy câu hỏi được đặt ra là, có mô bào thai người trong Vắc-xin không?

 

Không. Để làm Vắc-xin, những con Virus phải ở trong tình trạng được rửa sạch, và những vết tích của tế bào – có thể do chúng bám vào những con Virus trong lúc nuôi cấy -, cũng phải bị loại bỏ hoàn toàn khỏi những con Virus đó[20].

 

d.Mỗi khi dùng tế bào thai nhi để nuôi cấy Virus làm Vắc-xin, có cần phải thực hiện một hoặc nhiều ca phá thai mới hay không?

 

Không. Để sản xuất Vắc-xin, không cần tới mô bào thai của một ca phá thai mới. Thuật ngữ “Dòng tế bào” có nghĩa là, những tế bào ấy được phát triển và nhân rộng cách liên tục từ một tế bào đã được phân tách khỏi một bào thai của một ca phá thai trước đây, rồi được nuôi cấy để nó càng ngày càng sản sinh ra nhiều tế bào khác. Như vậy, không phải lúc nào cũng cần tới một hay nhiều bào thai mới để có thể sản xuất Vắc-xin[21].

 

c.Vắc-xin Covid-19 nào đã sử dụng tới dòng tế bào thai nhi?

 

Nói chung, hiện đang có rất nhiều những dự án sản xuất Vắc-xin Covid-19, trong đó bao hàm cả các dự án sản xuất của Sanofi et GSK Protein Sciences (của Mỹ và Pháp), Institut Pasteur et Themis und Merck (của Pháp, Áo và Mỹ), và CureVac (của Đức). Hầu hết các dự án sản xuất Vắc-xin ngừa Covid-19 đều sử dụng tế bào thai nhi trong tất cả các quá trình từ nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển cho tới sản xuất Vắc-xin. Tuy nhiên, cũng có dự án chỉ sử dụng tế bào thai nhi trong một giai đoạn sản xuất nhất định nào đó thôi. Và cũng có dự án hoàn toàn không sử dụng đến tế bào thai nhi trong bất cứ giai đoạn phát triển, thử nghiệm hay sản xuất nào.

 

Vào ngày 04.01.2021, viện nghiên cứu Charlotte Lozier của Hoa Kỳ đã công bố một tài liệu với cái nhìn tổng quát về việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất Vắc-xin Covid-19. Với tài liệu này, người ta sẽ biết được dòng tế bào thai nhi người đã được sử dụng như thế nào trong các giai đoạn khác nhau của mỗi dự án. Bản danh sách về các dự án phát triển Vắc-xin do viện Charlotte Lozier đưa ra đặc biệt lưu tâm tới những Vắc-xin được phát triển theo phương thức hiện đại nhất, và liên tục cập nhật tình hình sản xuất Vắc-xin Covid-19 trên thế giới.

 

Theo viện nghiên cứu Charlotte Lozier thì hai loại vắc-xin do Pfizer và Moderna sản xuất đều dựa trên công nghệ Vắc-xin mRNA, do đó, không sử dụng tế bào thai nhi để phát triển Virus, vì hai loại Vắc-xin này không sử dụng Virus[22]. Bên cạnh đó, viện Charlotte Lozier còn đưa ra một bản Danh sách đầy đủ về các loại Vắc-xin ngừa COVID-19 hiện đang được phát triển và mối liên hệ của chúng với các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai như thế nào[23].

 

Ngoài ra, Văn phòng Tổng Thư Ký Phụ trách các Hoạt động Chống Phá thai, một ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, cũng đã tuyên bố: “Cả Pfizer và Moderna đều không sử dụng dòng tế bào có nguồn gốc từ bào thai bị phá trong quá trình phát triển hoặc sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, một dòng tế bào như vậy đã được sử dụng để kiểm nghiệm tính hiệu quả của cả hai loại vắc-xin này. Vì vậy, trong khi cả hai loại Vắc-xin đều không hoàn toàn không sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ bào thai bị phá, thì trong cả hai trường hợp này, việc sử dụng các dòng tế bào là rất khác so với hành động trái đạo đức ban đầu của việc phá thai… Mỗi người đều có thể tiếp nhận bất kỳ loại Vắc-xin nào trong số các loại Vắc-xin được khuyến cáo lâm sàng với thiện chí tốt đẹp và với sự đảm bảo rằng, việc tiếp nhận các loại Vắc-xin như vậy là không có liên can gì đến hành động vô đạo đức của việc phá thai.”[24]

 

3.Quan điểm của Tòa Thánh Vatican: Vắc-xin Corona “được chấp nhận xét về khía cạnh luân lý

 

Giáo Hội Công giáo có một lập trường rất rõ ràng về vấn đề phá thai. Vì thế, bất cứ Vắc-xin nào cũng cần phải được làm sáng tỏ về mặt luân lý rằng, liệu trong lúc sản xuất hay phát triển, những Vắc-xin ấy có liên hệ gì tới việc phá thai hay không[25]. Khi phải đối diện với cơn đại dịch Corona nhưng lại thấy các loại Vắc-xin Covid-19 có vấn đề về luân lý, rất nhiều người đã đặt câu hỏi cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh Vatican.

 

Trước tình hình đại dịch như thế, nền tảng cho một sự cân nhắc về mặt đạo đức chính là câu hỏi, liệu trong những trường hợp nghiêm trọng, người ta có được phép thụ hưởng một điều chi đó gọi là „tốt lành“ ngay cả khi nó là kết quả của những hành vi không thể chấp nhận được xét về khía cạnh luân lý hay không? Câu trả lời của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là: không tán thành điều xấu, nhưng chấp nhận chuyện đã rồi với mục đích đạt được điều tốt[26].

 

Để đưa ra câu trả lời trên, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã dựa vào huấn thị „Dignitas Personae“ về một số vấn đề liên hệ đến đạo đức sinh học[27] [28]. Huấn thị này được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chuẩn thuận vào năm 2008. Thánh Bộ cũng dựa vào hai văn kiện khác của Hàn lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống (2005[29] và 2017[30]). Trong bản hướng dẫn của mình được công bố vào ngày 21.12.2020[31], Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đưa ra kết luận rằng, ở đâu không có những Vắc-xin „hoàn hảo về khía cạnh đạo đức“ để sử dụng, thì có thể sử dụng những loại Vắc-xin khác „mà chúng có thể chấp nhận được xét về khía cạnh luân lý“, ngay cả khi người ta đã sử dụng các dòng tế bào của thai nhi người để phát triển và sản xuất ra những Vắc-xin đó.

 

Lý chứng của Giáo hội Công Giáo đặt nền tảng trên những cân nhắc sau:

 

*Không hợp pháp hóa việc phá thai: Việc giết chết thai nhi bằng việc phá thai vẫn luôn bị coi là một tội ác nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu ai sử dụng một loại Vắc-xin nào đó, mà Vắc-xin ấy được phát triển và sản xuất bằng việc sử dụng mô thai nhi, thì không phải vì thế mà người ấy trở thành kẻ tán thành việc phá thai, hay trở thành kẻ đồng lõa với một dự tính phi luân lý, tức „hợp tác chính thức“ với những kẻ thực hiện dự tính đó.

 

Nhưng đồng thời, Thánh Bộ cũng tuyên bố một cách rõ ràng rằng, việc đồng ý sử dụng các loại Vắc-xin như vậy trong một số trường hợp nhất định, không phải là hợp pháp hóa việc phá thai, „ngay cả khi đó là một sự hợp pháp hóa cách gián tiếp“ – và cũng không phải là một sự chuẩn y về mặt đạo đức đối với việc sử dụng các dòng tế bào của các thai nhi bị phá. Huấn thị của Tòa Thánh Vatican khẩn khoản kêu gọi các nhà nghiên cứu cũng như các công ty dược phẩm, „hãy phát triển các loại Vắc-xin hợp luân lý, tức những Vắc-xin không tạo ra các vấn đề lương tâm“. Đồng thời, Tòa Thánh cũng khuyến cáo rằng, không nên có bất kỳ sự khuyến khích nào trước việc sản xuất ra những Vắc-xin khác mà trong quá trình sản xuất ra chúng, có sử dụng đến dòng tế bào của các thai nhi bị phá. Bởi nếu có sự khuyến khích như thế thì có nghĩa là đã gián tiếp ủng hộ các ca phá thai.

 

*„Những trách nhiệm khác nhau“: Việc sử dụng Vắc-xin không liên can gì tới việc hợp tác đáng kể nào đó xét về khía cạnh luân lý với các vụ phá thai tự ý đã xảy ra cách nay khá lâu. Các vụ phá thai được thực hiện trong thế kỷ trước, mà từ những thai nhi bị phá đó, phát sinh ra cái được gọi là dòng tế báo, đã diễn ra một cách độc lập với việc nghiên cứu Vắc-xin Covid-19.

 

Khi phải đối diện với cơn đại dịch Corona hiện tại, „tất cả các loại Vắc-xin nào được công nhận là hiệu quả và an toàn về khía cạnh y khoa, thì cũng đều được phép sử dụng“ – Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố. Điều này được soi sáng bởi thực tế rằng, không phải tất cả mọi người có liên quan đều phải mang một trách nhiệm như nhau trước một vụ việc bất chính: „Nghĩa vụ luân lý không đòi buộc người ta phải tránh một sự hợp tác về mặt chất thể mang tính thụ động như thế nếu như đang có một mối nguy hiểm thực sự nghiêm trọng, chẳng hạn như đang có sự lây lan của một mầm bệnh nguy hiểm – mà trong trường hợp này là sự phát tán của Virus Sars-Cov-2, tức Virus đang gây ra đại dịch Covid-19“.

 

Ở đây, Tuyên Bố của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã chưng dẫn số 35 của Huấn Thị Dignitas Personae, nói về „các trách nhiệm khác nhau“ của từng người liên hệ[32]. Như vậy, một nhà nghiên cứu làm việc trong một công ty với những dòng tế bào có nguồn gốc phi pháp, và nhà nghiên cứu ấy không có quyền quyết định đối với việc sử dụng sản phẩm của công ty, thì sẽ không mang cùng một trách nhiệm giống như của những người đưa ra quyết định về việc khai thác sản phẩm, hay giống với trách nhiệm của các cơ quan chỉ mua cho dân chúng một lượng Vắc-xin lớn.

 

*Không có nghĩa vụ phải tiêm chủng, nhưng phải có trách nhiệm với đời sống xã hội: Tự thân, để cho mình được tiêm chủng „không phải là một nghĩa vụ bó buộc về mặt luân lý“, và vì thế, nó phải là một hành vi „tự nguyện“. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, „một sự tiêm phòng sẽ được coi là thích đáng, trước tiên là để bảo vệ những người yếu sức và những người dễ bị phơi nhiễm nhất khi không còn cách nào khác để ngăn chặn cơn đại dịch“. Những ai vì lý do lương tâm hay vì bất kỳ lý do nào khác mà từ chối tiêm phòng, thì vẫn có bổn phận chung là phải „ngăn ngừa làm sao, thông qua những hành vi thích hợp, để mình không trở thành kẻ mang Virus“ và qua đó, không mang đến „sự rủi ro về sức khỏe“ cho những người chung quanh – Huấn Thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh.

 

4.Quan điểm của Giáo hội Công giáo không thay đổi trong thời gian diễn ra dịch Corona:

 

Giáo hội không thay đổi quan điểm của mình về những Vắc-xin này, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng dựa trên những tuyên bố trước đây[33]. Trong một văn kiện được công bố vào năm 2005 về những cân nhắc luân lý liên quan đến những Vắc-xin này[34], Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống khẳng định rằng, được phép sử dụng những Vắc-xin ấy trong một thời gian giới hạn nếu như việc không sử dụng chúng sẽ khiến cho nhiều người gặp nguy hiểm nghiêm trọng về sức khỏe.

 

Huấn Thị Dignitas personae (2008) lưu ý rằng, trước những đòi hỏi nghiêm trọng, chẳng hạn như trước „sự nguy hiểm cho sức khỏe của con cái, các bậc cha mẹ được phép sử dụng một loại Vắc-xin đã được phát triển từ việc sử dụng những dòng tế bào có nguồn gốc phi luân, trong khi mỗi người đều có bổn phận phải bày tỏ sự khước từ của mình, cũng như có bổn phận đòi buộc hệ thống y tế phải cung cấp cho mình những loại Vắc-xin khác.“[35]

 

Vào năm 2017, cùng với hai tổ chức khác của Italia, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống[36] đã đưa ra một tuyên bố chung. Tuyên bố được soạn thảo trước khi có đại dịch Corona đã nhấn mạnh tới tính cấp thiết của việc phải chấp nhận Vắc-xin để bảo vệ sức khỏe của người khác: họ sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự miễn dịch chung của xã hội.

 

5.Kết luận:

 

Tóm lại, Huấn Thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã làm sáng tỏ rằng, việc sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ các thai nhi bị phá là một điều vô trách nhiệm xét về mặt đạo đức. Tuy nhiên, vì những lý do nghiêm trọng, người ta có thể được phép sử dụng những loại Vắc-xin mà chúng được sản xuất bằng việc sử dụng các dòng tế bào của các thai nhi bị phá, để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như của những người khác nếu không có sẵn các Vắc-xin hữu hiệu khác để thay thế.

 

Ngoài việc xác định rõ, điều gì được chấp nhận và điều gì không được phép xét về mặt đạo đức, các tài liệu nêu trên cũng chỉ ra nghĩa vụ phải ủng hộ các lựa chọn thay thế, và sử dụng chúng bất cứ khi nào có thể.

 

V.NGUYÊN VĂN BẢN HƯỚNG DẪN LUÂN LÝ VỀ VIỆC SỬ DỤNG MỘT SỐ VẮC-XIN NGỪA COVID-19 CỦA THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

 

Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin

Hướng Dẫn Luân Lý

Về Việc Sử Dụng Một Số Vắc-Xin Ngừa Covid-19

 

Nhìn chung, vấn đề sử dụng các loại Vắc-xin hiện đang là trung tâm điểm của các cuộc tranh luận. Trong những tháng gần đây, Thánh Bộ này đã nhận được rất nhiều yêu cầu xin đưa ra chỉ dẫn về việc sử dụng các Vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 Virus, tức dịch bệnh Covid-19, mà trong quá trình nghiên cứu và sản xuất, các Vắc-xin ấy đã sử dụng các dòng tế bào được phân tách từ các mô của hai thai nhi bị phá trong thế kỷ vừa qua. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều những tuyên bố hàm hồ, đôi khi trái ngược nhau của các Giám mục, các Hiệp Hội Công Giáo cũng như của các chuyên viên. Những tuyên bố ấy được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và tất cả đều đặt ra câu hỏi về vấn đề đạo đức trước việc sử dụng những Vắc-xin vừa nêu.

 

Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống đã công bố một văn kiện hết sức quan trọng liên quan tới vấn đề trên. Văn kiện này được công bố vào ngày 05.07.2005 với tựa đề: „Những cân nhắc luân lý về các Vắc-xin được sản xuất từ các tế bào thai nhi bị phá“ (05.06.2005). Ngoài ra, Thánh Bộ này cũng đã thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đang được nói tới đây qua huấn thị “Dignitas personae” (08.09.2008, xc. Số 34 và 35). Vào năm 2017, Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống đã tái đề cập tới đề tài này thêm một lần nữa trong một văn kiện. Những văn kiện nêu trên đã đưa ra một số những tiêu chí chung mang tính định hướng.

 

Vì những Vắc-xin đầu tiên ngừa Covid-19 đã được phân phối cũng như đã sẵn sàng để được sử dụng tại một số quốc gia rồi, nên Thánh Bộ này chỉ muốn đưa ra một số chỉ dẫn nhằm giải thích rõ ràng về hoàn cảnh thực tế hiện nay. Ở đây không có ý đánh giá về sự an toàn cũng như về tính hiệu quả của những Vắc-xin ấy, - mặc dù điều đó cũng rất quan trọng và cần thiết xét về khía cạnh luân lý -, vì sự đánh giá ấy thuộc trách nhiệm của những nhà nghiên cứu y sinh học cũng như của các cơ quan phụ trách về y tế. Vậy, mục đích của văn kiện này chỉ là lưu ý tới những khía cạnh luân lý trong việc sử dụng những Vắc-xin ngừa Covid-19 mà chúng được phát triển từ các dòng tế bào được lấy từ mô của hai thai nhi không phải là những ca sẩy thai.

 

1.Như Huấn Thị Dignitas Personae khẳng định, trong những trường hợp mà trong đó các tế bào được sử dụng có nguồn gốc từ các thai nhi bị phá để sản xuất ra những dòng tế bào cho việc nghiên cứu khoa học, thì sẽ có „những trách nhiệm khác nhau“[37] khi tham gia vào cái ác. Chẳng hạn như „trong những công ty sử dụng dòng tế bào có nguồn gốc bất chính, thì những ai không có quyền quyết định, sẽ không có cùng một trách nhiệm giống như trách nhiệm của những người quyết định về hướng sản xuất“[38].

 

2.Nếu như không có sẵn các loại Vắc-xin ngừa Covid-19 hợp luân lý để sử dụng – chẳng hạn như tại những quốc gia mà ở đó, những Vắc-xin không có vấn đề gì xét về khía cạnh luân lý, lại không có sẵn để trao cho các Bác sĩ hay cho các bệnh nhân, hay ở bất cứ nơi đâu việc phân phối các Vắc-xin ấy gặp phải nhiều khó khăn vì điều kiện vận chuyển hay vì phải bảo quản cách đặc biệt, hoặc tại chính quốc gia ấy người ta phân phối những loại Vắc-xin khác nhau, nhưng các cơ quan phụ trách về y tế không cho phép công dân tự quyết định về việc mình nên được chích ngừa với Vắc-xin nào – thì, xét về mặt luân lý, đều được phép tiếp nhận việc chích ngừa Covid-19 với những Vắc-xin mà trong quá trình phát triển và sản xuất, chúng đã sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ các thai nhi bị phá.

 

3.Lý do chính yếu để coi việc sử dụng những Vắc-xin như thế là được phép xét về mặt luân lý, nằm ở chỗ là, cách thức cộng tác (cộng tác cụ thể nhưng thụ động) vào tội ác phá thai, mà các thai nhi bị phá đó phát sinh ra các dòng tế bào, thì đối với những ai tiếp nhận những Vắc-xin được sản xuất từ những dòng tế bào ấy, sẽ chỉ là một sự cộng tác lờ mờ (cộng tác từ xa). Trách nhiệm luân lý không buộc người ta phải tránh cho được một sự cộng tác cụ thể nhưng thụ động như thế, nếu như người ta đang phải đối diện với một mối nguy hiểm nghiêm trọng, chẳng hạn như sự phát tán không thể dập tắt của một mầm bệnh nguy hiểm – trong trường hợp này, đó là sự lây lan của đại dịch Covid-19, có nguồn gốc từ Virus SARS-CoV-2[39]. Như vậy, có thể khẳng định được rằng, tất cả những Vắc-xin nào được công nhận là an toàn và hiệu quả xét về mặt y khoa, thì đều có thể được sử dụng trong trường hợp này, với lương tâm chắc chắn rằng, việc sử dụng các Vắc-xin ấy không phải là sự cộng tác chính thức vào việc phá thai, mà từ các thai nhi bị phá ấy, có được các tế bào để sử dụng cho việc sản xuất các Vắc-xin. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc sử dụng các loại Vắc-xin đó chỉ được coi là hợp pháp xét về mặt luân lý dựa trên những điều kiện đặc biệt mà chúng đáp ứng những điều được nêu ở trên, bởi vì tự nó, hành vi phá thai không thể được coi là hợp pháp (kể cả là trực tiếp), và với điều kiện rằng, những người sử dụng các Vắc-xin vẫn phải phản đối việc phá thai.

 

4.Thực ra, việc cho phép sử dụng những Vắc xin như thế, không có nghĩa, và trong bất cứ cách nào, cũng không được phép hiểu đó là một sự tán thành về mặt luân lý đối với việc sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ những thai nhi bị phá[40]. Vì thế, cả các công ty dược lẫn các cơ quan nhà nước về y tế cũng đều được kêu gọi hãy sản xuất, chuẩn thuận, phân phối và giới thiệu những Vắc-xin hợp luân lý mà chúng không gây ra bất cứ vấn đề gì về lương tâm cả với những nhân viên y tế lẫn những người sử dụng Vắc-xin.

 

5.Đồng thời, lý trí thực tiễn cũng cho thấy một cách rõ ràng rằng, thông thường thì việc tiêm chủng không phải là một bổn phận luân lý, và do đó, nó phải là một hành vi tự nguyện. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tính luân lý của việc tiêm chủng không chỉ dặt nền tảng trên bổn phận phải bảo vệ sức khỏe của riêng mình, nhưng cũng còn đặt nền tàng cả trên bổn phận phải theo đuổi lợi ích chung nữa. Khi không có những cách thức khác để ngăn chặn đại dịch hay phòng ngừa nó, thì người ta được khuyên hãy tiêm chủng, trước tiên là để bảo vệ những người yếu sức nhất cũng như những người dễ bị tổ thương nhất. Nhưng những ai vì lý do lương tâm mà từ chối việc sử dụng Vắc-xin, vì Vắc-xin được sản xuất từ những dòng tế bào có nguồn gốc từ những thai nhi bị phá, thì họ phải cố gắng, chẳng hạn như sử dụng những phương tiện phòng ngừa khác hay những cách thức thích hợp để làm sao mình đừng trở thành người phát tán mầm bệnh cho người khác. Đặc biệt là họ phải tránh mang đến bất cứ mọi rủi ro nào cho sức khỏe của những người mà vì lý do y tế hay vì những lý do khác, không thể tiêm chủng, cũng như cho những người dễ bị tổn thương nhất.

 

6.Sau cùng, cũng có một đòi hỏi luân lý đối với những công ty dược phẩm, đối với chính quyền cũng như đối với các tổ chức quốc tế. Họ phải bảo đảm rằng, các loại Vắc-xin hiệu quả và an toàn về mặt y tế, cũng như hợp luân lý, phải đến được với những nước nghèo nhất với giá cả không quá cao đối với những nước ấy. Nếu không thì việc không được tiêm chủng sẽ trở thành một nguyên cớ tiếp theo dẫn tới sự phân biệt đối xử cũng như sự bất công, và đồng thời, đẩy các nước nghèo túng tới chỗ luôn luôn bị bất lợi về y tế, kinh tế cũng như xã hội[41]. 

 

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, trong cuộc tiếp kiến dành riêng cho vị Tổng Trưởng ký tên dưới đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã xem xét văn kiện này và đã cho phép được công bố.

 

Rô-ma, trụ sở Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin,

ngày 21 tháng 12 năm 2020

nhân ngày Lễ kính Thánh Phê-rô Canisiô.

 

Hồng Y Luis F. Ladaria, S.J

 

Tổng Trưởng

 

S.E. Mons. Giacomo Morandi

Tổng Giám Mục hiệu tòa Cerveteri

Thư Ký

 

 

[1]Xc: https://de.wikipedia.org/wiki/Impfstoff)

 

[2] K. Bourzac, D. Bernoulli: Smallpox: Historical Review of a Potential Bioterrorist Tool. In: Journal of Young Investigators. Band 6, Ausgabe 3, 2002.

 

[3] Sudhoffs Archiv. Band 90, Heft 2, 2006, S. 219–232.

 

[4] Arthur W. Boylston: The Myth of the Milkmaid. In: New England Journal of Medicine. Band 378, Nr. 5, Februar 2018, ISSN 0028-4793, S. 414–415, doi:10.1056/NEJMp1715349.

 

[5]Tetanospasmin là độc tố uốn ván. Đó là một chất độc thần kinh cực kỳ mạnh được tạo ra bởi tế bào sinh dưỡng của vi khuẩn Clostridium tetani trong điều kiện yếm khí, và gây bệnh uốn ván.

 

[6]Toxoid là một độc tố bất hoạt (thường là ngoại độc tố) mà độc tố của nó đã bị triệt tiêu bằng hóa chất (formalin) hoặc qua xử lý nhiệt, trong khi các đặc tính khác, điển hình là tính sinh miễn dịch, vẫn được duy trì. Vắc-xin Toxoid là Vắc-xin uốn ván (Tetanus vaccine), hay cũng còn được gọi là giải độc tố uốn ván (tetanus toxoid:TT), là một loại Vắc-xin bất hoạt (Vắc xin chết) được sử dụng để ngăn ngừa uốn ván.

 

[7]Có những đánh giá nào đối với Vắc-xin Corona chưa? Xc: ndr.de – từ ngày 18.09.2020; truy cập ngày 14.01.2021.

 

[8]Viện Paul-Ehrlich: Hướng dẫn mới của WHO về Vắc-xin DNA hiện đại. Xc: pei.de - từ ngày 09.07.2020; truy cập lần cuối ngày 19.01.2021.   

 

[9] Viện Paul-Ehrlich: Những khái niệm Vắc-xin nào được theo đuổi khi phát triển một Vắc-xin chống SARS-CoV-2? Xc: pei.de từ ngày 03.04.2020; truy cập lần cuối ngày 19.01.2021.

 

[10]Viện Fraunhofer về Hệ thống Sản xuất và Công nghệ Thiết kế: Sắp có thuốc cứu - Vắc-xin đặt nền tảng trên mRNA để ngăn ngừa loại Virus mới – Virus Corona – đang rất hứa hẹn, nhưng rất khó sản xuất. Có thể tăng tốc quá trình sản xuất Vắc-xin ấy bằng các quy trình mới không? Xc. Mục "Hỗ trợ bảo vệ phân tử" trên: ipk.fraunhofer.de - từ năm 2021, truy cập lần cuối ngày 19.01.2021.

 

 [11]Thuật ngữ hạt nano (Nanopartikel) biểu thị các hợp chất có từ vài đến vài nghìn nguyên tử hoặc phân tử. Danh từ nano đề cập đến kích thước của chúng, thường từ 1 đến 100 nanomet; Một nanomet (viết tắt: nm) tương ứng với 10−9 = 0,000 000 001 mét = 1 phần tỷ mét. “Nano” có nguồn gốc từ “nanos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người lùn” hoặc “lùn tịt”.

 

[12] Sử dụng mRNa để điều trị các khối u. Xc: pharmaceutical-technology.com – từ ngày 15.02.2018; truy cập lần cuối ngày 22.10.2020.

 

[13]Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính, một nhóm gây bệnh ở chim, và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú, bao gồm cả cho người, người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người, một số loài động vật khác, và Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào những đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.

 

[14]xc. Susanne Kummer - Imabe - Viện Y tế - Nhân chủng học và Đạo đức Sinh học – ngày: 12.01.2021 - https://www.imabe.org/imabeinfos/covid-19-impfstoffe-ethische-stellungnahme-zu-fragen-der-herstellung

 

[15]Wadman , M., Những người chống phá thai phản đối việc sử dụng Vắc-xin COVID-19 vì sử dụng tế bào thai nhi, doi:10.1126/science.abd1905 (Jun. 5, 2020)

 

[16]Trong khi sản xuất Vắc-xin sống, mầm bệnh sẽ bị làm suy yếu thông qua các quá trình đặc biệt và do đó làm mất một phần hoặc hoàn toàn các đặc tính gây bệnh của chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể kích hoạt hệ miễn dịch trong cơ thể. Các mầm bệnh suy yếu vẫn còn khả năng sinh sôi nảy nở và có thể dẫn đến các phản ứng trong cơ thể con người tương tự như khi họ bị nhiễm Virus thật.

 

[17]https://de.wikipedia.org/wiki/WI-38

 

[18]https://de.wikipedia.org/wiki/MRC-5

 

[19]https://de.wikipedia.org/wiki/HEK-Zellen

 

[20]Austriaco, Nicanor P.G., O.P., Moral Guidance on Using COVID-19 Vaccines Developed with Human Fetal Cell Lines, in: The Public Discourse, 26. Mai 2020

 

[21] Vgl. Paul A. Offit, MD, Childrens’s Hospital of Philadelphia, 13. Juli 2020  https://www.chop.edu/centers-programs/vaccine-education-center/vaccine-ingredients/fetal-tissues

 

[22]xin tham khảo tài liệu của viện Charlotte Lozier theo đường link này: https://s27589.pcdn.co/wp-content/uploads/2020/06/An-Ethics-Assessment-of-COVID-19-Vaccine-Programs_On-Point-46.pdf).

 

[23]xin tham khảo tại đường link này: https://lozierinstitute.org/update-covid-19-vaccine-candidates-and-abortion-derived-cell-lines/

 

[24]Xin tham khảo tại đường link này: https://www.usccb.org/resources/Answers%20to%20Key%20Ethical%20Questions%20About%20COVID-19%20Vaccines.pdf).

 

[25]Cần lưu ý rằng, ngoài Thần học luân lý Công giáo ra, thì một nhận thức cũng đã phát triển trong xã hội, nhận thức ấy nhìn nhận rằng, theo nghĩa toàn diện, “sự thiện hảo của một sản phẩm” không thể được đo lường tách biệt với các điều kiện mà nó được tạo ra.

 

[26]Stefan von Kempis, Vatican: Vắc xin Corona "được chấp nhận về khía cạnh luân lý" VaticanNews 21.12.2020

 

[27]Huấn Thị Dignitas Personae về một số thắc mắc liên quan tới vấn đề đạo đức sinh học  - Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 20.06.2008

 

[28]Những cân nhắc mang tính luân lý về các loại Vắc-xin được sản xuất bằng cách sử dụng các tế bào của thai nhi bị phá. Học viện Giáo hoàng về Sự sống (05.06.2005)

 

[29]Những lưu ý của Italia về việc sản xuất Vắc-xin. Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống (31.07.2017)

 

[30]Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin: Hướng Dẫn Luân Lý Về Việc Sử Dụng Một Số Vắc-xin Ngừa Covid-19, 21.12.2020

 

[31]Xin coi Schlag, M., Giải thích Huấn Thị Dignitas Personae về một số thắc mắc liên quan tới vấn đề đạo đức sinh học của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong Imago Hominis (2009), 16: 14-21

 

[32]Tại sao Giáo hội Công giáo bày tỏ quan điểm về Vắc-xin Covid-19, xc: Spiegel, 23.12.2020

 

[33] Xc. Ghi chú [11]

 

[34] Xc. Ghi chú [10]

 

[35] Xc. Ghi chú [12]

 

[36]Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Dignitas personae (08. 12.2008), Số. 35; Acta Apostolicae Sedis (AAS) số (100), 884.

 

[37]Như Trên, số 885

 

[38]Xc. Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống, „Những Cân Nhắc Luân Lý về các loại Vắc-xin được sản xuất từ những tế bào của thai nhi bị phá“, 05.06.2005

 

[39]Xc. Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống, „Những cân nhắc luân lý về những Vắc-xin được sản xuất từ những tế bào của thai nhi bị phá“, 05.06.2005

 

[40]Xc. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Dignitas personae, số 35: „Khi những gì bất hợp pháp được hỗ trợ bởi những điều luật mà chúng điều khiển hệ thống y tế và khoa học, thì người ta phải tránh cho xa những khía cạnh bất hợp pháp của hệ thống ấy để không tạo ra cảm tưởng rằng, mình có một sự bao dung nào đó hay một sự ngầm chấp nhận đối với những hành vi hết sức bất hợp pháp ấy. Bởi nếu tỏ ra bao dung hay ngầm chấp nhận như thế sẽ vô tình góp phần làm tăng thêm sự thờ ơ, nếu không muốn nói là tán thành, tức điều mà một số người trong ngành y tế và giới chính trị gia vẫn thể hiện đối với những hành vi ấy“.

 

[41]Xc. ĐTC Phan-xi-cô, Diễn Văn dành cho các tình nguyện viên và giới thân hữu của „Banco Farmaceutico“, 19.09.2020.

 

Lm. Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist (Tổng hợp và biên dịch)

 

 

 

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư