Đạo Yêu

( Cảm hứng từ thư của Albert Einstein viết cho con gái Lieserl )

 

    Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã hỏi mà không trả lời được:”Chữ tình là cái chi chi”?

    Xuân Diệu cũng hỏi tương tự:”Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”?

    Rồi ông diễn giải:

        “Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”

    Hàn Mặc Tử thì đến gần hơn với thực tế:

         “ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ…  Để nghe tơ liễu run trong gió”

         “ Và để xem trời giải nghĩa yêu”

         Sở dĩ, ta để các nhà thơ định nghĩa tình yêu, vì chỉ có nhạc và thi ca là gẩn gũi rung động nhất với chữ tình. Chứ để các nhà triết học và khoa học thì chỉ rách việc.

         Albert Einstein trong thư gởi cho con gái Lieserl, cho biết “Tình yêu là thứ năng lượng vĩ đại nhất thế gian”.

          Ông dặn dò con gái chỉ công bố điều này, sau khi ông mất càng lâu càng tốt. Vì ông biết, với thuyết tương đối có căn cứ khoa học, có công thức hẳn hoi mà thiên hạ còn tranh cãi, nhiều người còn không chấp nhận. Huống chi “tình yêu” là “năng lượng” mà ông chỉ xác tín sự hiện diện và mãnh lực vô bờ bến, chi phối toàn bộ vũ trụ của nó.

 

          Cái điều mà khoa học ngày nay chỉ hiểu biết lờ mờ, thì 2000 năm trước, thánh Gioan đã khẳng định chắc nịch:“Thiên Chúa là tình yêu”( 1 Ga 4,7).

          Đạo trời, Đạo Thiên Chúa, Ky Tô Giáo là đạo yêu:”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một, để những ai tin vào con của Người thì khỏi hư mất, nhưng được sống đời đời” ( Ga 3, 16)

          Thượng Đế là “Loại năng lượng xuất hiện mọi nơi, ảnh hưởng tới tất cả mọi người và thậm chí xuất hiện đằng sau những hiện tượng không thể lý giải nổi trên trái đất.”( thư Einstein gởi con gái Lieserl). 

          Albert Einstein là người Do Thái. Tôi nghĩ, ông hẳn là người thông thuộc Cựu Ước. Những điều ông khám phá, thật ra đã được khẳng định từ xa xưa trong thánh kinh.

          Theo Einstein:

“Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những người biết trao và nhận nó” ( Thư gởi con gái Lieserl)   

         Thì thánh Gioan mở đầu sách phúc âm của mình cũng đã viết:

“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” ( Ga 1, 9).

Và “ Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” ( Ga 8, 12).

 

“Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi đó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau”.( Thư gởi con gái Lieserl)

      Đây là cái “ái lực” vô cùng mãnh liệt giữa Tạo Hoá với tạo vật.

      Sách Sáng Thế Ký ghi lại: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người, theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” ( St 1, 26).

      Theo thánh Augustin, điều đó giải thích tại sao con người lại luôn khắc khoải, trong bản tính, luôn khát khao trở về với cội nguồn đã sinh ra mình: “Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” (Confessions)

      Chúa Giê Su cũng cầu nguyện với Chúa Cha:” Xin cho chúng hợp nhất làm một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” ( Ga 17, 21 ). Hiệp nhất là bản chất của tình yêu. Lực hấp đẫn đưa đến hiệp nhất.

      Einstein cũng khẳng định:

 

 Tình yêu là sức mạnh: bởi nó tổng hợp tất cả những thứ tốt nhất mà chúng ta có”( Thư gởi con gái Lieserl)

 

    Cũng như Einstein, Mahatma Gandhi, vị thầy đấu tranh bất bạo động của Ấn Độ cũng cho rằng:” Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu”

     Với phúc âm Chúa Giêsu thì: tình yêu thắng sự chết, sự chết là biểu hiện tột cùng của cái ác. Chúa phục sinh toàn thắng sự chết,“Cái chết không còn quyền hành gì với Ngài” ( Rm 4, 7). Tình yêu đã thắng sự chết thì không còn gì mạnh bằng.

 

Tình yêu là sự sống:“ Nếu loài người muốn tồn tại, nếu ta muốn tìm ý nghĩa sự sống, nếu ta muốn bảo vệ thế giới và tất cả những giống loài khác, tình yêu chính là câu trả lời đầu tiên và duy nhất” (Thư gởi cho con gái Lieserl)

      Tình yêu đem đến sự sống, sự tăng trưởng “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”( Ga 10, 10) ,“ Tôi là bánh trường sinh… ai ăn sẽ sống muôn đời” ( Ga 6, 51), là nước hằng sống:”Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát…đem lại sự sống đời đời”( Ga 4, 14).

      Rất nhiều trích dẫn ta có thể lấy ra từ kinh thánh, để chứng minh tình yêu gắn liền với sự sống và tăng trưởng.

 

      Tôi viết thêm cái mà Albert Einstein đã không đề cập trong thư.

 Một tình yêu điên rồ: Điên rồ ở đây không có nghĩa là tâm thần hoang tưởng, mà là khùng điên của nhà hiền triết, của kẻ quá si mê :”không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”( Ga 15, 13) .

      Là cái điên rồ của Thượng Trí: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng về một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,22).

     Ki Tô Giáo, đạo yêu thương, đạo “điên rồ“ của thập giá.

     Đó là sự thật, một sự thật hiển nhiên ẩn tàng nơi những nghịch lý.

 

     Ta không thể dùng cái hữu hạn của ta mà đo lường cái vô hạn của Thượng Đế. Nhưng nhờ mạc khải đến từ trên, ta mới thấy phần nào cái thực thể của linh giới.

     “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” ( Is 9, 1) trong máng cỏ nghèo hèn.

     “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu thầy, máu đổ ra vì anh em”( Lc 22, 20). Thiên Chúa giàu sang xuống làm thứ dân. Ngài lại tự nguyện chết trần truồng trên thập giá để chuộc tội cho ta .

       Tất cả cũng chỉ vì yêu thương

       Tình yêu là sự tự nguyện, là lời mời gọi, là sự kết hợp hai ngôi vị.

       Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất:“Tình yêu của Chúa là như thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, Nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta trước và đã gởi Con của Ngài đến làm của lễ xá tội cho chúng ta” ( 1 Ga 4, 10).

        Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô nhiều lần:”Simon, con ông Gioan, con có yêu mến thầy không?”. Phêrô đã trả lời nóng nảy:” Có, thầy biết con mến yêu thầy mà”( Ga 21, 15-22)

        Còn bạn và tôi, đối trọng của tình yêu cao vời của Thượng Đế. Chúng ta còn để Ngài mòn mỏi đến bao giờ?

 

 

        Tiếng Sa Mạc    

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư